Bìa đĩa hát Hoa Mộc Lan tùng chinh
Chấn động giới mộ điệuThời kỳ những năm đầu thập niên 1960 đoàn Thanh Minh Thanh Nga đưa lên sân khấu vở hát “Hoa Mộc Lan tùng chinh” của soạn giả Viễn Châu đã thành công thích đáng, gây chấn động giới mộ điệu một dạo.
Tuồng ăn khách, trình diễn gần cả tháng mà đêm nào cũng đầy rạp. Mãi đến mấy năm sau các bầu gánh và giới soạn giả vẫn chưa có tuồng nào tương tự đưa lên sân khấu, mà hầu như ai cũng nhìn nhận vở hát thành công vượt bực là nhờ Thanh Nga trong vai Hoa Mộc Lan.
Tình tiết câu chuyện được khởi đầu ở gia trang viên ngoại họ Hoa. Một cô gái trẻ đẹp giả trai đi nhập ngũ tòng quân, một tiểu thư khuê các ở trong quân ngũ suốt 10 năm mà chẳng ai phát hiện được “chàng ta” là gái. Bởi có ai ngờ được một nữ nhi hoa nhường nguyệt thẹn, lại không ngại gian khổ dấn thân xông pha trận mạc chiến trường với bao nhiêu lằn tên mũi đạn.
Đây là vở hát đã đem sự mới lạ cho người thưởng thức nghệ thuật, cho giới mộ điệu cải lương. Vai nhân vật nữ chánh Hoa Mộc Lan do Thanh Nga đảm trách, và vai nam chánh Lý Quảng do kép Hữu Phước, cặp đào kép diễn xuất thành thạo. Giọng ca điêu luyện của Hữu Phước và tiếng ca buồn thảm của Thanh Nga rất thích hợp với tình tiết của tuồng. Cả hai diễn viên đã làm hài lòng khán giả khi vãn hát ra về.
Cái điều đáng nói ở đây là xưa giờ đại đa số người Hoa họ không thích cải lương, mà chỉ coi hát Tàu ở mấy rạp trong Chợ Lớn. Thế mà khi vở hát Hoa Mộc Lan được trình diễn ở rạp Hảo Huê gần Đại Thế Giới thì khán giả người Hoa lại đông đảo hơn người Việt gấp mấy lần là điều mà khó ai đoán nổi. Đoàn Thanh Minh Thanh Nga trình diễn liên tục 3 đêm đều chật rạp.
Khi vãn hát một số khán giả người Hoa đã không ra về, mà tập trung phía sau hậu trường chờ xin chữ ký cô đào đóng vai Hoa Mộc Lan, họ hâm mộ Thanh Nga như từng mến mộ cô đào Hồng Tuyến Nữ hồi năm 1954 từ Hồng Kông sang Việt Nam đóng vai Thúy Kiều, mà soạn giả Trung Hoa đã phóng tác dựa theo danh phẩm Kim Vân Kiều của Nguyễn Du. Và dĩ nhiên chữ ký của Thanh Nga là “Nga” chứ không phải tiểu thư họ Hoa của câu chuyện.
Tuồng hay, ăn khách dĩ nhiên là hãng dĩa chiếu cố, và Hoa Mộc Lan được hãng dĩa Hồng Hoa thu thanh dĩa hát. Thành phần nghệ sĩ thu dĩa gần y như diễn viên của tuồng trên sân khấu gồm: Thanh Nga, Hữu Phước, Hoàng Giang, Ngọc Nuôi, Kim Giác, Thanh Hải, hề Kim Quang...
Rất tiếc là thời điểm đầu thập niên 1960 này Việt Nam chưa có truyền hình, thành thử ra tuồng chỉ được thu thanh, không có hình ảnh lưu lại cho các thế hệ sau này xem tài diễn xuất của Vương Hậu Thanh Nga trong vai Hoa Mộc Lan.
Sau cái Tết Mậu Thân cải lương khủng hoảng trầm trọng, không còn hát xướng gì được, nên giới nghệ sĩ, soạn giả và thành phần có liên hệ làm ăn với nghệ thuật sân khấu đều thất nghiệp dài dài. Tiền bạc không còn mà mượn nợ thì không ai cho, nên họ chạy lung tung tìm việc khác sinh sống.
Có những nghệ sĩ nhảy ra mở tiệm ăn, quán cà phê vệ đường sống tạm chờ thời. Riêng soạn giả Viễn Châu thì mở tiệm ăn vẽ bảng hiệu Hoa Mộc Lan có sân khấu nhỏ cho thực khách ca hát, cũng là hình thức lôi kéo khách. Lúc đầu thì quán mang tên nghệ sĩ rất đắt, nhưng dần thì ế ẩm phải dẹp tiệm, và Viễn Châu cũng dẹp quán Hoa Mộc Lan. Sau 1975 tuồng Hoa Mộc Lan được dàn dựng trở lại, dĩ nhiên là thành phần nghệ sĩ khác hoàn toàn. Bạch Tuyết và Mỹ Châu chia nhau đóng vai Hoa Mộc Lan, Thanh Sang vai Lý Quảng...
Theo RFA