Kể từ khi có trí khôn và được sống làm người một số năm tháng buồn/vui, thành công/thất bại, tôi nghiệm ra yếu tố quan trọng nhất, định hình
(và ngay cả định đoạt) cuộc đời một cá nhân chỉ đơn giản là sự chọn lựa của chính người đó khi cần.
Chọn lựa thì rất nhiều, đặt ra thường xuyên, vì vậy, khả năng đúng/sai cũng rất cao. Trong xã hội “cổ” Việt Nam nhiều thập niên trước, sự
chọn lựa thiết yếu này được tập tục ủy nhiệm cho thế hệ tiền bối, kẻ hậu sinh đi sau chỉ biết nhắm mắt vâng lời và thi hành. Nếu chọn lựa ấy
được thực tế chứng minh là sai, bề trên tiếp tục muốn kẻ dưới cắn răng gánh vác hệ lụy để “làm cho nó có vẻ đúng” vì bề trên không thể sai.
Tình thế này kéo dài hàng thế kỷ trên quê hương chúng ta, tốt hay không tốt, ít nhất đã tạo cho xã hội bộ mặt ổn định, nét văn hóa trên thuận
dưới hòa đặc thù của dân tộc. Nước mắt cứ chảy ngược vào lòng. Rác cứ thu dọn gọn ghẽ sau cánh cửa. Khắt khe làm vậy nhưng đó đây
thỉnh thoảng vẫn có những đầu óc mạo hiểm, muốn thoát khỏi cái trật tự bất di dịch nói trên nên liều mình đi theo tiếng gọi từ trái tim bất kham
của mình. May mắn thành công thì sự thành công ấy không hề được cổ võ. Rủi ro thất bại, hình phạt sẽ đi kèm, làm nhụt chí cả những lựa
chọn lưng chừng bởi vì không chỉ gia đình mà cả cộng đồng xã hội đều không cho người trong cuộc cơ hội sửa chữa.
Từ khi ra hải ngoại, bắt buộc phải hội nhập vào mô hình xã hội nghiêng về chủ nghĩa cá nhân, trẻ con sớm được khuyến khích tự lo thân, lối
sống “ủy nhiệm” trước đây ở quê nhà cáo chung, mỗi ngày mỗi người thấy mình đứng trước không biết bao nhiêu lựa chọn lớn/nhỏ quyết định
sự thành bại của chính họ.
Từ chọn lựa một món ăn nhanh có tên trong cái thực đơn các thức ăn hay uống treo trên tường một tiệm fast food cũng đã được chọn lựa
trước rồi mới bước chân vào, lâu dần thành thói quen và về sau rất khó bỏ dù biết nó không có lợi cho sức khỏe; chọn lựa một người thợ cắt
tóc hay làm móng tay, theo người này qua nhiều địa điểm hành nghề của họ hàng chục năm chỉ vì vào một lúc nào đó, thích kiểu cách hay
mẫu mã họ làm dù rằng với thời gian, một người thợ khác có kỹ thuật và kiểu dáng tân kỳ hơn; đến những chọn lựa được xem là quan trọng
trong đời: chọn nghề, chọn bạn, chọn chồng hay vợ, chọn ở lại hay đi ra khỏi một tương quan đã trở thành chua chát, chọn hòa bình hay hiềm
thù, chọn để dành tiền phòng khi mưa nắng (có khi không kịp tiêu theo dự tính) hay du lịch để biết thêm những chân trời mới; chọn gia nhập
hay không gia nhập một đảng phái chính trị, tin là có những thể hiện phù hợp với mong muốn của chính mình hoặc chỉ đơn giản đi theo đám
đông bạn bè. Tuổi từ 62 trở lên, chọn lựa về hưu non hay đúng kỳ hạn, thậm chí trễ hạn? Chọn lựa lãnh lương hưu hàng tháng hay lấy ngay
một lúc trọn vẹn tiền hưu để tự mình hoạch định đầu tư hoặc tiêu xài? Chọn lựa di chuyển quỹ 401K đi đâu? Chọn lựa thủ tục định đoạt cách
từ giã trần gian cho tuổi già, thủ tục tang lễ, mai táng hay hỏa thiêu? Ngoài ra, không quên kể thêm một chọn lựa nhiều thách đố, gây cảm
giác mạnh, là chọn lựa công ty có cổ phiếu trên thị trường chứng khoán sinh lời cao và ít rủi ro v.v...Vẫn chưa hết! Ngoài những chọn lựa kể
trên, còn những chọn lựa cấp kỳ theo trực giác, theo bản năng sinh tồn khi lâm nguy và cần thoát hiểm. Ôi chao, sống là chọn lựa nên có thể
nói chọn lựa nhiều và liên tục bằng với hơi thở.
Đa phần các chọn lựa của một người có thể được quyết định vào một lúc tinh thần minh mẫn và tự do để lý luận, cân nhắc hay vào một lúc
thể xác mệt mỏi vì chịu nhiều áp lực từ ngoại cảnh, chỉ muốn buông xuôi. Dù chọn lựa thế nào, cách nào, động cơ căn bản của chọn lựa luôn
khởi đi từ cái TÔI chủ quan muốn được đáp ứng hay thỏa mãn nhiều nhất, ngay cả cái chọn lựa của người chiến binh đem sinh mạng mình
thách đố với đường tên, mũi đạn một khi đã coi đây là lý tưởng bình sinh cho họ nhiều tự hào nhất.
Trong mỗi cái TÔI nào cũng có 2 nguồn khởi động: bộ óc và trái tim. Mỗi chọn lựa sẽ nhận lệnh từ một trong hai nguồn khởi động ấy: duy tình
hay duy lý. Duy lý thường dựa vào nguyên tắc để đi tới kết luận mang tính thuyết phục nên không dễ nhưng duy tình thì thật đáng sợ vì sẽ
không có một điểm tựa nào giúp cầm cân nẩy mực cả. Tình như sấm như chớp, đến và đi đều bất ngờ và phi lý như nhau. Thích hay không
thích là mệnh lệnh của trái tim, không thể cắt nghĩa, không thể phân giải. Các nhà tâm lý cố tìm ra nguyên nhân vì sao chàng thanh niên 27
tuổi tên Kevin James Loibl kia bỗng vô cớ trở thành tay sát thủ chọn bắn chết cô Christina Grimmie lúc cô đang vui vẻ ký tên vào CD tặng
khán thính giả hâm mộ tiếng hát cô tại một hý viện ở Orlando, Florida? Sự việc xảy ra hoàn toàn không có một lý cớ cụ thể nào ngoại trừ một
thoáng cảm xúc xẹt qua nội tâm anh và đẩy viên đạn ra khỏi nòng súng. Cuộc điều tra của cảnh sát cho biết đây là một vụ ám sát có dự mưu
vì hung thủ đã đi từ một thành phố khác đến nơi phạm tội. Dự mưu hay không dự mưu, nguồn cội hành vi của Kevin James Loibl là một chuỗi
chọn lựa bắt đầu từ chọn lựa gây ra một biên cố kinh hoàng biết là sẽ đánh động dư luận, để được là một tia chớp lóe sáng giữa cái tối đen
triền miên của đời anh, trước và sau giây phút lóe sáng rất ngắn ngủi và bi thảm ấy. Phần còn lại của câu chuyện là chọn lựa của những ai
chứng kiến, nghe, biết câu chuyện này: thờ ơ, bỏ qua, quan tâm, suy nghiệm, rút tỉa bài học để ứng dụng v.v...
“...Đem ánh sáng vào nơi tối tăm. Đem thứ tha vào nơi hận thù...” Chúng ta có cả một triết thuyết nhân bản rao giảng mọi nơi, mọi lúc những
lựa chọn phúc hậu này để làm cho mặt đất trở thành nơi chốn an cư cho loài người, tiếc thay, triết thuyết như bức tranh quý treo ở chỗ của
nó, không có ưu tiên phổ quát trên đường phố, trong dòng sống cuồng nhiệt của con người quay quắt với những chọn lựa riêng.
