Cổ nhân Việt Nam quan niệm hạnh phúc đơn giản lắm, nhưng rất thực tế: Sống thì mỗi người một nhà; chết, mỗi người một mồ - chứ không như ngày nay, chỉ vì vật giá đắt đỏ, người ta khi “an nghỉ ngàn thu” mà vẫn không được... yên: Một mả, hai xác; ai “đi” trước, nằm dưới, kẻ “đi” sau, nằm trên. Thường là một cặp vợ chồng. Tuy “mồ yên, mả đẹp” bề ngoài đấy, nhưng “nội thất” thì... chưa chắc nếu ta tin là hai kẻ này chưa kịp siêu thoát, phải “tạm cư” một thời gian dài ở đấy. Lại cãi cọ, lại “đấu khẩu” và lại “võ miệng” như... thuở sinh thời.
Định nghĩa nôm na “mai táng” là chôn người chết, nhưng để rõ rệt và cụ thể thì phải nói là “địa táng.”
“Mai táng chàng rồi ly biệt ngàn năm” (Ca dao).
Nói vậy là theo cách của tổ tiên ta từ thuở xa xưa, bởi lẽ hễ “chôn” là mặc nhiên phải đào lỗ dưới đất rồi bỏ “đối tượng” xuống, đoạn lấp đất lên.
Những kiểu mai táng thông dụng xưa nayThế nhưng “mai táng” đâu chỉ có một kiểu, một cách, thành thử nói “chôn” e chẳng “chuẩn” chút nào. Chẳng hạn đối với các thủy thủ nhiều khi phải trải qua các chuyến hải trình kéo dài lâu ngày, hẳn có thể một người trong số họ bỗng... lăn đùng ra tắt thở. Không lý những người còn sống cứ “bó chiếu” xác chết ấy, cất đi cho tới khi tầu cập bến rồi mới chôn cất? Với kẻ đã chọn đại dương làm nhà thì “nước” chính là “đất” vậy. Sống thì lênh đênh trên biển cả, chết thì... làm mồi cho cá. Nói cách khác, xác người chết “được” tuôn xuống biển sau một nghi thức riêng của giới đi biển. “Chôn” kiểu này gọi là thủy táng.
Vả lại, đó cũng còn là một vinh dự cho kiếp giang hồ. Ngày nay thủy táng không còn là của riêng của giới thủy thủ nữa nhưng đã trở thành “muôn sự của chung”, tuy nhiên người ta không để nguyên vẹn xác chết mà thủy táng, nhưng tử thi sau khi được thiêu thành tro - kiểu này gọi lả “hỏa táng” - thân nhân mới đem tro cốt ra khơi mà rắc xuống biển hoặc quẳng luôn cả cái bình xuống nước cho “tiện và lợi” lại tiết kiệm được “thời giờ là vàng bạc”.
Được biết, kiểu phối hợp giữa “hỏa” và “thủy” táng này hiện đã tương đối thịnh hành khả dĩ nhiều tang gia hoan hỉ chọn lựa, phần đỡ... tốn phí so với kiểu “địa táng”. Hơn nữa, giá đất nghĩa địa ngày một “thừa thắng xông lên”, chẳng khác gì giá địa ốc.
Hiện nay ở Mỹ, phong trào đặt cọc trước đất nghĩa địa bằng cách trả góp, đang được hưởng ứng cho dù bản thân vẫn đang “sống nhăn răng”. Một câu quảng cáo về hậu sự tuy nghe hơi... chói tai nhưng lại quá ư thực tế: “Làm con muốn giữ trọn đạo hiếu là phải biết mua trước đất chôn cha mẹ!” - khác chi câu mời mọc trên các hệ thống truyền thông: “Muốn trả hiếu không gì bằng mua hàm răng giả cho các đấng sinh thành!”
Trên đây chỉ mới đề cập tới việc “táng” thôi đó, còn chưa (dám) nói tới bao nghi thức rườm rà khác, nào phát tang, nào nhập quan, di quan, nào “mời cha làm lễ”, thỉnh “sư tụng kinh”, đón tiếp các đoàn thể tới cầu nguyện, bạn hữu, người quen đến thăm viếng, rồi lại động quan trước khi hạ huyệt. Nghe nói giá “hỏa táng” chỉ bằng một phần ba “địa táng”, còn “thủy táng” nếu chỉ một mình, mình biết; một mình mình hay thì... chẳng đáng bao nhiêu; còn nếu muốn rềnh rang tàu bè, vòng hoa cúng kiếng, quá “nặng phần trình diễn” thì tốn kém cũng có động cơ leo thang, ráng mà “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Người Việt mình thường viện lý “nghĩa tử, nghĩa tận” hoặc “tro bụi lại trở về bụi tro” để hóa giải tất cả.
