Sao bây giờ mỗi lần nói đến cá, thì tâm trí tôi lại vấn vương hình ảnh những con cá chết trên bãi biển của miền Trung, nơi vốn đã bị thiên tai,
bão lụt, đói khổ bao nhiêu đời..., mà nói đến ao cá thì hình ảnh người đẹp của Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Việt Nam, Nguyễn Thị Kim Ngân,
cho cá trong “ao bác Hồ” ăn, lại hiện ra rõ mồn một. Có người ví von, người ta có thể đem một con khỉ trong rừng về Ba Đình, nhưng không
thể đem rừng rú ra khỏi con khỉ. Thấy cảnh bà Kim Ngân cho cá ăn mà cứ nghĩ đến con mụ nhà quê cho lợn ăn chuối cám, nhất là cái cảnh
bà Ngân hất cả xô thức ăn xuống mặt hồ, làm cho ông tổng thống một cường quốc như Mỹ cũng phải “thất kinh rụng rời!”
Vậy mà hôm nay tôi lại can đảm, đem chuyện cái hồ cá ra mà thưa chuyện với quý vị độc giả thì thật là quá quắt.
Số là sau vườn nhà tôi có một cái hồ cá... bất đắc dĩ. Bất đắc dĩ là vì lý do, nó nguyên là một cái hồ tắm spa mỗi bề chỉ khoảng hai thước, từ
ngày thuê ngôi nhà này đến nay, không ai dùng, đã chứa đầy rác rưởi và lá khô. Năm ngoái, tôi phải vào bệnh viện mấy lần, chút nữa thì
“bước sang từ trần,” may nhờ phước đức ông bà, hay nói một cách khác, còn nặng nợ người, nợ đời, mà sống lại, nên nhờ đó, cái hồ spa
khô queo cũng sống theo.
Có ông thầy bói, đến nhà chơi, bấm quẻ nói tôi là mạng Thủy, Thủy Hạ Giản - Nước Cuối Nguồn, mà từ phòng ngủ, bước ra có một bước, để
cái hồ khô queo, không có nước non chi hết, là chắc... chết!
Có chàng rể, thương ông già vợ, bỏ ra mấy cái cuối tuần, hì hục quét dọn, xây hòn non bộ, mua hệ thống bơm nước, quyết tâm làm cái hồ
tắm khô queo thành một cái hồ cá có rong rêu, có mấy con cá vàng uốn lượn, vẫy vùng cho có phong thủy, cho ông già vợ “sống đời với
con!”
Hồ làm xong, chàng mua về hơn chục con cá vàng bằng cỡ hai ngón tay, thả vào hồ, trong tuần đầu, có lẽ vì “nước lạ, non xa,” mấy con cá
không sống nổi, buổi sáng ra, thấy phơi bụng, chết nổi lên mặt nước. Rồi dần dà “lia thia quen chậu,” bầy cá lớn nhanh như thổi. Thật không
có gì vui bằng cái cảnh cho cá ăn, cái thú vị, nhàn tản của người rảnh rang. Vừa nghe tiếng cửa kêu, mở ra vườn, thấy bóng người, là bầy cá
đã nổi lên mặt nước, vùng vẫy như mừng rỡ, vì sắp được cho ăn. Vẫy một nắm thức ăn xuống mặt hồ, nhiều con cá đã mở rộng mồm chực
sẵn, tham lam đớp cả mớ thức ăn, làm nước mặt hồ tung tóe, trong khi những con cá nhỏ thì e dè, còn bơi ở dưới sâu, hay tránh ra xa xa.
Trong gần một năm trời, cá trong hồ tất nhiên là có lớn, nhưng không đồng đều, con cá lớn nhất, lớn gấp 10 lần con cá nhỏ nhất. Một sự
tranh ăn để sống trông thấy rất rõ, vì ngày mới đem cá thả vào hồ, tất cả các con cá đều có kích cỡ bằng nhau, đều là “cá mè một lứa,” vô
sản, “quần rách áo ôm” như nhau. Nhưng rõ ràng là chúng không đoàn kết để cùng nhau “tiến lên xã hội chủ nghĩa” mà sử dụng hết sức mạnh
cùng sự khôn ngoan, kể cả xảo quyệt, giành giật nhau, đè lên nhau, giật mồi mà sống!
Vẫy một nắm thức ăn xuống mặt hồ, điều tôi nhận ra, là những con cá lớn nhất là những con cá tham lam đớp mồi nhiều nhất, và nhờ đớp mồi
nhiều nhất, đó là những con cá lớn nhất, vượt lên những con cá khác trong hồ. Bây giờ, sự khác biệt đã trông thấy rõ, những con cá lớn mỗi
ngày mỗi lớn, và những con cá nhỏ, đã những không lớn nỗi, mà tôi có cảm tưởng, càng ngày càng nhỏ đi.
Đã nhiều lần, tôi trông thấy những con cá nhỏ nhoi tội nghiệp, ở dưới đáy hồ, thấy thức ăn, vội vã ngoi lên, nhưng cũng kịp thời, những con cá
lớn sợ mất mồi, đã vẫy mạnh đuôi như cản bước và đuổi những con cá nhỏ phải dang ra xa.
