“Kính thưa Bác sĩ,
Tôi muốn tìm hiểu vài điều về bệnh tai biến não (Cerebrovascular Accident).
Chị tôi năm nay 64 tuổi, sống ở Pháp. Chị có bệnh huyết áp cao và đau dạ dày từ vài năm nay, hàng ngày đều uống thuốc đúng theo toa bác
sĩ. Tuy nhiên, thể trạng chị rất tốt, chị làm nhiều việc, làm liên tục trong thời gian lâu, làm việc nhiều, nghỉ ngơi ít, vậy mà không hề thấy chị tỏ
ra mệt mỏi, tôi vẫn ngạc nhiên và thán phục chị về điều này.
Cách đây 2 tháng, chị về thăm Mẹ tôi chiều thứ Sáu, quên mang theo thuốc, nên sáng thứ bảy chị không có uống thuốc. Chiều thứ Bảy chị về
lại nhà mình và sáng Chúa nhật uống thuốc trở lại bình thường. Đến trưa Chúa nhật, chị đang ngồi làm việc nhà, muốn đứng lên nhưng không
được. Gia đình đưa chị đến bệnh viện, họ xem xét và bảo không có gì, cho chị về. Đến sáng hôm sau, thứ Hai, chị không ngồi dậy và rời
giường được, miệng đã bị méo, nói rất khó khăn, coi như đã bị liệt nửa thân bên trái. Gia đình đưa đi cấp cứu ở bệnh viện lớn của tỉnh. Ở
đây họ tìm thấy một hạt máu đông bị nghẽn ở não, họ trị liệu đúng mức và sau đó đưa chị đến centre de ré-éducation. Đến nay, sau gần 2
tháng, chị đã phục hồi khá, có thể đi lại vài bước không cần chống gậy, nhưng tay trái thì chưa cử động được, chỉ nhúc nhích mấy ngón tay
chút ít mà thôi. Gia đình khá hài lòng về sự phục hồi của chị, nên cũng không mấy than phiền.
Riêng phần tôi, tôi có mấy thắc mắc, muốn tìm hiểu học hỏi:
1. Có phải chỉ vì một lần duy nhất quên uống thuốc mà chị tôi bị tai biến này không? (tôi có hỏi chị mấy lần "chị có nói với bác sĩ bệnh viện là
chị quên uống thuốc vào sáng thứ Bảy hay không", chị đáp là "không có nói"; ý tôi muốn biết đây có phải là nguyên nhân hay không, nhưng chị
không muốn nói với bác sĩ, tôi đành chịu).
2. Tại sao phần mặt bên trái, bàn tay và bàn chân bên trái của chị lại sưng lên? Nguyên lý của sự sưng phù này là gì? Nó phát xuất từ dây
thần kinh, hay từ mạch máu, hay bắp thịt...?
Nhìn mặt chị bị sưng, tôi nhớ ngay đến một lần cách đây một năm rưỡi, hồi đầu năm 2015, phần mặt bên trái của chị cũng bị sưng y như vậy,
nhưng không có triệu chứng bệnh gì. Lúc đó tôi rất thắc mắc, đã có hỏi bác sĩ, và theo bác sĩ, chủ yếu là do dị ứng (không biết bác sĩ có nhớ
lần tôi hỏi đó hay không), nhưng thật tình tôi không hề thấy bất kỳ triệu chứng hay nguyên nhân nào của sự dị ứng. Vì điều thắc mắc vẫn
chưa mấy sáng tỏ, nên tôi không thể quên được hiện tượng đó. Bây giờ, chị bị tai biến não thì mặt lại sưng cùng với tay và chân. Tôi muốn
hỏi Bác sĩ, hai hiện tượng sưng này có chút liên hệ nào với nhau không?
3. Ở tuổi 64 của chị, chị có thể phục hồi được 100% hay không? Nếu được thì cần khoảng thời gian bao lâu?
