THƯA QUÝ BẠN, không hiểu tại sao ở trong nước hiện nay luôn luôn xảy ra tai nạn. Nào là xe đò không chịu chờ đợi, băng ngang qua đường rầy xe lửa, bị xe lửa thắng không kịp, đâm ngang qua, chết rất nhiều người. Nào là tài xế tranh khách với xe khác, vượt ẩu, cũng chết và bị thương nhiều người. Nào là tài xế say rượu hoặc lái xe một tay, tay kia lo bấm máy chơi game trong smartphone, tai nạn xảy ra phản ứng không kịp, tài xế cũng chết, hành khách cũng chết, hết sức oan uổng.
Nói chung, thảm kịch như câu chuyện dưới đây đều do “rượu” mà ra. Cuối cùng chúng tôi xin dịch một truyện ngăn ngắn cũng về… rượu của Bồ Tùng Linh. Truyện này khá đặc biệt, xin mời quý bạn thưởng thức.
Vợ đốt quần áo, chồng đốt con, cả hai cùng đốtNém gà và con vào lửa
Những ngày qua, người dân xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, vẫn chưa hết bàng hoàng trước sự việc người cha mất nhân tính, thẳng tay ném đứa con gái út mới 6 tháng tuổi vào đống lưa đang rực cháy. Mọi lời bàn tán, chỉ trích đều nhằm vào gã Thạch Tươi, mới 31 tuổi (sinh năm1985) ngụ tại ấp Chông Nô, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè nói trên.
Dân chúng cho biết, thường ngày Thạch Tươi là người hiền lành, thương vợ thương con, nhưng hễ có rượu vào là y không còn làm chủ được mình, nên đã có những hành vi không thể tha thứ được.
Chiều 15/4, người ta thấy chị Thạch Sô Phiếp, 21 tuổi, vợ của Tươi, kém Tươi 10 tuổi, chạy vạy kháp nơi, vay mượn thêm tiền để đem lên Bệnh viện Đa khoa Trà Vinh lo việc chữa trị cho cháu Thạch Thị Ngọc Tiền, 6 tháng tuổi, con của vợ chồng Tươi.
Theo lời kể của chị Phiếp, ngày 13/4 vừa qua, nhân dịp Tết cổ truyền của đồng bào Khơme, vợ chồng chị qua nhà người chị ruột tên Thạch Sô Phi tham dự buổi tiệc mừng năm mới. Bữa tiệc có đầy đủ anh chị em trong gia đình và một số người bạn. Ăn uống xong thì mọi người cũng đã say khướt. Lúc ấy tự nhiên Tuơi bỗng lè nhè, một mực chửi bới, bảo là vợ có quan hệ “ngoài luồng” với một người đàn ông khác. Do đó vợ chồng cãi nhau kịch liệt rồi trở về nhà.
Về tới nhà, Tươi vẫn còn lè nhè chửi tiếp. Chị Phiếp nóng giận, bèn lôi quần áo của chồng ra sân, đổ dầu hôi vào đốt, lửa cháy bừng bừng. Tươi đang cơn say, gần đấy có con gà mẹ đang ủ đàn gà con trong lồng, y bèn quơ ráo cả ném vào đống lửa để … đốt phụ với vợ. Chưa chịu dừng lại ở đấy, y còn chạy vào trong nhà có cháu Tiền 6 tháng tuổi đang ngủ trên giường, y bế con ra sân rồi ném vào lửa.
Chị Phiếp bỗng tỉnh hẳn rượu trước hành động kinh khủng của chồng (ở miền Tây đa số đàn bà cũng uống rượu như đàn ông và thường là rượu đế nấu bằng khoai mì rất nặng, rất độc vì thường có pha thêm thuốc trừ sâu DDT cho trong, đàn ông con trai cỡ non 40 tuổi trở lên rất nhiều người chết do đau gan hoặc ít nhất cũng bị tâm thần.- ĐD). Chị bèn nhào vào cứu con và la khóc, kêu gọi hàng xóm phụ giúp đưa bé đi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh cứu cấp. Bụng, chân tay và mặt cháu bị bỏng rất nặng. Chị Phiếp cho biết lúc đó Tươi vẫn còn say nên rất hung hãn, mặc dầu hành động sai trái nhưng sắc mặt gã không hề tỏ ra ân hận.
