Vào ngày 16/07 năm nay đã là 18 năm tưởng nhớ ngày mất của nhạc sĩ Hoàng Trọng (16/7/1998). Ông sinh năm 1922, tức là chỉ thua nhạc sĩ Phạm Duy một tuổi. Ông để lại cho đời một gia tài với khoảng 200 ca khúc. Ca khúc đầu tiên của ông- Đêm Trăng- được sáng tác mãi từ năm 1938. Một sự nghiệp sáng tác dài, với số lượng sáng tác nhiều như vậy, nhưng cái tên Hoàng Trọng ít được giới yêu nhạc nhắc đến hơn, khi so với các tên tuổi lớn khác trong làng âm nhạc Việt Nam như Phạm Duy, Anh Bằng, Phạm Đình Chương, Trịnh Công Sơn… Trong cuộc đời, hình như ông cũng là một người khá lặng lẽ. Thực ra, nhạc của Hoàng Trọng rất đa dạng, được nhiều giới khán giả khác nhau yêu thích và hát, nhưng họ chỉ không để ý đến tác giả đó thôi. Bài hát nổi tiếng nhất của Hoàng Trọng có lẽ là bài Dừng Bước Giang Hồ. Trong vũ trường, Dừng Bước Giang Hồ hay được khởi đầu với điệu Paso sôi động. Trong giới trẻ, Dừng Bước Giang Hồ là một ca khúc nói lên giấc mộng phiêu bạt hải hồ. Dừng Bước Giang Hồ còn hay được trình diễn dưới dạng nhạc hòa tấu, có lẽ vì giai điệu đẹp và lôi cuốn của nó: “Chiều nay sương gió, lữ khách dừng bên quán xưa Mơ màng nghe tiếng chuông chiều, vương về bên quán tiêu điều Vầng trăng hoen úa, như lá vàng rơi cuối Thu Lững lờ soi mấy hàng cây u sầu đang ngắm trời mây…” Khởi đầu ca khúc ở cung Sol thứ, tâm trạng của người lữ khách giống như trong bài thơ “Chiều Hôm Nhớ Nhà” của nữ sĩ Bà Huyện Thanh Quang, trong một buổi chiều tà nhớ về quê cũ. Để rồi khi vào đoạn cuối, giai điệu như bừng sáng khi chuyển sang Sol trưởng, là niềm hân hoan của người lữ khác trở về cố hương, quyết định dừng bước với người xưa, chốn cũ: “…Tới đây nơi xưa, gió êm êm đưa áng mây trôi tới xa xôi khuất nơi sau đồi Quán tranh xiêu xiêu, chốn đây cô liêu, nhắc cho ta biết bao nhiêu dáng xưa yêu kiều Tiếng ca xa xa lắng trong bao la, với tiếng ru khẽ rung lên trong chiều gió Đã bao năm qua, sống nơi phương xa, về phương cũ đành dừng bước chân giang hồ…” Nghe Dừng Bước Giang Hồ, khán giả có cảm giác như có tiếng vó ngựa, tưởng tượng một lữ khách đang rong duổi trên gió bụi đường xa. Thật là tượng thanh, tượng hình vô cùng! Nhạc sĩ Hoàng Trọng được giới nghệ sĩ Miền Nam đặt cho danh hiệu là “Ông Vua Tango”. Thật là một vinh hạnh hiếm hoi, khi trong giới văn nghệ mà lại được công nhận như một vị vua không ngai như vậy. Lý do khá dễ hiểu: Hoàng Trọng là người có nhiều ca khúc viết ở điệu Tango nhất. Bài nào cũng đặc sắc, mỗi bài một vẻ: Lạnh Lùng, Đường Về, Mộng Lành, Tiễn Bước Sang Ngang… Một bản Tango tiêu biểu của Hoàng Trọng có thể chọn ra đó là bài Hai Phương Trời Cách Biệt. Trong tiết điệu Tango du dương, giai điệu của Hai Phương Trời Cách Biệt trầm bổng mà tha thiết, lời ca lãng mạng tình tứ: “Ánh nắng chiều thoáng phai rồi Hoàng hôn khơi thương nhớ tới xa xôi. Nhớ mãi nhớ muôn đời Một chiều em khóc trong hồn tôi. Góp hết lại những câu thề Trả lại cho nhau lúc chia ly. Cố nuốt bao nhiêu lệ Nhìn theo duyên kiếp đi không về . Rồi hẹn đừng ước mơ Mà tê tái cho người mong chờ Một chiều nào cuối thu Chợt xao xuyến thương tình xưa. Dĩ vãng giờ đã xa rồi Tình yêu qua như giấc mơ thôi. Nhắn gió trao đôi lời Vì đâu hai đứa hai phương trời” Một bản tình ca Tango ngắn nhưng trọn vẹn, đặc sắc, rất đặc trưng cho dòng nhạc Hoàng Trọng. Xin mời nghe Hai Phương Trời Cách Biệt qua tiếng hát của Thanh Lan VIDEO Nhạc sĩ Hoàng Trọng còn thành công trong cả thể nhạc phim. Ông đã từng viết nhạc cho nhiều bộ phim nổi tiếng: Xin Nhận Nơi Này Làm Quê Hương, Bão Tình, Sau Giờ Giới Nghiêm… Nhạc phim Triệu Phú Bất Đắc Dĩ đã giúp Hoàng Trọng nhận giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật VNCH vào năm 1972-1973. Nhưng bản nhạc Người Tình Không Chân Dung, viết cho bộ phim cùng tên mới là bản nhạc phim được nhiều người biết đến nhất. Bộ phim với một câu chuyện hết sức đặc biệt, một cái nhìn độc đáo về người lính VNCH, về cảm tình của những người ở hậu phương dành cho người lính. Khán giả không thể quên được nét đẹp khả ái của nữ tài tử Kiều Chinh trong bộ phim. Khán giả không thể quên được hình ảnh chiếc nón sắt của người lính Cộng Hòa nằm bên bờ lau sậy, mà chủ nhân của nó không biết đang ở đâu trong cuộc chiến. Trong một hình ảnh xúc động như vậy, tiếng hát của Lệ Thu cất lên những câu hát của Người Tình Không Chân Dung: “Hỡi người chiến sĩ đã để lại cái nón sắt trên bờ lau sậy này Bây giờ anh ở đâu, bây giờ anh ở đâu? Còn trên đời này đang xông pha đèo cao dốc thẳm hay đã về bên kia, phương trời miên viễn chiêm bao. Trên đầu anh cái nón sắt ngày nào ấp ủ mộng mơ của anh mộng mơ của một con người. …Trong cái nón sắt của anh mặt trời vẫn còn đó ban ngày và ban đêm mặt trăng hoặc muôn muôn triệu triệu vì sao vẫn còn đó…” Giai điệu chậm, trầm buồn như kể chuyện. Câu chuyện của những người lính trẻ, đã để lại thân xác của mình trên quê hương Việt Nam một cách thầm lặng. Câu kết của bài không trở về chủ âm, mà thảng thốt vang lên ở bậc năm “Anh là ai? Anh là ai? Anh là… ai…?”, như hồi kết không có hậu của cuộc chiến tranh Việt Nam, cho những người lính Cộng Hòa. Nhạc của Hoàng Trọng đa dạng như vậy đó. Ông Vua Tango của nền tân nhạc Việt Nam không chỉ bất tử với tiết điệu Tango. Giới yêu nhạc Việt sẽ còn nhớ mãi đến Hoàng Trọng với nhiều giai điệu khác trong Dừng Bước Giang Hồ, Người Tình Không Chân Dung, Nghìn Thu Áo Tím…, trong một thế giới âm nhạc giàu có của nền văn học nghệ thuật Miền Nam trước 1975. SBTN