Khi những con cá lớn đã lớn, những con cá nhỏ còn nhỏ, nếu có nạn đói xẩy ra trong hồ, chắc chắn những con cá lớn này sẽ ăn sạch những
con cá nhỏ như câu “cá lớn nuốt cá bé!” (đại ngư thực tiểu ngư.)
Thật là tội nghiệp, chàng rể tốt bụng của tôi không thể đem những con cá nhỏ sang một cái hồ khác để nuôi cho chúng lớn kịp bằng những
con cá lớn, và như vậy sẽ không bao giờ có sự đồng đều, công bằng nữa. Và những con cá lớn càng ngày càng vùng vẫy, lấn lướt và những
con cá nhỏ càng ngày càng yên phận kiếm chút ăn thừa, mặc dầu bầy cá lớn đã đầy bụng, no nê.
Rồi tôi, một người mắc bệnh hay liên tưởng lại liên tưởng, từ cái hồ cá nhỏ sau vườn nhà tôi với cái ao cá...Việt Nam. Những ông “ăn trên
ngồi trốc” tham lam, ăn nhiều, bụng phệ lại càng làm lớn. Càng làm lớn thì lại có cơ hội ăn nhiều. Những thằng lớn trong xã hội Việt Nam
không phải như con cá lớn trong cái hồ nhỏ của chúng tôi, lớn xác gấp mười lần con cá nhỏ, mà còn lớn gấp trăm, nghìn lần những thằng nhỏ
sống trong cùng một cái ao nhà.
Cứ nhìn những biệt thự hàng chục tỷ (20 tỷ đồng bằng $1 triệu) của những con cá lớn cỡ Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh, Lê Khả Phiêu, Phó
Chủ Tịch Nước Nguyễn Thị Bình, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Xuân Phúc... (ở trong và ngoài nước,) đến những thứ làng nhàng
như Viện Kiểm Sát Nhân Dân Cà Mau, Bí Thư Tỉnh Ủy hay Chủ Tịch UBND như Vũng Tàu, Quảng Ninh, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải
Dương, Long An... rồi đem so sánh với những căn nhà lá, nhà tôn, nhà ván thùng, nhà bao bố, nhà mồ của những người gọi là những ông chủ
của đất nước bên bờ kênh hôi thối, ao rạch, bên đống rác thối hay ở chung với người chết trong nghĩa địa. Tiền thì chúng có hằng trăm triệu
đô la, trong khi người dân đi móc rác, chỉ kiếm đủ cho một bữa cơm rau mỗi ngày.
Ngay chính phi công Trần Quang Khải, người đã chết khi chiếc Su-30MK2 rơi xuống biển trong thời gian đang làm nhiệm vụ vào giữa tháng 6,
vợ cũng không có việc làm, gia đình đang còn cảnh “ăn nhờ, ở đậu!”
Cũng từ cái hồ cá nhỏ, tôi liên tưởng đến cái ao... Việt Nam hôm nay! Nếu đất nước Việt Nam bây giờ chỉ còn là cái sân sau của Tàu, thì
vùng biển quê hương chỉ là cái “ao cá bác Tập.” Với chiến hạm, máy bay tàu đánh cá vũ trang, bọn Tàu đã giết hại, xua đuổi, ngư dân Việt
Nam, coi vùng biển Việt Nam như cái ao nhà của chúng. Ân huệ của ông chủ Trung Cộng, cũng như tiền viện trợ, vay mượn hằng ngày, đổ
như mưa đổ xuống mặt ao, cho bầy cá lớn lúc nào cũng chầu chực sẵn sàng, há họng ra nuốt sạch, còn đâu cho đám nhân dân “thấp cổ bé
miệng,” như những con cá nhỏ trong ao, đành phải ra nước ngoài, đi “bán trôn nuôi miệng,” hay “làm thuê, ở mướn.”
Nằm trong cái ao, đảng Cộng Sản Việt Nam chưa bao giờ chịu mở mắt nhìn Miến Điện, hay bắt chước Nam Hàn, Singapore hoặc chịu khó
nhìn ra xã hội dân chủ Tây Phương, mà suốt đời vùng vẫy trong cái ao XHCN Việt Nam, kiểu “ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục, ao nhà vẫn
hơn!” Mỗi ngày họ soi mình trong gương để tự sướng, vuốt ve những cái mình đang có. Nếu không chúng ta đã không nghe cấp lãnh đạo
tuyên bố: “Việt Nam dân chủ gấp vạn lần Tây phương!”
“Ao cá bác Hồ” hay “Ao cá Bác Mao” thì đâu có gì là quan trọng, miễn là bầy cá to xác, quyền lực, mỗi ngày vẫn ngoi lên hàng đầu, đập đuôi
vùng vẫy tranh ăn, đố con cá nhỏ nào dám ngoi lên vớt vát chút thức ăn thừa còn sót lại.
Mỗi sáng ra vườn, đứng bên hồ, nhìn đàn cá, cho chúng nắm ăn, thấy cái cảnh mặt nước tung tóe, với bầy cá lớn mạnh mẽ, tham lam, lanh
lẹ quẫy mạnh đuôi, trồi lên mặt nước, há cái mồm khá lớn ra để táp mồi, tôi không khỏi chạnh lòng nghĩ đến cái ao cá... Việt Nam!
Tạp Ghi Huy Phương