Khi một ông thủ tướng phải lên tiếng về một bộ đồ tắm thì chắc chắn đó không phải là chuyện nhỏ.
Mà đúng vậy, bộ đồ tắm trong sự việc không nhỏ tí nào. Nó to lắm, nó trùm từ đầu xuống đến mắt cá chân.
Bộ đồ tắm hiện đang gây sóng gió trên các bãi biển ở Pháp có tên là burkini. Nó to, và tốn vải gấp hàng chục lần bộ đồ tắm gồm bốn con tem cột vào nhau bằng những sợ dây và được gọi là bikini.
Thủ tướng Pháp Manuel Valls đã vừa phát biểu ủng hộ quyết định của các thành phố và thị trấn của Pháp đã ra luật cấm mặc áo tắm burkini trên các bãi biển của họ
Cho đến ngày ông Valls lên tiếng, đã có một loạt các thị trấn bên bờ Địa trung hải ra thông báo cấm mặc áo tắm burkini.
Burkini bị cấm trên bãi biển Cannes
Leucate là địa phương mới nhất ở Pháp vừa ban hành nghị định cấm burkini hôm thứ Ba 16 tháng 8.
Trước đó một ngày, một thị trấn ở Corsica đã trở thành thành phố thứ ba ở Pháp cấm áo tắm trùm cả người sau khi một vụ đụng độ giữa dân địa phương và những người gốc Bắc Phi đến đây tắm biển.
Cuộc xô xát diễn ra sau khi một số thanh niên địa phương ở Disco, Upper Corsica, dùng máy ảnh để chụp hình các gia đình người Bắc Phi có phụ nữ xuống biển với burkini.
Thành phố đầu tiên của Pháp ban hành lệnh cấm burkini là thiên đường du lịch Cannes.
Báo Pháp Le Parisien đưa tin ở Cannes đã có 3 người bị phạt, ba phụ nữ 29, 32 và 57 tuổi. Mỗi người phải nộp 38 euro.
Sáu bà khác, những người cũng mặc burkini, đã vui vẻ rời bãi biển sau khi được các viên chức chính quyền hỏi thăm, để khỏi mất tiền.
Sau Cannes, 6 thành phố và thị trấn ở Pháp đã cấm burkini:, Villeneuve-Loubet, Sisco, Le Touquet, Leucate, Oye-Plage, và Mandelieu-la-Napoule.
Và cũng cần nói thêm, burkini đã bị cấm ở một số nơi tại Âu châu từ lâu lắm. Thành phố Varallo Sesia, vùng Piemont nước Ý đã cấm phụ nữ mặc burkini xuống nước hồi năm 2009. Ông Thị trưởng Gianluca Buonanno của thành phố này, người bị cho là chống người nhập cư, nêu lý do, «Hình ảnh phụ nữ ‘mang mặt nạ’ có thề làm trẻ nhỏ sợ hãi, chưa kể đến vấn đề vệ sinh. «
Nỗi truân chuyên của bộ đồ tắm
Điều làm cho người ta thấy buồn cười là trước đây, phụ nữ Âu châu đã từng bị phạt vì không chịu ăn mặc kín đáo khi đi tắm biển và bộ burkini ngày nay rõ ràng là thứ mà các ông kiểm tục trên các bãi biển đã yêu cầu quý bà quý cô mặc vào.
Đồ tắm biển của phụ nữ Âu châu trong quyển Godey’s Lady’s Book năm 1864
Có thời, các ông cảnh sát (bãi) biển đó đã phải mang theo cả thước dây để đo độ dài các quần tắm của quý bà.
Annette Kellerman (1887-1975), tay bơi nữ lừng danh của Úc, sau này trở thành một minh tinh màn bạc, đã bị bắt hồi đầu thập niên 1900 vì đã mặc một bộ đồ bơi không tay.
Phải qua biết bao nhiêu thời
Kiểm tục đo quần tắm ở Mỹ năm 1922. Photo: Imgur.com
gian phụ nữ mới được chấp nhận cho ăn mặc mát mẻ trên bờ biển. Bộ bikini do kỹ sư Pháp Louis Réard thiết kế , ra đời năm 1946 (đặt tên theo đảo san hô Bikini, nơi được Hoa kỳ dùng để thử bom nguyên tử). Bộ đồ áo tắm hai mảnh đã trở thành một trong những biểu tượng của cuộc cách mạng nữ quyền. Người phụ nữ đầu tiên gây sóng gió ở bãi biển là nữ tài tử Pháp Brigitte Bardot, phim “Et Dieu créa la femme” (Và Thượng đế tạo ra người đàn bà).
Bộ đồ tắm burkini
Thì như đã nói, nó là một bộ áo tắm của phụ nữ, nam giới đã không còn mặc áo tắm từ hàng thế kỷ nay rồi, họ chỉ còn có cái quần tắm.
Bộ áo tắm này không khác mấy với bộ thường phục của mấy phụ nữ Ấn độ là mấy: gồm một cái quần dài đến mắt cá chân, áo dài tay vại dài đến quá hông.
Nó cũng chẳng khác gì «bộ đồ tắm» của các bà già miền quê Việt Nam lần đầu tiên ra biển.
