Không biết ở những nước phát triển khác như thế nào nhưng riêng ở nước Mỹ thì đa số người dân có thói quen lái xe đi chơi xa vào những
dịp nghỉ lễ hay nghỉ phép. Cứ mỗi lần được nghỉ dài ngày như thế, nhất là vào dịp hè, thể nào cũng có nhiều gia đình hay những nhóm bạn lại
nhộn nhịp trên khắp mọi con đường xuyên nước Mỹ.
Lái xe có cái thú là được tự do chứ không bị gò bó như những phương tiện khác như đi máy bay hay xe buýt. Đi xe tất nhiên là chậm hơn
máy bay nhưng chắc chắn là nhanh hơn xe buýt. Vả lại, đi xe cho người ta nhiều cơ hội để ngắm cảnh – với những ngọn núi hùng vĩ, những sa
mạc hoang vu, những cánh rừng xanh bát ngát, những địa danh nổi tiếng – là tất cả những gì làm nên giang sơn rộng lớn bao la của nước
Mỹ.
Nhưng để có được những chuyến đi hàng ngàn dặm bắt buộc phải có những phương tiện cần thiết. Ngoài chiếc xe thì người ta còn cần phải
có cả một hệ thống đường sá và xa lộ thật tốt thì mới tạo được cảm hứng để mỗi năm với hàng trăm triệu người Mỹ mới có đủ can đảm chịu
khó lái xe trên những dặm trường như thế chứ.
Chuyện gì cũng có sự khởi đầu của nó. Và với những chuyến đi xa trên những vòng bánh xe không mệt mỏi ngày nay cũng phải được bắt đầu
bằng những con người khai phá đi tiên phong làm những chuyến hành trình đầu tiên mở đường cho những thế hệ sau đó.
Năm 1903, bác sĩ Horatio Nelson Jackson, cùng với chú chó Bud và người thợ máy tên Sewall Crocker đã dùng chiếc xe hơi hiệu Winton lái
xuyên ngang nước Mỹ và trở thành hai người đầu tiên đi hết chiều ngang của nước Mỹ bằng xe. Nên nhớ rằng vào lúc đó cả nước Mỹ chỉ có
khoảng 150 dặm đường là được lót đá còn tất cả là đường đất, mưa thì lầy lội mà nắng thì bụi mịt mù. Một người bạn đã cá với bác sĩ
Jackson $50 là ông sẽ phải mất ít nhất ba tháng để lái từ San Francisco đến New York. Kết quả là chuyến đi kéo dài 60 ngày nhưng đầy gian
nan vất vả.
Chuyến đi của bác sĩ Jackson đã nhanh chóng gây cảm hứng cho nhiều người, trong đó có gia đình Murdocks, là gia đình đầu tiên đã lái xe
xuyên nước Mỹ. Năm 1908, ông chồng Jacob, vợ Anna và ba đứa con đã thành công hoàn tất cuộc hành trình từ Los Angeles tới New York
cùng với một người thợ máy quen trên một chiếc xe hơi và với khẩu súng trường Winchester trong trường hợp gặp thú dữ. Chuyến đi kéo dài
32 ngày, vượt qua 3,694 dặm và ngừng lại ở góc đường Broadway và 61st ngay trong trung tâm thành phố New York ngày nay.
Sau này, trên những trang sách được xuất bản, Jacob đã nhắc lại ước mơ của mình ngay sau khi hoàn thành cuộc hành trình: “Bây giờ, khi
nhìn lại từng mỗi dặm đường đầy khó khăn trong cuộc hành trình dài đó mà tôi đã phải luôn giữ chặt lấy tay lái không dám lơ là từ Los
Angeles tới New York, tôi tự hỏi còn bao lâu nữa trước khi người ta cho xây một con đường thật sự kéo dài từ bờ biển này qua đến bờ biển
bên kia để những chuyến đi được dễ dàng, và để những người lái xe khác có thể thưởng thức được cảnh đẹp của miền tây tuyệt vời này mà
không phải chịu đựng những nỗi khổ tâm vì chiếc xe bị hư và con đường bất ngờ đi vào ngõ cụt.”
