Qua kết quả của một số cuộc nghiên cứu, các nhà khoa học cho hy vọng thuộc về lãnh vực cảm xúc, giống những loại cảm xúc khác như
hạnh phúc, yêu đời, vui sướng, kích thích, cảm hứng v.v… Trong số những cảm xúc đó, có lẽ hy vọng là thứ cảm xúc được xếp cao nhất vì
nó chính là suối nguồn để khơi dậy những cảm xúc kia.
Vậy hy vọng là gì?
Hy vọng chính là sự tin tưởng rằng những điều tốt đẹp sẽ xảy ra. Nó mang đến những điều khả thể. Nó truyền vào các giác quan của chúng
ta cảm giác của sự trông đợi và hưởng ứng rằng điều chúng ta mong muốn có thể sẽ đến.
Nhưng hy vọng khác với sự trông đợi ở chỗ: sự trông đợi có tiềm năng gây ra lo lắng, căng thẳng, tức giận và sợ hãi, trong khi hy vọng mang
đến sự bình an, ân cần và yêu thương. Hy vọng là độ rung tích cực vừa mang đến sự phấn khởi đồng thời cũng cho chúng ta sự điềm tĩnh.
Sự trông đợi cầm chân chúng ta trong cái hạn hẹp của sự thấu hiểu cuộc sống nhưng lại không chỉ cho chúng ta biết cách để chấp nhận nó.
Sự trông đợi mở ra một con đường thẳng duy nhất, trong khi hy vọng mở ra nhiều con đường thẳng cho chúng ta đi tới.
Trong cuộc sống, ai cũng cần phải có hy vọng. Hy vọng giúp chúng ta vượt qua được những nỗi khó khăn của hiện tại. Như Thiền sư Thích
Nhất Hạnh đã dạy: “Niềm hy vọng là điều rất quan trọng. Nó giúp cho hiện tại bớt khắc nghiệt. Nếu ta hy vọng rằng ngày mai sẽ tốt đẹp hơn,
ta sẽ chịu đựng được khó khăn của hôm nay.” Hay như Đức Đạt Lai Lạt Ma đã kể lại cho nhân thế về một kinh nghiệm sống: “Tôi tìm thấy hy
vọng trong những ngày đen tối nhất, và tập trung vào điểm sáng nhất. Tôi không phán xét thế gian.”
Hy vọng mang tính khuyến khích, trong khi sự trông đợi chỉ có tính cách hạn chế, ngăn không cho chúng ta đạt được những điều khả thể vô
vàn hiện hữu trong cuộc sống. Hy vọng cho phép chúng ta mở lòng ra để tiếp cận với kinh nghiệm sống bất tận. Hy vọng không chỉ đưa tới
một kết quả nhất định nào đó mà chính là cánh cửa mở ra với tất cả mọi kết quả.
Hy vọng cho chúng ta cảm nhận được ý nghĩa của sự lạc thú tận cùng. Nó giúp tâm hồn ta yên lắng và bình an, sống tử tế và yêu thương
chính mình cũng như tha nhân.
Có ai sống mà không cần tới hy vọng đâu. Ở bất cứ thời đại nào con người cũng cần sống với niềm hy vọng, và ở thời hiện tại này cũng vậy.
Hãy nhìn quanh thế giới ngay vào lúc này đây với biết bao nhiêu điều không hay đang xảy ra làm chúng ta có cảm tưởng như thế giới này
đang sắp sửa vỡ tung ra: chiến tranh, khủng bố, lụt lội, bão tố, hạn hán, động đất v.v… và vì vậy chúng ta càng cần phải sống với hy vọng
hơn.
