Không khí văn học tự nhiên căng thẳng ra – đó là chuyện ở Bình Định, khi một nhà văn bị chụp mũ là chống Cộng, là đứng về phía chế độ Sài
Gòn cũ… khi ông viết về nhà văn Võ Phiến.
Báo Người Lao Động gọi đó là câu chuyện quanh tuyển tập có tựa đề là "Văn Nhân Bình Định."
Nhà văn Liên Thành trên số báo NLĐ ngày 4-6-2016 ra tay đấu tố tác giả Lê Hòai Lương:
"Dư luận Bình Định và một số tỉnh miền Trung đang xôn xao về cuốn sách "Văn nhân Bình Định - Một góc nhìn" của tác giả Lê Hoài Lương do
NXB Hội Nhà văn ấn hành…
Theo đề xuất của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Bình Định, cuốn sách được UBND tỉnh Bình Định hỗ trợ kinh phí nhằm giới thiệu "thành tựu văn
học tiêu biểu của Bình Định". Đáng tiếc, cuốn sách đã bộc lộ một góc nhìn chủ quan, phiến diện và lệch lạc về văn nhân Bình Định, thậm chí để
xảy ra khá nhiều sai phạm… Trước thực tế đó, một số văn nhân Bình Định gửi đơn lên Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định, Hội Nhà văn Việt Nam và
các cơ quan chức năng bày tỏ sự phản đối; thậm chí, đề nghị thu hồi cuốn sách và có biện pháp xử lý thích đáng đối với tác giả và những
người liên quan...
...Những ngày qua, có một vài ý kiến "bào chữa" cho LHL rằng đó là "góc nhìn riêng" của tác giả (!?). Vấn đề đặt ra là LHL đã đứng ở "góc"
nào để "nhìn" văn nhân Bình Định? Bởi lẽ, người đọc thấy có lúc thì LHL như đang quỳ gối, ngưỡng vọng một số nhân vật, như: Vân Bích, Vũ
Ngọc Liễn, Quách Tấn…; có lúc lại giống như đang phủ phục dưới chân của Võ Phiến, Tạ Chí Đại Trường, Nguyễn Mộng Giác… Có lúc LHL
như ngồi tót ở trên cao nhìn xuống để phán xét, dạy bảo người khác… Kiểu nhận xét, đánh giá của LHL đối với mỗi tác giả, tác phẩm thiếu
nhất quán, thiếu chuẩn mực, "yêu nên tốt, ghét nên xấu"; không tiếc lời để ca tụng, bốc thơm các tác giả Vân Bích, Võ Phiến, Tạ Chí Đại
Trường, Nguyễn An Pha…; chê Nguyễn Tuân; đá xéo, bêu riếu Lê Văn Ngăn, Nguyễn Thanh Mừng, Hồ Thế Phất, Bùi Thị Xuân Mai, Trần Thị
Huyền Trang…
Đáng lưu ý là LHL ca tụng hết lời Võ Phiến - người được xem là "cây bút chống Cộng số 1". Ấy thế mà sách vẫn được tài trợ, xuất
bản..."…"(ngưng trích)
Trên Báo Tầm Nhìn, ấn bản ngày 5-6-2016, Phạm Thành Trai có bài viết tựa đề: "Văn nhân Bình Định-một góc nhìn", món hàng… "độc hại"…
Trong khi bài trên báo Người Lao Động còn viết bằng ngôn ngữ dè dặt, bài viết của họ Phạm trên Tầm Nhìn mang ngôn ngữ dữ dội của thời
Quốc-Cộng phân tranh.
Thậm chí, tư cách nhà văn của Lê Hoài Lương, tác giả "Văn nhân Bình Định - Một góc nhìn," cũng bị đặt vấn đề. Coi bộ, đất bằng dậy sóng
rồi…
Cũng một phần vì nhà văn quá cố Võ Phiến.
