Miền Nam đã có truyện ngắn bằng quốc ngữ những năm mấp mé của thế kỷ 20. Bước qua thập niên đầu của thế kỷ nầy thì tiểu thuyết bằng
quốc ngữ cũng theo đó mà nở rộ phong phú. Lúc nầy ở vùng cực Nam của đất nước ta chữ Nôm hoàn toàn mất vai trò, chỉ còn hiện diện ở
dạng viết tay bằng những bài thơ Đường có tính cách mua vui khi trà dư tửu hậu (1) lưu hành thật giới hạn với bạn bè đồng điệu do tình
trạng vắng bóng của sự phát hành rộng rãi có tính cách thương mại. Trong khi đó, trái ngược lại, tác phẩm bằng chữ Nôm ở miền Bắc vẫn
thỉnh thoảng xuất hiện dưới hình dạng bản in khắc gỗ hoặc biếu không làm phước ở các đền chùa từ miếu hoặc phát hành ở các nhà sách
bán buôn theo dạng doanh thương. Hai hoạt động nầy kéo dài đến những năm cuối cùng của vương triều nhà Nguyễn. Những tác phẩm loại
thứ nhứt hầu hết đều nói chuyện ăn hiền ở lành, khuyến thiện tu nhơn hay lời dạy của ông nầy bà nọ rất hợp với người bình dân vốn tin tưởng
ở sự luân hồi và nhơn quả. Những quyển thuộc loại sau thường là truyện thơ, đa phần là khắc lại hay chỉnh sửa vài chữ từ các bản khắc xưa,
việc in một tác phẩm mới loại nầy hầu như ở tình trạng tối thiểu.
Sách Nôm có tính cách xiển dương đạo Phật nói chung ở thế kỷ 20 không có những quyển kinh cao sâu được dịch ra từ chữ Hán hay sáng
tác thẳng của các bậc cao tăng như thời Lý Trần mà chỉ có những quyển sách mỏng của người hiếu đạo, thành tâm rút ruột mình khuyên lơn
dân chúng sống hiền, sống phải.
Cũng như những sách loại nầy ở Trung Hoa, để hỗ trợ cho lời khuyên trên, người viết dựa trên nguyên lý có tính cách thuyết phục là nhân
sinh có tiền kiếp, có lai sinh, những hành động tốt xấu gì nhân sinh thực hiện ở kiếp nầy sẽ được hưởng hay bị trả ở kiếp sau. Những gì nhân
sinh có được hay mắc phải ở kiếp nầy đều do những hành vi ở kiếp trước. nghĩa là con người sống dưới cái nghiệp quả báo điều khiển bởi
luật luân hồi.
Duyên nghiệp và luân hồi. Hai ý tưởng nầy từ lâu đã ăn sâu vào người dân Việt và tạo nên tín ngưỡng bình dân nằm kế bên đạo Phật được
dân chúng đơn giản vấn đề bằng cách gọi đó là tư tưởng của Phật giáo bình dân, nhiều khi còn được gọi là đạo thờ ông bà vì ngoài hai
nguyên lý trên còn có kèm theo những điều dạy về trung hiếu tiết nghĩa, ngũ luân, ngũ thường…
Muốn cho sự tin tưởng được tăng thêm hơn, người ta nghĩ đến một thứ tòa án và ngục hình dưới cõi âm. Ở đây có những vị Phán quan và
mười ông Diêm vương xét tội người chết về những hành vi của người nầy khi còn sống để hoặc là trừng phạt thiệt là đau đớn, chết đi sống lại
cả mấy trăm năm rồi cho đầu thai làm súc sanh… hoặc là khen thưởng, cho lên cõi Tiên thoát luật luân hồi, sống trong Cõi Vĩnh Hằng an nhàn
thiên thu không già, không chết.
Các tác phẩm nói đến sự kiện Nhân- Quả, Nghiệp- Chướng… tạo cho người đọc cái tâm lý sợ hãi hành vi/đời sống ác đức khiến họ tránh
điều xấu mà chăm chăm làm điều tốt, đó cũng là điều tích cực đáng ghi nhận. Con người hiền lương tốt bụng phần nào cũng nhờ chịu ảnh
hưởng của những tác phẩm loại nầy.
