Ông David Dương, Chủ tịch công ty California Waste Solutions.
Gia đình ông David Dương được giải cứu ngoài biển trên một chiếc tàu nhỏ sau khi rời Việt Nam lúc chiến tranh kết thúc. Sau khoảng thời gian trong trại tị nạn, họ đặt chân đến Mỹ vào năm 1979, không có tài sản nào khác ngoài quyết tâm tìm cơ hội nơi mà những người khác chỉ có thể nhìn thấy rác. Bây giờ, doanh nghiệp tái chế rác thải của gia đình ở bang California trị giá hàng trăm triệu đôla, sử dụng hàng trăm người lao động, và đang đầu tư ở Việt Nam.
Công ty của ông David, California Waste Solutions, hoạt động ở hai thành phố Oakland và San Jose, California. Nó có hàng đoàn xe tải chuyên dụng trị giá khoảng 300.000 đôla mỗi chiếc, lăn bánh vào lúc bình minh để thu thập những vật liệu có thể tái chế. Hàng ngàn tấn vật liệu được đưa đến những nhà máy phân loại lớn, phức tạp và được tự động hóa cao độ của công ty.
Đó là một sự tiến triển to lớn cho một công ty khởi đầu khi gia đình mới nhập cư của ông lâm vào cảnh túng thiếu cả về công việc và tiền bạc và bắt đầu nhặt nhạnh những mảnh các-tông trên đường phố thành phố San Francisco lân cận. Họ phân loại những vật có thể tái chế khỏi rác thải bằng tay và bán chúng đi để làm thành hộp, lon và những sản phẩm khác.
23 thành viên trong gia đình họ Dương nằm trong số hàng ngàn người rời đi khi chiến tranh Việt Nam kết thúc. "Chúng tôi suýt chết ngoài biển vì máy bị hư, và chúng tôi lênh đênh trên tàu ở ngoài đó," ông David nói.
Tại cơ sở tái chế của ông Dương, các nhân viên và máy móc phức tạp đã làm công việc phân loại mà gia đình ông đã từng làm bằng tay.
Cha ông David Dương cóp nhặt được một khoản tiền trả trước 700 đôla để mua một chiếc xe tải đã qua sử dụng. Nhưng vì là người mới đến không có lịch sử tín dụng, ông gặp khó khăn trong việc mượn phần tiền còn lại chi trả cho chiếc xe tải. Ông David Dương cho biết cha của ông "đã tới khu phố Tàu, đi vào một nhà thờ của người Tàu và xin được giúp đỡ. Người ta biết chúng tôi và đã giúp đỡ chúng tôi ... vì thế chúng tôi có thể đi quanh nhặt vật liệu tái chế được và đem bán. Chúng tôi khởi nghiệp như vậy đó."
Nhiều máy móc bây giờ làm công việc phân loại mà gia đình ông David từng làm bằng tay. Một số máy sử dụng nam châm hoặc điện tích lọc sắt hoặc nhôm để tách những kim loại có giá trị khỏi những vật liệu khác. Những máy khác, một số có kích thước bằng căn phòng lớn, sử dụng đèn sáng, những luồng không khí và máy tính để tách những vật liệu nhẹ như túi ni-lông khỏi những vật liệu sợi nặng hơn.
Quá trình ồn ào này bao gồm đến rất nhiều băng tải dài và nhiều thiết bị lớn, đắt tiền và phức tạp. Mục đích của quá trình này là phân loại một mớ bòng bong các thứ thành những đống vật liệu tương đối thuần như nhôm, giấy hoặc một số loại nhựa nhất định được sử dụng làm nguyên liệu có tính tiết kiệm cho những nhà sản xuất.
Nó cũng tốt cho môi trường nữa, theo Giám đốc Vận hành Joel Corona, người nói rằng mục tiêu là để gửi "zero rác thải" ra những bãi chôn rác của California.
Quay trở lại Việt Nam, mối quan tâm ngày càng tăng đối với những vấn đề môi trường là cơ hội cho công ty California Waste Solutions mở rộng. Công ty này đã vận hành những cơ sở hiện đại, được xây dựng và vận hành theo tiêu chuẩn của Mỹ, được một khoảng thời gian.
Ông David nói rằng chính phủ Việt Nam đang tạo điều kiện dễ dàng hơn để đầu tư ở đó, điều mà có thể khuyến khích một số Việt kiều vượt qua nỗi hận dai dẳng và bắt đầu những dự án mới ở quê nhà. Ông David nói: "Chúng tôi có thể đưa công nghệ mà chúng tôi học được, chúng tôi làm điều đó ở đây tại Mỹ, mang trở về quê hương chúng tôi và có thể giúp đỡ người dân Việt Nam và giúp cho môi trường. Tôi rất là tự hào về những điều đó."
Vì thế ông David đang xuất khẩu nhiều hơn 500 kilogram một chút những kiện các-tông, nhựa, hoặc nhôm. Ông cũng đang chia sẻ quan niệm rằng làm việc chăm chỉ, đánh liều, vận may và viễn kiến táo bạo, tất cả những thứ đó kết hợp lại với nhau đôi khi thực sự đem lại thành công.
Theo VOA