Hiện nay trên thế giới, không dân tộc nào lại đang phải gánh chịu cảnh tai ương tang tóc cho bằng những người tị nạn Syria và một số quốc
gia lân cận. Trong suốt một năm nay, chúng ta đã nghe quá nhiều những câu chuyện đau lòng, nhìn thấy quá nhiều những hình ảnh tang
thương của từng đoàn người vượt Địa Trung Hải, rồi nối đuôi nhau lang thang lếch thếch trên những nẻo đường ở Âu châu. Nay thì không còn
ai muốn nhận họ nữa và họ đang bị gom lại vào các trại tập trung để chuẩn bị trả về lại Thổ Nhĩ Kỳ, và không chừng còn bị đẩy về bên kia
biên giới Syria. Cuộc sống của họ quả thật bi đát và tương lai thì mịt mù.
Họ là những con người đáng thương nhất vào lúc mà lương tâm và lòng thương xót của Âu châu đã cạn kiệt. Thế nên, vừa qua Đức Giáo
hoàng Francis đã đến thăm những con người khốn khổ đang bị giam trên hòn đảo Lesbos thuộc Hy Lạp và mang đến cho họ một thông điệp:
“Đừng đánh mất hy vọng.”
Có lẽ hy vọng là thứ mà họ đang cần lúc này nhất. Hy vọng sẽ làm họ bớt đi nỗi sợ hãi đang ngự trị trong lòng, là nhúm lửa soi sáng lối đi cho
họ vào lúc đang bị u mê làm cho tăm tối. Hy vọng là điều họ cần tập trung vào lúc này, và nếu làm được điều ấy, những bất hạnh sẽ tạm thời
nhẹ bớt đi cho đến khi hy vọng cất đi gánh nặng hay ít ra giúp họ đủ can đảm chịu đựng cho qua lúc khốn khó. Mà có lẽ chính hy vọng đã
thúc đẩy những bước chân đầu tiên đưa họ rời khỏi quê hương để làm cuộc hành trình đầy gian nan. Và trên đường đi chắc có lúc trong
niềm tuyệt vọng họ đã đánh mất hy vọng, nhưng rồi họ sẽ tìm lại được thôi vì không có hy vọng họ khó vượt qua nỗi thống khổ.
Người Việt chúng ta không lạ gì với hoàn cảnh đau thương mà người tị nạn Ả Rập đang phải đương đầu. Chúng ta thấu hiểu được kiếp ăn
nhờ ở đậu. Biết thế nào là tâm trạng tủi nhục khi phải ngửa tay xin chút lòng thương xót từ người khác. Chúng ta cũng đã từng bị xua đuổi,
từng bị gom lại và ép buộc đẩy lên những chuyến bay trả về nguyên quán. Và những điều này dường như đang được lập lại rập khuôn với
những người tị nạn của thế kỷ 21.
Và chúng ta biết rõ những con người đó không cần gì khác hơn là nuôi dưỡng hy vọng như dân tộc chúng ta cũng đã từng làm vậy trong thời
gian chiến tranh cũng như sau đó là vượt biên vượt biển để tìm đất sống.
Mà không chỉ những ai đang sống trong tuyệt vọng mới cần có hy vọng nhưng ngay cả trong đời sống bình thường phẳng lặng không sóng
gió như chúng ta đang được hưởng cũng nên nuôi dưỡng hy vọng vì ít ra nó có lợi cho sức khoẻ của mỗi người. Một nghiên cứu cho biết hy
vọng là yếu tố quyết định cho sức khoẻ tinh thần và thể chất. Người sống với nhiều hy vọng thì thường có những thói quen tốt: ngủ nghỉ đầy
đủ và tập thể dục đều đặn, ăn uống điều hoà và có cuộc sống tình dục chừng mực. Họ ít bị ốm vặt, ít có nguy cơ bị cao huyết áp và tiểu
đường, có nhiều khả năng tránh được ung thư và trầm cảm hơn.
Một số nghiên cứu khác còn cho thấy học trò sống với niềm hy vọng thường có điểm cao hơn. Cặp vợ chồng nào chịu chia sẻ với nhau hy
vọng và hoài bão thì thường cảm thấy hài lòng với cuộc sống lứa đôi hơn và có nhiều khả năng ăn đời ở kiếp với nhau.
