Thính giả Minh Nguyễn, ở San Diego, California, hỏi:
“Kính thưa Bác sĩ,
Tôi bị ung thư gan, đã chữa trị chemo đã hơn một năm rồi, mà không có kết quả.
Bây giờ gan tôi yếu, bí ứ nước trong bụng, bốn ngày phải đi lấy nước ra một lần.
Tôi hỏi bác sĩ Mỹ có thuốc nào uống cho không còn bị ứ nước hay không. Bác sĩ Mỹ nói là không có thuốc nào.
Nhờ Bác sĩ chỉ cho thuốc nào uống để không còn bị ứ nước."
Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:
Tải để nghe
http://av.voanews.com/cl...e9a48f868f9_original.mp3Tôi xin trả lời một cách tổng quát như thường lệ. Người duy nhất có thẩm quyền để giải quyết cho bệnh nhân là bác sĩ đang điều trị. Ước mong những nhận xét sau đây giúp cho quý vị thính giả hiểu thêm về vấn đề này để dễ cộng tác hơn với bác sĩ của mình.
1. Nếu bệnh ung thư đã được xác nhận, trong một số bệnh nhân, “nước” (đúng hơn là một chất dịch [fluid] với các chất protein và tế bào trong đó) ứ ở trong xoang bụng (abdominal cavity). Xoang bụng là khoảng không gian chứa các nội tạng như ruột, dạ dày, gan.., được bao bọc bằng một cái màng gọi là phúc mạc (phúc= bụng, mạc=màng) (peritoneum). Bình thường không có nước trong cái túi này, ở nam giới phúc mạc hoàn toàn khô, ở nữ giới cùng lắm vài chục phân khối dịch trong lúc có kinh. Lúc có nước trong không gian này, chúng ta gọi là bụng báng nước (ascites; nếu chảy máu trong không gian này, chúng ta gọi là "hemoperitoneum" (máu trong phúc mạc); nếu có hiện tượng viêm, nhiễm trùng thì gọi là viêm phúc mạc (peritonitis).
Trong một số trường hợp ung thư như: vú, dạ dày, ruột, ruột già, buồng trứng, tụy tạng, dễ xảy ra bụng báng nước (ascites). Trường hợp này bác sĩ hay dùng từ "bụng báng nước ác tính" (malignant ascites).
2. Ung thư có thể gây ra bụng báng vì:
- Ung thư lan vào phúc mạc (peritoneal carcinomatosis)
- Các kênh dẫn lưu lâm ba phụ trách đem các dịch thừa thải ra khỏi phúc mạc bị nghẽn hay chèn ép do khối u (obstruction of lymphatic drainage system)
- Hệ thống tĩnh mạch cửa đem máu từ ruột về gan bị tắc nghẽn do khối huyết (portal vein thrombosis) hay do xơ gan (cirrhosis) làm chặn máu lưu thông.
- Tim bị suy
- Màng bao tim bị viêm, co rút lại và ngăn cản tim làm việc bình thường (constrictive pericarditis).
- Thận bị hư, làm mất protein máu (nephrotic syndrome), do đó nước thoát ra màng bụng dễ dàng hơn.
- Nhiễm trùng phúc mạc.
3. Bác sĩ có thể xác định ascites bằng siêu âm, chụp XRay, MRI, CT scan, hay chọc vào xoang bụng và lấy nước ra để thử nghiệm (paracentesis).
4. Trong trường hợp bụng bác ác tính, chữa trị nhằm mục đích làm cho bệnh nhân dễ chịu hơn, ít thấy nặng nề hơn (symptomatic treatment, palliative treatment). Nếu lượng nước ít thôi và bệnh nhân không thấy khó chịu (“discomfort’) vì hiện diện của bụng báng, có thể không cần phải can thiệp. Bệnh nhân nên bàn với bác sĩ để biết lấy ra thì lợi gì và có hại gì, để cân bằng lợi hại cho mỗi biện pháp trị liệu ("risk versus benefit").
a. Ví dụ bác sĩ có thể cho uống thuốc lợi tiểu (diuretics) để thận của bệnh nhân thải nước ra nhiều hơn trong nước tiểu. Thuốc này có thể làm mất ngủ (thức đi tiểu), da khô, mệt mỏi, chóng mặt vì áp huyết thấp,một số người ngại vì phải đi tiểu nhiều.
b. Biện pháp chục rút nước bụng báng ra, nếu cần.
c. Đương nhiên là bác sĩ cũng phải chữa trị nguồn gốc gây ra bụng báng nếu thấy cần.
Chúc bệnh nhân may mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền