Người làm thuê kiện đòi con chủ nhàHạnh phúc ngắn ngủi Một ngày đầu tháng 5/2016, các phóng viên gặp anh Đặng Văn Long (40 tuổi, hộ khẩu tại Khánh Hội, Sài Gòn) lúc anh đang đi đón con gái của mình – cháu Đặng Nhã Quỳnh (6 tuổi) – tại trường mầm non về nhà. Anh Long cho biết, từ lúc chị Nguyễn Thị Bích Ngọc (vợ anh Long) mất, hai cha con chuyển về số 117C chung cư Vĩnh Hội đường Nguyễn Hữu Hào, quận 4, Sài Gòn, sinh sống. Cháu bé rất ngoan, khi nhà có khách thường ngồi im lặng trên chiếc nghề nhỏ xem phim hoạt hình.
Anh Long kể, anh có 3 cửa hàng tranh trên đường Bùi Viện, đường Phạm Ngũ Lão và đường Đề Thám (tất cả đều ớ quận 1, Sài Gòn). Dù bận rộn đến mấy, ngày nào anh cũng đưa đón con đi học, về học, tự tay chăm bẵm cho con từng miếng ăn giấc ngủ. Những việc này ngày trước chị Ngọc làm, nhưng từ khi chị mất thì một mình anh lo hết.
Anh Long và chị Ngọc có mối tình đầu với nhau từ hơn 14 năm trước. Năm 2002, hai người cùng học tại trường Đại học Đà Lạt nhưng khác ban, quen nhau rồi yêu nhau. Mặc dầu cả hai đều ra trường với bằng tốt nghiệp loại cao, anh Long chuyên về Ngoại thương, chị Ngọc chuyên về Kế toán-Tài chánh, nhưng mãi mới xin được việc làm ở Sài Gòn tại các cơ sở tư nhân, không đúng với chuyên môn của mình. Chị Ngọc làm nhân viên bán hàng kiêm giao dịch với khách nước ngoài trong một phòng trưng bày tranh (ở Việt nam thường gọi là gallery) trên đường Bùi Viện; còn anh Long thì làm nhân viên địa ốc cho một công ty tư nhân.
Thấy phòng tranh làm ăn khá quá, chị Ngọc thường kể lại với anh Long và hai người mong cũng mở được một phòng tranh như vậy trên đường Bùi Viện, vì con đường này tập trung nhiều phòng tranh.
Ít lâu sau, nhờ cha mẹ hai bên đều khá giả, hai người trình bày ý định của mình rồi xin cha mẹ giúp đỡ, đồng thời vay mượn thêm tại ngân hàng, hùn hạp với nhau mua được một căn nhà ngoài mặt đường Bùi Viện, xây sửa lại, mở một phòng tranh khang trang.
Đến năm 2005, khi phòng tranh đã đông khách, làm ăn phát đạt với kinh nghiệm có sẵn của chị Ngọc, hai người xin phép hai bên gia đình cho làm đám cưới rất đông vui với sự tham dự của bà con họ hàng, bạn bè và nhiều họa sĩ hoặc họa công có tranh vẫn gửi bán ở đấy. (Họa công trước đây thường gọi là “thợ vẽ”, là những người cũng vẽ rất giỏi, rất đẹp nhưng gần như không sáng tác, chỉ chuyên sao chép, “nhái lại” các bức danh họa của các họa sĩ danh tiếng trên thế giới).
Lấy nhau gần 5 năm trời mà vẫn chưa có “tin mừng” gì cả, hai vợ chồng anh Long rất mong mỏi, thèm khát có được đứa con. May mắn là đầu năm 2010, chị Ngọc có bầu rồi cuối năm sinh một bé gái xinh như hạt ngọc, anh chị đặt tên là Nhã Quỳnh, tức bông hoa quỳnh trang nhã.
