Tuyển dụng sinh viên vừa tốt nghiệp tại Sài Gòn. (ảnh: M.Nghĩa)
Việt Nam hiện có hơn một triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp. Lao động có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp, đại học trở lên có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất, tương ứng là 6.6% và 4%. Đó là thông tin được ông Đào Quang Vinh- Viện Trưởng Viện Khoa Học Lao Động Và Xã Hội- công bố trong hội thảo tổ chức ngày 17/8/2016 tại Hà Nội.
Theo bản tin, hiện Việt Nam có 70.85 triệu người từ 15 tuổi trở lên, trong đó số người làm việc là 54.36 triệu. Thất nghiệp nhiều nhất là nhóm trình độ đại học trở lên với hơn 191,000 người, tiếp đến là cao đẳng chuyên nghiệp với 94,800 người và trung cấp chuyên nghiệp với 59,100 người. Trong quý 2, nhóm lao động có bằng trung cấp có nhu cầu tìm việc làm nhiều nhất, chiếm 30.9%, tiếp theo là nhóm có trình độ cao đẳng (chiếm 19.2%)và đại học trở lên (chiếm 16.8%).
Nhóm nghề có trình độ chuyên môn như kế toán-kiểm toán, quản trị kinh doanh, nhân sự... có số lượt người tìm việc nhiều nhất. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp lớn chủ yếu tập trung vào các công việc lao động phổ thông, chăn nuôi, cơ khí chế tạo, bán hàng, nhân viên kinh doanh, dệt may, điện tử...
Bình luận về các con số thống kê nói trên từ góc nhìn “Việt Nam thiếu cả thầy lẫn thợ”, ông Nguyễn Minh Đường- cựu Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề- nói hiện nay cả nước có 5 trường đại học sư phạm kỹ thuật đào tạo giảng viên dạy nghề. Tuy nhiên, các trường này trong hàng chục năm qua chỉ đạo tạo được giảng viên cho khoảng 35 nghề, nên đã bão hòa. Đại bộ phận các nghề khác không có giảng viên dạy học có chất lượng, cho nên tay nghề học viên kém. Trong nhiều năm qua đã xảy ra tình trạng vừa thiếu, vừa thừa giáo viên dạy nghề, nhưng cho đến nay vẫn chưa giải quyết được. Cung và cầu nhân lực không khớp với nhau, dẫn đến tình trạng vừa thừa vừa thiếu nhân lực tại Việt Nam.
SBTN