Tháng 6 vừa qua ở Âu châu không chỉ Anh Quốc mới có cuộc trưng cầu dân ý mà tại Thụy Sĩ cũng cho tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý
khác khoảng ba tuần trước đó. Mặc dù cuộc trưng cầu dân ý ở Thụy Sĩ không gây ồn ào, náo nhiệt lẫn hoang mang, sửng sốt như ở Anh
nhưng nó cũng là một đề tài thú vị cho nhiều người bàn tán.
Vào năm 2013 tại Thụy Sĩ có một vài nhóm đã tổ chức được một số cuộc thảo luận về đề nghị là trong tương lai, chính phủ nước này có nên
bảo đảm cho mỗi người dân một lợi tức căn bản là khoảng $2,500 một tháng, không kể người đó là giàu hay nghèo, đang còn đi làm hay thất
nghiệp, và số tiền lợi tức này không phải đóng thuế. Chính sách về lợi tức căn bản này sẽ thay thế cho hầu hết các chương trình phúc lợi xã
hội hiện đang có ở Thụy Sĩ. Sau những cuộc thảo luận trên, người ta đưa ra bản kiến nghị và đã thu được trên 100,000 chữ ký, nhờ vậy mới
đưa tới cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 6 tháng 6.
Đây là ý tưởng lúc đầu nhiều người cho là điên rồ, không thực tế. Ngay như chính phủ Thụy Sĩ cũng chống đối đề nghị trên, cho rằng làm vậy
thì bắt buộc chính phủ phải tăng thuế, đồng thời phải cắt giảm chi tiêu ở những chương trình khác và như vậy sẽ gây thiệt hại không ít cho
nền kinh tế quốc gia. Một số vị dân cử còn lo ngại là khi người dân biết chắc là họ sẽ có một số tiền lợi tức căn bản tự động rơi vào túi mỗi
tháng như thế thì nhiều người sẽ không thèm đi làm nữa – nghĩa là sẽ có ít người đóng thuế hơn.
Mặc dù kết quả là có tới 77% cử tri Thụy Sĩ đã bỏ phiếu bác bỏ, tuy nhiên đây là đề tài sẽ còn được người ta đưa ra thảo luận trong những
năm tới trong khi tình hình kinh tế thế giới nói chung đang có nhiều thay đổi, nhất là trong lãnh vực công ăn việc làm trong tương lai sẽ ngày
càng khan hiếm.
Sắp tới đây chính phủ Phần Lan đang tính cho bỏ hết những chương trình phúc lợi giúp người nghèo và thay vào đó là trả cho mỗi người
$10,000 một năm. Chương trình thử nghiệm sẽ được đưa ra thực hiện vào đầu năm tới với khoảng 10,000 người Phần Lan tham gia sẽ nhận
khoảng 550 euros một tháng trong hai năm. Sau hai năm, nếu chương trình thành công, chính sách lợi tức căn bản này sẽ được áp dụng cho
cả nước.
Phần Lan là một nước nhỏ, dân tương đối ít vì vậy để thử nghiệm một chính sách hay một chương trình xã hội mới cũng không đến nỗi khó,
mà nếu như không thành công thì người ta quay trở lại chương trình cũ cũng không sao. Tuy nhiên, cũng có người nói rằng một chương trình
tài trợ cho người dân một lợi tức căn bản như trên cũng có thể áp dụng cho một nước lớn và đông dân như nước Mỹ và cũng có thể thành
công.
Theo nhà nghiên cứu Charles Murray của viện nghiên cứu American Enterprise Institute, ý tưởng về một lợi tức căn bản bảo đảm cho mỗi
người dân đã được kinh tế gia nổi tiếng Milton Friedman đưa ra từ sau Thế chiến II. Người ta đã cho thử nghiệm một chương trình dựa theo
ý tưởng của Friedman vào thập niên 1970 nhưng có thay đổi một số chi tiết, với kết quả mang lại khá thất vọng. Nhưng hiện nay với chi phí
cho các chương trình trợ cấp xã hội ở Mỹ tiếp tục tăng cao trong khi tỉ lệ những người nghèo không thay đổi, vẫn ở mức trên 10% dân số, thì
ý tưởng về một chương trình bảo đảm một lợi tức căn bản chung cho người dân lại có sức hấp dẫn trở lại. Những người ủng hộ đề nghị này
cho rằng nếu muốn xóa bỏ vấn nạn người nghèo ở Mỹ thì chỉ việc mang tiền đến cho những người nghèo này là giải quyết xong.
Mà chương trình này rất có thể được cả hai phe bảo thủ và cấp tiến ủng hộ – một điều rất hiếm khi xảy ra ở chính trường Mỹ. Phe cánh tả
thì thấy rằng đây là cách để có thể dần đưa đến công bằng xã hội. Trong khi phe cánh hữu thì thấy rằng đây là cách ít gây thiệt hại nhất cho
chính phủ trong việc thực hiện chính sách san sẻ tài sản từ người này sang cho người khác. Nhưng cho dù là thế nào thì lúc này có lẽ là lúc
thuận tiện nhất để thực hiện ý tưởng về một chương trình xã hội chu cấp lợi tức căn bản chung cho mỗi người dân. Tuy nhiên, để muốn được
thành công thì phải thực hiện cho đúng cách.
Cũng theo Charles Murray, trước hết, chương trình chu cấp lợi tức căn bản phải thay thế tất cả các chương trình trợ cấp xã hội và luôn cả hệ
thống hành chánh hiện đang điều hành những chương trình xã hội này.
Thứ đến, chính sách mới này phải được thiết kế dựa trên một số điểm chính – đó là mỗi người Mỹ tuổi từ 21 trở lên sẽ nhận được khoản tiền
$13,000 một năm, được ký thác trực tiếp thẳng vào trương mục ngân hàng theo từng mỗi tháng. Ba ngàn Mỹ kim trong số đó phải được sử
dụng cho phần bảo hiểm sức khoẻ, phần còn lại cho mỗi người lớn là $10,000, là món lợi tức cố định mỗi năm cho suốt cuộc đời của họ.
Trong khi người ta vẫn có thể đi làm và có quyền nhận số lương không quá $30,0000 một năm mà không mất một xu nào trong khoản tiền trợ
cấp kia. Sau $30,000, số tiền trợ cấp sẽ giảm từ từ, nhưng không xuống dưới $6,500. Lý do người dân vẫn tiếp tục nhận được tiền trợ cấp
lợi tức căn bản trong khi đang thu vào phần lợi tức khác nhờ đi làm là vì những người này sẽ bị mất những phúc lợi của chương trình An sinh
Xã hội và trợ cấp y tế và họ cần phải được đền bù.
Ngân sách cho chương trình lợi tức căn bản sẽ lấy từ những chương trình xã hội khác đem qua – nghĩa là những chương trình xã hội hiện
thời sẽ phải dẹp bỏ hết: từ chương trình an sinh xã hội, trợ cấp y tế, phiếu thực phẩm đến trợ cấp nhà ở và tất cả mọi chương trình trợ cấp
xã hội khác, kể luôn cả trợ cấp cho nông dân và một số công ty trong lãnh vực năng lượng sạch và tái chế. Làm vậy sẽ tiết kiệm cho ngân
sách quốc gia khoảng $200 tỉ một năm. Đến năm 2020, số tiền tiết kiệm được sẽ là gần $1 tỉ.
Sau hết, điều mà một số người lo ngại là sẽ có nhiều người không chịu đi làm một khi nhận được món lợi tức căn bản này. Điều này chắc sẽ
xảy ra và không thể tránh khỏi, nhưng nó đang là vấn nạn hiện nay. Theo số liệu của năm 2015, có khoảng 18% đàn ông độc thân và 23%
phụ nữ độc thân ở độ tuổi từ 25 đến 54 – tức những người đang ở tuổi đi làm – không nằm trong lực lượng lao động. Hầu hết trong số này
hiện đang sống nhờ vào tiền trợ cấp từ những chương trình xã hội của chính phủ. Câu hỏi ở đây không còn là chương trình lợi tức căn bản
trên có sẽ biến người ta thành lười biếng không chịu đi làm nữa hay không, mà là chương trình này có làm cho vấn đề trên trở nên tệ hại hơn
không. Trừ phi là người trây lười lắm thì chịu, mà loại người này thì dù có thay đổi chương trình xã hội hay không thì họ cũng không chịu đi
làm.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Charles Murray thì không. Bởi vì khi người ta vẫn có quyền đi làm và nhận vào mức lương tối đa $30,000 mà
số tiền lợi tức căn bản không hề bị cắt bớt thì điều này còn khuyến khích người ta chịu khó đi làm để có được một đời sống tốt đẹp hơn.
