Poster đêm diễn cuối cùng của Ca sĩ Mai Hương ở Montreal, Canada hồi năm 2008.
“Cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng
Đượm đà phong kín cánh mong manh tấm hoa lòng
Hà Nội chờ đón tết vắng bóng người đi liễu rũ mà chi
Đêm tân xuân Hồ Gươm sao long lanh
Hoa mai rơi rủ nhau nơi phương xa
Đường phố vắng bóng đèn chạnh lòng tôi nhớ tới người em…” (Gửi người em gái)
Gửi người em gái của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn – Từ Linh là bài hát được ca sĩ Mai Hương trình bày để từ biệt khán thính giả trên sân khấu Montreal, Canada năm 2008, sau hơn 50 năm, từ ngày bà bước lên sân khấu lần đầu tiên năm 12 tuổi.
“Năm 2008, cách đây 8 năm, ở Montreal, Canada, tôi đã hát từ biệt khán giả. Bên Mỹ này thì tôi cứ âm thầm giải nghệ, vì mình không xuất hiện trên sân khấu nữa thì người ta cũng hiểu. Thời gian phụng sự nghệ thuật đã đủ dài.”
Rất nhiều người đã đề nghị bà có một buổi diễn cuối cùng để từ biệt sân khấu, nhưng bà từ chối. Và đêm diễn ở Montreal, Canada vào dịp 30 tháng Tư năm 2008 đã được xem là buổi diễn cuối cùng.
Từ năm 12 tuổiCâu chuyện về cuộc đời nghệ sĩ của ca sĩ Mai Hương bắt đầu từ cuộc tuyển lựa tài tử của Đài phát thanh Pháp Á. Bà ghi danh dự thi với sự khuyến khích của thân mẫu là kịch sĩ Kiều Hạnh, thân phụ là Phạm Đình Sỹ, và người cô là danh ca Thái Thanh.
“Năm 1952, 53 gì đó, tôi mới 11, 12 tuổi thôi, ở Hà Nội vào Sài Gòn. Tôi lúc đó được cô ruột là cô Thái Thanh khuyến khích ghi tên vào chương trình thi tuyển lựa tài tử dưới thời ông giám đốc đài phát thanh Pháp Á, chương trình Tiếng Việt là ông Hoàng Cao Tăng, hát bài Chú Cuội của Phạm Duy. Vào đến chung kết mà qua 4 thời kỳ như vậy là cũng không phải dễ. Qua thời kỳ thi tuyển, tôi trúng tuyển ngay. Tuần tự như vậy vào chung kết, cô Thái Thanh tập cho bài Xuân và Tuổi Trẻ của nhạc sĩ La Hối, lời Thế Lữ. Tất cả mọi người ngồi ban giám khảo nói rằng một con bé 12 tuổi hát bài ấy là quá khó, thế là chấm đậu luôn.”
Từ cuộc thi tuyển lựa tài tử năm đó, một chương trình riêng cho thiếu nhi gọi là Thiếu sinh nhi đồng được thành lập gồm ba giọng hát là Mai Hương, Bửu Minh (Anh Minh) và Đào Nguyệt Ánh. Ban nhạc nhi đồng ấy lớn lên theo thời gian và trở thành ban nhạc Tuổi Xanh.
“Đến lúc độ 16, 17 tuổi thì mình hát cũng khá rồi, thế là các ông ấy (trưởng ban Đài phát thanh Sài Gòn) cho lên hát ban người lớn. Từ đó tôi bắt đầu được coi là một trong những ca sĩ thường trực của đài phát thanh. Rồi sinh hoạt của tôi ngày càng mở rộng them. Các ông trưởng ban lúc đó là Hoàng Trọng, Văn Phụng, Y Vân…”
“Bàng hoàng giờ phút từ ly
Tuy lòng đau nhưng cố quên thê nhi
Tần ngần chàng bước chân đi
Ði tới nơi xa xăm bao hình mơ…” (Phút chia ly)
Đến tiếng hát ở Đài phát thanh Sài GònNhững ca khúc bà trình diễn ở Đài phát thanh Sài Gòn mang nhiều giá trị của thời gian và đòi hỏi sự thấu hiểu nhạc lý vững vàng.
