logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
phai  
#1 Đã gửi : 04/05/2016 lúc 08:17:35(UTC)
phai

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 13,123

Cảm ơn: 4 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Bốn chữ Từ Bi Hỷ Xả là bốn chữ mà có lẽ chúng ta nghe nói tới nhiều nhất, thường xuyên nhất. Khi nói tới đạo Phật, lúc nào chúng ta cũng nghe nói đó là đạo của Từ Bi. Đối với người tu, lúc nào chúng ta cũng có hai phạm trù.

Một phạm trù là lúc ta ngồi tu luyện để phát triển thiền định và trí huệ Bát Nhã. Việc ngồi tu một mình thường các bác thấy là hình ảnh của các vị tăng hay các vị thiền sư. Các bác đọc những cuốn sách như Truyện Nang Lục, lúc nào chúng ta cũng thấy nói tới các vị thiền sư, hình ảnh của nhà Phật, hình ảnh của những nhà sư ngồi thiền, trầm lặng vô cùng. Nhiều khi các bác vô chùa thấy hình ảnh đức Phật ngồi trên hoa sen không thôi, các bác cũng cảm nhận được sự tĩnh lặng. Cho nên thường thường chúng ta hay nói đạo Phật là đạo của thiền định và của trí huệ Bát Nhã, tức là sự suy nghĩ siêu việt, không dính bụi trần.
Nhưng đó chỉ là nói tới hình ảnh của sự tu luyện (Practice) mà thôi. Hình ảnh thứ nhì mà chúng ta cần thấy nhiều hơn, là hình ảnh của sự tu hành, người Mỹ gọi là Cultivation. Tu hành là ta sống như thế nào. Ta sống với lòng từ bi hỷ xả; nhưng tu luyện thì ta tu luyện cái thiền định.

Thưa các bác đây là điểm độc đáo nhất của đạo Phật, là có hai mặt: một mặt là thiền định, trí huệ Bát Nhã và một mặt là từ bi hỷ xả.

Ngày hôm nay chúng ta nói về từ bi hỷ xả.
Bốn chữ này khi cộng lại, thường thường chúng ta gọi là tâm vô lượng, một tâm thái không có biên giới.

Đầu tiên là chữ Từ
Chữ Từ nếu dịch theo tiếng Hoa là lòng thương hay sự dễ thương, hiền lành, tiếng Mỹ gọi là Loving Kindness. Chữ Kindness này được đức Đạt Lai Đạt Ma hay nhắc tới, cho rằng đạo Phật là đạo của Kindness, của sự hiền từ. Chữ Hiền Từ này có tính chất không bạo động. Nhưng nói thế vẫn chưa lột hết được ý nghĩa thâm sâu của chữ Từ.

Thường thường chúng ta cũng nghe nói tới từ phụ, từ mẫu tức là sự hiền từ, nhẹ nhàng của cha mẹ. Nhưng chúng ta chưa diễn tả được hết chữ Từ. Nếu coi lại chiết tự của chữ Từ trong chữ Hán thì chúng ta thấy như thế này:

Chữ Từ gồm có phần trên là hình vẽ của chữ Thảo, tức là cây cỏ, phía dưới là chữ tư, tức là sự tạo thành, xum xuê của cây cỏ, nhiều vô cùng. Như vậy chúng ta thấy vừa có hoa, có cỏ, có cây cối đầy rẫy. Và cuối cùng hết là chữ Tâm. Có nghĩa là trong cái Tâm đã tạo ra đầy đủ, xum xuê các sắc màu tươi tốt của sự sống.

Các bác ra một khu vườn đầy bông hoa, cây cối um tùm rất đẹp. Đương nhiên là khi có cây cối um tùm, bác sẽ thấy có nước, nhấp nhô những ngọn đồi. Từ là hình ảnh một cái vườn đầy hoa đẹp. Do đó Từ biểu hiện cho tấm lòng nuôi dưỡng, tạo ra sức sống. Cho nên ta dùng chữ Từ này để nói lên một tâm địa (mặt đất) đầy sức sống, đầy những khả năng tạo nên cuộc sống, sự sống.

Có chúng sanh nào mà không cần tới mặt đất đâu? Ai cũng nhờ đất mà sống cả. Nhờ đất mà ta có cây cối, hạt mầm nở ra từ trong lòng đất. Người có lòng từ là người có lòng nuôi dưỡng kẻ khác. Tánh tình nuôi dưỡng kẻ khác được gọi là tánh Từ.

Người xưa có câu “thương cho roi cho vọt”, nhưng khi ta đập đánh ai thì ta không nuôi dưỡng được người nào cả, vì người ta sợ mình, lánh xa mình. Con cái sẽ bỏ mình, lớn lên nó không gần mình vì không cảm thấy gần gũi, không được nuôi dưỡng. Đặc tánh nuôi dưỡng đó sau này chúng ta gọi là giáo dục của tình thương. Có tình thương là có khả năng nuôi dưỡng. Bây giờ nếu các bác ngồi nghĩ lại thì sẽ thấy những người mình thương là những người mình muốn sống gần gũi. Khi đã gần gũi rồi thì đặc tính nuôi dưỡng rất lớn. Bởi ta gần gũi để làm gì? Để học, muốn thấm nhuần những đặc tính tốt của người đó.

