Vết ố dính trên bức tranh nổi tiếng.
Từ lâu nay, bức tranh "Tiếng Hét - The Scream” của danh họa Edvard Munch đã được coi là một trong những tuyệt tác nghệ thuật trong lịch sử của loài người. Tuy nhiên, ít người biết rằng Edvard Munch đã tạo ra đến bốn phiên bản của bức The Scream, từ năm 1893 đến 1910. Trong đó, nổi tiếng nhất là phiên bản có nền màu da cam, được treo tại Bảo tàng Quốc gia Na Uy.
Thế nhưng, đây cũng chính là phiên bản khiến giới chuyên gia phải đau đầu trong hơn 1 thế kỷ, vì trên vai của người trong tranh có một dấu vết trắng kỳ lạ mà không ai biết đó là gì. Trong suốt hơn 100 năm, tất cả mọi người, từ dân thường cho đến nghệ sĩ, chuyên gia đều cho rằng đó là dấu... chim đi bậy. Ý kiến này dựa trên một thực tế là hầu hết những tác phẩm của Munch đều được vẽ ngoài trời.
Tuy nhiên mới đây, các chuyên gia từ Đại học Antwerp, Bỉ, đã tìm ra sự thật rằng, dấu trắng trông giống vết "chim ị" đó thực ra chỉ là sáp đèn cầy. Để có được kết quả này, nhóm nghiên cứu đầu tiên sử dụng máy X-quang Macro - một loại máy quét huỳnh quang dùng để phân tích các thành phần của vật liệu. Cỗ máy này trước kia đã từng được sử dụng cho một số bức tranh của Rubens và Van Gogh.
Máy quét nhanh chóng xác định được vết trắng kia không thể là sơn, vì không có dấu vết của các kim loại thường thấy trong sơn vẽ thời đó như chì, kẽm, và calcium. Sau đó, họ gửi mẫu sang Hamburg, Đức, để tiếp tục phân tích sâu hơn. Và cuối cùng, các chuyên gia kết luận rằng vệt trắng đó chính là sáp đèn cầy. Ông Frederik Vanmeert - một trong những người tham gia nghiên cứu, nói: "Tôi lập tức nhận ra đó là sáp đèn cầy, vì bản thân đã từng tiếp xúc với nhiều dấu vết tương tự như vậy.”
Các chuyên gia cho rằng Munch đã vô tình để sáp nhỏ giọt lên tranh, và bác bỏ hoàn toàn lời buộc tội dành cho lũ chim. Tiến sĩ Geert Van der Snickt - người đứng đầu nghiên cứu cho biết: "Việc giải quyết được bí ẩn này cho thấy lĩnh vực nghiên cứu của chúng tôi cũng quan trọng như các chuyên gia pháp y vậy. Lãnh vực di sản văn hoá cũng có kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, đem lại cho nhân loại những thông tin có giá trị về nghệ thuật trong lịch sử.”
Theo báo Viễn Đông