Sinh viên ở một trường đại học địa phương ăn mừng tốt nghiệp tại Văn Miếu ở Hà Nội vào ngày 18 tháng 11 năm 2014.
Từ ngày 1/6, hơn 15 triệu học sinh phổ thông ở Việt Nam bắt đầu kỳ nghỉ hè năm nay. Gia đình, nhà trường và toàn xã hội nên làm gì để các em có được một kỳ nghỉ hè đúng nghĩa? Các chuyên gia giáo dục nói gì về vấn đề này?
Báo cáo của Viện Khoa học giáo dục cho biết, hiện nay kỳ nghỉ hè đối với trẻ em nông thôn có một ý nghĩa đặc biệt, các em không bị bó buộc về không gian hay thời gian, chúng tụ tập với nhau để tự tạo ra các trò giải trí, thậm chí tranh thủ vui chơi ngay lúc làm việc nhà. Tuy nhiên, với các trẻ em ở thành phố thì đôi khi ngày hè lại là lúc bị bó buộc nhất, với những lịch học kín đặc chẳng khác gì trong năm học.
Đánh giá như về kỳ nghỉ hè của học sinh phổ thông ở Việt Nam (VN) trong thời gian qua, từ Hà nội, chuyên gia giáo dục Hoàng Oanh, thuộc trường Quốc tế Nhật Bản nhận xét:
“Thời chúng tôi còn đi học, nghỉ hè hầu như chúng tôi chả phải học hành gì cho nên nghỉ hè rất thoải mái và cũng chính vì có một kỳ nghỉ hè thoải mái nên năm học mới nó thiêng liêng lắm. Vì 9 tháng học khác hẳn 3 tháng nghỉ hè, chứ có đâu vừa học vừa chơi như bây giờ. Hiện nay học sinh ở thành phố, thậm chí ở vùng nông thôn hầu như không có nghỉ hè, vì chưa nghỉ hè thì các cháu đã phải ghi tên vào lớp học hè do thầy cô tổ chức.”
Học sinh thực hiện một điệu nhảy để khuyến khích tăng cường an toàn giao thông. AFP PHOTO
Dưới tiêu đề "Đà Nẵng sẽ cho học sinh nghỉ trọn 3 tháng hè", báo VnExpress ngày 31/5/2016 cho biết Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng, đã làm đề xuất gửi Thành ủy về việc cho học sinh trên địa bàn nghỉ 3 tháng hè và không dạy học trước 2 tuần mới khai giảng như các năm trước. Theo đó trong dịp hè, các trường sẽ cho học sinh nghỉ trọn 3 tháng hè và sẽ mở cửa trường học để học sinh vào đọc sách, dạo mát, chơi thể thao…
Từ Sài gòn, GS. Phạm Minh Hoàng bày tỏ sự ủng hộ với chủ trương của Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng, theo ông xu hướng mới của lớp trẻ bây giờ là cần được nghỉ ngơi, được đi, được đến, được thấy tận mắt những gì lâu nay chỉ biết qua sách vở tranh ảnh, thậm chí được cống hiến được lăn lộn xông pha với thực tế. Ông tiếp lời:
“Điều đó tôi hết sức hoan nghênh, như thế sẽ làm cho các em thoải mái và được tự do trong 3 tháng hè. Đây là một thời gian rất dài mà các em có thể thoải mái đọc sách hay đi chơi. Theo tôi đó là điều cần thiết và chúng ta cần phải nhân rộng.”
Theo báo Sống mới ngày 23/5 cho biết, hàng năm ngay khi năm học kết thúc, thay vì để trẻ được nghỉ xả hơi, thì nhiều phụ huynh đã đôn đáo tìm lớp cho con học thêm vì lo ngại chúng lêu lổng khi không có người quản lý hoặc bị hổng kiến thức vì nghỉ dài ngày. Tuy nhiên điều này có thể sẽ phản tác dụng, bởi trẻ cũng cần được thư giãn để tái tạo sức khỏe cũng như sự sáng tạo.