Rồi một chuyến đi vào năm 1909 của một thiếu nữ 22 tuổi tên Alice Ramsey, dẫn đầu một nhóm bốn người toàn là phụ nữ cũng đi xuyên
ngang nước Mỹ bằng xe hơi với vận tốc có lúc lên đến 42 dặm một giờ. Nhưng đó là khi xe tốt thôi, còn những lúc xe bị hư thì đã phải nhờ
đến ngựa kéo.
Tình trạng đường sá tại Mỹ nhiều năm sau đó vẫn giữ nguyên tình trạng tồi tệ khi một chàng thanh niên sau này trở thành tổng thống thứ 34
của Hoa Kỳ là Dwight D. Eisenhower tham gia cùng với đoàn xe quân đội trong cuộc hành trình xuyên nước Mỹ năm 1919.
Khoảng đầu hè 1919, Eisenhower lúc đó là một thiếu tá trẻ mới 28 tuổi đang đóng quân tại trại Meade thuộc tiểu bang Maryland, nhưng vợ
và đứa con trai nhỏ của chàng thì lại sống ở Denver, cách nơi chàng đóng quân tới 1,500 dặm. Chán chường vì suốt ngày không có việc gì
làm ngoài đánh bài với các bạn đồng ngũ, còn không thì chàng lại đâm ra buồn bực vì bị giữ ở nhà chứ không được gửi đi tham chiến tại Âu
châu trong Thế chiến I. Đang cần một công việc hay nhiệm vụ gì đó để thoát ra khỏi tình trạng u ám buồn nản thì chàng gặp được ngay cơ
hội để tình nguyện tham gia vào chuyến hành trình xuyên nước Mỹ do quân đội bảo trợ. Tuy chuyến đi từ đông sang tây này có thể không
mang lại cho chàng sĩ quan trẻ tuổi sự hồi hộp như những lần ra trận, nhưng quả thật, như Eisenhower sau này mô tả lại, là một “chuyến viễn
du thật sự.”
Lúc đó nước Mỹ vừa bước vào thời đại xe máy. Xe thì có rồi nhưng đường tốt thì chưa, và đường xa lộ trải nhựa thì cả nước Mỹ mới chỉ có
vài đoạn quanh một vài thành phố lớn. Sáu mươi dặm một giờ lúc ấy vẫn là thứ vận tốc rợn người, và hầu hết mọi con đường chỉ đủ cho xe
chạy nhanh hơn một người chạy bộ bình thường.
Đoàn xe đi xuyên nước Mỹ này được tổ chức chỉ ít tháng sau khi Thế chiến I chấm dứt và được Bộ Chiến tranh xem như là một phần của
cuộc biểu dương chiến thắng sau thế chiến, một phần khác là để biểu dương sức mạnh cơ khí. Được sự hỗ trợ bởi các công ty chế tạo xe
hơi, công ty xăng dầu và công ty sản xuất vỏ xe, phía quân đội đã dùng cuộc hành trình của đoàn xe như là cách vừa để thử nghiệm khả năng
của Quân đoàn Vận chuyển Bộ binh ra sao vừa để xem tình trạng đường xá của Mỹ tồi tệ cỡ nào.
Vào sáng ngày 7 tháng 7 năm 1919, cuộc hành trình được bắt đầu từ thủ đô Washington và đi về hướng tây. Đoàn xe tổng cộng 81 chiếc
gồm xe cứu thương, xe tải hạng nặng, xe chở nhà bếp lưu động, xe hơi chở cánh nhà báo và đại diện của công ty chế tạo xe, xe chiếu đèn
pha, và thậm chỉ cả loại xe tải năm tấn chở dụng cụ bắc cầu. Khi đoàn xe mới đi được khoảng bốn tiếng thì đã gặp trục trặc, một chiếc xe
chở nhà bếp lưu động bị hư và sau đó phải dừng lại nghỉ qua đêm ở thị trấn Frederick, Maryland. Tại đây Eisenhower nhập bọn cùng với hơn
250 binh lính và hơn hai chục sĩ quan. Trong ngày đầu tiên khởi hành, đoàn xe di chuyển được 46 dặm trong bảy tiếng đồng hồ – tính ra chỉ
hơn sáu dặm một giờ.
