\Đã từ hơn 40 năm qua, ngày 30/04/1975 đã trở thành ngày quốc hận của tất cả những người Việt Nam đã phải bỏ nước ra đi để trốn chạy thảm họa cộng sản. Riêng đối với người dân Miền Nam vào thời trước 1975, thì ngày quốc hận là ngày 20/07/1954. Đó là ngày Hiệp Định Geneve được ký kết, chia đôi đất nước từ vĩ tuyến 17. Đó cũng nguyên nhân dẫn đến cuộc di cư của hàng trăm ngàn người, phải rời bỏ quê hương miền Bắc, tìm vào miền Nam tự do, cũng để trốn chạy thảm họa cộng sản. Hai ngày quốc hận, nhưng cùng một thảm họa!
Thương nhớ miền Bắc dấu yêu, cũng như nỗi lo lắng cho người thân, đồng bào phải ở lại với chế độ ngục tù cộng sản, nhiều nhạc sĩ đã viết nên những ca khúc bất hủ, để đánh dấu một giai đoạn bi hùng này của lịch sử Việt Nam.
Hai nhạc sĩ lớn của nền tân nhạc Việt Nam là Anh Bằng và Lam Phương đã viết hai ca khúc nổi tiếng liên quan đến nỗi buồn đất nước bị phân chia, đó là Nỗi Lòng Người Đi và Chuyến Đò Vĩ Tuyến. Nếu như Nỗi Lòng Người Đi làm tâm sự của một chàng thanh niên đất Bắc, xa Hà Nội, xa người yêu với một tấm lòng thương nhớ:
Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu
Bao nhiêu mộng đẹp yêu đương thành khói tan theo mây chiều
Hà Nội ơi! Nào biết ra sao bây giờ
Ai đứng trông ai ven hồ khua nước trong như ngày xưa…
Thì Chuyến Đò Vĩ Tuyến là tâm sự của người con gái, đưa người yêu mình vượt sông Bến Hải vào miền Nam thanh bình; còn mình ở lại đất Bắc, mong chờ ngày hội ngộ với người yêu:
Đêm nay trăng sáng quá anh ơi
Sao ta lìa cách bởi dòng sông bạc hai màu
Lênh đênh trên sóng nước mông mênh
Bao đêm lạnh lẽo em chờ mong gặp bóng chàng
Vượt rừng vượt núi đến đầu làng
Đò em trong đêm thâu sẽ đưa chàng sang vĩ tuyến
Phương Nam ta sống trong thanh bình
Tình ngát hương nồng thắm bên lúa vàng ngào ngạt dâng…
Trung Tâm Asia trong chương trình ca nhạc đặc biệt giới thiệu hai nhạc sĩ Anh Bằng-Lam Phương, đã cho trình diễn hai ca khúc này thành một liên khúc, một sự kết nối tuyệt vời để diễn tả một khúc quanh định mệnh của dân tộc Việt Nam.
Nhạc sĩ Vũ Thành cũng vào Miền Nam với một tâm trạng nhớ nhung, và luôn luôn khát khao đến ngày trở về quê hương Hà Nội. Ca khúc Giấc Mơ Hồi Hương của ông đã trở thành giấc mơ chung của biết bao nhiêu thanh niên Bắc Việt cùng thời. Nhớ thưở xưa ở Sài Gòn, một bức ảnh thường thấy tại nhà của những gia đình là người Hà Nội di cư, là cảnh chụp Hồ Gươm và Tháp Rùa, với giòng chữ ghi bên dưới: “Hà Nội ơi nhớ nhé, Ngày hồi hương ta vẫn mong chờ”. Những lời ca của Giấc Mơ Hồi Hương như nói lên thay cho nỗi niềm này:
Lìa xa thành đô yêu dấu, một sớm khi heo may về
Lòng khách tha hương vương sầu thương
Nhìn "em" mờ trong mây khói, bước đi nhưng chưa nỡ rời
Lệ sầu tràn mi, đượm men cay đắng biệt ly
Rồi đây dù lạc ngàn nơi
Ta hướng về chốn xa vời
Tìm mộng xưa lãng quên tháng ngày tàn phai
Nghẹn ngào thương nhớ "em" ... Hà Nội ơi…
Hà Nội được gọi là “em”, như một người yêu muôn thuở của những chàng trai Hà Nội. Giai điệu man mác, chậm buồn nhung nhớ, nhưng không hề ủy mị, ướt át. Câu kết vút cao, ngân dài, như một lời hứa của người ra đi sẽ có một ngày về:
… Tìm niềm vui sống trong giấc mơ hồi hương
Trở về giải phóng em… Hà Nội ơi…
Mời nghe Giấc Mơ Hồi Hương trên Youtube qua giọng hát Thái Thanh:
VIDEO Cũng có nhạc sĩ hưởng bầu không khí tự do phơi phới của Sài Gòn mà thương nhớ về Hà Nội. Ca khúc Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội của nhạc sĩ Phạm Đình Chương (phổ thơ Hoàng Anh Tuấn) là một tuyệt tác của thể loại tức cảnh sinh tình như vậy. Những cơn mưa Sài Gòn ban đầu gợi nhớ lại nét thơ mộng của Hà Nội ngày nào:
“Mưa hoàng hôn, trên thành phố buồn gió heo may vào hồn
Thoảng hương tóc em ngày qua
Ôi người em Hồ Gươm về nương chiều tà
Liễu sầu úa thềm cũ nằm mơ hiền hòa
Thương màu áo ngà
Thương mắt kiêu sa
Hiền ngoan thiết tha…”
Nhưng rồi sau đó, tác giả cũng hình tượng ra một Hà Nội đã biến đổi theo thời cuộc:
“…Mưa mùa thu
Năm cửa ô sầu hắt hiu trong ngục tù
Tủi thân nhớ bao ngày qua
Mưa ngùi thương nhòa trên giòng sông Hồng Hà
Ôi còn đâu vàng son mùa thơ hiền hòa
Ðau lòng Tháp Rùa , Thê Húc bơ vơ
Thành Ðô xác xơ!”
Sau ngày 20/07/1954, cả Nam Phương, Anh Bằng, Vũ Thành, Phạm Đình Chương đều mơ một ngày về thăm lại một Miền Bắc tươi sáng. Vậy mà… Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua…Những người nghệ sĩ này đã bị lỗi hẹn thêm một lần nữa vào ngày 30/04/1975… Có những giấc mơ hồi hương trong vinh quang quá xa vời, khiến cho Phạm Đình Chương, Anh Bằng, Phạm Đình Chương không có dịp thực hiện được trước khi nhắm mắt…
SBTN