Bệnh, vấn đề đặt ra từ khi con người khôn (homo sapien) xuất hiện trên trái đất, nỗi lo âu cho hầu hết mọi người, ít nhứt một vài lần trong đời,
đặc biệt khi bóng dâu đã xế. Bệnh, bậc đại giác đã chọn làm một trong bốn đầu đề huyền diệu suy tư để tìm ra chân lý cuộc sống vô thường,
sinh hoại và đã lập nên một nền văn minh hằng cữu hầu hết vùng Đông Nam Á.
Nhân tâm khác biệt, bệnh được đón nhận tùy người, thường nhân quay mòng trong thực tại: buồn lo. Ung dung hiền giã lý hội được sự
thường hằng quy kỳ, không coi là một cớ để đeo lo mang lắng ưu phiền. Văn chương Việt xuất hiện nhiều bệnh hậu cảm tác, hay bệnh trung
thi trong đó nhà văn kẻ sĩ phát biểu ý kiến mình về cuộc đời, về ý hướng của mình trong và sau thời gian chứng nghiệm nỗi khổ tật bệnh.
Người đạt lý tuần hoàn trời đất đón chờ bệnh – và cả anh em song sinh của nó là cái chết - với phong thái tự nhiên, không chỉ thể hiện trong
thơ mà ngay cả trong thái độ sống nữa. Trường hợp trước khi lâm chung, bảo người nhà sờ chân, sờ mình, khi được báo đều đã lạnh, buộc
miệng tuyên bố Tốt! rồi tắt thở nhẹ nhàng ra đi như tác giả Đoạn Trường Tân Thanh không phải là duy nhất.
Cao Bá Quát, truyền thuyết cho là người cứng cõi, không chịu nỗi sự câu thúc quan trường trên dưới đẳng cấp, ghét nịnh bợ, chẳng chịu ép
mình vì đồng lương hay cuộc sống. Tâm cường dũng, khiến ông phản ứng lại ngay tức thời những trường hợp trái ý, vậy mà thân thể ông lại
là địa bàn cho bệnh hoạn phát tác. Đưa tiễn bạn lên đường trấn nhậm, rượu không dám nhắm nháp đưa môi vì đang bệnh phải kiêng, chỉ xin
tiễn đưa bằng tấm chân tình, chỉ xin để hồn mình buồn với màu sắc không gian nơi địa điểm chia tay. Bệnh trung vô tửu tống quân hành, vọng
đoạn giang đình thu sắc mộ, nghe cảm động và xao xuyến chúng ta những người gần hai thế kỷ sau. Tỉnh dậy sau một cơn mộng thấy vía
mình đi viếng bạn lại bồi hồi vì thân mình bệnh hoạn đau ốm triền miên. Phiêu bạc thử thân thành để dụng. Nhất thân tiều tụy bệnh niêm xâm.
Ôi cao cả thay tình bạn của Chu Thần, và thương cảm thay căn bệnh đeo đẳng làm khổ não người thơ. Có lúc đau đớn nội tâm như chúng ta
ngày nay, ông thở dài cho cảnh lưu lạc quê người, nhìn ảnh mình trong gương thấy tiều tụy ốm o khó coi, mang bệnh thâm căn còn lòng dạ
nào thiết tha cảnh đẹp. Bao nhiêu loài hoa rực rỡ khác biệt ông coi cũng như nhau không gì đặc trưng để mà chú ý biện phân: Khách trung
đối kính tam phân sấu, Bệnh lý khan hoa nhất dạng dung. Ông không nhận mình có tài, nhưng biết mình lắm bệnh, bệnh đeo đẳng với ông
như bóng hình để làm khổ đời ông: Bất tài diệc ma chiết, đa bệnh cánh tri khu. Nhiều, nhiều lắm, những câu thơ biểu hiện của tiếng thở dài,
đọc lên nghe thương tâm như vậy. Bệnh không khiến ông xuống tinh thần, nhưng bệnh làm cho cuộc sống ông khó khăn hơn, nhất là khi kết
hợp với những không may khác của đời (xa nhà, con mất, ở nơi quá ồn ào...) Thân viễn ngô tương bệnh/ Tư nhi mỗi tiết ai. Hoặc thương tâm
hơn: Thành thị huyên tỵ địa/ Kiền khôn lão bệnh phu. Đó là chưa kể những đoạn khác, ông nói về kết quả của bệnh: dung mạo tiều tụy (suy
nhan) trơ xương ốm yếu (sấu cốt) bụng thóp vòng lưng thắc lại teo đi (tổn tân yêu vị)…
Bệnh đeo đẳng họ Cao có lẽ bắt nguồn từ lòng thương tài sĩ tử khiến tạo nên vụ án muội đèn. Bộ Lễ với vài tên hèn mọn thù vơ oán chạ thừa
dịp tra tấn nặng tay khiến ông hư người, đi không cất chân nỗi. Tai ù mắt quáng, nói không ra tiếng, gặp người quen biết cũng không còn sức
mở miệng hỏi chào, chỉ nằm dài đễ lão bộc khiên về. Bệnh nặng đến thương tâm và chắc chắn bệnh hậu phát sinh sau đó. Vậy mà ông không
than về nỗi đớn đau thân xác của mình, chỉ than chán ngán cuộc đời lạt lẽo, như cái gân gà, nuốt nước miếng cho trôi nỗi buồn thế sự chua
cay. Bán sinh mệnh bạc thương kê lặc, Cưu tư tâm toán khiếp hổ tu. Thì ra cái đau thân xác, thịt da rách nát, máu chảy đầm đìa bì nhục bịnh
liệt chỉ tác dụng được ở ngoài da, ở giác quan, cái đau đớn trong tâm não, cái cảm quan bi thiết về cuộc đời mới đáng sợ, đáng nói!
Tâm đau, hà cớ?
Vì đời đáng chán vì chí lớn trở thành gánh nặng của thất vọng.
Bảo ông nói rõ ràng hơn, ông chỉ bật mí đôi chút. Cái thân thừa cô lậu, mục rữa giữa trần ai nầy có tiếc gì đâu, chỉ tiếc thân tu mi công lao
cha mẹ sanh thành. Cù lao di thể gia hương ngoại, Nô hủ dư sinh khung nhưỡng gian.
Lạ lùng cái ông nầy, bị bệnh ông than nầy nọ, rồi ông nói như người sắp chết đến nơi. Tại sao chết mới được chứ? Ông có thể điềm đạm trả
lời úp mở rằng muốn nói lắm cho thế nhân hiểu nhưng chỉ sợ thiên kia trái ý. Nghĩ hướng bình nhân ngoại tâm sự, đê thanh trường khán ngỗ
thìên khan. Thiên, trời hay luật chi phối vũ trụ nầy như chúng ta đều biết, thiên cũng có nghĩa xa gần nào đó với cường lực của con trời chống
lại những gì đi ra ngoài nền nếp, không muốn nghe lời nói phải tượng trưng cho nguyện vọng của đám đông.
Ông, một giai đoạn khác cũng làm thơ trong lúc bệnh. Bệnh không hiểu do cuộc sống tù túng nghèo khó hay do di chứng của đòn thù muội
đèn ngông nghênh chuyện hữu Võ Thang. Chúng ta vĩnh viễn không trả lời được câu hỏi nầy vì thiếu yếu tố thời gian của bài thơ khi được
sáng tác. Chúng ta chỉ biết thái độ của nhà thơ: ốm nặng, nằm liệt giường, ngồi dậy phải có người nâng tuy thế vẫn cười ngạo nghễ khi ai đó
hỏi mình có gầy bớt chăng. Chuyện ốm gầy bớt chút xíu xương thịt có quan hệ gì lắm đâu so với cái đau đớn tâm tư: cô đơn cùng cực dầu ở
nơi náo địa, chí cả chưa thành, đao đáo về sự chưa hoàn tất việc cứu toàn dân qua khỏi cảnh trầm luân. Thân còn đây, nhưng đã đầu hàng
ước vọng, thấy mình vô ích kiếp nhân sinh, hổ mình kẻ sĩ vạn niên đăng, dầu kéo dài cuộc sống cũng là lê lết thân tàn ngoắc ngoải kiếp dư
sinh. Vị tư tàn hình nhất hủ nho, Cuỡng chi quyện cốt thiên nhân phù. Nhưng tấm tàn hình, thân hủ nho nầy biết buồn vì thời thế, cái thời thế
của phân hóa, chia rẽ, kẻ đưa vai gánh vác chỉ cô độc chịu nặng mình mình. Trắc thân thiên địa bi cô chướng. Hồi thủ yên tiêu khuất tráng đồ.
Một lần bị bệnh nằm nhà, ông tiếc mình tâm lực đều kém, ông ví mình như thiên lý mã có thể đi vạn dặm, trí óc của người đọc sách bằng con
đèn ngàn năm mà phải bó chân nằm nhà ngó bà vợ quê mùa ung dung chải tóc, đứa con níu kéo làm nũng. Đau khổ và đau khổ cảnh bó thân
vì hoàn cảnh! Đốt lò nhỏ uống chén chè đạm bạc như phong thái của nhà sư ung dung thể tính thanh nhàn! Cử chỉ thì vậy, nhưng mấy ai biết
mình chưa tìm được khí vị thanh nhàn! (Bệnh Trung…)
Tại sao chưa nhàn được chứ?
Lòng Cao tiên sinh nghĩ tới ba đào tráng, thiên địa tâm, chuyện cái roi mây, chuyện đi trên đường gặp người đói, chuyện một người trung
nông phải bán ruộng đất trả tiền thuế khiến phải đem thân đi ở đợ sống qua ngày….
Cao cả thay tâm hồn Cao Bá Quát!
Và tầm thường thay, đáng tội nghiệp thay cho phận mình, trong khi bịnh chỉ lo cái bảo hiểm sức khỏe có cover nầy nọ đủ hay không, và làm
sao chạy cho ra phần 10%, 20% mình phải trả cho những ngày sắp tới. Than ôi! Bó rọ! Khách trung đối kính, quê người nhìn trong kiếng mà
tự thẹn cho mình mặt mũi không mang chút khí phách nào của những năm chưa rời quê hương đất nước…
Nguyễn Văn Sâm