Mẫu burkini của công ty trang phục Mark & Spencer
Ở Úc, một nhân viên cứu nạn trên bãi biển Cronulla đã mặc burkini như đồng phục từ lâu.
Loại đồ tắm dành cho quý bà này không phải mới xuất hiện và cũng không phải không thịnh hành. Bằng chứng là các nhà sản xuất quần áo lừng danh quốc tế, như nhà Mark & Spencer ở London, Anh quốc, đã có kiểu burkini.
Khác biệt duy nhất là burkini có một cái mũ trùm đầu che bộ tóc, dính liền vào thân áo che cả cổ.
Cái mũ trùm đầu đó giống như – và có tác dụng như, cái khăn burqa của phụ nữ Hồi giáo, và do đó làm cho bộ đồ tắm đó có tên burkini: Burqa + kini.
Nhưng cả với điểm này, một số người khi lên tiếng chỉ trích và phản đối lệnh cấm đã chỉ ra rằng burkini có mũ trùm đầu giống y chang bộ wetsuit mà các thợ lặn phải mặc.
Secularism
Chủ nghĩa thế tục (tiếng Anh secularism, tiếng Pháp la laicité hay le sécularisme) là nguyên tắc tách rời các định chế chính quyền và các cá nhân được chỉ định để đại diện cho chính quyền khỏi các định chế tôn giáo và các giới chức tôn giáo.
Ở Âu châu ngày trước, quyền lực của quốc gia thường nhập nhằng giữa tôn giáo và chính quyền.
Ở các nước Hồi giáo cho đến nay, luật lệ xã hội bị tôn giáo chi phối nặng nề. Một trong các thể hiện quan trọng của điều này là những quy định về cách ăn mặc của phụ nữ.
Vậy thì tại sao lại cấm?
Hôm 17 tháng 8, ông Thủ tướng Pháp nêu lý do ông ủng hộ việc cấm burkini là loại áo tắm này được thiết kế dựa trên ý đồ «nô lệ hóa phụ nữ», mang thành kiến «ý nghĩa là, về bản chất, phụ nữ thì dâm đãng, không trong sạch, cần được che kín hoàn toàn. Nó không phù hợp với những giá trị của nước Pháp và nền Cộng hòa.»
Lý do để các thành phố Pháp dọc bờ Địa trung hải ban hành lệnh cấm nói rõ thêm: Họ lo ngại về mặt an ninh.
Không phải là họ sợ vì bộ đồ đó kín quá, không biết những cái cục tròn tròn được che kín ở đằng trước hay đằng sau là cục mỡ, cục thịt hay cục chất nổ.
Kiểu áo tăm trùm kín mặt quái đản của mấy chị Tàu Hoa lục sợ nắng
Trong lệnh cấm burkini mà ông Thị trưởng David Lisnard của Cannes đã ký hồi tháng 7, cũng một ý phần giống như ý của ông Valls – cho là người mặc burkini dùng bộ áo tắm này để bày tỏ tôn giáo của mình và không tôn trọng cả mỹ tục (good moral?) và chủ nghĩa thế tục, một giá trị của nước Pháp.
Tuy nhiên, điểm mà ông Lisnard đưa thêm ra sau đó đã thể hiện rõ hơn lý do chính của việc cấm bộ đồ tắm kín như bưng này. Ông ấy nói mặc burkini tắm biển là một «nguy cơ cho trật tự công cộng» vì Pháp quốc vẫn còn là mục tiêu hàng đầu của Nhà nước Hồi giáo: «burkini giống như một thứ đồng phục, một biểu hiệu của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo.»
Đúng là người Pháp, và có lẽ cả thế giới, chưa ai quên được cái đêm kinh hoàng 14 tháng 7, khi chiếc xe tải lao vào đám đông giết chết hơn 80 người trên Promenade des Anglais, một con đường ở bờ biển Nice. Nice chỉ cách Cannes chưa đấy 40 cây số.
Vậy thì lý do chính của việc burkini bị cấm là vì bộ đồ tắm đó thể hiện sự không quen thuộc, lạ lùng (từ đắc dụng và bị lạm dụng trong nước nay gọi là «phản cảm») và khiến người ta sợ.
Một phụ nữ Hồi giáo, quốc tịch Anh, cư dân London mặc burkini chơi đùa với các con trên bờ biển ở Thổ nhĩ kỳ nói với nhà báo Shaimaa Khalil của thông tấn BBC, «Chúng tôi không thể làm chuyện này (mặc burkini để vui chơi trên bãi biển) ở UK. Tôi sẽ không thấy thỏa mái vì nổi bật (trên bãi biển)» .
Như những chuyện gần đây:
Chuyện cấm burkini như thế rõ ràng là một biểu hiện của sự sợ hãi, hay ít nhất, sự nghi ngại.
Thường thì người ta sợ, hay nghi ngại những gì không lạ lùng, không quen thuộc. Nỗi sợ, hay nghi ngại lại lớn thêm, khi mang ý nghĩa của sự nguy hiểm, bất an hay đe dọa
Gần đây, sau những vụ khủng bố, sau những tuyên truyền của IS, nhiều chuyện cười ra nước mắt đã diễn ra trên thế giới, liên quan đến những người đàn ông có râu, phụ nữ trùm kín đầu và người đọc các quyển sách viết chữ loằng ngoằng như con giun.