(Thạch Tươi tại công an)
Tuy nhiên, tại bệnh viện Trà Vinh, khi các phóng viên hỏi chuyện, chị Phiếp vẫn một mực thanh minh cho chồng: “Tui biết lúc đó ảnh say dữ lắm nên mới làm như vậy chớ bình thường ảnh thương vợ con lắm”.
Hiện tại, cơ quan công an điều tra tỉnh Trà Vinh dù muốn dù không cũng phải truy tố hình sự đối với Thạch Tươi về tội “cố ý giết người trong khi say rượu”.
Mới 31 tuổi mà đã say xỉn tới mức đó, thiệt, hết chỗ nói!…
Thưa quý bạn, chuyện ma men trong nước còn nhiều, nhiều lắm, kể không hết được. Nhưng đọc đến đây chắc quý bạn cũng đã mệt, vậy bây giờ xin mời quý bạn thưởng thức một truyện ngắn cũng có liên quan tới rượu trong Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh, do ĐD dịch theo bản tiếng Anh của nữ GS Chen Tifeng (Trần Đại Phượng) trong cuốn Strange Tales of Liaozhai, xuất bản tại Hồng Kông năm 1955. Quý bạn sẽ thấy Bồ Tùng Linh sống cách đây hơn 300 năm (1640-1715) nhưng những điều ông viết như bỏ vợ chạy theo “bồ nhí” chẳng hạn thì rất giống với tình trạng trong nước hiện nay, chẳng khác một tí nào cả. Đây, xin mời quý bạn xem xét.
Truyện Cảnh sinh và Tề A Hà Cảnh sinh người huyện Văn Đăng, lúc thiếu thời đã nổi tiếng học giỏi, nhưng lớn lên lại có tật hay uống rượu. Chàng ở cùng xóm với Trần sinh, hai nhà chỉ cách nhau có một bức tường tháp.
Một hôm, trời đã về chiều, Trần sinh đi qua một nơi vắng vẻ, nghe có tiếng con gái khóc ở dưới đám rừng cây thông. Chàng đến gần thì thấy có sợi dây lưng treo lủng lẳng trên một cành ngang, hình như cô gái có ý định thắt cổ tự tử.
Trần bước đến, gạn hỏi. Người con gái gạt nước mắt, đáp:
– Mẹ thiếp có công việc đi xa, gửi thiếp ở nhà người anh họ. Không ngờ y bụng dạ lang sói, thấy thiếp có chút nhan sắc, muốn ép buộc thiếp làm việc đồi bại. Thiếp không chịu nhục nên bỏ ra đi, lênh đênh một thân một mình chẳng thà chết quách cho xong.
Nói xong nàng lại khóc. Trần sinh tháo sợi dây lưng xuống, khuyên nàng đừng nghĩ đến chuyện tự tử, cố gắng chịu đựng rồi sẽ đi lấy chồng.
Nàng sợ là không có ai để ký thác. Trần bảo hãy về ở tạm nhà mình. Nàng nghe theo. Về đến nhà, Trần thắp đèn lên thì thấy nàng xinh đẹp tuyệt trần, chàng mừng lắm, ôm chầm lấy nàng toan cưỡng dâm. Nàng la lớn kháng cự.
Tiếng cãi cọ vọng sang tới nhà bên cạnh. Cảnh sinh không hiểu chuyện gì, bèn leo qua bức tường thấp sang coi, bấy giờ Trần mới chịu buông nàng ra.
Nàng trông thấy Cảnh, chăm chăm nhìn một lúc lâu rồi mới bỏ đi. Hai người đi theo nhưng không biết nàng biến đâu mất.
Cảnh về nhà mình, đóng cửa định đi ngủ thì thấy nàng đã ở trong phòng. Chàng hỏi, nàng đáp:
– Thiếp vốn quê ở Sơn Đông, họ Tề, tên A Hà. Hồi nãy ở bên kia sang là thiếp vô đây ngay.
Cảnh kéo nàng vào trong buồng, buông lời đùa cợt, nàng chỉ cười không kháng cự. Hai người lên giường giao hoan với nhau.
Thường ngày, trong nhà có nhiều bạn hữu lui tới, nàng luôn luôn đóng cửa ở trong phòng, không ra tới ngoài.
Qua vài ngày, nàng nói với Cảnh:
– Chỗ này ồn ào quá, thiếp tạm về nhà thiếp. Từ nay xin hẹn gặp nhau vào ban đêm, không gặp ban ngày.