Thầy xin kể các bác nghe một câu chuyện. Có người hỏi thầy: “Thưa thầy, đặc tính nuôi dưỡng này ở đâu mới có?” Thực ra đặc tính nuôi dưỡng này có trong tất cả các người mẹ. Thầy xin tóm tắt một câu chuyện mới được nghe gần đây. Có bà mẹ chồng nọ đến ở nhà vợ chồng người con hai tuần vì con dâu mới sanh. Bà mới ngoài ngũ tuần, còn hai vợ chồng người con cũng chỉ ngoài 20 tuổi. Cậu con trai lần đầu làm cha nên không có kinh nghiệm, chỉ biết mỗi ngày đi làm về thì vào thăm vợ và ôm con một lát. Sự nuôi dưỡng đứa con hoàn toàn nhờ vào người vợ. Người vợ cũng lần đầu tiên làm mẹ, đêm nào cũng thức trắng đêm để nuôi con, cho con bú sữa. Một đêm nọ bà mẹ chồng thức giấc ra ngoài phòng khách, thấy con mình đã ngủ mà TV vẫn còn mở. Cô con dâu thì đang ngồi một mình ru con, nét mặt có vẻ buồn. Bà tới nói chuyện cô con dâu và hỏi sao không để chồng cô phụ giúp. Cô không có thái độ giận dữ hay trách mắng người chồng, mà còn nói một câu rất hay: “Đứa nhỏ này cần tình thương và con phải cho nó hết tình thương của con. Mình có thể ngưng một công việc đang làm, nhưng tình thương thì phải cho ra một cách trọn vẹn.” Tình thương trọn vẹn là có sự nuôi dưỡng. Tình thương không trọn vẹn là cho ra mà còn giữ lại hoặc có sự so sánh, hoặc đòi hỏi người chồng phải làm việc này, điều nọ.

Câu chuyện này khiến thầy cảm động khi nghe chính bà mẹ chồng thuật lại. Tức là tình thương cho trọn vẹn đó, tình thương nuôi dưỡng đó, đã có sẵn trong tất cả bà mẹ, nhưng nhiều khi chúng ta bị tràn ngập bởi những khó khăn của cuộc sống, hoặc ta so sánh bên này với bên kia, ta tức giận, bị stress, nên từ từ ta đã quên đi sự nuôi dưỡng đã sẵn có.

Lòng từ khiến ta vẫn có thể thương những người chưa quen biết. Các bác nghe lại chuyện Mẹ Teresa. Khi chọn đi Ấn Độ, bà đã nói rằng đây là một sự lựa chọn hay nhất trong đời bà, sung sướng nhất trong đời bà, vì đã chọn được một con đường Chúa an bài cho bà. Khi bà giúp người, họ là những khuôn mặt xa lạ mà bà chưa hề biết tới. Nhưng bà tin rằng chỉ lòng thương của bà, sự nuôi dưỡng của bà là biểu hiện cuộc sống, tình thương của Chúa.

Lòng từ không giới hạn trong một tôn giáo nào, cũng không hạn chế ở những người đã thành đạo mà nó là cái lòng nuôi dưỡng của tất cả. Khi ta bắt đầu cởi mở, bắt đầu có lòng nuôi dưỡng kẻ khác thì tự nhiên chúng ta thấy mình được thương nhiều. Chúng ta không thế nào nuôi dưỡng người ta mà giận dữ, la rầy, nói xấu sau lưng người ta được. Không làm được đâu các bác. Lòng từ nó lạ lắm, và lời nói của ta tự nhiên nhẹ nhàng xuống, không thể nào gắt gỏng hay dữ dằn được.

Thầy hay dịch chữ Từ ra thành dễ thương. Đó là hậu quả của nuôi dưỡng. Các bác hãy thử ngồi nhớ tới bà ngoại, bà nội hay người mẹ của mình. Chúng ta nhớ tới những hình ảnh rất hiền lành. Và chúng ta cũng nhớ tới những cử chỉ, hành động không những khiến ta cảm thấy ấm cúng mà còn như được nuôi dưỡng. Chúng ta biết rằng nếu chúng ta có lỡ làm điều chi sai lầm thì người đó cũng sẵn sàng mỉm cười với mình.
Có một ông thiền sư nọ ngồi thiền rất chuyên chú, ông đi vào một khu rừng có rất nhiều yêu ma, mà ai vô đó cũng bị phá quấy. Vị thiền sư này vô đó ngồi thiền. Có một con quỷ nanh vuốt dữ tợn tới định hại ông, nhưng ông không chút sợ hãi, nhìn con quỷ mỉm cười và nói với nó rằng: “Con có biết mình có nhiều đau khổ? Con có biết mình đã đánh mất sự tĩnh lặng của nội tâm? Ta thương con vì con đã không nếm được mùi vị của sự tĩnh lặng đó.” Ông này đang bày tỏ lòng từ của mình và cũng không biết rằng sau đó con quỷ biến mất. Không những con quỷ này mà cả đám quỷ sống trong khu rừng đó dời đi nơi khác hết, không trở lại vùng đó nữa. Khu rừng nhờ vậy trở nên yên tịnh. Vị thiền sư này đã cảm hóa đám ma quỷ trong khu rừng đó bằng lòng từ bi.

Đức Phật thường nói trong 10 sức mạnh của ngài, Từ lực là sức mạnh của lòng dễ thương; Bi lực là sức mạnh của lòng ấm áp, tình thương vô hạn. Từ và Bi rất quan trọng trong đạo Phật.