“Năm Mậu Thân, năm Mùa hè đỏ lửa 72, tôi với cô Quỳnh Giao là hai người hát tương đối nhanh và đọc được các nốt nhạc. Các nhạc sĩ làm cho đài phát thanh Sài Gòn có các loại nhạc gọi là nhạc chiến dịch, nghĩa là các trận đánh của quân đội cộng hoà mình đi đến đâu thắng trận thì các nhạc sĩ phải sáng tác ngay để đi sát với thời cuộc. Cho nên phải có ngay ca sĩ để hát. Nhiều khi tôi đang ở nhà thì một trong những người sĩ quan của đài phát thanh quân đội nói rằng phải mời Mai Hương và Quỳnh Giao hát bài này ngay lập tức.
Ca sĩ Mai Hương
Nếu gọi là một ca sĩ mà không có nhạc lý vững chắc thì ai có thể tập cho mình? Lên đến đài thì ông trưởng ban hoặc nhạc sĩ đưa bài hát đi sát thời cuộc, mắt nhìn nốt nhạc, mắt nhìn lời, hát và thâu ngay lập tức.”
Tháng Tư năm 1975, như hàng triệu người Việt Nam khác, bà cùng với gia đình rời Việt Nam. Từ đó, tiếng hát của Đài phát thanh Sài Gòn bắt đầu cất cao ở xứ người.
Mai Hương bắt đầu đi hát cho những buổi đại nhạc hội hoặc trình diễn ở những chương trình rất chọn lọc như Cung Tiến, Vũ Thành, Lê Văn Khoa, Ngàn Khơi, ban đại hợp tấu và hợp xướng Tiếng Tơ Đồng của nhạc sĩ Hoàng Trọng.
Những nhạc phẩm bà thể hiện mang những nét rất riêng, rất Mai Hương. Tiếng hát thiên phú là đã đành, một lý do khác là do bà rất chọn lọc ca khúc để trình bày.
“Những bài Mai Hương hát thì ít những ca sĩ khác họ hát. Cho nên khi mình muốn lưu lại một cái gì đó thì mình không hát những bài hát mà những ca sĩ khác đã hát, đã thâu nhiều rồi. Cho nên khi tôi hát, tôi tự chọn những bản nhạc của những nhạc sĩ tiền chiến mà rất ít người hát để làm kỷ niệm, lưu lại những tác giả, tác phẩm.”
Dòng nhạc bà chọn chắc chắn phải phù hợp với chất giọng và những quãng cao rất đặc biệt, rất quyến rũ của bà. Nghe Mai Hương hát một một nhạc khúc về quê hương, có thể nhìn thấy một miền quê yêu dấu đang nhẹ nhàng hiện dần lên trước mắt, gợi cho người tha phương một nỗi nhớ dạt dào.
Nghe bà hát một ca khúc xuân, có thể thấy như nắng xuân đang rộn rã hòa vào da thịt. Mùa thu qua tiếng hát của bà là một bức tranh vàng lá cùng với cái se lạnh của mùa đông.
“Nghe bước chân người sương gió
Xa dần như tiếng thu đang tàn
Ôi người gió sương em mơ thương ái bao lần
Và chờ tin hồng đến
Đem mùa thu chết
Nghe mùa đang rớt rơi theo lá vàng…” (Buồn tàn thu)
“Khi muốn trình bày một bản nhạc nào đó không phải chỉ nhìn lời hát cho qua đi. Mình phải gửi gắm tình cảm, tâm trạng của mình vào bài hát. Khi khan giả, thính giả nghe được thì họ rất cảm thông với các lời và cũng cảm thông với người ca sĩ là nhịp cầu nối giữa nhạc sĩ và người nghe. Không phải mình hát cho qua ngày qua buổi.”
Đúng như tấm lòng của người ca sĩ hơn nửa thế kỷ mang những bản tình ca đến cho cuộc đời, người nghe qua bao thế hệ vẫn nhớ mãi hình ảnh dịu dàng, gần gũi của bà khi bước lên sân khấu.
“Tiếng hát quay tơ” nồng nàn của nữ ca sĩ Mai Hương để lại cho nền âm nhạc Việt Nam những sợi thương sợi nhớ về hình ảnh đất nước những ngày khói lửa chiến tranh, cũng như một quê hương xa ngàn dặm đã thuộc về quá khứ.
Theo RFA