Một phụ nữ mang thai ở Úc đang xem xét thánh phần dinh dưỡng của thực phẩm. AFP
Những phụ nữ chuẩn bị có bầu hay đang có bầu thường được khuyên là nên ăn không chỉ cho bản thân mình mà còn cho cả em bé. Theo các nhà khoa học Mỹ, chế độ ăn không mạnh khỏe của các bà mẹ tương lai sẽ ảnh hưởng tới 3 thế hệ con cái của họ sau này.
Ảnh hưởng tới ba thế hệMột nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học thuộc trường đại học Y
James P Crane ở St. Louis, Mỹ, cho thấy sức khỏe của những phụ nữ chuẩn bị có bầu ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của trẻ là con và cháu của họ sau này.
Kết quả của nghiên cứu được công bố hôm 16 tháng 6 trên tạp chí y khoa Cell Reports của Mỹ cho thấy nếu phụ nữ chuẩn bị có bầu bị thừa cân thì điều này sẽ có ảnh hưởng xấu đến không chỉ con do họ sinh ra mà còn đến cả thế hệ thứ ba. Nói về kết quả nghiên cứu, bác sĩ chuyên sản khoa, tác giả nghiên cứu Kelle Moley cho biết:
Mặc dù nghiên cứu chỉ được thực hiện trên chuột nhưng theo tôi kết quả nghiên cứu cũng phù hợp với nghiên cứu về dịch tễ học cho rằng những phụ nữ có thai mà ăn những đồ ăn không tốt như đồ ăn quá béo, quá ngọt thì trẻ sinh ra dễ bị béo phì và sau đó dễ bị huyết áp cao, mỡ máu cao. Cho nên về cơ bản, dữ liệu đã có sẵn và nghiên cứu này cho thấy có những ảnh hưởng rõ ràng, dù chưa chỉ ra cơ chế, rằng những gì các bà mẹ ăn trước khi có bầu gây ảnh hưởng tới các thế hệ sau trong ít nhất 3 thế hệ sau.
Về cơ bản nghiên cứu cho thấy là với những con chuột bình thường, tất cả những chuột thí nghiệm đều tương đồng về gene (DNA), nhưng sau đó được ăn các đồ ăn béo và đường cao, tương đương với việc ăn thức ăn nhanh mỗi ngày. Sau đó khoảng 4 đến 6 tuần, trứng trong buồng trứng của các con chuột thí nghiệm có những dấu hiệu bất bình thường. Những dấu hiệu bất bình thường có liên quan đến việc các tế bào sử dụng năng lượng thế nào.
Ti thể trong tế bào vốn dùng để biến thực phẩm thành năng lượng. Nhưng vì các ti thể này bị tiếp xúc với các thực phẩm nhiều béo và đường nên chúng trở nên bất bình thường. Điều chúng tôi đưa ra trong nghiên cứu này là những thế hệ sau bị bệnh là do từ các ti thể này. Ti thể của mọi người trên thế giới đến từ người mẹ. Nếu ti thể trong trứng của mẹ mà không tốt thì nó có thể kéo dài đến 3 thế hệ.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã cho những con chuột khỏe mạnh ăn những đồ ăn nhiều chất béo và đường. Cụ thể là thành phần béo chiếm 60% và đường chiếm 20% khẩu phần ăn mỗi ngày. Các chuột con sinh ra sau đó được ăn đồ ăn có nhiều protein nhưng không có nhiều chất béo và rất ít đường. Mặc dù vậy, 3 thế hệ chuột sau đó vẫn bị bệnh kháng insulin và các bệnh liên quan đến chuyển hóa khác. Các nhà khoa học cũng tìm thấy những dấu hiệu bất thường ở trong ti thể ở tế bào cơ và xương của những con chuột này. Dựa trên nghiên cứu này, bác sĩ Moley cho rằng ở người, chế độ ăn của trẻ nhỏ rất giống với của mẹ và vì vậy ảnh hưởng của hội chứng rối loạn chuyển hóa ở mẹ truyền sang con có thể còn lớn hơn so với ở chuột.
Nói về định nghĩa hội chứng rối loạn chuyển hóa, bác sĩ Larry Sperling, Giám đốc Trung tâm phòng ngừa bệnh tim thuộc trường đại học Emory, Atanta, Hoa Kỳ cho biết:
Hội chứng chuyển hóa là tổng hợp của các yếu tố rủi ro về bệnh tim mạch. Có 3 trong 5 rủi ro chính bao gồm béo phì được xác định bởi cân nặng hoặc BMI (tức tỷ lệ giữa cân nặng và chiều cao), lượng cholesterol tốt trong máu thấp, lượng triglyceride trong máu cao tức tăng lượng mỡ tuần hoàn trong máu, cao huyết áp hoặc kháng insulin tức là lượng đường trong máu hơi tăng nhưng chưa đến mức tiểu đường.
