Bìa một CD của soạn giả cải lương Viễn Châu.
Ngày hôm nay Chủ Nhựt 8 Tháng Năm, giới hoạt động cải lương gồm Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu, Đoàn Nghệ Thuật Sân Khấu Văn Lang và nhiều nghệ sĩ ở hải ngoại sẽ tập trung tại thành phố Westminster, miền Nam California để làm lễ tưởng niệm cố soạn giả Viễn Châu.
Sự thân thiết giữa các soạn giả của hai thế hệNghe nói soạn giả Yên Lang lục lại bài thơ của Viễn Châu từng viết tặng cho ông để đọc lên trong buổi lễ tưởng niệm nói trên. Sẵn dịp này chúng tôi ghi lại chuyện cũ từng xảy ra trong thời cải lương cực thịnh thập niên 1960, đã đưa đến sự thân thiết giữa các soạn giả của hai thế hệ.
Số là vào năm 1965 giới soạn giả mở đại hội tại trụ sở Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu ở đường Cô Bắc, Sài Gòn. Đại hội nhằm mục đích tăng tiền bản quyền soạn giả từ 5 phần trăm lên 6 phần trăm. Lúc bấy giờ Yên Lang đang là soạn giả thường trực của công ty Kim Chung, cung cấp nhiều tuồng hương xa màu sắc cho các đoàn Kim Chung.
Ông Bầu Long đã không muốn Yên Lang tham dự đại hội soạn giả này, vì nó sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của các đoàn Kim Chung, và ông hứa sẽ ưu đãi Yên Lang nhiều hơn nếu như soạn giả không tham gia đại hội.
Trong lúc Yên Lang đang chần chờ chớ chưa dứt khoát, thì anh em soạn giả đề cử soạn giả Viễn Châu đi mời Yên Lang, vì thời điểm này vai trò của Yên Lang khá quan trọng, có liên quan đến nhiều đoàn Kim Chung đang hoạt động. Cuối cùng thì Yên Lang tham dự và đã góp phần đưa đại hội đến thành công.
Nếu như người ta căn cứ vào tuổi tác thì soạn giả Yên Lang thuộc thế hệ đàn em của Viễn Châu, cả hai mỗi người một nét phục vụ nghệ thuật. Viễn Châu thì viết tuồng cho các gánh hát lớn như Thanh Minh Thanh Nga, Dạ Lý Hương... và chuyên về viết bài ca tân cổ giao duyên, hàng trăm bài vọng cổ loại nầy được thu thanh dĩa hát phát hành phổ biến rộng rãi. Còn Yên Lang thì chuyên viết tuồng thuộc loại hương xa màu sắc, và đặc biệt là tuồng của Yên Lang rất ăn khách đã làm giàu cho bảng hiệu Kim Chung.
Tuyển Tập Những Bài Tân Cổ Hay Nhất Của Soạn Giả Viễn Châu.
Yên Lang thuộc thế hệ đàn em của Viễn Châu, nhỏ hơn đến mười mấy tuổi, nhưng sau đại hội thành công, các soạn giả tổ chức ăn mừng, thì Viễn Châu không đi chung với nhóm soạn giả lớn tuổi như Hoàng Khâm, Mộc Linh... mà ông lại nhập với nhóm trẻ của Yên Lang cùng đi ăn nhậu.
Từ đó Viễn Châu và Yên Lang thân nhau và rất thường gặp mặt, nhưng không biết hai người có trao đổi cho nhau bí quyết và kinh nghiệm viết kịch bản?
Tuy ra hải ngoại nhưng mỗi lần về nước là Yên Lang đến thăm Viễn Châu. Cách đây hơn một năm cũng trong dịp về quê hương, Yên Lang gặp lại Viễn Châu thấy rằng ông đã đau yếu nhiều, và ông có nói “chưa chắc gì về lần sau mà gặp ông”. Thật vậy, lần đó coi như lần cuối cùng mà hai soạn giả gặp nhau. Viễn Châu về với Tổ nghiệp, vĩnh viễn ra đi cách đây vài tháng.
Bài thơ của Viễn Châu viết tặng Yên Lang không biết có mang ý nghĩa gì đặc biệt chăng? Nhưng dù sao nó cũng lưu lại vết tích một soạn giả đã để lại cho đời nhiều bài ca được giới mộ điệu ưa chuộng, và đã đi vào lịch sử văn hóa nghệ thuật nước nhà.
Viết thêm tuồng thì chẳng biết tiêu thụ ở đâu?Những năm gần cuối đời, Viễn Châu không có soạn thêm tuồng cải lương nào, mà nếu như có viết thêm tuồng thì chẳng biết tiêu thụ ở đâu? Gánh hát dẹp hết rồi! Cũng như bài vọng cổ tân cổ giao duyên thì đâu còn hãng dĩa nào “đặt hàng”, thành thử ra cuộc sống của ông không khá gì.
Mấy năm trước người đại diện Hội Kim Hoàn ở San Jose miền Bắc California về nước, có đến đặt hàng Viễn Châu viết bài vọng cổ cho hội này hát trong ngày họp mặt. Viết cho các chủ tiệm vàng thì tiền thù lao khá cao, nghe nói họ trả bằng tờ trăm đô la, nhưng không biết là mấy tờ.
Những năm đầu thập niên 1960, trước khi có sự xuất hiện của tân cổ giao duyên, soạn giả Viễn Châu từng cho ra đời các bài vọng cổ 6 câu thuần túy, rất được giới đơn ca tài tử hoan nghinh và học thuộc lòng để ca ở các buổi sinh hoạt đình đám. Trong số có 2 bài vọng cổ được phổ biến cùng một thời điểm, đó là bài Tình Anh Bán Chiếu và Gánh Nước Đêm Trăng, cả hai bài được thu thanh dĩa hát do Út Trà Ôn ca. Đồng thời 2 bài vọng cổ nói trên cũng được in ấn thành cuốn bài ca nhỏ phát hành, rao bán khắp các chợ ở làng quê.
Do phổ biến rộng rãi như vậy, nên rất nhiều người đã thuộc lòng, và họ ca ở các nhóm đờn ca tài tử. Đây là 2 bài vọng cổ 6 câu thuần túy, với nội dung lời văn trữ tình, khá hay, khán thính giả nhà quê rất thích nghe. Người ta nói rằng nếu như không có cái chuyện bài ca tân cổ giao duyên xuất hiện chèn ép, thì chắc chắn Viễn Châu sẽ cho ra đời thêm nhiều bài vọng cổ 6 câu thuần túy khác vậy.
Theo RFA
Sửa bởi người viết 07/05/2016 lúc 07:51:56(UTC)
| Lý do: Chưa rõ