Tôi mạo muội hỏi Bác sĩ vì muốn tìm hiểu học hỏi, chứ chị tôi hiện được chữa trị đúng mức, tôi cũng đã tạm yên tâm. Tôi hy vọng Bác sĩ
không phiền, và xin bày tỏ sự biết ơn Bác sĩ.
Kính chúc Bác sĩ luôn luôn khỏe mạnh và bình an.
Trương Lưu Thuỷ.”
Tải để nghe hỏi đáp Y học: Bệnh tai biến não
http://av.voanews.com/cl...4bcff5a1936_original.mp3Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:
Xin nói trước là tôi không thể có ý kiến về một trường hợp cá biệt. Hơn nữa, chúng ta không biết bệnh nhân uống thuốc gì. Những nhận xét
sau đây chỉ có tính cách tổng quát cho chúng ta cùng học hỏi theo như ý muốn của người viết thư hỏi, căn cứ trên một số nguồn tin tức y
khoa được chấp nhận rộng rãi.
1- Nguyên nhân stroke:
Động mạch chủ (aorta, mạch máu đem máu từ tim), cho 2 nhánh lên vùng cổ để nuôi đầu (gồm cả não bộ) gọi là động mạch cảnh (carotid
arteries; cảnh=cổ), chia ra nhiều nhánh nhỏ hơn vào nuôi các phần khác nhau của não bộ.
(I) Ischemic stroke: đột quỵ do thiếu máu cục bộ
Một nhánh động mạch có thể bị nghẽn (động mạch hay “artery” là mạch máu đem máu đỏ giàu Oxy và chất dinh dưỡng đến nuôi tế bào óc):
a) Trong trường hợp embolic stroke: do một cục máu (clot, thrombus) bất thường đông từ chỗ khác đi đến (embolus), gặp một nhánh nhỏ thì
nó kẹt lại.
Nguyên nhân thường gặp là rung tâm nhĩ (atrial fibrillation).
Tâm nhĩ (atrium) là một cái túi nhỏ phía trên trái tim, chứa máu từ cơ thể đi về tim, trước khi máu vào tâm thất (ventricle) và được bơm đi.
Bình thường tâm nhĩ bóp nhịp nhàng theo tim đập; nếu rối loạn nhịp tâm nhĩ, nó rung hỗn độn, không hữu hiệu, làm máu lẫn quẩn quá lâu, dễ
đóng cục (thrombus formation). Cục máu chạy lên mạch máu nuôi bộ óc (cerebral artery), nếu kẹt vào nhánh nào sẽ làm nghẽn nhánh đó
(embolization).
Bỗng nhiên đi không được, đứng dậy không được có thể là dấu hiệu của stroke, nhất là nếu yếu chỉ một bên. Trong trường hợp TIA, một cục
máu đông làm mạch máu tắc nghẽn rồi sau đó cục máu tan biến đi nhanh chóng. TIA, viết tắt của transient ischemic attack (còn gọi là mini-
stroke, attack=tấn công, transient=thoáng qua, đi qua chốc lát, ischemic=do thiếu máu nuôi não bộ), triệu chứng đến rồi qua nhanh, người
bệnh trở lại bình thường nhanh chóng, dưới 5 phút, trung bình là 1 phút. Có thể lúc đến gặp bác sĩ thì bác sĩ khám không thấy gì. Tuy nhiên,
bệnh nhân có thể bị stroke trở lại sau đó, và bị nặng hơn, không thoáng qua như lần đầu. Cho nên TIA còn gọi là "warning stroke" (cảnh báo,
báo động), cần có biện pháp ngăn chặn "permanent stroke" (tai biến "thường trực") có thể đi theo.
b) trong trường hợp thrombotic stroke: do một cục máu đông tại chỗ (thrombosis). Những người mỡ trong máu cao, tuổi già vách động mạch
bị xơ vữa (atherosclerosis). Cơ thể xem những nơi này là những vết thương cần hàn gắn lại bằng cách cho các tiểu bản kết tụ (platelet
agglutination), tạo một cục máu ở đó. Cục máu làm tắc nghẽn động mạch.