Chỉ mười ngày sau cái chết oan nghiệt của Christina Grimmie, một ngôi sao khác của giải The Voice là anh Alejandro Fuentes, 45 tuổi, cũng
mất mạng bởi một tay súng còn tại đào, ngay trước ngôi trường dạy nghệ thuật trình diễn do anh điều hành với mục đích đào tạo những
người trẻ vùng Tây Nam Chicago. Vừa kết thúc bữa tiệc mừng sinh nhật anh cùng tổ chức với bạn bè, ngồi vào ghế lái chiếc xe của mình để
về nhà, theo bản tin BBC, anh bị một nghi can tiến đến gần bắn trọng thương nhân thương trí mạng chỉ vì anh từ chối không chịu ra khỏi xe
theo lệnh của hắn. Nhiều người nghe hay đọc bản tin chép miệng tiếc thương, cho rằng chọn lựa anh đã làm vào giây phút đó là sai vì sinh
mạng anh quý trọng hơn chiếc xe. Sự thật là anh có ngay dự cảm không an toàn dù ở ngoài hay ở trong chiếc xe, hiểu rằng chọn lựa nào của
anh lúc ấy cũng không ích gì một khi định mệnh đã chọn lựa cho anh tình huống đang xảy ra vào giây phút ấy và sẽ quyết định việc anh còn
hay mất. Có một lý thuyết tin rằng tự do của con người chỉ là tự do của con kiến bò trên miệng chén. Bò loanh quanh cho đời mỏi mệt dưới
quyền sinh sát tối thượng của “Tạo Hóa gây chi cảnh hí trường?” Rất may mắn vì vẫn có một đa số tuyệt đối kiến nhân loại vui chơi với
những cái miệng chén mà nếu khám phá cho hết một vòng quay cũng thấy khối điều huyền diệu. Cho nên, chọn lựa dù chỉ một thái độ ngao du
sơn thủy lại thuộc về “cái kiến” bé tí chỉ bằng nửa hạt gạo; dù chỉ một hành động làm một ly nước chanh với trái chanh lại thuộc về bàn tay
nhỏ xíu của con người và thực tế này xóa nhòa biên giới giữa những điều có thể và những điều không thể vốn là bi kịch của kiếp người!
Trong số kinh nghiệm sống hạn hẹp của riêng kẻ viết bài này, điểm tựa vững chãi khi cần làm một chọn lựa khó khăn là xác định mục tiêu của
chọn lựa ấy: sự bình an, lợi ích của tha nhân, một thành tựu tốt đẹp, một nghĩa cử, bất cứ gì được xác tín từ cái tâm lành và lòng khiêm
nhượng. Mọi chọn lựa dù khởi đi từ thiện ý cũng không nhất thiết là đúng và đưa đến thành công nhưng nhờ được dẫn dắt bởi cái tâm lành và
lòng khiêm nhượng, nó được thấu hiểu, tha thứ, được chấp nhận, nâng đỡ để trở thành bài học.
Sau cùng, lựa chọn nào cũng có cái giá phải trả, hệt như mọi món hàng phục vụ đủ mọi nhu cầu của con người bày la liệt khắp nơi trong tầm
mắt thế gian. Khác với các món hàng có đeo cái nhãn trị giá bằng tiền tệ, đôi khi tăng lên hay giảm xuống theo thị trường, có khi on sale rất
hời, những lựa chọn tinh thần được trao đổi với người xung quanh bằng một chút gì hay rất nhiều của tấm lòng mỗi bên, không bao giờ on
sale nên đừng chờ giá hời. Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, cùng với anh em tìm đến mọi người, tôi chọn nơi này cùng nhau ca hát, để thấy
tiếng cười rộn rã bay (TCS)
Có khi là những lựa chọn giữa thiên nhiên độ lượng để cùng nhau san sẻ: Tôi nhận gió trời mời em giữ lấy, để mắt em cười, tựa lá bay. Tôi
chọn nắng đầy chọn cơn mưa tới, để lúa reo vàng tựa vẫy tay (TCS)
Cũng có khi chọn ngồi thật yên, nhìn rõ quê hương và nghĩ lại mình để biết rằng vì sao tôi sống? Vì đất nước cần một trái tim (TCS)
Chọn đọc một bài văn hay, chọn nghe một bản nhạc chan chứa tình người, chọn uống một tách trà thơm, chọn nhớ về một người bạn ý nhị,
chọn sống một ngày không buồn phiền, ôi biết bao chọn lựa dưới bầu trời nắng gió thênh thang này chỉ với cái giá của một thời khoảng riêng
tư tạm rời xa hệ lụy. Năm tháng đời người tuy ngắn ngủi nhưng đâu có thiếu niềm hoan lạc?
Bùi Bích Hà