Họp báo giới thiệu các sản phẩm Tái sáng tạo nhà vệ sinh- Reinventing the Toilet’ tại Bangkok hôm 26/5/2016
Nhà vệ sinh là một yêu cầu tối thiểu giúp cho môi trường sống của con người trong cộng đồng không bị ô nhiễm bởi chính chất thải của bản thân họ. Tại những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nhà vệ sinh vẫn còn thiếu ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; trong khi đó ngay tại các thành thị nhà vệ sinh vẫn chưa đạt chuẩn về môi sinh.
Thực tiễn‘Tái sáng tạo nhà vệ sinh- Reinventing the Toilet’ là đề tài sáng chế khoa học
do Viện Công nghệ Châu Á- AIT tiến hành nghiên cứu từ tháng 9 năm 2011 cho đến cuối tháng 10 năm nay.
Trong thời gian qua, các thành viên nghiên cứu của dự án đi tìm hiểu thực tế tại nhiều quốc gia đang phát triển tại các khu vực Đông Nam Á, Nam Á và Phi Châu.
Qua nghiên cứu thực tế, các nhà nghiên cứu thuộc dự án đưa ra một số thống kê như sau: có chừng 15% dân số thế giới tương đương khoảng 1 tỷ mốt người đi đại tiện ngoài trời. Đất nước Ấn Độ, nơi 839 triệu dân xứ này có điện thoại di động; thế nhưng có đến 626 triệu người không có được nhà vệ sinh phù hợp. Tại Campuchia chỉ có chừng 31% dân chúng có thể tiếp cận nhà vệ sinh hay hệ thống vệ sinh cái tiến. Ở thành phố Hồ Chí Minh, thống kê cho thấy chỉ có 1/5 các xe hút hầm cầu đưa chất thải đến đổ tại những cơ sở xử lý mà thôi.
Một cư dân sinh sống tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long trình bày về thực trạng nhà vệ sinh cho người dân ở khu vực này như sau:
“Ở đồng bằng Sông Cửu Long cầu tiêu bắc trên sông. Nhà trên sông thì bắc ngay cầu trên sông. Rồi ao cá tra; vẫn chưa triệt để dùng hố xí, dùng cầu tiêu tự hoại, vẫn chấp nhận ‘cầu tỏm’ trên sông, trên kênh rạch và trong ao hồ.
Có thể nói ghê lắm; bây giờ ‘khuất mắt trông coi ‘ vậy thôi! Ở đây tôi dùng nước máy của Nhà máy nước Sông Hậu, chỉ trông cậy nhà máy nước họ lọc nhiều vòng kỹ thì tốt. Còn nói đến nông thôn thì vẫn cứ tình trạng nước thủy triều, con nước lớn, nước ròng rồi kênh rạch. Cầu tiêu vẫn bắc trên sông, hồ, ao luôn!”
Trong khi đó ở Thái Lan, 100% người dân được tiếp cận nhà vệ sinh; tuy nhiên 85% chất thải hầm cầu lại xả một cách không phân biệt vào hệ thống thoát nước, hay thải ra những khu ngoài trời ở thành thị, đổ vào nguồn nước trong đất liền, xả ra đồng ruộng, nhánh sông, và cả ra biển nữa.
Sản phẩm được sáng chếSau thời gian nghiên cứu, sáng chế vào ngày 26 tháng 5 vừa qua, tại thủ đô Bangkok, Thái Lan nhóm nghiên cứu công bố bốn sản phẩm của dự án ‘tái sáng tạo nhà vệ sinh’ do họ nghiên cứu ra.
Sản phẩm thứ nhất được gọi là nhà vệ sinh ống xoáy, tạm dịch theo từ tiếng Anh ‘cyclone toilet’. Dạng ống xoáy này sử dụng lực hấp dẫn và ly tâm để tách chất thải đặc ra khỏi chất thải lỏng. Chất thải đặc được tách ra như thế sẽ được khử trùng bằng sức nóng, trong khi đó chất thải lỏng được khử trùng bằng phương pháp điện hóa. Đây là một dạng công nghệ vệ sinh bảo đảm việc xử lý ngay tại chỗ.