Giáo sư Guido Menzio
Những chuyện này diễn ra hàng ngày. Sau đây là một vài vụ đã nổi tiếng:
Hồi tháng 1 năm nay, nhà của một chú bé 10 tuổi ở Accrington, Lancashire (Anh quốc), gia đình này, đương nhiên là dân Hồi giáo, đã bị cảnh sát tới viếng sau một bài văn tiếng Anh mà chú bé viết ở trường.
Thằng bé, chắc là bị ra đề tập làm văn “tả nơi em ở”, đã viết sai chính tả, thay vì sống trong một căn nhà thuộc loại “terrace house” đã viềt thành “terrorist house”!
Cả ở Âu châu lẫn Á châu người ta đều tin rằng trẻ con không nói dối (đi hỏi già về nhà hỏi trẻ). Thế nên người giáo viên đã lập tức báo cho cảnh sát và gia đình thằng bé được các ông cảnh sát đến thăm hỏi.
Thái độ của các ông này, chắc không phải là loại cảnh sát bobby bình thường mà là dân an ninh, đã khiến cả nhà hoảng vía.
Thêm một chuyện nữa cũng xảy ra bên Anh, và cũng liên quan đến con nít. Điểm khác biệt là thằng bé này nhỏ tuổi hơn – mới lên 4 và chỉ mới vào vườn trẻ, nên nó không viết sai chính tả mà đã nói ngọng.
Trong giờ học, các cô nuôi trẻ chỉ vào một tấm ảnh hỏi thằng bé người trong hình đang làm gì, nó trả lời “cooker bomb.”
Các cô hoảng hồn, vội gọi cho mẹ nó, bảo rằng thằng bé con bà đang sống trong một môi trường nguy hiểm, chắc phải báo lên cho Bộ Nội vụ để đưa nó vào chương trình “giải độc cực đoan” (deradicalisation).
May mắn, nội vụ chỉ lên tới cảnh sát và cơ quan xã hội. Chuyện xảy ra ở thành phố Luton, cũng ở Anh quốc -vùng Bedfordshire, và được kể trong chương trình Á châu của đài BBC.
Cái hình mà thằng bé được cho xem và bảo nói tên lên là hình một ông đang xắt dưa leo (dưa chuột). Tiếng Anh chỉ loại dưa này là cucumber. Trong khi đó, cooker bomb là loại bom được làm bằng cách nhồi chất nổ và miểng kim khí vào nồi áp suất. Thứ bom này đã từng được khủng bố đặt ở nhiều nơi, nổi tiếng nhất là vụ Boston marathon do hai anh em nhà Tsarnaev tiến hành tháng 4 năm 2013.
Hồi tháng 5, một nữ hành khách ngồi kế bên Giáo sư Guido Menzio trên chuyến bay của American Airlines từ Philadelphia đến Syracuse đã ngầm chuyền cho tiếp viên chuyến bay này một cái note, bảo rằng ông này đang chuẩn bị một âm mưu khủng bố.
Guido Menzio là giáo sư kinh tế học của Đại học Pennsylvania, ông đang trên đường sang Canada để nói chuyện tại đại học Queen’s của tỉnh bang Ontario, và đang nguệch ngoạc trên giấy một phương trình toán học.
Ông này là người Ý, nhưng – của đáng tội, có để râu xồm xoàm, và phương trình toán ông đang giải có những ký hiệu loằng ngoằng.
Chiếc phi cơ sắp sửa cất cánh đã quay trở lại cổng và Giáo sư Guido đã gặp – theo ông ấy kể trên facebook, một “man-in-black.”
Bạn có sợ không?
Những vụ “thần hồn nhát thần tính”, “thà báo cáo lầm hơn tan xác” kiểu như vừa kể diễn ra hàng ngày cho thấy về mặt tinh thần, bọn khủng bố Hồi giáo đã ít nhiều thắng lợi khi tạo ra tâm lý sợ hãi và làm tốn kém tiền bạc, thời gian cho cả thế giới.
Như ngày xưa, trước năm 1975, bọn khủng bố Việt Cộng đã thành công khi chỉ cần một cành cây kéo ngang đường đã làm tắc cả một đoàn xe hàng ngày trời, hay các vụ ném lựu đạn bằng xe gắn máy đã khiến chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã phải ra lệnh buộc người ngồi sau xe gắn máy phải ngổi để hai chân về một bên.
Nói như vậy chứ, kể cả những người vững tinh thần nhất, ai mà không khỏi có chút e ngại khi ngồi trên máy bay, hay xe đò bên cạnh một ông có nước da tai tái, râu rìa hoặc một bà toàn màu đen chỉ hở hai con mắt?
Và có ai mà chẳng yên tâm (hay thích) hơn khi được ngồi cạnh một cô hay bà ăn mặc mát mẻ hơn là một vị nữ lưu trùm kín từ đầu đến chân?
Đỗ Quân