Phải nói lại lần nữa rằng ý tưởng nhơn quả, luân hồi, Địa ngục trừng phạt, cõi Tiên thoát khỏi luân hồi lên Tiên bồng Cực lạc không phải của
riêng các tác giả thời nầy cũng không là của riêng do người Việt Nam sáng tạo. Đó là những biến tướng của văn hóa Phật giáo cọng chung
với vài ý tưởng trong đạo Bà La Môn vì vậy những tác phẩm thời nầy, loại nầy ở Việt Nam dầu được viết ra dưới dạng Quốc ngữ hay chữ
Nôm chỉ cần được giới thiệu trên mặt văn học là đủ. Các ý tưởng trong đó vì vậy chúng tôi nói lại cho rõ ràng hơn mà không tìm đến cội
nguồn để biết phát xuất từ kinh nào, phẩm nào, một việc vừa ngoài sức học của người phiên âm giới thiệu vừa không cần thiết!
Trong chiều hướng đó xin được giới thiệu quyển Báo Ứng Nhân Quả Lục 報應因果綠, một tác phẩm mượn ý tưởng luân hồi, hành thiện để viết
thành một quyển tiểu thuyết (truyện dài). Và nó xứng đáng được giới thiệu như một tiểu thuyết dầu rằng bao lâu nay nó được xưng tụng ở
một nơi có tính cách tôn giáo và được coi như một tác phẩm thuần túy của một tôn giáo, một quyển kinh Phật.
Sách nầy trước đây xuất hiện dưới dạng khắc in mộc bản chữ Nôm, có nhiều hình vẽ cũng khắc mộc bản mà tôi chắc chắn là của nghệ nhân
Việt Nam - dầu thô sơ nhưng cũng giúp người đọc nắm vững cốt truyện. Bản in do Vi Thiện Đàn 爲善𡊨 thực hiện và bản khắc được giữ ở
Phụng Giang Từ 鳳江祠. Chúng tôi không có điều kiện để biết chính xác Phụng Giang Từ ở nơi nào, chỉ biết rằng Vi Thiện Đàn hiện còn hoạt
động ở huyện Yên Thành, Nghệ An (2016). Sách in năm Bảo Đại thứ hai (1926) nghĩa là rất gần đây thôi, chưa đầy một thế kỷ, nhưng bản in
lần đó -do ông Nguyễn Nguyên Mai đứng in với sự góp tiền chút đỉnh của ông Tô Văn Minh- chỉ có một trăm bản nên chín mươi năm nay
(2016-1926) ảnh hưởng, sự biết đến trường hợp hiện diện của nó chỉ quanh quẩn ở địa phương và nhứt là chỉ có tính cách tôn giáo, chưa
được học giới chú ý về mặt văn học, ngay cả Thư Viện Quốc Gia Hà Nội hay Viện Hán Nôm Hà Nội vốn tọa lạc ở gần đó cũng chẳng có bản
sao nào để đưa ra sử dụng hay làm đề tài nghiên cứu.
Đây là một quyển tiểu thuyết, kiểu cấu tạo như nhiều truyện Nôm trước đó, chẳng hạn như Nam Kinh Bắc Kinh Truyện, nhưng ở đây yếu tố
tôn giáo xen vào cực trọng nên ngoài chuyện thiên duyên thì có chuyện người làm ác phải xuống địa ngục, có đầu thai, có luân hồi, có lên Tiên
cảnh….
Để cho câu chuyện có tính cách tích cực và được ưa thích, người viết cho thân nhân của tội phạm đến cứu giúp, khuyên lơn, dạy đạo,
khuyến tu… Cuối cùng thì phạm nhân nầy được đặc cách cho đầu thai để thực hiện những gì được khuyên nhũ, ông ta đã giữ được đạo hạnh
và đã đắc thành chánh quả, lên Tiên.
Người xưa chắc khi sáng tác đã muốn xây dựng một quyển kinh dạy đời, kiểu như các truyện Quan Âm Diệu Thiện, Quan Âm Thị Kính, truyện
Hứa Sử, truyện Trương Thiện Hữu nhưng để cho câu chuyện trở thành cụ thể và dễ có người đọc, cuối cùng tác giả đã theo ngòi bút hướng
dẫn đi vào sự mô tả, đối thoại về những sự kiện nhiều tính chất thật ở ngoài đời nên đã trở thành một quyển tiểu thuyết. Đây là điều đáng ghi
nhận về tiểu thuyết văn xuôi Nôm có nhiều tính chất tôn giáo đã hình thành ngoài sự mong muốn ban đầu của tác giả, khác với trường hợp
các quyển truyện diễn ca liên quan đến Phật bà Quan Âm người viết nhắm nhiều về mặt tôn giáo nên tính chất tiểu thuyết hay tưởng tượng
không có nhiều.
Chúng tôi chắc chắn rằng ban đầu tác giả Báo Ứng Nhân Quả Lục không có mục đích viết tiểu thuyết vì (1) đề tài ông chọn vì, (2) những tình
tiết khó tin trong câu chuyện và vì (3) hình thức chuyển tải bằng chữ Nôm, dầu là chữ Nôm ở dạng văn xuôi. Nếu muốn viết tiểu thuyết thì ít
nhứt ông cũng cho in dưới hình thức quốc ngữ bởi vì lúc nầy (1926) tiểu thuyết bằng Quốc ngữ ở miền Bắc đã trên đà phát triển ít nhứt là
song hành với con tàu từng dẫn đầu về mặt nầy là miền Nam Kỳ Lục Tỉnh và tác phẩm của ông không phải là khó để được phiên âm ra chữ
Quốc ngữ nếu tác giả muốn. Ta nên nhớ đến Trường hợp Nhất Linh với những tác phẩm đầu tay của ông là Người Quay Tơ và Nho Phong.
Toàn quyển Báo Ứng Nhân Quả Lục gồm 25 tiết, mỗi đầu tiết, như ở tiểu thuyết chương hồi của Trung Hoa, ý chánh đều được ghi lại bằng
hai câu thơ 7 chữ, ở đây được ghi bằng hai câu 6 chữ. Đọc những câu nầy từ đầu đến cuối sách ta có thể có khái niệm về câu chuyện cũng
như về tư tưởng chánh của tác giả.
Tiết 1: (1a) Ông họ Trương cầu tự,
nàng Tiên nữ giáng sinh.
Tiết 2: (3a) Trương thị kết tóc Lưu Kinh,
Khuyên chồng chẳng được lưu ý. (2)
Tiết 3: (7a) Trương thị một mình tu luyện,
Lưu Kinh ác tệ thêm nhiều.
Tiết 4: (8b) Trương thị cầu khẩn Phật Trời,
Lưu Kinh được thấy mộng hiện.
Tiết 5: (11a) Lưu Kinh đến điện Phong đô,
Thiện ác thấy tường báo ứng.
Tiết 6: (14b) Trương thị lại về Tiên phủ,
Lưu Kinh lại giữ nết xưa.
Tiết 7: (15b) Ngươi Lưu Kinh lìa hồn,
Đức Thành hoàng phán giải.
Tiết 8: (20a) Sai quan dẫn nhập Nhứt điện,
Đại vương tra hỏi Lưu Kinh.
Tiết 9: (23b) Quỉ tốt giải vào Nhị điện,
Đại vương phán hỏi Lưu Kinh.
Tiết 10: (25a) Đức Củ Soát trông thấy thương &,
Nàng Tiên nữ xuống cứu chẳng được.
Tiết 11: (28a) Nhị điện giải sang Tam điện,
Lưu Kinh gặp vợ Lưu Kinh.
Tiết 12: (31b) Tam điện giải sang Tứ điện,
Lưu Kinh chưa chịu phục tình.
Tiết 13: (32b) Trên Thiên đình có chỉ giảm cho,
Nàng Tiên nữ cứu còn chưa được.
Tiết 14: (35b) Ngũ điện Phán quan vâng hỏi,
Lưu Kinh nửa chịu nửa không.
Tiết 15: (36b) Lục điện tra hỏi Lưu Kinh,
Nó lại nói vu thần thánh.
Tiết 16: (39b) Tiên nữ kêu cầu đức Phật,
Mẹ con Lưu Kinh được tha.
Tiết 17: (43b) Vô đề.(3)
Tiết 18: (48a) Lưu Kinh đầu thai hai lần,
Kiếp sau là Trần Khổ Lý.
Tiết 19: (49b) Khổ Lý có điều đại hiếu,
Cát thần cứu cho thiện nhân.
Tiết 20: (51a) Thượng thiên chứng dạ Tỉnh Khiết,
Khổ Lý được tiêu tội cũ.
Tiết 21: (52a) Tiên nữ xuống thử nhân gian,
Độ cho ông tổ Khổ Lý.
Tiết 22: (54b) Tỉnh Khiết gặp vận hanh thông,
Khổ Lý một lòng phụng dưỡng.
Tiết 23: (55a) Tiên nữ thử ngươi Khổ Lý,
Đường tu truyền đạo Phật Tiên.
Tiết 24: (57a) Vợ chồng Tỉnh Khiết nhớ con,
Thiện thần báo cho hỷ tín.
Tiết 25: (60a) Khổ Lý về độ phụ mẫu,
Tỉnh Khiết được lên Tiên sơn.
Tiết 26: (61b) Một nhà đều được lên Tiên,
Muôn kiếp trường sanh cực lạc.
Truyện nầy có hai đều đáng bàn: tư tưởng là Phật giáo bình dân, văn chương là loại xuôi câu dễ hiểu, quý ở chỗ còn ghi lại được vài từ ngữ
xưa, vài cách nói xưa của đầu thế kỷ 20, tuy rằng sách khắc in ở thập niên 20 của thế kỷ 20.
Về mặt tư tưởng:
Truyền bá tư tưởng: có thánh thần quan sát những việc con người làm khi ở đời, sự tương thông với cõi thần thánh thiên đình dễ dàng, có
sự trừng phạt ở cõi âm, có sự xếp đặt của thiên đình để người ta thành vợ chồng để vợ hay chồng thực hiện việc gì đó…
Tiết 2 có nhiều điều đáng lưu ý, người phiên âm xin để cho người độc giả tự tìm thấy những gì có ích cho mình tuy rằng sách đã xưa chắc
chắn là có nhiều điều không còn phù hợp.
Tiết 3 có những câu hỏi vặn của Lưu Kinh rất đáng lưu ý như tu phải ở chỗ thanh vắng, phải cạo đầu vô chùa, tu thì lấy ai nối dõi tông môn,
lấy ai cai quản sự nghiệp. Những câu nầy người vợ của họ Lưu đều trả lời thoả đáng không phải chỉ cho nhân vậtt rong truyện mà cho cả
người đọc chúng ta ngày nay.
Tiết 4 cho thấy Lưu Kinh là người cố chấp, tuy có lý luận nhưng những lý luận của ông ta chẳng qua là để củng cố ý thích của mình thôi. Nếu
cần thì nói ngang cãi bướng. Những vấn đề có báo ứng hay không, trứng gà có mầm sống hay không chẳng phải bây giờ mới có. Trước đây
đã có người đặt thành vấn đề. Người xưa viết truyện nầy để củng cố cho lập trường chống sát sinh tới tối đa ngày nay ta thấy có vẻ quá
đáng, không hợp lý. Ta đọc để biết người xưa nghĩ gì, tin tưởng gì, còn đúng sai thiết tưởng không cần bàn vì nó vô cùng và tùy tâm của
mỗi người.
Một vài chữ rất ngắn nhưng rất có giá trị: Tu là tu tâm tu tánh, tu là tu đức tu nhân, can chi mà phải cạo đầu, tu cũng chẳng cần tụng kinh gỏ
mõ. Tu có hai cách…., tu cho người ít chữ, cho kẻ nhiều chữ khác nhau, tu cho kẻ nhiều tiền, tu cho kẻ nghèo không tiền…
Hai Tiết 3-4 có những câu thiệt là quan trọng :
Ai là sống mãi ở đời? Ai là chẳng phen hết số? Vì vậy phải tu thiện trước, đến sau mới khỏi phàn nàn. Một đường tu phước nhân gian, một
đường tu đạo Tiên Phật. Tu phước thời khỏi Địa ngục, tu đạo thời khỏi luân hồi.
Ở là tục về là Tiên, xin chớ nhọc lòng thương nhớ.’ Câu nầy có thể áp dụng cho những người làm được những gì ích lợi cho đời, cho xứ sở,
cho dân tộc. Không tiện đưa ra những trường hợp cụ thể để tránh những biện luận vô ích.
Hai tiết 5- 6 có vài điểm đáng nói:
Người gian dối hễ gặp dịp thì chối tội và nói gian để mong khỏi tội.
Kẻ trọng tiền bạc thì tưởng rằng ở đâu cũng có thể giải quyết bằng tiền bạc.
Ăn hiền ở lành, giúp người giúp đời điều quan trọng là cái tâm thành và lành, mọi gian dối để tỏ là hiền lành đều không giá trị. Lại tra điều
thiện Lưu Kinh, việc thiện mà tâm thời ác, cũng có cúng dường bố thí, cũng có cầu quán điện chùa, thiện mà lấy của bất nhân, điên đảo lừa
thăng tráo đấu, Thần Phật ngài không sá chứng, cũng không kể thiện được nào…’
Người ham sống ham của chết rồi nếu thấy lại được quê quán, cơ nghiệp sẽ vô cùng đau đớn. Điều nầy rất đúng với những người sắp chết
mà chưa dứt lòng trần.
Tổng quan toàn sách có những điều đáng ghi nhận:
Kẻ xấu hể vu cáo cho người khác được thì vu cáo để mong thoát tội. Tánh xấu này đời nay hằng hà đếm không xuể!