Những ai biết sống với hy vọng thì không chỉ sống có mục đích và nguyện vọng mà họ còn biết phải làm gì để đạt được điều ấy và biết tự
khuyến khích mình để làm cho được. Hy vọng là tin tưởng vào tương lai tốt đẹp hơn hiện tại và ta có thể làm cho điều tốt đẹp ấy thành sự
thật. Hy vọng khác với lạc quan ở chỗ lạc quan thì tin một cách chắc nịch rằng khó khăn sẽ giải quyết được cho dù bằng cách này hay cách
khác.
Các nhà tâm lý nói rằng khi người ta đánh mất đi hy vọng là vì người ta tập trung quá nhiều vào nghịch cảnh. Thế nên, các nhà tâm lý khám
phá ra rằng con người ta có thể học hỏi kinh nghiệm để tự mình khôi phục lại niềm hy vọng.
Theo giáo sư khoa tâm lý Anthony Scioli, hy vọng là sự kết hợp của bốn thành phần: Sự gắn bó – ý thức về sự tín nhiệm và gắn kết với
người khác; sức mạnh tiềm ẩn – nhận thức về sự kiên cường và khả năng của mình; vượt khó – tin rằng mình không bị vướng trong hoàn
cảnh khó khăn và tìm ra lối thoát; và tính chất tinh thần – tin vào điều gì đó to lớn hơn chính cá nhân mình.
Những ai hội đủ tất cả bốn nguồn lực trên thì thường là người sống với nhiều hy vọng và do đó cũng là người sống kiên trì hơn.
Cũng theo giáo sư Scioli, các vị tổng thống Hoa Kỳ thường có thói quen đưa những điểm tích cực trên vào trong những bài diễn văn của họ
để nhằm gây cảm hứng hy vọng đến cho người nghe. Qua một nghiên cứu, giáo sư Scioli và các cộng sự đã khảo sát những bài diễn văn
nhậm chức nhiệm kỳ đầu của 10 vị tổng thống Hoa Kỳ vừa qua, bắt đầu với Dwight D. Eisenhower cho đến người cuối cùng là Barack
Obama (bỏ qua Gerald Ford vì ông này là người thừa kế chứ không được bầu lên) và chấm điểm dựa theo nội dung của bài diễn văn liên
quan đến những điểm như nói ở trên: sự gắn bó, sức mạnh tiềm ẩn, vượt khó và tính chất tinh thần.
Qua nội dung của bài diễn văn, nhóm nghiên cứu nhận thấy vị tổng thống mang lại nhiều hy vọng nhất là Barack Obma. Kế đến là Richard
Nixon. Tổng thống Nixon được điểm cao nhất ở sự gắn bó, trong khi tổng thống Obama được điểm cao nhất ở sức mạnh tiềm ẩn. John F.
Kennedy được điểm cao nhất ở vượt khó – ông nói về việc chống lại chủ nghĩa cộng sản và bảo đảm sự tự do cho tổ quốc. George W. Bush
thì được điểm cao nhất ở tính chất tinh thần.
Nếu hy vọng là thuộc về cảm xúc thì chúng ta có thể phần nào tác động lên cảm xúc ấy, nuôi dưỡng cho nó ngày một lớn dần hơn và như vậy
mới thấy cuộc sống này có ý nghĩa.
Hy vọng không chỉ là một cảm giác dễ chịu, thích thú. Hơn thế, nó mang sức mạnh tinh thần đến cho chúng ta. Nó cho ta sự tự tin rằng nếu ta
cố gắng thì ta có thể thành công. Nó là động lực thúc đẩy ta mưu tìm cơ hội và điều khả thể. Hy vọng thúc dục ta cố gắng làm việc cật lực
hơn và không lùi bước trước nghịch cảnh và thất bại. Bởi vì ngay trong thời kỳ đen tối nhất của cuộc đời ta vẫn thấy thấp thoáng đâu đó niềm
hy vọng, nhưng với điều kiện là nếu chúng ta biết cảm nhận nó.
Huy Lâm