Trong nhiều năm qua đã từng có một số người lo sợ là kỹ thuật tân tiến sẽ lấy mất đi nhiều công ăn việc làm, thế nhưng điều này vẫn chưa
xảy ra. Tuy nhiên lần này có thể khác và hiện có nhiều dấu hiệu cho thấy điều người ta lo sợ đang xảy ra.
Lấy một ví dụ, từ khi những loại xe máy dần thay thế những loại xe do bò ngựa kéo thì nó có lấy đi một số công việc của những người đánh
xe, nhưng bù vào đấy nó lại tạo ra những công việc mới như thợ máy, thợ bảo trì xe. Nhưng sắp tới đây với kỹ thuật xe tự động không cần
đến người lái nữa sẽ lấy mất đi rất nhiều công việc của các tài xế taxi và tài xế xe vận tải (con số hiện tại là khoảng 4 triệu) mà chưa thấy nó
hứa hẹn sẽ tạo ra những công việc mới để bù vào những công việc bị mất. Rồi đến kỹ thuật in 3 chiều (3-D printing) càng ngày càng cải tiến
sẽ là nguy cơ lớn đối với 14 triệu người đang làm những công việc trong lãnh vực sản xuất và xây dựng. Đó là chưa kể đến một số công việc
của nhân viên văn phòng rồi đây có thể sẽ bị kỹ thuật “trí thông minh nhân tạo” (artificial intelligent) – tức những nhu liệu điện toán giúp cho
máy móc đủ thông minh để tự học và biết làm một số công việc văn phòng – lấy mất đi.
Nghĩa là trong tương lai sẽ không cần nhiều người làm việc nữa, công ăn việc làm sẽ khan hiếm hơn và số người không tìm được việc làm sẽ
tăng. Những người kém may mắn này sẽ rất cần đến một nguồn lợi tức để sống còn mà những nguồn tài trợ từ những chương trình xã hội
hiện nay ở Mỹ không đủ cho họ. Thế nên, đề nghị về một chương trình lợi tức căn bản cho người dân là điều thiết thực chứ không phải điều
không tưởng như người ta nghĩ và sẽ giúp nhiều người tránh rơi vào cảnh bị đói.
Trước đây người cộng sản thường mị dân và đưa ra viễn ảnh một xã hội được mô tả như thiên đường, làm theo khả năng hưởng theo nhu
cầu, làm nhiều người nghe bùi tai tin theo. Nhưng nay ai cũng biết đó chỉ là những lời dối trá lừa bịp vì chả có một chế độ cộng sản nào từ
trước đến nay mang lại no ấm cho người dân cả. Chỉ thấy toàn là đói kém và tù đầy.
Nay, lại có người đưa ra đề nghị về một chương trình lợi tức căn bản cho người dân, hay nói cách khác là một chính sách hay chế độ “không
làm mà vẫn được hưởng”. Vả lại nó là đề nghị từ những người có uy tín chứ không phải là lời nói khoác, và như đã trình bày ở trên, có thể
thực hiện được. Hiện vẫn còn nhiều người chưa dám tin là vì nó có phần “táo bạo” quá. Nhưng chúng ta không cần phải chờ lâu, chỉ một hai
năm nữa nếu người dân Phần Lan thực hiện thành công thì ta có thể tin là nó sẽ được đem áp dụng ở nhiều nơi, rất có thể trong đó có nơi
chúng ta đang sống.
Sống trong một thế giới mà người dân không còn phải quá lo lắng kiếm sống nữa thì cuộc sống đó phải gọi tên là gì nếu không là “thiên
đường”.
Huy Lâm