Khi các bác vào một ngôi chùa, điện đầu tiên mà các bác gặp là điện của đức Từ Thị tức là đức Di Lạc. Đó là ngôi điện mà các bác vừa bước vô thì thấy tượng đức Di Lạc to cao, bụng bự đứng cười vui vẻ vô cùng. Trên mình ngài có sáu đứa nhỏ phá ngài đủ chuyện mà ngài vẫn mỉm cười. Lòng từ là sự nuôi dưỡng mà lục tặc không thể nào phá được. Đó là lý do khiến chúng ta rất thích đức Di Lạc bồ tát. Người Mỹ gọi là Happy Budha hay Smiling Budha, Laughing Budha, Lucky Budha đủ thứ...

Như vậy khi tu lòng từ là chúng ta tu làm sao để người khác muốn gần gũi với ta. Người ta gần gũi mình không phải vì mình giỏi hay vì mình giàu, có quyền có thế, mà người ta gần mình vì mình dễ thương. Ta nuôi dưỡng được họ, ta khiến cho họ cảm thấy như có một bàn tay nâng đỡ họ. Khi tu lòng từ, cuộc sống của ta tự nhiên trở nên nhẹ nhàng vô cùng. Những người đến với mình bởi vì họ muốn được nuôi dưỡng. Người ta muốn được nuôi dưỡng thì ta hãy nuôi dưỡng họ. Bằng cách gì? Ta nên cho họ từ vật chất đến tinh thần.
Cho nên chữ Từ này đi với một chữ rất quan trọng là chữ đầu tiên của 10 Ba La Mật là Bố Thí. Từ đi với tâm, còn bố thí đi với hành động. Bố thí đó là bố thí để nuôi dưỡng người ta.

Bây giờ chúng ta qua chữ Bi
Bi là Compassion, cũng đặc biệt vô cùng. Chữ bi ở đây không có nghĩa là đau thương. Chữ Bi ở đây chiết tự gồm hai chữ, ở trên là chữ Phi nghĩa là không phải. Phi còn có nghĩa là không hạn lượng, không định nghĩa được. Thí dụ ta nói “phi nhân” nghĩa là phủ nhận, không có gì khẳng định đâu, không có gì đóng khung, mà ra ngoài sự đóng khung. Dưới chữ Phi là chữ Tâm, phi tâm tức là không phải sự hạn lượng của cái Tâm. Phi mà trên chữ Tâm thì trở thành Tâm vô hạn lượng. Thí dụ có người nào nói ta một câu nặng, ta thấy trong lòng khó chịu. Ta khó chịu vì ta bị kẹt trong câu nói nặng nề đó. Bị ai mắng thì ta tức. Tại sao tức? Vì tâm ta bị kẹt trong câu nói đó. Một chuyện gì hay một hành động gì xảy ra làm ta buồn vô cùng, nghĩa là lòng ta bị kẹt trong chuyện đó. Những cái buồn, cái tức, cái giận đó là những tâm thái mà ta có thể định nghĩa và thấy được, nhưng tâm không hạn lượng, không hạn chế thì vô biên. Đức Phật gọi tâm vô hạn lượng đó là tâm Đại Bi. Đức Phật cũng kể lại một câu chuyện trong tiền kiếp ngài đã là là một con hổ mẹ, đã hy sinh thân xác để nuôi hổ con. Bác nào đi hành hương bên Népal, lên đó sẽ thấy có một cái động mà người ta vẫn còn thờ con hổ đó. Nhưng chúng ta sống vào thời đại bây giờ, nhiều khi cũng tự hỏi chẳng lẽ mình cũng đi cắt thịt, lóc thịt như Na Tra lóc thịt ngày xưa, hay hy sinh thân mạng mình. Nhưng lòng thương thì vô hạn. Gần đây có câu chuyện hai anh em nhà nọ, người anh bị hư thận đang chờ có người hiến tặng. Người em hy sinh một trái thận của mình để tặng cho anh. Câu chuyện rất cảm động, người bình thường không thể làm được vì đã thể hiện được tình thương vô biên.

Thầy nhớ cách đây mấy chục năm, sư phụ của thầy được tin ông bị tiểu đường và có thể phải ghép thận. Một vị tăng đã vào đại điện thông báo cho các anh em chư tăng ni là sư phụ có thể cần ghép thận. Sau khi thông báo như vậy rồi, đại chúng đều đứng im không nói một lời nào, không khí rất căng thẳng. Mọi người thì chảy nước mắt, người thì buồn, nhưng không ai nói câu gì. Thầy cũng chảy nước mắt, không biết phải làm gì. Hôm sau sư phụ thầy xuất hiện và nói: “Hôm qua ta có một sự thử thách cho các con, nhưng ta thấy không ai qua được cả”. Tất cả đại chúng đều chưng hửng không hiểu ngài nói cái gì. Ngài nói tiếp:”Hôm qua có người thông báo cho các con biết là ta bị thận hư có thể phải thay thận, nhưng ta không thấy có ai đứng lên nói là sẽ hiến thận cho ta cả”. Sự việc này khiến thầy nhớ hoài vì cái phản ứng đầu tiên cho biết tâm ta ở đâu. Vì khi nghe tin, mình chưng hửng, sợ quá, không biết nên làm gì.