Bài trên Tầm Nhìn của Phạm Thành Trai viết, trích:
"… "Ra đời và nhập thị" một cách vội vã khi chưa được cấp giấy phép xuất bản (In xong và nộp lưu chiểu quý IV-2015 nhưng đến 30/12/2015
mới xin được Quyết định xuất bản). Với độ dày nghìn trang nhưng trong đó hơn hai phần ba là tác phẩm trích dẫn và tuyển chọn của các nhà
văn nhà thơ, phần ít ỏi còn lại là của người viết và cho đến nay dù đã hơn 6 tháng tuổi vẫn còn trôi nổi bập bềnh trên làn sóng phê phán…
…Một công trình được tạo tác bởi một cây bút "có vấn đề", từ một góc nhìn đã đưa ra cái nhìn chủ quan lệch lạc ẩn chứa đầy sai lầm nghiêm
trọng. Dùng cái gọi là "văn chương" để "tô hồng", tôn vinh người thân, để "trả ơn" phe cánh, đồng thời tạo thế để "trả thù" và "bôi đen" đối
phương, những người đã "dám" xem thường "nhà văn Lê Hoài Lương"!
Với việc Lê Hoài Lương tự ý trích dùng tác phẩm mà không xin phép tác giả đã là vi phạm luật pháp, nhưng đặc biệt nguy hại hơn là nội dung
ẩn chứa ý đồ xuyên tạc lịch sử, vi phạm đường lối chính trị được gói trong cái vỏ bọc hoa mỹ là luận bàn văn chương…
Lê Hoài Lương lợi dụng một góc nhìn riêng tư về Văn nhân Bình Định để thực hiện mưu đồ cá nhân. Dùng tập sách để "trả thù" những người
trước đây đã vạch ra những sai trái và đồng tình với việc khai trừ Lê Hoài Lương ra khỏi Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Bình Định…
…Cái đuôi chống Cộng của Lê Hoài Lương đã lòi ra chính là ở trường họp vô tình chết người này được thể hiện rõ đầy sự khoác lác, láo
xược qua đoạn viết về Đinh Bá Hòa: "Tôi đọc lịch sử nhiều nguồn nên biết Phước Long được cách mạng chiếm thực ra là tiếp quản chứ không
đánh đấm gì. Chính quyền Sài Gòn lúc ấy bị sức ép quá lớn vì biết những đoàn quân Bắc Việt đã áp sát quanh khu vực, họ tự rút lui để giữ
căn cứ Tống Lê Chân, căn cứ quan trọng bảo vệ cửa ngõ phía tây Sài Gòn. Hỏi Đinh Bá Hòa đã bắn phát súng nào chưa, vụ Phước Long,
ông hồn nhiên bảo chưa. Ông đáng yêu vậy, vì không nói dóc chút nào. Mà dóc với tôi cũng không được."…
…Thể hiện quan điểm, lập trường tư tưởng cá nhân…
Đây là nguyên nhân khiến dư luận sục sôi phản ứng và quyết liệt phản đối vì mọi người đều biết rằng: Võ Phiến là một nhà văn chống Cộng
hàng đầu của chế độ ngụy Sài Gòn. Thế nhưng, Lê Hoài Lương lý sự rằng: "Tôi chỉ trích tạp bút của ông ta thôi, tôi đâu có đề cập tới những
tác phẩm chống Cộng của ông ta" (Trả lời phỏng vấn trên tạp chí Văn nghệ Bình Định số 36 tháng 4/2016). Rõ ràng Lê Hoài Lương đã cố tình
ngụy biện một cách trơ trẽn đến thế là cùng ! "Võ Phiến viết nhiều thể loại: Truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ, tạp bút, phê bình tiểu luận, biên khảo,
tổng quan văn học, dịch thuật…Hơn 40 đầu sách chưa phải là nhiều so với những nhà văn Việt: Lê Văn Trương, Tô Hoài… Nhưng các lĩnh vực
ông thực hiện từ sáng tạo đến dịch thuật, phê bình, biên khảo đều có những thành tựu đáng nể".(trang 917)
Không chỉ thế, Lê Hoài Lương đã liệt kê không sót một tác phẩm nào của Võ Phiến, tức Đoàn Thế Nhơn, quê quán ở thôn Trà Bình, xã Mỹ
Hiệp, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Một nhân vật chống Cộng bền bỉ, quyết liệt đến cuối đời….