Sau nữa, trong xã hội hiện đại vẫn diễn ra các cách “mai táng” thông dụng như vừa kể trên, nhưng ở nơi này, chốn kia còn có nhiểu kiểu khác nữa, tuy nhiên những con người văn minh lại không thể bắt chước; điển hình như trong một số bộ lạc nọ thuộc châu Phi và tại một địa phương hẻo lánh ở Trung quốc. Mỗi khi có kẻ chết, người sống bèn đem tử thi đương sự hoặc vắt ngang trên các cành cây hay đặt tênh hênh ở một bãi đất trống... cốt làm mồi cho chim. Lối mai táng này gọi là “điểu táng”.
Đôi ba kiểu mai táng... khó gọi tênNgoài ra còn có một vài kiểu “mai táng” nữa mà bản thân của người viết không biết phải gọi là gì. Dân tộc Ý và Do Thái chẳng hạn, có tục lệ “chôn” người chết vào các lỗ trên bức tường y chang những hộc đựng dược thảo trong tủ thuốc của lang y.
Gần đây ở tỉnh Hà Tĩnh, Việt Nam, một người con đã nhân danh đạo hiếu để xây mộ “đựng” xác bố mình trên... nóc nhà thay vì chôn xuống đất theo phong tục truyền thống. Không thấy báo chí đăng tin chính quyền địa phương phản ứng ra sao, nhưng trong chế độ cộng sản Việt Nam, “có tiền, việc ấy là xong”, cũng như “rành rành năm tỏ rõ mười” vụ Formosa-Tầu sau khi đã cố tình giết hại hàng triệu triệu thủy sản của Việt Nam... nhưng nhờ biết xuất trình đô la, bèn được các lãnh tụ Việt Cộng, những phần tử vốn có thói quen lâu lâu lại vỗ ngực tự nhận là “những đỉnh cao trí tuệ”, khen là “đã biết chậy lại” nên không “ai nỡ đánh”.
Tới đây mạn phép độc giả cho người viết mở một dấu ngoặc nhé: Đặt trường hợp nay mai ở nước ta, kiểu mai táng người chết trên mái nhà - từ “nhà ngói cây mít” đến “nhà tranh vách đất” - mà có cơ bành trướng, từ tỉnh thành về đến các vùng xa vùng sâu... thử hỏi, cảnh tượng vô tiền khoáng hậu ấy chắc hẳn sẽ hết sức “hoành tráng”, gây “ấn tượng” vĩ đại cho du khách nước ngoài. Kiểu “chôn” người chết độc đáo này chắc sẽ mang tên theo đúng chủ nghĩa là “thượng tầng kiến trúc... táng”
Một kiểu mai táng vô cùng... mới!Xin thưa ngay rằng kiểu mai táng hết sức độc đáo, vô cùng tân kỳ này chỉ mới được “bật mí” vào ngày 22 tháng 6, 2016 vừa qua tuy đã được thực hành trong từ gần hai năm qua, tại một nơi không xa lạ, trái lại rất gần gũi, rất nổi danh khả dĩ trong quí độc giả, chắc chắn đã có vị đã từng đặt chân đến không chỉ một mà rất có thể nhiều lần: Ontario của đất nước Canada - tiếng Việt mình phiên âm (tuyệt nhiên không mang ý nghĩa gì cả) là Gia Nã Đại (nghe y như thể “nã... đại bác” không bằng!).
Xin quí bạn đọc thân mến bĩnh tĩnh trước khi đọc/nghe tiếp: Tuôn xác người chết xuống cống rãnh!
Vâng, đúng vậy! Theo CBC Radio, một công ty mai táng ở tỉnh Ontario, nơi có thủ phủ Toronto quyến rũ, nơi cư ngụ của hơn 13 triệu người, tức 38 phần trăm dân số Canada, đã tự “tìm một con đường, tìm một lối đi” mới. Theo đó, thay vì đặt người quá cố vào một quan tài rồi chôn xuống đất hoặc hỏa thiêu thì cơ quan này đã trút “nguyên con” tử thi xuống cống hoặc hòa tan tro cốt vào rãnh nước.
-Trạng thái thiên nhiên: Công ty mai táng này mang tên AquaGreen Dispositions. Chủ nhân, Dale Hilton đã “thành khẩn khai báo” rằng sở dĩ ông ta đã có “sáng kiến” như vậy là nhờ nguồn cảm hứng từ “Green Wave” (Làn Sóng Xanh) với quan tài và bình (đựng di cốt) về sinh học dễ phân hủy. Lời phân giải của Hilton: “Vật này sẽ chuyển tải thân xác trở về với tình trạng thiên nhiên của nó. Vả lại có khác chi việc được chôn xuống đất, tuy nhiên thay vì sự phân hủy kéo dài cả 15 - 20 năm thì tiến trình mới này nhanh hơn rất nhiều”. Đương sự nhấn mạnh rằng “tiến trình này thích hợp với môi trường sinh thái”, rồi như muốn ưỡn ngực tuyên bố bổ túc: “100% xanh, trái hẳn với việc hỏa táng bằng lửa”.
Chắng chút giấu giếm, Dale Hilton hãnh diện khoe tính tới nay đã có khoảng trên 200 “khách hàng” kể từ ngày ông ta khởi sự xí nghiệp này.
-“Hỏa táng không lửa”: AquaGreen mệnh danh phương cách “mai táng” tân kỳ này là “hỏa táng không lửa”; theo đó nước chiếm chỗ của lửa trong tiến trình hóa học, mang tính kiềm (alkaline) hay căn bản thủy phân. Nước, chầt ba-dờ, nhiệt độ hòa hợp tác động để hòa tan thân xác y chang cách thức rữa nát tự nhiên, nhưng tiến nhanh hơn rất nhiều - vài tiếng đồng hồ là xong xuôi, ngon ơ.
Sau tiến trinh thủy phân, phần chất lỏng còn lại sẽ trải qua hai hệ thống lọc trước khi chấm dứt ở... cống rãnh. Hilton mỉm cười với phóng viên của CBC Radio: “Nhìn giống như màu cà-phê loãng”.
- Có thể dùng làm... phân bón: Mạn phép “thanh minh thanh nga” ngay kẻo “oan thị Kính” cho chủ nhân của AquaGreen, rằng kiểu “mai táng” tân kỳ này không chỉ áp dụng cho thân xác người mà cả súc vật nữa, bởi thế mới có vụ làm phân bón. Theo lời Dale Hilton, phương cách của đương sự trên nguyên tắc là một thứ xà bông và cũng là một vật liệu phân bón. Đương sự phát ngôn tiếp theo: “Khi liên quan đến súc vật, họ dùng thật sự vào đồng ruộng bởi vì nó tập trung cao độ chất phân bón.”
Hilton giải thích rằng, bộ xương còn nguyên sẽ được tiến trình tiếp theo biến thành bột khả dĩ những người thân có thể đem gieo rắc như nông phu vẫn giải phân vậy.
Thế nhưng, thật sự có hoàn toàn mới không?Như trên đã tường thuật trên đây, kiểu “cống rãnh... táng” đã được thực dụng ở Ontario, Canada cách nay gần hai năm, tuy tân kỳ thật nhưng hiện tượng này không hoàn toàn... mới. Theo tin ngày 22 tháng 6, 2016 của cơ quan truyền thông quốc gia Na Uy - NRK - phương pháp gọi là “hỏa táng không lửa” hay “hỏa táng thành nước” này đầu tiên là do công ty Resomation Tô Cách Lan (Scotland) đã khám phá ra và đã được thử nghiệm ở tiểu bang Florida, Hoa Kỳ, cách nay đã 5 năm rồi. Vẫn theo NRK, cách thức này hiện được sử dụng ở một số nơi tại Hoa Kỳ,
Ủa, vậy mà người viết chưa hay không hề được nghe bà con đồng hương mình nói tới, nhất là các văn phòng mai táng do người Việt làm chủ cũng chẳng thấy một lần quảng cáo. Đã đành dân tộc Việt rất trọng bất cứ thứ gì liên quan đến người quá vãng, bởi thế có được các vàng, những người tâm tính bình thường cũng chẳng dám “liều mạng xa trường” để thiên hạ mang di cốt của thân nhân quá cố... tuôn xuống cống rãnh. Thế nhưng ở đời không có gì tuyệt đối. Không rõ tốn phí cho một cuộc “mai táng” kiểu này là bao nhiêu, nếu tương đối “bèo”, dám có kẻ thử nghiệm lắm, không cho người thân nhưng cho chính bản thân với động lực tiết kiệm cho người sống được đồng nào hay đồng nấy, hoặc với lý luận “hết rồi thì còn biết gì nữa” hoặc “cách nào thì cuối cùng tro bụi cũng trở về bụi tro thôi.” Có sao đâu!
HOÀI MỸ