Nhưng tình thương, sự đại bi thì vượt ra ngoài sự sợ hãi, mà lúc nào cũng nghĩ tới sự hiến thân của mình cho người khác. Lòng từ thì không nghĩ như vậy. Lòng từ là làm sao nuôi dưỡng người khác, nhưng ta không hành động như sự biểu hiện của lòng đại bi. Như các bác thấy đó, một cái nhà đang cháy mà có người vẫn đi ngược vô trong đó để cứu những người còn kẹt lại trong căn nhà đó. Vĩ đại vô cùng.

Đó là lòng Bi vô hạn, không phải lòng Từ. Lòng Bi đẩy mình tới chỗ mình phải làm một việc gì đó tích cực. Trong lúc chữ Bi không phải là dễ thương mà là thực hành sự dễ thương đó, phát triển lòng thương đó, đem lại sự ấm áp và có một con đường tích cực. Lòng Từ không làm như thế. Ngồi nghĩ lại, các bác sẽ thấy rất nhiều người xung quanh ta có tình thương cho người khác. Họ sẵn sàng không nhớ tới họ mà chỉ nghĩ tới người khác, sống vì người khác.

Gần đây thầy có đọc một câu chuyện nói về một em nhỏ ở Syria. Câu chuyện kể lại rằng tại một thành phố nọ đã cạn kiệt lương thực, có một em còn duy nhất một hộp thức ăn đóng hộp. Em đã nói với mẹ em hãy cầm hộp thức ăn này sang cho bà hàng xóm. Bà này có con nhỏ đang bú sữa mẹ và bà cần có đầy đủ chất bổ để nuôi con. Câu chuyện tuy nhỏ nhưng rất cảm động vì đang đối diện với những khó khăn của sự sinh tồn mà em vẫn có thể hy sinh được. Thật là bất khả tư nghị, các bác có thể đọc câu chuyện trên online. Ngoài ra hàng ngàn người đang sống trong trại tỵ nạn, đối diện với rất nhiều khó khăn, nhưng hàng ngày cũng có không biết bao nhiêu sự hy sinh cho nhau.

Chúng ta hiện đang sống sống sung sướng, an toàn trong một đất nước hùng mạnh, thì cũng nên nghĩ tới và giúp đỡ những người khốn khổ đó. Không nhất thiết là chuyện gì chúng ta cũng chỉ giúp người Việt, mà nhiều khi chúng ta cũng giúp những người khốn khó, khác màu da, khác chủng tộc, khác tiếng nói. Khổ thì ở khắp mọi nơi, nếu chúng ta có cái duyên nào thì hãy giúp đi.

Thầy đang nói tới sự vô hạn lượng của lòng đại bi. Lòng đại bi không có giới hạn bằng chủng tộc, bằng tuổi tác, bằng quan niệm, mà phải là sự mở rộng ra của tất cả để ta không bị gò bó vào bất cứ yếu tố nào. Người có lòng đại bi hay có tình thương rất dễ tha thứ. Người có lòng từ không nở nói nặng với ai cả. Người có lòng bi thấy sự đau khổ của người khác họ cảm thông với sự đau khổ này. Bởi vậy khi thấy một người nào làm lỗi, họ thông cảm với người này, thấy sức nặng của lỗi lầm đó quá lớn nên sẵn sàng tha thứ, sẵn sàng mở tay ra ôm người đó vào lòng.

Đạo Phật hay ở chỗ là chúng ta phải có cả Từ lẫn Bi. Hai tấm lòng lòng kết hợp lại nhau thì ta mới đem lại sự ấm áp cho người khác Có một vị tăng trong một ngôi chùa đó một lần đi ăn cắp rất nhiều thức ăn trong chánh điện, lấy tiền trong thùng Phước Sương. Chùa phạt vị tăng này, đánh 30 roi và cấm không ai được nói chuyện với vị tăng này và phải làm những việc cực nhọc. Mọi người đều xem thường và không tin tưởng vị tăng này. Có một chú Sa Di ngày ngày ra ngồi cạnh vị tăng này an ủi rằng: “Thầy ơi đừng buồn, lỗi lầm này chưa phải là chết. Thầy ngã xuống thì bây giờ hãy đứng lên trở lại. Con chia sẻ, phụ giúp với thầy đôi chút. Có lỗi thì sửa lại thôi.” Vị tăng ngạc nhiên hỏi chú Sa Di biết gì mà nói. Chú trả lời:”Con không biết gì, nhưng nhìn đôi lông mày của thầy trĩu xuống, gương mặt thầy xệ xuống, nụ cười của thầy biến mất. Con chỉ muốn gánh bớt những nặng trĩu này để thầy có lại nụ cười mà thôi. Con chỉ biết vậy và hy vọng thầy tìm lại được nụ cười.”

Thưa các bác, đó là từ bi, là lòng thương. Cho nên, nhiều lúc thấy người ta khổ, thấy người ta đau, thấy người ta lỗi lầm, chúng ta đừng làm như cảnh sát la rầy hoặc chê bai, mà hãy đứng ở chỗ đỡ được những đau khổ của họ, làm cho họ có nụ cười trở lại. Đó là lòng từ bi của nhà Phật.
Lần sau thầy sẽ nói tiếp về Hỷ và Xả. Cám ơn các bác đã lắng nghe.
Bài giảng của Thầy Hằng Trường
________________
*Trùng đề tài
phai  
#2 Đã gửi : 04/05/2016 lúc 08:19:14(UTC)
phai

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 13,123

Cảm ơn: 4 lần
Được cảm ơn: 3 lần trong 3 bài viết
Chữ Xả trong Từ Bi Hỷ Xả

Hôm nay thầy xin nói đến đề tài chữ Xả trong Từ bi hỷ xả.
1/Chúng ta nhắc lại sơ sơ, chữ Từ chỉ sự hiền lành, dễ thương, tánh tình nhẹ nhàng của một con người tu luyện và lúc nào cũng hòa nhã; chữ hòa làm trọng tâm của mọi sinh hoạt. Chữ Từ ở đây có thể thể hiện như một vườn đầy hoa đầy sức sống, tượng trưng cho sự nuôi dưỡng. Lòng Từ là tấm lòng có thể được nuôi dưỡng cho nên chúng ta mới gọi là từ phụ hay từ mẫu. Tình thương rất nhẹ nhàng, ấm cúng của người cha, người mẹ, nuôi dưỡng chúng ta

Lòng Bi là sự biểu hiện của tình thương. Trong lúc lòng Từ là tánh tình dễ thương, nhẹ nhàng, thì lòng Bi thể hiện tình thương cho ra sự ấm áp như một cây cổ thụ cho ra những tàng cây rộng lớn đầy bóng mát. Khi nói cây cổ thụ, chúng ta không ám chỉ một cây đã nhiều tuổi, mà muốn nói tới sự cao lớn của cây. Cây to như vậy biểu hiệu cho lòng Bi, một tình thương đùm bọc, khiến những người đứng dưới tàng cây đó cảm thấy được che chở.

Lòng Từ Bi giống như một vườn đầy hoa có các cây rất to lớn khiến ta cảm thấy có sự nhẹ nhàng, có bóng mát. Nếu chỉ là vườn hoa không thôi, thì vẫn còn nắng; nhưng bây giờ là có cây cao bóng mát nên tự nhiên rất hài hòa. Từ và Bi đi với nhau giống như vườn hoa có những cây rất to lớn vô cùng. Chúng ta ai cũng muốn cuộc sống của mình có thể đem tới cho người khác những nụ cười, đồng thời ta cũng muốn có một sự đùm bọc che chở cho những người sống chung quanh ta, khiến họ cảm thấy được sự che chở đó, họ muốn gần gũi ta hơn. Cũng như những người thấy có cây lớn, muốn nằm dưới cây đó, muốn ngồi thiền dưới cây đó, muốn trải khăn ra ngồi picnic ăn uống dưới bóng cây.

Lòng Từ nuôi dưỡng sức sống trong con người. Cho nên càng có lòng Từ thì càng có nhiều sức sống. Sống với lòng Bi thì ta càng che chở, khiến người khác cảm thấy như có bóng mát, cảm thấy muốn nương tựa vào ta hơn. Từ Bi là những thứ mà ma quỷ không thể có được, chỉ bồ tát mới có.

Kế tiếp là Hỷ. Hỷ là một sự giải thoát tuyệt đối. Ta bị kẹt vào đâu mà cần giải thoát? Đặc tính của Hỷ là làm cho ta không bị kẹt vào bất kỳ đâu trong cuộc sống. Lúc nào và ở đâu ta cũng có một niềm vui tự tại. Hỷ là đặc tính độc đáo nhất trong bốn yếu tố Từ Bi Hỷ Xả. Hỷ không phải là lúc nào cũng cười, mà có một sự tự tại giải thoát bên trong. Lúc nào ta cũng có niềm vui, thật sự là niềm vui bên trong. Có một sự Lưu Xướng bên trong làm ta cảm thấy nhẹ nhàng vô cùng. Lúc nào, chỗ nào, nơi nào ta cũng không dễ nổi giận, không sinh ra cáu kỉnh hay nạt nộ, mà ta cảm nhận được cái Hỷ. Cái Hỷ đó tới một mức độ khác thì là Lạc. Hỷ là ở bên trong, dâng lên; còn Lạc là bắt đầu lan tỏa cho chúng sinh bên ngoài để họ cảm nhận được niềm vui. Thí dụ ban Pháp Lạc là cho Pháp làm cho ta cảm thấy có niềm vui. Chữ Hỷ và Lạc là hai trạng thái hơi khác nhau một chút, nhưng đều ở trong tâm thức được giải thoát.

Khi ta hoàn toàn giải thoát thì lúc nào cũng có niềm vui. Nếu không giải thoát thì lúc nào cũng khổ. Khổ là gì? Là sự đóng mạch của niềm vui tự tại trong ta. Khi khổ, ta thường kẹt vào những quan hệ, những bế tắc làm ta quên đi niềm vui sẵn có và tự tại tuyệt đối của bản tánh của mình.

Làn sao đạt tới Hỷ? Chữ thứ tư là Xả vừa là một phương tiện để đạt tới Hỷ, vừa là phương tiện đạt tới Từ, vừa là phương tiện đạt tới Bi, nhưng đồng thời nó cũng là bản thể của tâm thái đặc biệt.

Trong nhà Phật, chữ Xả này là Renunciation, có nghĩa là khước từ, buông bỏ, buông thả ra, phủ nhận. Nhưng có chỗ khác dịch là Equanamity, là một sự bình lặng, bình thản, không nổi lên sự tham muốn sân hận; tâm thái lúc nào cũng ở trung đạo. Giải thích như vậy cũng chưa nói được trọng tâm của chữ Xả.