Nói về nguyên nhân của việc các học sinh phổ thông hiện nay không được hưởng trọn vẹn những ngày hè tươi vui và bổ ích như trước kia. Ông Hoàng Oanh thấy rằng, việc xếp thời lịch học tập hiện nay của Bộ GD&ĐT cũng không rõ ràng dứt khoát, ví dụ vào tháng 4 hàng năm sau khi thi học kỳ 2 xong thì thầy không dạy và trò cũng không học nữa; nhưng nửa cuối tháng 8 thì lại học trước khai giảng 2 tuần. Theo ông việc bắt học sinh học hè là điều hoàn toàn bất hợp lý. Ông nói với chúng tôi:
“Trước đây có 3 tháng nghỉ hè rất thoải mái, nhưng 9 tháng đi học là 9 tháng học thực sự. Chứ bây giờ ở trường đi học thì cứ như đi chơi, nhưng đến lúc nghỉ hè thì vẫn như đi học. Tôi tin rằng, nếu không chịu sức ép của nhà trường thì nhiều phụ huynh sẽ cho con đi về quê, cho đi thăm thú hay tham gia các sinh hoạt lành mạnh.”
Theo GS. Phạm Minh Hoàng, hãy coi kỳ nghỉ hè là dịp cho học sinh được nghỉ ngơi để về các vùng quê để tham gia các hoạt động ngoại khóa. Theo ông đây là nơi các em sẽ rút cho bản thân những bài học về kỹ năng sống. Ông khẳng định:
“Đối với tôi các hoạt động gọi là ngoại khóa là rất tốt, trước hết nó tạo cho các em có ý thức coi trọng giá trị đồng dao ở nông thôn, sự vất vả khó khăn của những người nông dân VN, điều đó sẽ giúp cho các em hiểu được giá trị của đồng tiền. Song điều quan trọng là, qua đó sẽ dạy cho các em điều gọi là kỹ năng sống. Tôi nghĩ những cái đó không phải là vô bổ đâu?”
Trả lời câu hỏi: Gia đình, nhà trường và xã hội nên làm gì và làm thế nào để tạo ra một mùa hè thực sự cho tuổi học trò?
Đối với các vị phụ huynh học sinh, Chuyên gia Giáo dục Hoàng Oanh có sự gợi ý:
“Nhà trường, thầy cô giáo có trách nhiệm một phần nhưng gia đình có một trách nhiệm rất lớn. Theo tôi gia đình chỉ nên cho các cháu đi học thêm những môn mà các cháu còn yếu hoặc các môn mà các cháu có năng khiếu như: nhạc, họa, thể thao… mà trong năm học các cháu không có thời gian theo học. Và tuyệt đối các gia đình không cho các cháu đi học thêm vì lý do sợ thầy cô trù úm.”
Và ông cũng góp ý với các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục:
“Một khi các cháu học sinh phải làm đơn tự nguyện đi học hè do nhà trường tổ chức thì làm sao thầy cô chối từ được? Chỉ khi nào cấm tiệt cái chuyện dạy thêm ấy thì mới có hy vọng. Theo tôi, nhà trường chỉ dạy thêm cho các em yếu kém với điều kiện miễn phí hoặc cho các nơi mượn địa điểm để sinh hoạt câu lạc bộ.”
Đối với các nhà trường, GS. Phạm Minh Hoàng đề nghị:
“Về phía nhà trường, tôi nghĩ cần phải có biện pháp như cần phải tổ chức cho các em học những tiết học ngoại khóa để giúp các em yêu thiên nhiên, tập với kỹ năng sống. Muốn vậy thì cần phải cắt bớt những môn học vô bổ và dạy cho các em biết yêu môi trường sống. Theo tôi trong kỳ nghỉ hè nên xếp việc học hành lại để cho các em được thoải mái cái đầu.”
Nhà giáo Đặng Thị Lệ Thủy, giám đốc Trung tâm bồi dưỡng kỹ năng Smile’s House thấy rằng, ngay từ đầu hè phụ huynh nên chủ động lên kế hoạch và sắp xếp công việc, để cả gia đình có một kỳ nghỉ ngắn ngày nhằm thay đổi không gian sống, tạo cho trẻ sự hào hứng, vui thích. Ngoài ra có thể thực hiện một số hoạt động đơn giản khác, như tổ chức cho trẻ tham gia các hoạt động dã ngoại; hay để cho chúng được vui chơi, giao lưu và có thể thể hiện sự sáng tạo của tuổi học trò.
Theo RFA