Cảnh hỏi nhà nàng ở đâu, nàng đáp:
– Cũng gần đây thôi.
Quả nhiên cứ sáng sớm nàng đi, đến đêm lại về. Cách vài hôm nữa, nàng bảo Cảnh:
– Hai chúng ta tuy tình ý tốt đẹp nhưng vẫn còn là tạm bợ. Cha thiếp làm quan ở Lũng Cương, ngày mai thiếp sẽ theo mẹ tới đấy thăm cha. Nhân dịp đó thiếp sẽ bẩm mệnh, cha cho phép rồi mới cùng chàng sống trọn vẹn được.
Cảnh hỏi đi mấy ngày thì trở lại, nàng nói cỡ chừng một tuần.
A Hà đi rồi, Cảnh tự nghĩ, khi nàng trở về nếu để nàng sống trong thư phòng thì không tiện, mà vào nhà trong lại sợ vợ cả ghen tuông. Chàng rất băn khoăn suy nghĩ, rồi cuối cùng tính đến chuyện bỏ vợ cả để sống với A Hà.
Vợ tới, Cảnh mắng nhiếc ghê gớm. Vợ nhịn nhục không nổi, toan đập đầu vào tường tự vẫn. Cảnh nói:
– Mi chết thì cũng vô ích, chỉ làm phiền cho ta mà thôi. Tốt hơn hết là hãy trở về nhà bố mẹ ruột mi đi rồi muốn lấy ai thì lấy, ta không cần biết.
Cảnh thôi thúc vợ phải đi ngay. Vợ cả vừa khóc vừa nói:
– Tôi sống với chàng hơn mười năm nay chưa có điều gì thất thố, sao đang tự nhiên lại nỡ tuyệt tình như thế?
Cảnh làm thinh, chỉ đuổi gấp. Vợ khóc như mưa như gió, về nhà trong lấy vài món đồ rồi đi.
Vợ đi xong, Cảnh mừng rỡ thuê thợ sơn phết nhà cửa, tô tường quét vôi, từ đấy ngày ngày nghến cổ trông ngóng A Hà, không ngờ tin vẫn biệt tăm.
Về phần người vợ cả, sau khi bị chồng đuổi về nhà cha mẹ ruột, đã mấy lần nhờ người đến nói lại với Cảnh nhưng Cảnh không chịu cho về. Sau, nàng lấy một người họ Hạ Hầu ở cùng làng, ngay kế cận nhà Cảnh. Trước đây hai gia đình vì việc tranh lấn bờ ruộng, vốn có hìềm khích. Bây giờ nghe tin vợ lấy “kẻ thù” của mình, Cảnh căm phẫn lắm nhưng vẫn hy vọng A Hà trở lại nên cũng có phần nào an ủi.
Thời gian qua đi, đã hơn một năm A Hà vẫn tuyệt vô âm tín. Gặp kỳ lễ tế Hải thần, dân chúng các nơi đến dự đông đúc. Cảnh cũng có mặt. Từ xa chàng trông thấy một người có dáng dấp giống như A Hà. Chàng bèn chen lấn đi tới nhưng không kịp, nàng đã bị lẫn vào đám đông. Cảnh lại chen lấn, xô đẩy đi tìm nhưng chỉ thấy phía sau lưng nàng đã ra tới cổng rồi mất hút, không thấy đâu nữa. Hắn thất vọng, buồn bực trở về.
Cách nửa năm sau, Cảnh đang đi ngoài đường bỗng trông thấy một vị phu nhân ăn mặc sang trọng, cỡi con lừa đen, đằng sau có hai nữ tì và các gia nhân theo hầu. Cảnh nhìn kỹ thì thấy vị phu nhân đó chính là A Hà. Chàng không dám gọi, đợi nàng đi khỏi bèn hỏi những người đi đường:
– Vị phu nhân đó là ai?
Họ trả lời:
– Vợ kế mới cưới của Trịnh công tử ở Nam thôn.
– Trịnh công tử cưới từ bao giờ?
– Mới đây thôi, cỡ chừng hơn nửa tháng nay.
Cảnh nghĩ thầm: “Hay là mình lầm chứ chẳng lẽ mới xa nhau có hơn một năm mà nàng đã lấy người khác?”. Thoáng nghe thấy tiếng nói chuyện, vị phu nhân quay đầu lại nhìn. Cảnh thấy rõ đó chính là A Hà, bèn quát lớn:
– A Hà, sao lại quên lời ước cũ?
Những kẻ theo hầu thấy Cảnh dám gọi tên phu nhân, toan xông lại đánh. Nàng vội ngăn lại rồi vén khăn che mặt lên và nói với Cảnh:
– Con người phụ bạc kia, còn mặt mũi nào mà nhìn nhau nữa?
Cảnh nói:
– Tự nàng phụ ta chứ ta đâu có phụ nàng?
Nàng nói:
– Ngươi phụ người vợ đầu gối tay ấp đã sống với ngươi hơn mười năm thì còn quá tệ hơn là phụ ta, một người chỉ mới quen biết. Đối với vợ chính thức ngươi còn như thế huống chi với ta? Trước đây ta thấy phúc đức của tổ tiên ngươi cao dầy, ngươi được ghi tên vào bảng hổ nên muốn đem thân trao gởi cho ngươi dù phải làm lẽ mọn. Nay, vì ngươi tàn nhẫn bỏ vợ, cõi u minh đã soi xét, tước bỏ lộc trật của ngươi. Kỳ thi này người bạn của ngươi tên là Vương Xương sẽ đỗ á khoa thay chỗ của ngươi. Ta đã lấy làm kế thất Trịnh công tử, giàu sang phú quý vô cùng, ngươi đừng nhọc lòng nghĩ tới ta nữa.
Cảnh há hốc miệng, nín thinh không nói được lời nào nữa, đành giương mắt nhìn nàng và đám tùy tùng bỏ đi, trong lòng vô cùng sầu não.
Khoa thi năm đó đúng là Cảnh trượt, còn người bạn tên Vương Xương đậu á khoa. Trịnh công tử cũng đậu. Từ đấy Cảnh mang tiếng bạc hạnh, đến bốn mươi tuổi vẫn chưa có vợ, cửa nhà sa sút, thường phải ăn ăn bám vào bạn bè.
Do là bạn đồng khoa, mặc dầu người đậu người rớt nhưng một lần ngẫu nhiên Cảnh cũng đến nhà Trịnh công tử. Trịnh khoản đãi vui vẻ, giữ lại ở đêm.
Vợ Trịnh công tử là A Hà phu nhân trông thấy khách rách rưới, đáng thương, bèn hỏi chồng:
– Người khách trên nhà có phải là Cảnh sinh không?
Trịnh công tử hỏi:
– Sao nàng biết hắn?
Phu nhân đáp:
– Lúc thiếp chưa lấy chàng, có lần đến tị nạn tại nhà hắn, cũng được hắn đối xử tử tế. Hắn tuy hạnh kiểm chẳng ra gì nhưng nhờ phúc đức tổ tiên chưa dứt, hơn nữa lại là bạn đồng khoa với chàng, vậy có lẽ chàng cũng nên nhường cơm sẻ áo cho hắn trong lúc khó khăn.
Trịnh công tử cho là phải, may quần áo mới cho Cảnh và giữ lại mấy ngày. Đến đêm Cảnh sắp đi ngủ, bỗng có nữ tì đem hai mươi lạng vàng vào tặng cho hắn và A Hà đứng ngoài cửa nói:
– Đây là của riêng của tôi gom góp, gọi là một chút nghĩa xưa. Hãy cầm lấy, rồi tìm một người lương ngẫu, may nhờ tổ ấm còn được tới đời con cháu. Không nên làm việc thất đức nữa mà tổn thọ.
Cảnh cảm tạ nàng. Đi về nhà, đem hơn mười lạng vàng mua lại một thị tì của nhà quyền quý, không lấy gì làm đẹp nhưng rất nghiêm trang, biết cách giữ chồng không cho uống rượu, sau sinh được một con trai.
Về sau, con của Cảnh lớn lên, học giỏi, thi đậu cả khoa thi hương (cử nhân) lẫn khoa thi hội (hiếu liêm). Còn Trịnh công tử thì làm quan tới Lại bộ thị lang. Đến khi quan thị lang qua đời, A Hà phu nhân đi đưa đám về, gia nhân mở kiệu ra thì không thấy phu nhân đâu cả, mới biết phu nhân không phải là người trần vậy.
Đoàn Dự