Tuy nhiên, khi gia đình đang hạnh phúc thì năm 2011 – tức hơn một năm sau khi sinh cháu Nhã Quỳnh – chị Ngọc bệnh nặng. Sau nhiều lần xét nghiệm, các bác sĩ xác định chị bị ung thư. Tai anh ù đi, chân muốn khuỵu xuống, chới với khi nghe cái “án tử” dành cho vợ.
Nhớ về người vợ quá cố, anh Long kể là chị Ngọc rất đẹp, thân hình mảnh mai, dù bị ung thư nhưng da dẻ vẫn trắng mịn như người bình thường. Vợ bị nan y, anh gửi con cho ông bà nội trông nom giùm, giao cả 3 phòng tranh cho cô em ruột và hai người em vợ quản lý, rồi đưa vợ ra Hà Nội, sau đó sang Singapore chạy chữa. Nhưng mọi cô gắng của anh không giúp chị Ngọc thoát khỏi bệnh tật. Sáu tháng sau, chị vĩnh viễn rời xa người thân và hai bố con anh.
Vợ mất, anh Long suy sụp hoàn toàn. Được mọi người an ủi nhưng phải một thời gian lâu sau anh mới lấy lại tinh thần. Anh tâm sự rằng anh mất đi người vợ thân yêu và cháu Nhã Quỳnh trở thành đứa trẻ mồ côi mẹ lúc mới chưa đầy 2 tuổi. Thương con, anh cố gắng vượt qua nỗi đau để chăm sóc, bù đắp cho con.
(Cháu Quỳnh chơi trò nấu ăn)Tuy nhiên, điều mà anh Long cho là khốn nạn nhất trên đời là trong khi chưa nguôi nỗi đau mất vợ, thì bỗng anh nhận được giấy của TAND Quận 4 (tức khu Khánh Hội) mời đến làm việc, vì có người khởi kiện, tranh chấp cháu Nhã Quỳnh với anh.
Anh Long chẳng hiểu gì cả. Đến khi tới tòa anh mới biết kẻ đang khi không khởi kiện, tranh chấp quyền làm cha với anh là tay họa công kiêm người làm thuê, trông nom cửa hàng cho gia đình anh, tên là Nguyên Phúc Vỹ, lớn hơn anh 10 tuổi. Gã này thân thể gầy gò, râu ria rậm rạp, để tóc dài tới quá gáy theo kiểu “nghệ sĩ” nhưng trông có vẻ bẩn bẩn, chẳng “nghệ sĩ” một tí nào cả. Hắn vô gia cư, không có vợ con, sống nhờ nhà người quen ở khu Cát Lái bên phía Quận 2, nhưng có tài vẽ “tranh nhái” khó ai địch nổi, trông không khác gì các bức danh họa đã được sao chép trước đây. Thấy Vỹ có hoa tay mà lại quá nghèo phải đi ở nhờ, nên anh Long đồng ý mướn hắn trông coi phòng tranh do chị Ngọc quản lý ở đường Bùi Viện vì chị cũng rất bận, thỉnh thoảng phải chạy qua chạy lại các phòng tranh khác ở đường Phạm Ngũ Lão và đường Đề Thám. Vỹ ở luôn tại phòng tranh, ăn cơm trong quán bình dân gần đó, lúc chưa có khách thì vẽ nhái tranh, tiền bán tính riêng, đời sống cũng tạm ổn và Long coi anh ta như người anh ruột.
Trong đơn khiếu kiện của Nguyễn Phúc Vỹ, hắn có kèm theo giấy xét nghiệm DNA của một cơ sở tư nhân tại Sài Gòn, chứng nhận DNA của hắn cùng gene với cháu Quỳnh.
