Nghiến răng ban đêm (sleep bruxism)Thính giả Nhật Nguyễn, ở Virginia, hỏi:
“Thưa Bác sĩ,
Xin hỏi cho con gái tôi, tên Mimi, 43 tuổi.
Đêm ngủ nó hay bị nghiến răng. Tối nào cũng vậy. Cháu lớn tuổi rồi mới bị, chứ hồi nhỏ không bị nghiến răng. Nghiến ‘kẹt kẹt kẹt’ làm người nhà, ngủ gần đó, không ngủ được.
Xin Bác sĩ cho biết làm cách nào, hoặc uống thuốc gì để cháu khỏi bị nghiến răng ban đêm.
Xin cảm ơn Bác sĩ."
Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời: Nghiến răng ban đêm (sleep bruxism
Tải để nghe
http://av.voanews.com/cl...57fcd9a605b_original.mp3Bruxism (teeth grinding): là bệnh nhai hay nghiến răng (clenching) ban đêm lúc ngủ (sleep bruxism) hay ban ngày (daytime bruxism). Phụ nữ bị chứng bruxism ban ngày nhiều hơn. Nha sĩ khám thấy mặt trên của men răng bị mòn, hoặc có những vết nứt và gãy ở chân răng. Người bệnh nặng có thể bị nhức đầu, đau tai (mặc dù tai bình thường), đau các bắp cơ hàm, một phần vì các bắp thịt phụ trách các cử động xương hàm dưới phải làm việc quá nhiều, một phần có thể do khớp hàm-thái dương (TMJ) bị tổn thương. Nghiến răng lúc ngủ được xem như là một rối loạn cử động liên hệ tới giấc ngủ (sleep related movement disorder. Bruxism thường đi kèm với những rối loạn khác của giấc ngủ như ngáy (snoring) và ngưng thở lúc ngủ (sleep apnea). Các rối loạn cử động của giấc ngủ khác: hội chứng chân không yên lúc ngủ, chân co rút lúc ngủ, rối loạn gây cử động nhịp nhàng trong lúc ngủ, rung bàn chân lúc ngủ (Restless legs syndrome, Periodic limb movement disorder, Sleep-related leg cramps, Sleep-related rhythmic movement disorder, Hypnagogic foot tremor).
Nói chung, trên thực tế, bệnh bruxism nhẹ chỉ cần đi khám răng đều đặn để bảo vệ sức khỏe răng miệng. Nha sĩ có thể chế tạo cho bệnh nhân một loại vỏ bọc răng gọi là "night dentalguard" để bệnh nhân mang ban đêm (dental protector for nighttime teeth grinding). Trên thị trường cũng có bán những nightguard có 2 lớp; một lớp "gối" mềm ở trên để làm dịu sức nghiến ở trên, lớp cứng lót ở dưới để không bị răng cứng đâm thủng. Giá chừng 20 đôla.
Chúng ta chưa hiểu rõ về nguyên nhân và cơ chế tại sao gây ra bệnh bruxism. Ngoài những nguyên nhân từ mất cân bằng hàm và răng (malocclusion), có thể có những yếu tố khác như stress, lo âu, tràn dịch bao tử thực quản (dịch acid từ dạ dày chạy ngược lên thực quản và miệng, gastroesophageal reflux), bệnh hệ thần kinh như Parkinson. Nói một cách khác, nghiến răng như là hiệu ứng của những rối loạn nào khác là một vấn đề khó giải quyết, nếu nặng và muốn biết tường tận cần nhiều bác sĩ khảo cứu và góp ý.
Bác sĩ có thể tìm hiểu thêm bệnh nhân có những rối loạn về giấc ngủ khác ngoài chứng nghiến răng hay không hay không, tuy rằng chúng ta không biết các chứng này, đều là xảy ra trong giấc ngủ, có liên quan với nhau hay không. Ví dụ hội chứng chân cẳng không yên lúc ngủ (restless legs syndrome), thường xảy ra ở phụ nữ, gây khó chịu đau nhức hai cẳng chân lúc ngủ và bệnh nhân phải nhúc nhích, cử động thường xuyên hai chân, làm họ mất ngủ; có thể đi đôi với mức dự trữ chất sắt trong cơ thể bị thấp, có kèm theo hay không bệnh thiếu máu, bệnh tiểu đường, bệnh thận, bệnh viêm thần kinh ngoại biên, hay liên quan đến việc dùng thuốc (như thuốc chống dị ứng, thuốc chống trầm cảm, chống co giật), hay dùng cà phê, trà có nhiều caffeine, uống rượu, có bầu, v.v. Có thể chú trọng vào các điểm này cũng có thể có ích làm cho giấc ngủ bình thường hơn.
Đồng thời những biện pháp tổng quát như thư giãn (thiền, yoga, đọc kinh; tắm nước nóng, tắm nước lạnh, massage), vận động thể thao thể dục vừa phải, giữ phòng ngủ yên tĩnh, không sáng quá, ngủ theo giờ giấc đều đặn, đủ giờ ngủ; tránh biến phòng ngủ thành nơi làm việc với iphone, laptop vv.
Chúc bệnh nhân may mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền