Hằng năm, cứ vào độ những ngày cận rằm tháng Tám, khắp nơi ở Việt Nam lại thấy cảnh các em thiếu nhi nô nức đón Tết Trung Thu. Nào là lồng đèn, nào là bánh dẻo, bánh nướng…
Dù đã xa quê hương hơn 40 năm, người Việt ở hải ngoại vẫn cố gắng duy trì phong tục cổ truyền đón tết Trung Thu cho thế hệ con em sinh ra và lớn lên tại hải ngoại. Và một trong những thứ không thể thiếu trong ngày Tết nhi đồng, đó là các bài hát Trung Thu sáng tác từ trước 1975. Cũng như rất nhiều bài nhạc thuộc nhiều chủ đề khác, nhạc Trung Thu của Miền Nam vẫn là một mảng văn hóa giá trị, chưa thể lãng quên trong tâm hồn của nhiều người Việt.
Bài hát Trung Thu được nhiều người biết đến nhất – gần như ít có tranh cãi- đó chính là ca khúc Rước Đèn Tháng Tám, với câu mở đầu mà nhiều người sống ở Miền Nam trước 1975 đều thuộc lòng:
“Tết Trung Thu rước đèn đi chơi
Em rước đèn đi khắp phố phường …”
Điều này cũng dễ hiểu, vì Rước Đèn THáng Tám hình như là bài hát duy nhất diễn tả khá trọn vẹn không khí của một ngày Tết Trung Thu một cách sinh động. Hình ảnh từng đàn thiếu nhi đi khắp các con đường, ngõ hẻm, với đủ các loại đèn trên tay:
…Đèn ông sao với đèn cá chép
Đèn thiên nga với đèn bướm bướm…
Rồi còn có cả mâm cỗ Trung Thu, với các loại bánh mứt cổ truyền:
…Tết Trung Thu bánh quà đầy mâm
Em bé nhà ưa đứng quây quần
Đòi hạt sen bánh dẻo đầy nhân
Em muốn ăn bốn, năm ba phần
Ngọt thơm như bánh dẻo bánh nướng
Ngọt cay như mứt gừng mứt bí
Ăn mát lòng lại thấy vui thêm…
Có một chi tiết cũng đáng ngạc nhiên, đó là với một bài hát nổi tiếng như Rước Đèn Tháng Tám, nhưng cho đến nay danh tánh của tác giả vẫn chưa rõ ràng . Một số trang web cho rằng tác giả của bài hát này là Đức Quỳnh, một nhạc sĩ sáng tác khá ít, nhưng cũng có một số bài nổi tiếng như Thoi Tơ. Tuy nhiên, trên một số đĩa nhựa xuất bản trước 1975, tác giả lại ghi là Vân Quỳnh. Và trong cassette Chương Trình Thiếu Nhi Tuổi Xanh của bà Kiều Hạnh, tác giả của Rước Đèn THáng Tám lại được ghi là khuyết danh. Hy vọng chi tiết về tác giả Rước Đèn Tháng Tám sẽ được các nhà nghiên cứu âm nhạc xác minh lại.
Trung Thu là ngày của trăng tròn. Nói đến trăng, thì dân Việt mình hầu hết ai cũng liên tưởng đến Chú Cuội. Thuở thơ ấu ở Việt Nam, mỗi lần nhìn lên vành trăng tròn quay, trẻ em thường nhìn ra hình ảnh chú Cuội ngồi dưới gốc cây đa. Chú Cuội là một nhân vật trong cổ tích Việt Nam, gắn liền với một thành tích không hay ho lắm: nói dối như Cuội! Ấy vậy mà trong thi nhạc, thì chú Cuội lại là một nhân vật lãng mạn vô cùng. Bài hát Trung Thu nổi tiếng kế tiếp chính là ca khúc Thằng Cuội của nhạc sĩ Lê Thương, đã mô tả rất đặc trưng hình ảnh Chú Cuội trong tâm trí người dân Việt:
“Bóng trăng trắng ngà
Có cây đa to
Có thằng Cuội già ôm một mối mơ
Lặng yên ta nói Cuội nghe:
”Ở cung trăng mãi làm chi”
Bóng trăng trắng ngà
Có cây đa to
Có thằng Cuội già ôm một mối mơ”
Ca khúc Thằng Cuội cũng nói nên được niềm mơ ước của tuổi thơ Việt Nam: được lên cung trăng thăm Chú Cuội. Tuổi thơ ngày xưa thật hồn nhiên dưới ánh trăng rằm:
“…Các em thích cười
Muốn lên cung trăng
Cứ hỏi ông Trời cho mượn cái thang
Mười lăm tháng Tám trời cho
Một ông trăng sáng thật to
Các em thích cười
Muốn lên cung trăng
Cứ hỏi ông Trời cho mượn cái thang…”
( Xin mời nghe Thằng Cuội trên Youtube:
VIDEO Mặt trăng còn gắn liền với hình ảnh chị Hằng. Nhân vật Hằng Nga có xuất xứ trung Trung Hoa. Nhưng mối tình của Chú Cuội và Hằng Nga thì chỉ có ở trong nền văn hóa dân gian của người Việt. Trong ca khúc Một Đàm Chim Nhỏ- một ca khúc khác cũng thường được hát trong dịp Trung Thu- nhạc sĩ Phạm Duy đã mô tả thật dễ thương về mối tình của Chú Cuội và Cô Hằng:
“Thằng Cuội yêu chị Hằng Nga
Nói dối ông bà lên tới mặt trăng
Ố tang tình tang! Ố tang tình tình!
Kể từ khi Cuội ra đi
Làng xóm không ngờ cũng nhớ Cuội ghê
Ố tang tình tang! Ố tang tình tình!
Cuội thì sau cuộc phiêu du
Cuội ngồi thương nhớ quê nhà xa xôi
Ố tang tình tang! Ố tang tình tình! …”
Ca khúc Một Đàn Chim Nhỏ lại được hát nhiều ở phiên khúc thứ nhì, là một cuộc đối thoại rất dễ thương giữa một đàn chim và các em nhỏ về Chú Cuội và Cô Hằng. Với trí tưởng tượng phong phú, cách sử dụng từ ngữ mộc mạc, Phạm Duy đã cho các em một câu trả lời độc đáo về việc Chú Cuội ở đâu, trong thời buổi mà phi thuyền đã lên đến mặt trăng như ngày nay:
“…Động lòng thương trẻ ngây thơ
Bầy chim nhỏ bé bay vô trả lời
Ố tang tình tang! Ố tang tình tình!
Từ ngày có vệ tinh bay
Bay có ba ngày lên tới mặt trăng
Ố tang tình tang! Ố tang tình tình!
Cuội đành đem Chị Hằng Nga
Tìm xứ xây nhà không biết ở đâu?
Ố tang tình tang! Ố tang tình tình!...”
Càng nghe nhạc Miền Nam trước 1975, chúng ta càng trân quí nền văn hóa đầy tính nhân bản của nền văn học nghệ thuật của một Miền Nam tự do. Tuổi thơ Miền Nam đã được nuôi dưỡng bằng tình yêu, lòng nhân hậu như vậy đó. Để mỗi khi Trung Thu lại về, chúng ta vẫn chưa thể quên được những giai điệu của Trung Thu đã vang lên ở Miền Nam từ hơn nửa thế kỷ trước.
SBTN