Nếu coi cách viết của người Trung Hoa, chữ Xả gồm có chữ Thủ cộng với chữ Xá tức một bên là bàn tay đang cầm, một bên là cái nhà. Chữ Xá này rất hay, có nghĩa là cái nhà, mà cũng có nghĩa là tự xưng mình. Nét viết của chữ Xá gồm trên có mái nhà giống như chữ Nhân, ở dưới là cái lưỡi, bộ phận dùng để phát âm. Cái lưỡi có nhiệm vụ đem tất cả chân khí của ngũ tạng vô trong cái lưỡi. Cái lưỡi là cả cuộc sống của ngũ tạng, chơn khí trong người của chúng ta. Dưới chữ Nhân mà có cái lưỡi, có nghĩa là âm thanh hay Mental Sphere, vũ trụ của tư duy, quan trọng cỡ nào. Con người mà thiếu vũ trụ tư duy thì đâu thể gọi là con người được. Hồi xưa họ viết chữ Nhà này để nói tới vũ trụ tư duy, nói tới con người, cuộc sống của chúng ta, một cuộc sống có tư duy, nếu không cũng chỉ giống như cuộc sống của con vật mà thôi. Con người chúng ta có cả một xã hội, có tư duy, có sự sáng tạo nghệ thuật, văn hóa. Bên trong chữ này là hình ảnh cả một vũ trụ, vũ trụ của tư duy, tư tưởng, tâm linh. Nếu chúng ta đừng nghĩ đó là cái lưỡi mà nghĩ rằng đây là hình ảnh cái nhà, có bề mặt nhà, có hai người ở trong đó. Chữ Khẩu, cái miệng tạo nên cái lưỡi rõ ràng tạo nên chỗ để họ sống với nhau. Ta chỉ nhìn hình thôi chớ không nhìn cái chữ, sẽ thấy đây là hình ảnh cái nhà rất ấm cúng, có hai người như vợ với chồng. Họ nối liền với nhau. Bên dưới có chữ Khẩu mà chúng ta gọi là phạm vi sống của hai người, tạo thành một cái nhà, một gia đình, từ đó sanh ra con cái, cháu chắt. Nhưng tối thiểu đơn vị sống trong cái nhà đó có hai người, một người chồng một người vợ, hòa hợp với nhau.

Có nhiều bác suy nghĩ sâu hơn một chút thì thấy đó là cái nhà của mình, thân thuộc về vũ trụ, tâm tình, tư duy, tư tưởng. Như vậy một bên là cánh tay, một bên là cái nhà, chữ này dùng để nói lên chữ Xả. Người ta thường nói rằng chữ Thủ này mượn âm của chữ Xá để đọc ra Xả. Tại sao mượn chữ Xá mà không mượn chữ khác? Ở đây ý nói là cánh tay mình làm gì với cái nhà đó. Nếu tay mà ôm nhà thì tay phải nằm phía dưới. Nhưng ở đây tay không nằm dưới cái nhà. Nếu tay mà chấp trước vào cái nhà, thì tay phải như cái chảo, nằm phía trên. Nếu tay không quan trọng, nhà quan trọng thì tay nằm bên tay phải. Không, ở đây tay lại nằm bên trái, nói tay quan hệ với cái nhà như thế nào.

Có 10 quan hệ. Nói 10 để cho đúng với tinh thần kinh Hoa Nghiêm.

1/Trình bày: Quan hệ đầu tiên của chữ Xả, trong cái tay với cái nhà, có nghĩa là ta trình bày, diễn đạt. Cánh tay đưa ra, mở ra như giới thiệu người nào. Việc này chúng ta gọi là show up, cho người ta thấy. Chữ Xả đầu tiên mà chúng ta hay thấy diễn tả sự hiển hiện. Cho nên các bác đừng nghĩ rằng chữ Xả là buông ra. Không. Tay ta đưa ra để giới thiệu, trình bày, thí dụ giới thiệu con gái, con trai mình, giới thiệu căn nhà của mình. Chữ Xả đầu tiên với cánh tay đưa ra là để giới thiệu quan hệ giữa ta và cái nhà, là ta đưa tay ra trình bày.

2/Cho ra: Tay ta không cầm cái nhà mà là cho ra, ta buông ra.

3/ Bố thí: Bố thí có nghĩa là người trên cho người dưới. Cho ra thì ta cho người ngang hàng với ta.

4/Cúng dường: là dâng lên cho người cao hơn ta. Thí dụ cúng dường chư Phật.

5/ Cống hiến thân mạng ta cho một công việc gì.

6/ Khai mở: Ta mở cửa căn nhà ra. Chữ Xả còn có nghĩa là khai mở. Chữ Xả không những có ý nghĩa là cho ra, bố thí, cúng dường,mà còn có ý nghĩa là khai mở, nghĩa là trình bày, giới thiệu. Vì sao khai mở? Vì cái nhà này lúc trước đóng, nay ta mở ra.
Các bác, nó có phạm trù lớn lắm chớ không phải chỉ một ý nghĩa. Chúng ta vẫn thường nghĩ Xả là vất, đâu nghĩ rằng Xả là cúng dường đâu. Đàng này là ta trân trọng cúng dường. Nhưng Xả là vất đi cũng là một ý nghĩa.

7/ Vất đi những gì không cần thiết. Ta vất đi vì không ai cần. Ta vất đi cái gì? Thí dụ rác rưởi, những chuyện trong quá khứ trong lòng vì không thể giữ mãi được. Nhưng những chuyện quá khứ này đôi khi làm ta trĩu nặng thì phải trút bỏ.