Kỹ thuật làm sạch tại chỗ được nghiên cứu sáng chế nhằm giảm bớt việc phải vận chuyển chất thải từ nhà vệ sinh đến tại những cơ sở xử lý.
Sản phẩm thứ hai có tên gọi theo tiếng Anh là ‘Cess to fit system’. Hệ thống này là một hệ thống khép kín không gây ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm. Hệ thống được trang bị với một ống thông hơi giúp thoát biogas (khí sinh học) được hình thành trong quá trình chất thải hữu cơ đặc phân hủy. Thêm vào đó là một hệ thống xả nước thủy lực hòa trộn các chất thải trong hầm.
Sản phẩm thứ ba trong dự án là hệ thống bể phốt tự hoại bổ sung sử dụng máy đun nóng bằng năng lượng mặt trời. Đây là một công nghệ vệ sinh hữu hiệu khi giúp tăng cường tiến trình tiêu diệt các tác nhân gây bệnh; đầy nhanh tiến trình phân hủy các chất hữu cơ. Chất thải đặc được giảm đến phân nửa so với loại bể phốt truyền thống lâu nay.
Sản phẩm thứ tư là xe vệ sinh tiệt trùng. Loại xe được cải tiến này có khoang chân không với hệ thống phân tách chất đặc khỏi chất lỏng và hệ thống khử trùng cho cả hai loại này. Như thế giúp giảm chi phí vận chuyển và xử lý. Nó cũng giúp tăng cường tính hiệu quả quản lý chất thải.
Tất cả 4 sản phẩm vừa nêu là kết quả nghiên cứu sáng chế trong thời gian 5 năm qua. Các chuyên gia của AIT cho rằng bốn loại sản phẩm vê sinh như thế giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân tại các quốc gia Châu Á và Châu Phi.
AIT đã cho tiến hành ứng dụng công nghệ này tại Thái Lan và Việt Nam. Hiện nay AIT đang trong giai đoạn đàm phán tại Ấn Độ để các sản phẩm được sử dụng trong chiến dịch có tên Ấn Độ Sạch (Clean India Campaign). Những người tham gia dự án còn cho biết công nghệ được sáng chế ra sẽ được ứng dụng tại các nước thuộc khối ASEAN và rộng ra nữa.
Theo tiến sĩ Thammarat Kotatep thì bốn sản phẩm được giới thiệu hôm ngày 26 tháng 5 vừa qua đã có đặt hàng để sản xuất cho người tiêu dùng ở Việt Nam và Thái Lan.
Đối với Việt Nam thì đơn vị đứng ra đặt hàng là Ngân hàng Phát triển Châu Á- ADB thuộc dự án nhằm phục vụ cho một số địa phương được gọi là những thành phố hay thị trấn hạng hai ở Việt Nam. Dù tên của những nơi đó vẫn chưa được thông báo cụ thể nhưng ADB cho biết những thành phố và thị trấn thuộc dự án nằm ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Ông Thammarat Kotatep cũng thông báo cho biết qui cách của những nhà vệ sinh được lắp đặt các hệ thống cải tiến như vừa nêu sẽ đáp ứng nhu cầu sử dụng cho hộ gia đình có 5 người.
Giá cả của một nhà vệ sinh như thế tối thiểu là 250 đô la Mỹ, tuy nhiên mỗi công nghệ có những dạng khác nhau và giá cả cũng thay đổi theo dạng thức công nghệ được áp dụng. Đắt nhất trong hệ thống là những thiết bị năng lượng mặt trời. Đắt nhất sẽ lên đến 2000 đô la Mỹ cho một nhà vệ sinh với ba hệ thống công nghệ của AIT.
