Hình vẽ trên trang đầu tiên của kinh Kim Cương. Ảnh: Wikipedia.
Một bản sao của kinh Kim Cang tại Trung Quốc được cho là sách in cổ nhất thế giới, có niên đại năm 868 sau Công nguyên. Bộ kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa (Vajracchedika prajnaparamita sutra) được dịch từ tiếng Phạn với nhiều tên khác nhau như kinh Kim Cương hoặc kinh Kim Cang. Bộ kinh này là một trong những văn bản được tôn kính nhất của Phật giáo Đại thừa, chứa đựng bài giảng, giáo lý tôn giáo của Đức Phật.
Wang Yuanlu, tu sĩ Đạo giáo, phát hiện một bản sao của kinh Kim Cang trong hang động Mạc Cao ở Đôn Hoàng, Trung Quốc, vào đầu thế kỷ 20. Đây là cuốn sách in hoàn chỉnh cổ nhất thế giới từng được biết đến, có niên đại năm 868 sau Công nguyên.
Kinh Kim Cang thuộc một bộ sách lớn hơn của Phật giáo Đại thừa thời kỳ đầu gọi là Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh (Prajnaparamita Sutras). Theo truyền thuyết Phật giáo Đại thừa, những kinh sách trên do các đệ tử ghi chép lại lời giảng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Nhiều học giả cho rằng, bộ sách bắt đầu được viết từ thế kỷ 1 trước Công nguyên và hoàn thành sau đó vài thế kỷ.
Nội dung của kinh Kim Cang khá ngắn gọn với bản dịch tiếng Anh chỉ bao gồm khoảng 6,000 từ. Nhưng thông điệp của sách rất sâu sắc, có thể diễn giải theo nhiều cách hiểu khác nhau. Một trong những cách diễn dịch cơ bản nhất của kinh Kim Cương là lời khích lệ của Đức Phật kêu gọi các đệ tử "vượt qua những ảo tưởng về thực tại xung quanh" để nhận thức rõ những điều có thật.
Năm 401, một tu sĩ Phật giáo tên là Cưu Ma La Thập (Kumarajiva) lần đầu tiên dịch kinh Kim Cương sang tiếng Trung Quốc. Trong thế kỷ tiếp theo, hoàng tử Chiêu Minh, con trai của Lương Vũ Đế, chia kinh sách thành 32 chương và đặt tiêu đề cho chúng, dù những tiêu đề này ít được sử dụng ngày nay.
Năm 1907, Aurel Stein, nhà khảo cổ học người Anh gốc Hungary đến thăm hang động Mạc Cao ở Đôn Hoàng. Ông gặp Wang Yuanlu và mua lại nhiều đồ vật của ông Wang, gồm tranh, đồ thêu dệt, di vật, các bản thảo - bao gồm kinh Kim Cương. Cuốn sách đang được trưng bày tại Thư viện Anh tại London.
Theo báo Viễn Đông