Được các phóng viên hỏi là anh có nghi ngờ gì về lòng chung thủy của vợ mình hay không? Anh Long nói rằng tuyệt đối không, chị là người hiểu biết, dịu dàng, thùy mị, nhất là rất yêu anh và con. Đối với gia đình, chị luôn thể hiện mình là người phụ nữ đảm đang, hết lòng vì chồng vì con, còn đối với cha mẹ chồng thì chị cư xử đúng mức theo đạo dâu con. Vì vậy, từ khi chung sống với nhau cho tới khi chị từ giã cõi đời, anh tin tưởng vợ tuyệt đối. Ngay cả trước khi mất chị vẫn còn cầm tay anh, thều thào căn dặn hãy thay chị yêu thương, chăm sóc đứa con tội nghiệp của hai vợ chồng. Vậy mà chị vừa nằm xuống chưa được một năm, cái gã làm thuê gầy ốm, tóc tai bẩn thỉu, lớn hơn anh 10 tuổi lại kiện cáo, tranh quyền làm cha với anh, thật hết sức vô lý, chẳng những chỉ làm mất danh dự của anh mà còn đụng chạm tới danh dự của người đã khuất.
Anh Long cho biết: “Sau khi vợ tôi bị bệnh nặng qua đời, cái phòng tranh ở đường Bùi Viện do cô em gái tôi quản lý. Cô em tôi vốn ghét lối ăn mặc cẩu thả của Nguyễn Phúc Vỹ, hắn biết rõ điều đó nên tự động xin nghỉ việc. Mặc dầu nghỉ nhưng thỉnh thoảng hắn vẫn ghé thăm tôi. Không hiểu tại sao đang tự nhiên hắn lại làm chuyện kỳ cục, đụng chạm tới danh dự của vợ chồng tôi như thế”.
Theo anh Long, khi được tòa án mời đến làm việc, anh không chấp nhận khởi kiện của nguyên đơn, nên không đồng ý cung cấp mẫu vật từ cháu Quỳnh để giám định DNA nhằm có căn cứ để tòa có cơ sở giải quyết vụ án. Anh nói với các phóng viên: ”Tôi hỏi các anh, giả thử các anh có vàng bạc cất trong tủ, bây giờ tự nhiên có một thằng cha căng chú kiết nào đó nói là vàng bạc của nó rồi kiện tụng, xin tòa bắt anh đưa chìa khóa để kiểm tra thì anh có đưa hay không? Phải có căn cứ nào thì anh mới tuân lệnh chứ! Tôi cũng vậy, nguyên đơn phải đưa ra chứng cớ rõ ràng, chứng minh được việc kiện tụng của hắn có nguyên cớ xác đáng tôi mới đồng ý hầu tòa. Đằng này đơn kiện của hắn chỉ có bản xét nghiệm DNA của một cơ sở tư nhân thì đáng kể gì. Hắn lấy đâu ra mẫu vật từ cháu Quỳnh để đi xét nghiệm? Kết quả xét nghiệm của một cơ sở tư nhân, không phải của một trung tâm y tế có thẩm quyền thì có đáng tin cậy hay không? Tôi thật sự không hiểu các cơ quan chức năng nghĩ sao mà lại buộc tôi phải cung cấp mẫu vật của con tôi cho một việc làm bá láp như vậy. Theo tôi nghĩ, tòa không đủ căn cứ để thụ lý vụ kiện cực kỳ vô lý đó”.
Anh Long cho biết, từ đầu tháng 1/2014, anh luôn luôn nhận được quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp của tòa án, buộc anh phải cung cấp mẫu vật của đứa con cho Phân viện Khoa học Hình sự thuộc Bộ Công an tại Sài Gòn, để tiến hành giám định DNA. Anh đã nhiều lần khiếu nại nhưng tòa không chấp nhận. Từ đó, anh liên tục bị Cơ quan thi hành án quận 4 ra thông báo rồi đưa quyết định cưỡng chế, buộc anh phải thực hiện công việc cung cấp mẫu vật đê tiến hành giám định DNA theo yêu cầu của nguyên đơn.