Tiến sĩ Thammarat Kotatep còn cho biết thêm loại bể phốt truyền thống lâu nay thường chỉ có thể giữ chất thải trong khoảng thời gian từ 1 đến 2 năm; còn loại cải tiến với ba hệ thống công nghệ của AIT sáng chế ra có thể tăng thời gian đó lên chừng 15% nhờ vảo hiệu quả của việc được xử lý tại chỗ; tuy nhiên lợi điểm là có thể giúp trừ khử những loại vi khuẩn gây bệnh, những chất gây ô nhiễm cũng như giảm biogas trong bể phốt.
Ý kiến đánh giáGiáo sư Vorsak Kanok-Nukulchai, chủ tịch Viện Công nghệ Châu Á- AIT, cho rằng hiện chúng ta đang phải đối diện với vô số những thách thức toàn cầu; đặc biệt những thách thức liên quan đến cuộc sống bền vững của con người trên Trái Đất. Đó là những thách thức và mối liên quan giữa lương thực, năng lượng, nguồn nước và vệ sinh không chỉ tại khu vực Me kong mà ở nhiều khu vực khác ở Châu Á, Châu Phi và Mỹ La Tinh.
Vị giáo sư này cũng cho rằng công tác quản trị nước thải và vệ sinh được nâng cao rất thiết yếu đối với vấn đề an ninh nguồn nước và phát triển bền vững. Tại khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, mặc dù mục tiêu thiên niên kỷ Liên hiệp quốc về nước uống an toàn được đánh giá đã đạt; thế nhưng các mục tiêu vệ sinh vẫn chưa thể. Theo thống kê của Tổ chứ Y tế Thế giới WTO trên toàn thế giới vẫn còn thì có đến 2 tỷ 600 triệu người vẫn chưa tiếp cận được các phương tiện vệ sinh cải tiến. Có 46 quốc gia mà ít hơn phân nửa người dân có được các phương tiện như thế.
Tiến sĩ Subin Pinkayan, chỉ tịch Hội đồng Quản Trị của AIT thì cho rằng việc mỗi công sở, mỗi gia đình hay ở một nơi công cộng đều phải có một nhà vệ sinh vẫn chưa đủ mà vấn đề nếu như chất thải của nhà vệ sinh không được xử lý triệt để thì lại gây nên những mối nguy cho sức khỏe con người, gây ra những vấn nạn môi trường khác.
Tài trợ cho dự ánDự án “Tái sáng tạo nhà vệ sinh" như vừa nêu nhận được nguồn kinh phí hỗ trợ của Sáng hội Bill & Melinda Gates.
Giáo sư chủ tịch AIT cho biết Sáng hội Bill & Melinda Gates đưa ra thách thức và AIT chấp nhận thực hiện dự án với mục tiêu xử lý phù hợp chất thải từ nhà vệ sinh ở một mức giá có thể chấp nhận được đối với những cư dân nghèo tại thành phố.
Còn tiến sĩ Doulay Kone, phó giám đốc phân ban Nguồn nước, Vệ sinh (WASH) của Sáng hội Bill $ Melianda Gates trong dịp công bố bốn sản phẩm của dự án ‘Tái Sáng chế Nhà Vệ Sinh’ cho biết hiện nay công nghệ đã sẵn sàng, do vậy vấn đề áp dụng rộng ra ở cả hai châu Á và Phi là điều mà nhà tài trợ rất mong mỏi.
Đại diện nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Thammarat Kootatep cho biết hiện nhóm nghiên cứu cũng đang xem xét khả năng chuyển giao kỹ thuật cho những nơi khác để có thể nhanh chóng ứng dụng các sáng chế được nghiên cứu ra.
Sáng hội Bill & Melinda Gates là quĩ từ thiện do hai vợ chồng tỷ phú Bill Gates góp vốn để thành lập nên. Sáng hội ra đời vào tháng giêng năm 2000 qua sự hợp nhất hai quỹ là Quỹ Khuyến học Gates và Quỹ William H. Gates.
Tôn chỉ trên trang mạng của Sáng hội Bill & Melinda Gates nêu rõ ‘Mọi sinh mạng có giá trị ngang nhau, chúng tôi là những người lạc quan thiếu kiên nhẫn đang làm việc để giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng’.
Theo RFA