(II) Hemorrhagic stroke: đột quỵ do chảy máu (xuất huyết), động mạch có thể gián đoạn do một mạch máu nở ra bất thường (aneurysm), đã
có sẵn (bẩm sinh) nhưng không có triệu chứng, áp huyết cao kinh niên có thể làm mạch máu hư hại thêm. Đến lúc vách động mạch không còn
chịu đựng nổi áp suất trong mạch, mạch máu bể ra, cắt đường tiếp tế cho vùng tế bào não liên hệ.
2) Huyết áp cao là một yếu tố cơ nguy làm người bệnh dễ bị tai biến mạch máu não hơn. Mạch máu chịu stress từ áp suất cao hơn nên dễ bị
xơ cứng hơn, bị hư hại, làm tế bào máu (tiểu bản) dễ tụ lại tạo nên một cục máu đông làm bít dòng máu đang đến nuôi một phần nào của của
bộ óc. Ngoài ra, nếu áp huyết cao, mạch máu sẽ bị dãn nở, vách động mạch yếu đi, cho đến lúc vỡ ra, làm máu không đến nuôi được vùng
tế bào thần kinh phía trước (hemorrhagic stroke).
3) Thuốc hạ huyết áp do đó làm giảm cơ nguy stroke. Người ta ước tính rằng lúc cho những người có dấu hiệu áp huyết bắt đầu lên cao
(giữa 120/80 mmHg và 139/89 mmHg) dùng lâu dài, cơ nguy stroke giảm chừng 32%.
4) Thuốc chống tiểu bản như aspirin, Plavix; thuốc làm máu khó đông hơn như warfarin: làm giảm khả năng máu đóng cục và nghẽn động
mạch gây thrombotic stroke.
5) Một người đang uống các thuốc trên, nếu ngưng thuốc lâu, vấn đề che chở do việc dùng thuốc sẽ giảm đi và ngưng lại, tuy nhiên những cơ
nguy do biến chứng của thuốc cũng sẽ bớt đi. Ví dụ người bệnh ngưng dùng aspirin thì khả năng đông máu trở lại bình thường, khả năng
máu đông thành cục tăng lên, nhưng ngược lại cơ nguy chảy máu ở dạ dày, ruột, chảy máu trong não bộ sẽ giảm đi.
6) Ở người bị rung tâm nhĩ, bệnh nhân bị máu đông tĩnh mạch sâu cẳng chân (deep vein thrombosis), bệnh nhân vừa mổ thay khớp đầu gối
hoặc khớp háng bác sĩ có thể cho thuốc làm "loãng máu" mới tên Xarelto để ngừa máu đông thành cục gây tắc nghẽn mạch máu
(thromboembolic events). Trong thông tin về thuốc này, có một 'hộp đen" (black box) ghi rõ cảnh báo không được tùy tiện ngưng thuốc làm
cơ nguy stroke gia tăng, cũng như không được chọc lấy nước tuỷ sống (spinal puncture) hay để gây tê quanh tuỷ sống lúc giải phẫu
(neuraxial anesthesia).
7) Khó có thể nói ngưng uống thuốc nào đó một liều hay bao nhiêu liều sẽ hậu quả ra sao, vì tuỳ theo thuốc đó có tác động gì, biến dưỡng
thuốc (drug metabolism) đó trong cơ thể người bệnh ra sao. Nói chung một khi bác sĩ quyết định dùng một thuốc gì, nếu người bệnh muốn
ngưng thuốc đó cần có ý kiến của bác sĩ những hậu quả quan trọng có thể xảy ra. Ví dụ, ngưng thuốc hạ huyết áp có thể làm áp huyết vọt lên
quá cao một cách đột ngột; một người dùng thuốc corticoid lâu ngày có thể mất khả năng tự sản xuất chất hormone này lúc cần thiết như lúc
bị nhiễm trùng, bị stress.