Anh Long nói, anh cương quyết không cung cấp mẫu vật của cháu Nhã Quỳnh cho cơ quan chức năng. Anh suy nghĩ, có thể vợ anh đã sai lầm, lấy chồng gần 5 năm không có “tin mừng”, chị quá nóng lòng, mong có đứa con nên đã liều “xin giống” từ gã làm công. Nhưng chị đã mất, mọi chuyện đã tan thành mây khói, không có gì làm căn cớ. Dù DNA cháu Quỳnh có giống DNA của gã kia chăng nữa thì cháu vẫn là con của vợ chồng anh. Nuôi một đứa trẻ từ lúc lọt lòng cho đến khi thành người thì khó hơn việc “cho giống” rất nhiều. “Cho giống” xong, vứt đó, bây giờ kiện cáo nhận làm cha trong khi cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, vợ con không có, phải đi ở nhờ trong túp lều tranh, hút thuốc, uống rượu nhiều hơn ăn cơm thì kiện làm gì, có nuôi nổi nó không hay sẽ đầy đọa nó? Anh Long nói: ”Tôi chống lại việc khiếu kiện của nguyên đơn cũng là để bảo vệ cho con tôi. Cháu đã thiếu tình yêu của mẹ từ lúc mới gần 2 tuổi, bây giờ chỉ còn có cha là tôi chứ không phải một người nào khác. Ai muốn làm gì tôi thì cứ việc làm, giết hay bỏ tù tôi cũng được, tôi tuyệt đối không đem con tôi ra tòa để kẻ kia tranh chấp một cách phi lý. Việc đó người sáng suốt không thể chấp nhận được”.
Cuối cùng, mới đây Tòa án Nhân dân Quận 4 đã ra quyết định đình chỉ vụ án “ăn cháo đá bát” vô nghĩa lý đó.
Cả làng đi… đánh ghen giùm Vụ đánh ghen hy hữu Chiều 29/4/2016, tại nhà của anh Đào Tiến Trung, 38 tuổi, ở đường Hai Bà Trưng, thị trấn Lim, tỉnh Bắc Ninh, đã xảy ra vụ đánh ghen hy hữu. Đó là cả làng đến… đánh ghen giùm trong khi chị Nguyễn Thị Đào, vợ của anh Trung, đi khám thai ở Hà Nội về không nói gì cả. Người nhân tình của anh Trung là chị Đới Thị Ánh Ngọc, 36 tuổi, kém anh Trung 2 tuổi, cũng gốc Bắc Ninh, hiện đang sống tại Quận 1, Sài Gòn.
Để hiểu rõ vấn đề bị “hố”nói trên của dân làng Lim, các phóng viên đã có hẹn, gặp được anh Trung và chị Ánh Ngọc tại một quán nước ở gần chùa Láng, Hà Nội, vào chiều ngày 4/5/2016, tức 5 hôm sau khi xảy ra cuộc “đại chiến” tức cười mà vị chủ soái đứng đầu là vợ chồng người anh vợ của anh Trung. Được biết, chị Nguyễn Thị Đào, 38 tuổi, vợ anh Trung, đang mang thai tháng thứ 6.
Tại quán nước, anh Trung cho biết, anh là chủ một nhà hàng ăn ở Từ Sơn (Bắc Ninh) nhưng không thuê đầu bếp mà tự mình nấu lấy cho ngon vì anh nấu nướng rất giỏi. Hôm ấy, do khách đến quán rất đông, nguyên một nhóm đã có tới 10 bàn đặt tiệc, vì vậy anh phải nhờ người em gái đưa vợ đi khám thai còn mình thì ở nhà lo nấu nướng và trông nom việc phục vụ.
Đến khoảng 16 giờ, sau khi khách hàng tiệc tùng đã xong, nhà hàng đã dọn dẹp đâu vào đấy, người “bồ” của anh là chị Đới Thị Ánh Ngọc từ trong Nam ra, đến chơi do đã hẹn trước, anh lái xe đưa chị về ngôi nhà 5 tầng của gia đình mình đang sinh sống ở đường Hai Bà Trưng, thị trấn Lim, để chị Ánh Ngọc thay đồ, tắm rửa.
Lúc anh Trung đang xuống xe, mở hai cánh cổng sắt để lái xe vào trong sân thì vợ chồng người anh vợ – tức anh ruột và chị dâu chị Đào vợ anh Trung – trông thấy cô “bồ” của anh Trung ăn mặc sang trọng đang ngồi trong xe.
Người anh vợ rất bực bội, bởi vì trước đây khi anh Trung mới lấy chị Đào thì hai vợ chồng chưa có gì cả, anh Trung phải ở nhờ (kêu là “ở rể”) tại nhà bố mẹ vợ. Anh rất siêng năng cần mẫn, suốt ngày đi làm đầu bếp tại nhà hàng cho người ta, quyết chí làm giàu nên bố mẹ vợ thương tình, cho hai vợ chồng một khu đất ở gần nhà ông bà, cũng trong thị trấn Lim. Sau này, khi đã ăn nên làm ra, mặc dầu đã có một nhà hàng ngay giữa thị trấn, nhưng anh quyết định xây thêm ngôi nhà 5 tầng này để vợ và 2 con – một trai một gái – có chỗ ở thoải mái và anh cũng có chỗ nghỉ ngơi sau những buổi làm đầu bếp vừa nóng bức vừa ồn ào.
Người anh vợ suy nghĩ, đất là của bố mẹ mình cho, nhà là của em gái mình một nửa, vậy mà nó dám đem tình nhân về hú hí với nhau trong khi em gái mình đang đi Hà Nội khám thai đứa con thứ 3 thì nó còn coi ai ra gì nữa? Nghĩ thế, nhân có sẵn xe máy đấy, người anh bèn chở vợ đến các nhà bà con họ hàng, kể cả ông cậu đã ngoài 80 tuổi ở gần đó để đến làm cho ra nhẽ.
Sau đó, những người dân sống chung quanh và người đi đường cũng kéo nhau đến xem. Anh Trung cho biết: ”Số người kéo đến mỗi lúc một đông, la hét ỏm tỏi. Ánh Ngọc đứng so vào góc nhà. Mọi người bắt tôi phải mở cửa, lôi ”con đĩ ” ra ngoài để họ nện cho nó một trận. Càng la hét càng hăng, họ túm lấy tôi lôi ra ngoài sân, cứ thế mà đấm đá, đánh đập, cỏn những người khác thì xông vào nắm tóc, đánh chửi Ánh Ngọc, xé quần áo của Ngọc đến mức chiếc “quang Thái” (nịt vú) và chiếc “ắn-đờ-oe” (underwear, quần lót) cũng rách tơi bời.
Dân làng kéo đến mỗi lúc một đông. Những người đứng ở ngoài sân không vào trong nhà được thì dùng mũ, dùng dép, dùng cả gạch ngói ném phứa phựa vào khiến tủ kính và kính bàn xa-lông trong phòng khách nhà tôi vỡ tan tành. Có người gọi điện thoại cho công an thị trấn Lim đến can thiệp (thị trấn Lim ở đầu làng Lim, một làng mà có thị trấn là rất lơn, sau này nếu đông hơn sẽ thành thị xã) nhưng không ăn nhằm gì. Sau đó phải có công an huyện Tiên Du đến mới ”giải vây” cho chúng tôi được. Tôi với Ánh Ngọc bị một trận tơi bời, tôi phải cởi chiếc áo sơ mi đang mặc ra trùm đỡ cho Ngọc chứ không thôi cô ấy “trống trải” quá”.
Sự việc nói trên kéo dài khoảng hơn một tiếng đồng hồ. Đến khi chị Đào đi khám thai về thì chị có vẻ hơi mệt với cái bụng có thai 6 tháng đã khá lớn. Chị ngồi vào chiếc ghế bành ở trong phòng khách, im lặng không nói gì cả mà chỉ lẩm bẩm như nói một mình: ”Hừ, rõ thật dở hơi! Ai mượn mà họ làm như vậy? Chả ra sao cả!…”.
Mối tình trắc trở… Anh Đào Tiến Trung cho biết, anh với chị Ánh Ngọc là mối tình đầu của nhau. Anh yêu chị Ngọc từ năm 18 tuổi, tức năm 1998. Anh là bạn thân của anh trai chị Ngọc. Còn Ánh Ngọc thì lúc ấy 16 tuổi. Hai người yêu nhau tha thiết vì Ngọc rất xinh và rất ngoan ngoãn, nhưng mối lương duyên không thành do Ngọc còn quá ít tuổi. Ít lâu sau, Ngọc theo người cô ruột vào trong Nam vì bà cô này không có con cái, Ngọc vào trông nom cô, sau này cô mất thì sẽ được hưởng gia tài là một cửa hàng vải lớn ở đường Lê Thánh Tôn, quận 1, ít người có được như vậy. Ba cô bảo Ngọc vào, bà sẽ dạy cách buôn bán hàng vải cho quen.
Ít lâu sau, Ngọc nghe tin Trung ở ngoài Bắc lấy vợ, cô rất buồn, rồi cô cũng lấy chồng. Người chồng này lớn hơn cô 10 tuổi nhưng cô “lấy cho xong” kẻo rồi khi bà cô mất thì lại sống một mình ở cái đất Sài Gòn nhiều trộm đạo dòm ngó này. Hai người có với nhau một con gái. Bất ngờ người chồng bị tai nạn giao thông, chết. Ánh Ngọc sống với cô con gái mới 5 tuổi trong ngôi nhà 4 tầng ở đường Lê Thánh Tôn đó. Cô không bán vải nữa mà cho người ta mướn tầng trệt mở tiệm thuốc tây, tầng trên mở văn phòng luật sư, mỗi tháng cũng vài chục triệu, còn cô quay sang việc khác – kinh doanh địa ốc – vừa nhàn vừa có thì giờ rộng rãi hơn.
“Tình cũ không rủ cũng đến”, một lần Trung vào “du lịch” Sài Gòn. Anh ghé thăm Ánh Ngọc và hai người sống với nhau hơn một tuần lễ mặc dầu Trung đã có vợ và 2 con ở quê.
( Anh Trung và người yêu cũ)Chị Ngọc nói: “Tôi đã có bầu với anh Trung được 3 tháng. Nếu không phải vì tình yêu thì tôi ra chơi ngoài này làm gì cho mệt? Đối với tôi, anh Trung vẫn như ngày xưa năm anh 18 tuổi, còn tôi 16 lúc mới yêu nhau. Tôi ra thăm anh rồi về chứ có đòi hỏi gì đâu? Cả làng không hiểu, xông vào đánh tôi và đánh cả anh Trung nữa, điều đó không tốt, không xứng đáng với quê hương quan họ Bắc Ninh. Chỉ có chị Đào là im lặng, tôi rất quý mến chị”.
Ông Nguyễn Đình Thập – phó Công an thị trấn Lim cho biết, sau khi công an thị trấn và công an huyện “giải cứu” được đôi tình nhân, gia đình phía bên nhà chị Đào vợ anh Trung cũng đã có lời xin lỗi chị Ngọc. Họ nói cái tình cảm sâu đậm của 18 năm về trước, nếu họ biết thì đã ngăn chặn không để xảy ra sự việc đáng tiếc như vậy.
Ba hôm sau, chính chị Đào dù bụng mang dạ chửa cũng lái chiếc xe anh Trung vẫn lái, đưa chị Ngọc đi phi trường Nội Bài để trở về Sài Gòn. Hai “bà bầu” thân thiết với nhau như chị em ruột.
Đoàn Dự