8/Trút bỏ: chữ Xả còn có ý nghĩa là trút bỏ. Ta bỏ ra, trút ra, không còn gì nữa và ta nhẹ đi. Sau khi vất đi rồi thì ta sạch sẽ, không còn trĩu nặng nữa. Sau khi khai mở rồi thì ta không còn đóng nữa. Sau khi trình bày rồi thì tất cả đều rõ ràng. Nhiều khi chúng ta nói:”Thôi chuyện đó xả đi” tức là ta nói ra hết, ta xả hết. Hay là ta vừa có người thân vừa ra đi, trong lòng ta nặng trĩu vô cùng, bây giờ ta xả ra tức là trút bỏ hết nỗi buồn

9/Buông có nghĩa là ta đang trong trạng thái nắm giữ gì đó, bây giờ ta buông ra. Đây là một trạng thái rất hay. Con người chúng ta lúc nào cũng dễ dàng chấp, chấp đủ thứ tức là người có thành kiến. Bây giờ ta buông. Buông thành kiến, không còn trụ vào thành kiến nữa. Thí dụ thành kiến “Trọng Nam Khinh Nữ” ở trong văn hóa của thời đại cũ của chúng ta rất bình thường. Nhưng nếu ở trong một văn hóa khác, chúng ta thấy chuyện này không bình thường. Cho nên chúng ta phải buông đi những thành kiến. Nó không phải là rác rưởi, nhưng dùng không được thì ta buông. Nếu chấp chước thì ta nên buông ra.

10/Ngừng lại hay thôi: Xả là thôi, ngừng lại không làm nữa. Chuyện đó coi như đóng sổ, không làm nữa, thôi. Cho nên chữ Buông và chữ Thôi chỉ khác nhau ở một điểm. Buông là hành động ta đang chấp, bây giờ ta mở tay ra cho rớt xuống. Thôi là tâm ta đang trong đà tiến tới, bây giờ tự nhiên ta tỉnh ngộ ra.

Xả là cả một nghệ thuật sống rất cao, đòi hỏi một sự nhận tri, nhận biết từ chính mình. Ta biết mình chấp thì ta mới buông. Ta biết là mình đang lao đầu vào chỗ sai thì ta mới ngừng lại. Đó là tự tri tự giác. Trong cuộc sống có những gánh nặng mà ta cứ tiếp tục theo đuổi, ta bị người khác phê bình một câu là liền đóng tâm lại. Ta đâu biết rằng trạng thái đóng cần được khai mở. Ta muốn an ủi người đang thất tình một câu, nhưng không được vì người ấy đang mang một gánh nặng, mà lời nói của ta không thể hiệu lực. Quan hệ của ta với chính ta mà ta nhận tri được thì mới trút bỏ được.

10 định nghĩa mà thầy vừa cho các bác, ai cũng hiểu, nhưng làm sao mà làm? Đòi hỏi một sự nhận tri nhận biết hay còn gọi là tự tri tự giác rất cao. Ví dụ thấy một người đang nghèo, ta muốn cho, nhưng những người đi chung quanh ta không muốn ta tới cho tiền. Muốn cho thì ta phải làm đúng lúc đúng thời, lúc nào nên làm, chỗ nào nên làm. Bên trong ta biết là cần làm bởi nếu không biết lúc nào cần làm thì ta sẽ chẳng bao giờ làm.
Xả là một sự tự giác cao. Nói cách khác, nếu nhìn từ chơn tâm mà ra thì chơn tâm này giống như không khí, hoàn toàn trống vắng. Bây giờ tự nhiên trong khoảng không gian đó, ta đem gạch, đem cát, đem xi măng xây thành một căn nhà, bên trong bỏ đủ thứ đồ đạc và nói “Đây là cái nhà của tôi, là chỗ tôi sống”. Nhưng thực sự chơn chính của cuộc sống là không gian vô tận. Bây giờ Xả là thế nào? Là ta gỡ từng viên gạch, từ từ bỏ ra từng cục đá, cục xi măng để cuối cùng ta trở lại sự thông thoáng của cái không gian vô tận. Xả có nghĩa là trở về với không gian vô tận đó. Cao hơn một chút, ta có thể nói Xả là ngay trong căn nhà vật chất đầy đồ đạc đó, ta tìm được một không gian vô tận.

Như vậy Xả có hai trình độ. Trình độ thứ nhứt là trình độ hữu vi hữu tác, là trình độ bắt đầu cho người tu tập, phải buông đi những ảo tưởng, bỏ đi những chấp trước, những tánh hư thói xấu, không làm những chuyện khiến ta đau khổ, không nói những câu khiến người khác buồn. Những gì ta đã làm sai, nay không làm nữa. Xả ở trình độ này đòi hỏi một sự tự giác rất cao để có thể làm được những việc đó. Giống như căn nhà đã xây rồi, nay ta gỡ từng viên gạch ra để trở về không gian vô tận.

Trình độ cao hơn một chút thì khi dỡ nhà ta vẫn nhận biết được không gian vô tận ở ngay trong căn phòng của ta. Không gian trong căn phòng này và không gian ngoài trời kia là một, là không gian vô tận. Không khí vẫn là một, là vô tận vô biên. Ta nhìn đồ vật trong căn phòng này thì ta kẹt vào đồ vật. Ta nhắm mắt lại tĩnh lặng để thấy rằng ta đang ở trong căn nhà không gian vô tận. Đó tức là ta đang tu tới mức độ xả thứ nhì.
Mức xả thứ nhì gọi là vô vi, vô tướng. Ở mức độ xả thứ nhất là hữu vi hữu tướng, có động tác ta phải buông ra, phải cho ra, phải bố thí, phải cúng dường, phải khai mở. Phải làm đủ tất cả hành động để làm cho cái nhà của ta biến mất. Giai đoạn Xả thứ nhì gọi là vô hình vô tướng, có nghĩa là vô tác vô vi. Ta không cần làm gì cả ma chỉ nhận tri cái bản tánh hoàn toàn tự tại vô biên, như cái nhà vô lượng vô biên, không có ngăn chận, chia cắt.

Do đó cuộc sống của chúng ta là cuộc sống đặc biệt bởi vì ta phải tìm cho ra cái nhà chân chính của mình. Chữ Xả rất hay, có bàn tay và cái nhà. Ta làm chi với cái nhà đó? Sự nhận tri như thế nào? Nếu ta nhận tri được cái nhà vô biên vô tận, cái nhà bát nhã của ta, thì ta đâu có buông làm chi. Ta với cái nhà là một. Nhưng nếu cái nhà mà ta đang sống cùng, là thân xác này, thì ta cần phải buông. Lúc lâm chung, việc khó nhất là ta có thể buông được cái thân xác này hay không. Vì ta sẽ trở lại tìm cái nhà này. Đó là điều kinh khủng nhất trong cuộc sống của ta: ta không nhận tri, tìm mái ấm của mình mà nhận rằng cái thân này là mái ấm, hoặc những quan hệ giữa vợ hay chồng mình, con mình, những người mà ta thương, ta ghét hoặc ta thù, ta tri nhận và ta trở về mái ấm đó.

Nhưng nếu ngay bây giờ, trong cuộc sống, ta buông xả, vất đi, ngừng lại hay nói đúng hơn, ta trút bỏ những gánh nặng, vất đi những gì không cần thiết, buông ra những chấp trước, những thành kiến và những vật chất và nhìn lại quá trình đi ngược lại với nhân quả, tập cho ra những bố thí, cúng dường thì làm sao? Ta sẽ thấy được một tâm thức hoàn toàn trốn vắng, rỗng rang, không. Cái không đó chính là hệ quả mà cũng chính là bản thể của chữ Xả này.

Nhiều khi chúng ta rất gần gũi với sự giác ngộ chứ không cần tu rất nhiều, rất lâu. Chỉ trong một tích tắc, trong nháy mắt thôi, nếu ta buông được những gì mình chất chứa lâu thì tự nhiên giây phút đó là giây phút tự tri tự giác của mình, nhận ngay ra sự tĩnh lặng vô biên. Nếu không ta cứ nghĩ phải tu 30 năm mới được. Chữ Xả xuất hiện ngay lập tức. Nếu ta cho ra và nhận tri được đây là ta cho ra, nhận tri được là chẳng có người nhận người cho, chỉ là hành động hoàn toàn từ trong tĩnh lặng, từ trong cái Không. Đừng nghĩ tới cái nhà mà nghĩ tới cái không khí. Đừng nghĩ tới chuyện hữu hạn, cảm nhận là vô biên thì tự nhiên các bác sẽ hành cái Xả ngay bây giờ, lúc này và trong mọi lúc, trong mọi quan hệ. Chúng ta không bị kẹt trong hữu hạn. Xả là một hy vọng lớn tuyệt đối làm cho ta trực nhận được chơn không, trực nhận được bản thân của mình. Nó cũng không phải là câu chuyện mà bác cần phải tu 5 năm, 10 năm, 20 năm, 30 năm hay 100 năm. Không, nó trực hệ ngay với những người có sơ tâm. Tức là vừa mới hiểu Phật pháp là bác có thể làm ngay được, nhận ngay được.

Làm sao? Bác cho ra, cúng dường, bố thí bằng sự tự tri tự giác của mình. Tự tri là nhận biết được một việc tĩnh lặng trong lòng, khi ta làm những chuyện đó. Khi ta nói rằng trút bỏ gánh nặng, thì ngay lúc trút bỏ đó, ta cảm nhận được một sự tĩnh lặng vô biên, một cảm nhận yên bình vô hạn. Đó chính là Xả, thưa các bác.
Đó chính là trạng thái chơn không. Ta phải cảm nhận nó ngay. Khi ta vừa làm hành động cho ra, thì ngay lúc đó ta cảm nhận được. Cảm nhận đó chính là sự giác ngộ. Giác ngộ này chính là Xả. Hy vọng qua quá trình Từ Bi Hỷ Xả này, các bác thấy rằng khả năng của chúng ta để có lòng thương, có được sự hiền từ nhẹ nhàng, có được niềm vui giải thoát, và có được sự trực nhận chơn không, lúc nào cũng hiện hữu trong người chúng ta. Chúng ta biết nó sẵn có nên không tìm ở bên ngoài, cũng đừng nghĩ rằng phải cần lâu ngày dài tháng, mà có thể làm được ngay bây giờ, trực nhận ngay bây giờ. Nếu ta càng làm quen thì càng mau càng dễ. Lúc nào ta cũng cảm nhận được sự tự tại ngay chớ không phải lâu xa gì cả.

Bài giảng của Thầy Hằng Trường

Sửa bởi người viết 04/05/2016 lúc 08:20:14(UTC)  | Lý do: Chưa rõ

Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.316 giây.