…Lê Hoài Lương đã lý sự, viện cớ để đưa Võ Phiến vào tập sách "Văn nhân Bình Định - một góc nhìn". Vì sao ? Chính vì Lê Hoài Lương đã
mê văn tài chống Cộng tuyệt diệu của Võ Phiến, nên anh ta tìm đủ mọi cách để "bảo kê" những tuyệt phẩm văn chương chống Cộng của nhà
văn này. Anh ta công khai công bố thành tích của Võ Phiến: Từ sáng tạo đến dịch thuật, phê bình, biên khảo ở lĩnh vực nào ông cũng có thành
tựu đáng nể. Mà thành tựu đáng nể của nhà văn Võ Phiến là gì ? Đó chính là lập trường chính trị kiên định với thành tích, công lao chống Cộng
triệt để mà nhà văn Thu Tứ đã nêu tóm tắt là: "Về hòa giải dân tộc, nhà văn Võ Phiến khẳng định không có nhu cầu; về thống nhất đất nước,
nhà văn Võ Phiến đặt việc chống Cộng lên trên việc thống nhất đất nước; về chọn ý thức hệ, nhà văn Võ Phiến tuyệt đối bác bỏ việc chọn lựa
chủ nghĩa Cộng sản".
Rõ ràng, Lê Hoài Lương đã ma mãnh, quỷ quái nối cái đuôi chống Cộng của Võ Phiến, mượn chuyện văn chương để chuyển tải ý đồ. Trong
Đề cương tuyên truyền Chỉ thị số 34-CT/TW của Ban Bí thư về Tăng cường cuộc đấu tranh chống âm mưu, hoạt động "Diễn biến hòa bình"
trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá, Ban Tuyên giáo Trung ương đã nhận định:"Trên lĩnh vực văn hoá, văn nghệ, báo chí, xuất bản đã xuất hiện
khuynh hướng cực đoan phản ánh hiện thực đời sống chỉ là những yếu kém, tiêu cực; một số tác phẩm bôi đen, phỉ báng lịch sử, "hạ bệ thần
tượng", quay lưng lại với đời sống nhân dân. Một khuynh hướng khác, nguy hiểm hơn, đòi "lật án" để bào chữa, thậm chí "phong thánh" cho
một số nhà văn, nhà hoạt động chính trị - xã hội từng có sai lầm trong quá khứ; đòi "khơi thông một dòng văn học đang âm thầm chảy" (dòng
văn học của những cây bút chống Cộng trước năm 1975); đòi đánh giá lại và đề cao "công lao" của một số nhân vật lịch sử đối với đất nước;
mở diễn đàn bàn thảo, tranh luận nhiều vấn đề nhạy cảm.".
Không úp mở, Lê Hoài Lương đã nói thẳng ý đồ: "Khi tôi đang viết về Võ Phiến thì hay tin ông qua đời ở quận Cam, Ca li. Vì những khác biệt,
những định kiến, lâu nay văn học trong nước chưa đánh giá đúng tầm vóc ông. Đã có ý kiến rằng thời gian sẽ đem lại sự công bằng cho ông
về những đóng góp cho văn học nước nhà. Tôi tin chắc điều ấy." (trang 917). Cái "cốt lõi" của việc Lê Hoài Lương tuyển chọn đưa Võ Phiến
vào "Văn nhân Bình Định - Một góc nhìn" đã được chính Lê Hoài Lương xác nhận…!?"(ngưng trích)
Tuyệt vời, ai cũng thấy rằng: nhà văn Võ Phiến vẫn sống mãi trong lòng chế độ CSVN… Vâng, nhà văn Võ Phiến không hề bị quên lãng trong
giới văn chương, trong khi văn thơ ông Hồ đã bị quăng bỏ từ lâu rồi.
Cô Tư Sài Gòn