Từ trái sang: Nghệ sĩ Kim Xuân, Lan Phương, Ái Liên và Kim Chung. Courtesy photo
Giáo Sư Nguyễn Phụng, giám đốc Trường Quốc Gia Âm Nhạc & Kịch Nghệ Sài Gòn, trong buổi hội thảo tại tòa soạn báo Văn Đàn vào Tháng Ba 1963, thảo luận về tình trạng và đời sống của nghệ sĩ sân khấu nước nhà.
Giáo Sư Nguyễn Phụng, nguyên là sinh viên du học, theo học trường nhạc bên Pháp, từng tiếp xúc học hỏi ngành kịch nghệ của nhiều quốc gia Âu Châu.
Khoảng 1957 sau khi tốt nghiệp, ông được mời về làm giám đốc Trường Quốc Gia Âm Nhạc. Thời gian sau trường mở thêm lớp kịch nghệ, và thời điểm này một số nghệ sĩ cải lương, nhạc sĩ kỳ cựu được mời dạy cổ nhạc và diễn viên sân khấu. Trong số có các nghệ sĩ tiền phong Năm Châu, Phùng Há, Năm Nở, Duy Lân. Các nhạc sĩ kỳ cựu Hai Khuê, Chín Trích...
Thiên về tài lợi hơn là nghệ thuậtThuyết trình về tình trạng và đời sống của nghệ sĩ sân khấu, có đoạn Giáo Sư Phụng nói:
“Những khuyết điểm về đời sống nghệ sĩ sân khấu là do chủ gánh quá thiên về tài lợi hơn là nghệ thuật, hoặc quá câu nệ cái nhất thời, không lưu tâm đến cái trường cửu. Chúng tôi không muốn so sanh với các nước tiên tiến, không đòi hỏi một trình trạng y như ở các nước Ý, Pháp, Đức hay Mỹ, cái gì ở đời cũng tương đối mà thôi.
Ở đây, làm thế nào ngày nay chúng ta còn một Năm Châu, một Phùng Há, cũng là điều đáng mừng lắm rồi. Tại sao tôi nói “đáng mừng”?
Bởi vì theo đà sinh hoạt hiện thời, một anh kép, một cô đào hát suốt trong 1 tháng, đêm nào cũng hát đến 12 giờ, chưa nói đến chuyện vãn hát còn đi ăn uống, tôi dám chắc không có nghệ sĩ nào trên thế gian này có thể chịu đựng lối sinh hoạt đó. Ở các nước, khi người nghệ sĩ ký hợp đồng với chủ gánh, bầu gánh, thì hợp đồng nêu rõ rằng trong một mùa trình diễn, chủ gánh sẽ đem ra diễn mấy vở tuồng? Người nghệ sĩ ký hợp đồng đó đã thương lượng với ông chủ gánh rằng mình sẽ đóng trong mấy vở và đóng vai gì?
Nghệ sĩ Phùng Há trong vở tuồng Mộng Hoa Vương.
Để bảo vệ sức khỏe nghệ sĩ, người ta phải sắp đặt cho anh kép này, cô đào kia, hát xong thì trong vòng ba đêm liên tiếp hoặc một tuần mới diễn lại được, chứ không thể nào như ở nước ta. Tôi dám chắc rằng dù cho nghệ sĩ Đức quốc là những người to tướng như quí vị từng thấy mấy người soprano, hay ténor, to lớn khổng lồ, mà nếu họ phải sinh hoạt theo nền nếp của nghệ sĩ Việt Nam mình, thì trong vòng một tuần là họ đi vô nhà thương, hoặc vô nhị tì.
“Chúng tôi nhận thấy đó là khuyết điểm lớn nhất, và tai hại rất lớn cho nghệ sĩ mà vô tình nghệ sĩ không màng tới. Nghệ sĩ ta sống một cách quá nhất thời: “Lúc nào tôi còn ca được sáu câu vọng cổ, tôi còn ăn khách, thì tôi vẫn sống. Tôi không nghĩ đến ngày mai”!
Giáo Sư Nguyễn Phụng làm giám đốc trường Quốc Gia Âm Nhạc & Kịch Nghệ cho đến năm 1970 thì ông mất chức. Ông có quốc tịch Pháp, tên là Michel. Không biết ông về Tây trước hay sau 1975, nhưng rất thường gởi thơ về thăm bạn bè và người cộng tác cũ.
Nghe nói sau phần thuyết trình của giáo sư Nguyễn Phụng, thì có người nói rằng nghệ sĩ bên trời Tây, bên Âu Châu nghỉ hát họ cũng ăn bơ sữa đâu có đói. Chớ còn nghệ sĩ Việt Nam mình chỉ một buổi chiều tối trời đổ mưa, không có khán giả phải nghỉ hát thì mọi người đều buồn ra mặt.
Bởi nghỉ hát một bữa là thiếu hụt rồi, chớ một đêm hát rồi nghỉ 5, 7 ngày thì chắc phải húp cháo chớ làm gì có cơm mà ăn.
Đúng vậy, mấy bữa trời mưa ai ở gần rạp hát thì thấy bữa cơm hội của đào kép công nhân chỉ có rau luộc, nước mắm là thường.
Vào khoảng 1952 – 1953 gánh hát Thanh Minh của bầu Lư Hòa Nghĩa – Năm Nghĩa thường hay hát ở rạp Đông Vũ Đài trong khuôn viên Đại Thế Giới, và rạp Thành Xương gần sòng bạc Kim Chung Sài Gòn.
Khán giả của đoàn Thanh Minh lúc bấy giờ đa số ở miền Lục Tỉnh, họ đi ghe chuyên chở hàng hóa nông phẩm lên đậu ở Bến Hàm Tử và Cầu Ông Lãnh chờ lên hàng. Trong thời gian chờ đợi bán hàng cho các chủ vựa, mỗi tối họ đổ lên hai rạp nói trên mua vé coi cải lương, mà phần đông nói rằng để nghe Út Trà Ôn ca vọng cổ. Và người ta nói suốt năm Út Trà Ôn không vắng mặt buổi hát nào. Vậy mà Cậu Mười vẫn mạnh khỏe, đúng như nhận định của Giáo Sư Nguyễn Phụng vậy.
Theo RFA