Những ngày kế tiếp, đoàn xe lại gặp những bất trắc khác, một lần phải tìm đường khác để đi vì chiếc cầu bắc qua sông có mái che quá thấp
làm nhiều loại xe lớn không qua lọt. Rồi đoàn xe lại phải vừa đi vừa ngừng vì có xe bị hư hộp số, xe thì bị máy nóng, còn xe khác thì bị lún
trong bãi sình lầy. Có lần phải đi qua một đoạn đường đầy kinh hãi khi gặp cát lún, cả đoàn xe phải mất bảy tiếng đồng hồ mới đi qua được
đoạn cát lún 200 thước.
Nhưng được cái đoàn xe dài hai dặm này đi đến đâu cũng được tiếp đãi tưng bừng – có tiệc tùng, ca hát, nhảy múa, và còn được một số
chính trị gia địa phương đọc diễn văn tiếp đón.
Khổ sở nhất có lẽ là lúc vượt qua xa mạc ở Utah và đoàn bị thiếu nước trầm trọng đến nỗi mỗi người chỉ được chia một tách nước vào bữa
cơm tối và thêm một tách nữa qua đêm. Thậm chí vị chỉ huy đoàn xe còn phải cho lính canh chiếc xe tải chở nước để ngăn ngừa tình trạng ăn
cắp nước cho đến khi đoàn lại được tiếp tế thêm nước.
Một khi đoàn xe đến được tiểu bang California thì được đi trở lại trên đường tráng nhựa và vận tốc nhanh lên được 10 dặm một giờ. Sau khi
được phà đưa cập vào bến tàu của thành phố, đoàn xe được chào đón và diễn hành xuyên qua những con đường rợp bóng cờ của San
Francisco. Suốt cuộc hành trình, đoàn xe đã vượt được tổng cộng 3,242 dặm đường ngang qua 11 tiểu bang trong 62 ngày, tính ra trung
bình là 52 dặm một ngày.
Chuyến đi được xem là khá thành công, các loại xe cộ hoạt động tốt trên đường trường, tuy nhiên, tình trạng đường xá thì quá tệ, không theo
kịp với thời đại vì lúc đó nước Mỹ đã chuẩn bị sản xuất xe hơi hàng loạt và nhiều gia đình đã sở hữu một chiếc xe hơi riêng. Eisenhower ghi
lại trong hồi ký sau này: “Tôi nghĩ rằng tất cả mọi sĩ quan tham gia vào cuộc hành trình đều đưa ý kiến rằng phải làm sao để cho người dân
hiểu được về lợi ích trong việc xây dựng những con đường cho tốt hơn.”
Khi nắm chức vụ chỉ huy tối cao của Lực lượng Đồng minh tại Thế chiến II, Eisenhower đã chính mắt nhìn thấy sự hoạt động hữu hiệu của hệ
thống xa lộ cao tốc của Đức Quốc Xã đã giúp cho quân đội của họ di chuyển rất nhanh từ mặt trận này qua mặt trận khác. Thế rồi ký ức của
chuyến đi năm 1919 lâu nay nằm yên trong trí nhớ bỗng dưng lại hiện về rõ nét cùng với những khó khăn mà đoàn xe gặp phải và sự di
chuyển chậm chạp vì đường sá quá xấu. Eisenhower tự nhủ là mai này nếu có cơ hội làm tổng thống, công việc quan trọng ưu tiên hàng đầu
là sẽ cho xây một hệ thống xa lộ khắp nước Mỹ.
Năm 1956, trong cương vị tổng thống, Eisenhower ký thành Đạo luật Liên bang Hỗ trợ Xa lộ và đã cho khởi công xây dựng hệ thống xa lộ liên
bang nối liền đông tây và nam bắc.
Nhờ có đạo luật này mà nay mỗi năm có hàng triệu gia đình Mỹ có thể làm những chuyến đi xa trên những con đường rộng mở thật dễ dàng
và thoải mái chứ không phải trực diện với những khó khăn và nguy hiểm có thể đến bất cứ lúc nào như những người đi khai mở trước đây
một thế kỷ. Người đi chơi xa ngày nay chỉ cần chất va li lên, đổ đầy bình xăng, mang theo mấy đĩa nhạc nghe cho đỡ buồn ngủ và lái xe.
Huy Lâm