8) Người bệnh bị stroke có thể sưng phía bên bị liệt hay yếu, ví dụ hai bàn chân, bàn tay. Cơ chế tại sao chưa được giải thích đích xác. Tuy
nhiên, có thể có những yếu tố sau đây:
Phần bị yếu, liệt, không được cử động, vận động vì các bắp thịt không nhúc nhích được; trong khi đó sự vận dụng các dịch trong những vùng
thấp hơn trái tim tuỳ thuộc vào các cơ bắp vùng đó. Ví dụ, chúng ta đứng một chỗ lâu quá, hai bàn chân dễ bị sưng, vì dịch lâm ba trong các
kênh lâm ba không được các bắp thịt lúc chúng co bóp đẩy về phía tim.
Vì não bộ bị tổn thương, các dây thần kinh kiểm soát tính cương (tone, tonus) các mạch máu có thể bị rối loạn, do đó các tĩnh mạch không
còn đủ khả năng dẫn máu về tim một cách hoàn hảo.
Về vấn đề này, điều quan trọng là cần nhờ bác sĩ xem có phải là huyết khối tĩnh mạch sâu (deep vein thrombosis) hay không vì chứng này
nguy hiểm. Còn không, thì nên kê chân, tay kê cao hơn lúc có thể để giúp máu, dịch chảy về tim, cũng như mang các vớ bó chặt hai cẳng
chân để chân bớt sưng (tight stocking). Bác sĩ cũng có thể cho bệnh nhân mang những cái "sling", dụng cụ treo cánh tay lên để giữa khớp vai
ổn định dưới sức kéo xuống do sức nặng của cánh tay.
9) Mặt có thể sưng vì nhiều lý do rất khác nhau. Người bệnh vì một lý do nào đó chỉ nằm nghiêng một bên mà không nhúc nhích nhiều, các
dịch có thể ứ đọng qua một bên, là mặt sưng nhiều hơn là bên kia. Máu lưu thông trong tĩnh mạch bất bình thường cũng có thể làm sưng lên
phía đó. Nếu là nhiễm trùng thì kèm theo đau, nóng sốt, da sờ nóng. Thường, sưng do dị ứng kèm theo triệu chứng ngứa, và lúc hỏi bệnh,
bác sĩ có thể tìm hiểu bệnh nhân dị ứng với cái gì, chất gì và tại sao một bên mặt bị phản ứng mà bên kia lại không (ví dụ dị ứng với một
thuốc chỉ thoa có một bên, hay nằm nghiêng trên gối có dính chất gây dị ứng.)
10) Một hai ngày sau khi bị stroke, bệnh nhân có thể hồi phục ít nhiều, lúc còn trong nhà thương. Sau đó là giai đoạn y khoa phục hồi 4-6
tuần, 5-6 ngày/tuần với chuyên viên vật lý trị liệu, trong nhà thương hoặc ngoại chẩn. Phần lớn các sự hồi phục xảy ra trong 6 tháng đầu. Sau
đó, tùy bệnh nhân, tùy phương tiện phục vụ bệnh nhân.
Sau mấy ngày đầu:
10% hồi phục hoàn toàn
25% chỉ có vần đề nhỏ
40% triệu chứng vừa hay nặng
10% cần săn sóc lâu dài (long-term care), cần người khác giúp đỡ lúc mặc áo quần, tắm rửa, ăn uống, chuyển từ giường sang xe lăn, đi
phòng vệ sinh (các sinh hoạt đời sống hằng ngày; activities of daily living hay ADLs).
Xin cảm ơn vị thính giả đặt câu hỏi để chúng ta có cơ hội tìm hiểu về một số vấn đề liên hệ rất nhiều người.
Chúc bệnh nhân may mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền