Đại học Havard, Hoa Kỳ, đứng đầu bảng xếp hạng Thượng Hải. Wikipedia
Theo bảng xếp hạng chất lượng các trường đại học thế giới công bố ngày 15/08/2016, các trường Mỹ vẫn dẫn đầu. Đây là bảng xếp hạng của Văn phòng tư vấn xếp hạng độc lập của Thượng Hải (Shanghai Ranking Consultancy).
Năm 2016 là năm thứ 14 liên tiếp, Đại học Havard đứng đầu danh sách 500 trường đại học tốt nhất thế giới của bảng xếp hạng Thượng Hải. Vị trí thứ hai và thứ ba cũng lần lượt thuộc về các trường đại học Mỹ Stanford và Berkeley. Đại học Cambridge của Anh Quốc được xếp hạng thứ 4, tiến một bậc so với năm 2015.
Bảng xếp hạng Thượng Hải bắt đầu từ năm 2003, dựa trên 6 tiêu chí đánh giá, trong đó có số giải Nobel của các cựu sinh viên, số các nhà nghiên cứu được trích dẫn nhiều nhất trong lĩnh vực nghiên cứu và số các bài đăng trên tạp chí Khoa học « Sciences » (Khoa học) và « Nature » (Tự nhiên).
Văn phòng Tư Vấn Xếp Hạng Thượng Hải mô tả bảng xếp hạng này là « đáng tin cậy nhất » nhưng chỉ dựa trên các tiêu chí về nghiên cứu và khoa học cơ bản, mà không tính đến các môn khoa học xã hội và nhân văn. Vì thế, nhiều nhà lãnh đạo Châu Âu phủ nhận bảng xếp hạng này, coi là bảng xếp hạng này làm tổn hại tới danh tiếng của các trường Đại học của họ.
Năm 2016 là năm đầu tiên có trường đại học Trung Quốc lọt vào tốp 100. Đại học Thanh Hoa xếp hạng 58 và Đại học Bắc Kinh xếp hạng 71. Tuy nhiên, tốp các trường đầu bảng xếp hạng không có nhiều thay đổi : trong số 20 trường đầu bảng có 9 trường vẫn giữ nguyên vị trí, 9 trường khác chỉ tăng hoặc giảm 1 bậc.
Với 22 trường lọt tốp 500, Pháp đáng thứ 6 trong bảng xếp hạng, sau Mỹ, Trung Quốc, Đức, Anh và Úc. Đại học Pháp Pierre et Marie Curie đứng thứ 39, Đại học Paris Sud đứng thứ 46 và Trường Ecole Normale Supérieure đứng thứ 87.
Theo RFI