Theo Hội tim mạch học Việt Nam, hội chứng chuyển hóa được hiểu là thuật ngữ dùng để chỉ những người có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch và tiểu đường. Hội chứng chuyển hóa bao gồm một nhóm các yếu tố nguy cơ tập hợp lại trên một người bệnh bao gồm, tình trạng béo bụng, rối loạn lipid máu, tức là triglyceride máu cao, cholesterol xấu cao trong khi cholesterol tốt thấp, cao huyết áp, bị kháng insulin hoặc không dung nạp đường.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người được chẩn đoán mắc hội chứng chuyển hóa phải có ít nhất 3 yếu tố trong số các yếu tố rủi ro bao gồm: nam có vòng bụng lớn hơn hoặc bằng 90cm, nữ có vòng bụng lớn hơn hoặc bằng 80cm, triglyceride trong máu lớn hơn hoặc bằng 150 mg/dl, cholesterol tốt ở nam thấp hơn 40mg/dl và ở nữ là thấp hơn 50 mg/dl, huyết áp lớn hơn hoặc bằng 130/85 mmHg.
Một bà mẹ trẻ ở Úc đang cho con trai ăn. AFP photo
Thừa cân ở mẹ ảnh hưởng lên con Trong thí nghiệm mới ở trên chuột, các nhà khoa học thấy, chuột con bắt đầu có dấu hiệu của bệnh khi được 13 tuần tuổi. Nếu tính ra ở người, theo bác sĩ Moley, thời gian này là 13 năm, tức là trẻ bắt đầu có dấu hiệu bệnh khi bắt đầu vào tuổi teen.
Trước nghiên cứu này, đã có một số những nghiên cứu khác được thực hiện để tìm hiểu mối liên quan giữa thừa cân béo phì ở phụ nữ có thai và con của họ. Nhìn chung, các nghiên cứu đều chỉ ra rằng chế độ ăn không tốt ở các bà mẹ tương lai có ảnh hưởng xấu đến con họ. Tuy nhiên nghiên cứu mới là nghiên cứu đầu tiên chỉ cho thấy mối liên quan xuyên thế hệ và cho thấy sự liên quan của ti thể từ trứng của các bà mẹ tương lai đến đời con và cháu của họ. Bác sĩ Moley giải thích.
Các nghiên cứu trước trên người trước kia cũng không giải thích được cơ chế của mối liên hệ. Ở chuột, mọi người cũng xem xét mối liên hệ này nhưng chưa bao giờ họ tìm đến được vấn đề ở ti thể. Cho nên đây là điểm đặc biệt của nghiên cứu này. Nó chỉ ra là vấn đề được truyền từ bà mẹ qua ti thể vào con và giải thích tại sao khi các bà mẹ tiếp xúc với các thực phẩm béo và ngọt thì ảnh hưởng tới con.
Đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi chỉ ra rằng những khiếm khuyết này tiếp tục đến tận thế hệ thứ ba. Trước đó mọi người chỉ thấy đến thế hệ thứ nhất và thứ hai. Nhưng thế hệ thứ ba là điểm quan trọng. Nếu bạn có một bào thai nữ thì con gái của bạn sẽ bị ảnh hưởng rồi tiếp đến là cháu gái ngoại cũng bị ảnh hưởng. Cho nên phải qua đến thế hệ thứ ba để có thể thấy là ảnh hưởng là xuyên thế hệ. Cho nên nghiên cứu của chúng tôi là nghiên cứu đầu tiên chỉ ra ảnh hưởng xuyên thế hệ.
Dựa trên kết quả nghiên cứu này, bác sĩ Kelle Moley có lời khuyên đối với những bà mẹ tương lai như sau:
Ngay trước khi cô ấy định có thai thì cô ấy nên cố gắng duy trì một cân nặng khỏe mạnh. Tôi không muốn kêu gọi mọi người ăn kiêng khi mang thai vì nó không tốt cho bào thai. Nhưng trước khi họ định có thai thì họ phải duy trì một chế độ ăn khỏe mạnh tức là tránh các đồ ăn béo cao và nhiều đường fructose. Bên cạnh đó là tập thể dục. Khi kết hợp cả hai yếu tố, bạn sẽ có được một cân nặng khỏe mạnh tức là BMI ít hơn 25.
Tại Việt Nam, một số các bác sĩ áp dụng tỷ lệ BMI lý tưởng là lớn hơn 18 và nhỏ hơn 25 theo kg trên bình phương mét. BMI ở mức lớn hơn 25 và nhỏ hơn 30 bị coi là thừa cân. BMI lớn hơn 30 và nhỏ hơn 40 bị coi là béo phì.
Mặc dù nghiên cứu mới chỉ tập trung vào những phụ nữ chưa có thai và trong độ tuổi có thể mang thai, nhưng bác sĩ Moley cho rằng các bà mẹ đang mang thai cũng cần phải chú ý tới chế độ ăn của mình. Quan niệm ăn càng nhiều càng tốt cho con thì bất cứ đồ ăn nào cũng tốt là không đúng. Bác sĩ Moley không khuyến khích các bà mẹ đang mang thai ăn nhiều đồ ăn nhanh như đồ chiên rán, nước ngọt mà thay vào đó là những đồ ăn không có quá nhiều chất béo và đường.
Theo RFA