Những điều con người làm trên thế gian tưởng rằng chẳng đáng chi vì là con người đối với con vật thôi, nhưng thực ra có tội, nay ta nói là
hành hạ động vật. Chuyện ăn chay cũng vậy, ăn chẳng thiệt lòng, ăn cho có, ăn mà mơ tưởng đồ mặn cũng là có tội.
Nguyên lý ai làm nấy chịu dưới Âm ty. Tội vợ vợ chịu, tội chồng chồng mang, dầu thương cũng chẳng cứu được.
Sự cố gắng cứu Lưu lang của Tiên nữ giải thích vấn đề duyên nợ thiên duyên nhưng cũng đưa đến chuyện bè phái làm mất công bình, do đó
quyển Báo Ứng Nhân Quả nầy mới cho thấy Tiên nữ gặp nhiều trở ngại trong việc cứu vớt chồng khỏi chịu ngục hình…
Tôi gọi Báo Ứng Nhân Quả Lục là một quyển tiểu thuyết vì tính tự sự, vì có cốt truyện, có đối thoại và nhứt là viết bằng văn xuôi, tuy rằng
nhiều khi văn chương câu cú không được chuẩn lắm.
Về mặt chữ nghĩa:
Tuy viết bằng loại văn đặc biệt phân nhóm từng sáu chữ một nhưng không đối nhau, không lập lại ý ở đoạn trước như cách viết dùng thể đối
của tuồng hát bội của những thập niên trước đó không xa. Cũng không vướng víu khuyết điểm của thơ lục bát là có tiểu đối khiến cho có sự
trùng ý. Vì vậy thể văn ở đây là văn xuôi, không khác bao nhiêu với văn xuôi quốc ngữ. Sự diễn tả vì thế trơn tru, rõ ràng. Tác giả không dùng
điển cố nên cả quyển sách thiệt là dễ hiểu. Ta thu thập được nhiều chữ đặc biệt như hẵn hoi là còn sống, còn gắng được tức có thể cố gắng
còn có thể chờ đợi được, vài năm lẽ tức là chừng vài ba năm, vì chưng là bởi vì, còn nhắm bụi trần tư tưởng tức là còn nghĩ tới chuyện trần
tục, lũy kiếp tức là nhiều kiếp, xử việc từ bi phương tiện là đối xử việc gì cũng lấy từ bi làm gốc, về là chết, ngồi hóa là người có thiện tâm
chết khi ngồi hay chết đột ngột, hỏi vặt tức là hỏi vặn vẹo muốn cho người ta khó trả lời, kiêng khem tức kiêng cử, tránh… Ngoài ra trong nầy
cũng có một số thành ngữ mà ngày nay còn thấy nhưng văn chương thời trước không được thông dụng…
Cũng xin nhân đây trình làng mấy câu cảm đề chúng tôi chợt viết ra khi đọc lại lần cuối bản phiên âm:
Nhân sinh trùng khởi ngàn đời sẵn,
Quả báo tiền căn chất ngút ngàn,
Báo lý vị lai mầm xấu diệt,
Ứng quả miên trường giải khổ căn.
Vào thời buổi nhiễu nhương chuyện Đạo Đời có nhiều điều đáng ngán ngẫm, một vị có lòng với đạo đã bi uẩn phát ra lời than: Đời mạt
pháp…. Lòng tôi cảm thấy tái tê, Ngộ ra lý lẽ giác mê là gì. (Nguyên Thần), người phiên âm sách nầy chỉ ước mong có được vài mươi độc
giả nhân xem sách mà ngộ được thiện tâm, dứt trừ bớt ham mê dục vọng.
Mong lắm thay!
Nguyễn Văn Sâm
samnguyen20002002@yahoo.com(Victorville, CA, USA)
_______________
GHI CHÚ:
[1] Trừ bộ thơ Nôm Kim Cổ Kỳ Quan dài hơi, nhiều quyển, mang sắc thái đặc biệt của ngôn ngữ cùng hoạt cảnh Nam Bộ, có tính cách tôn
giáo đặc biệt của vùng đất còn mới là Phật Giáo Tứ Ân. Đây là một bộ sách cần được nghiên cứu thâm sâu từ trước đến nay chưa được để
ý đúng mức dầu có vài bản phiên âm ra đời cách nay 6,7 chục năm.
[2] Mất trang, chúng tôi tạm thế. (NVS)
[3] Như là bản khắc gỗ đã bị đục mất hai câu tiên đề ở đây.