Giáo viên cũng là một nghề, dạy học là sở trường của chúng tôi. Tại sao việc dạy thêm ở trường – do nhà trường tổ chức – lại bị cấm, khiến chúng
tôi cảm thấy mình như là “tội phạm”?
Chúng tôi không chèn ép học sinh đi học, cũng không gợi ý này nọ, học sinh đi học là tự nguyện. Sao lại vì một số trường hợp tiêu cực mà cấm tất
cả chúng tôi dạy thêm?
Là một giáo viên PTTH gần 20 năm, dạy một trong những môn chính, có tham gia dạy thêm học sinh chính khóa và không chính khóa ở trường của
mình và các trường bạn, tôi nhận thấy như sau:
Nhu cầu dạy thêm và học thêm là nhu cầu rất thật của học sinh, phụ huynh và giáo viên. Bằng cớ là việc dạy thêm học thêm có từ thời rất xa xưa và
bây giờ vẫn phát triển rất mạnh ở các quốc gia trên thế giới không riêng Việt Nam.
Đương nhiên, việc dạy thêm học thêm phát triển mạnh ở các quốc gia nặng về thi cử học thuật như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam.
Gần đây có một số trường A, B, C, cô A, thầy B bị lên báo Điện tử Giáo dục, báo Giáo dục Việt Nam và các báo khác vì là trường dạy hai buổi mà
dạy thêm hè, vì là giáo viên dạy thêm cả học sinh chính khóa.
Thực ra, nhà báo chỉ bắt nọn được một vài trường và một vài giáo viên có máu mặt một chút thôi (là hiệu trưởng, hiệu phó, tổ trưởng chuyên môn).
Thực tế vẫn còn rất nhiều trường công lập khác, giáo viên khác thản nhiên dạy mà có bị gì đâu, thậm chí có những giáo viên dạy các môn Toán, Lý,
Hóa, Anh ở các quận nội thành và ngoại thành một ngày dạy rất nhiều ca, mỗi ca cả trăm học sinh.
Tại những lớp học thêm này, học sinh tự nguyện đi học ầm ầm, ngay trong tháng 7, tháng 8 khi mà năm học mới chưa thực sự bắt đầu.
Có người hỏi sao phóng viên không công bằng, sao không đi viết hết các trường, các giáo viên vi phạm lệnh cấm? Mà nói vậy thôi, bảo đảm anh
phóng viên A, B đó viết cả năm cũng chưa hết chuyện.
Nói về tiêu cực, ngành nào chẳng có tiêu cực, thực ra nghề giáo cũng là một nghề kiếm tiền như các nghề khác.
Hư danhTôi ở trong nghề lâu vì tin rằng nghề của mình là nghề lương thiện, học sinh đi học phải trả học phí, công bằng mà nói mình có cho không đâu nên
giáo viên cũng đừng nên bắt học sinh phải biết ơn mình.
Thiển ý của tôi cho rằng nhiều giáo viên nặng quan điểm phong kiến xưa cho rằng mình là nhà giáo thì mặc nhiên học sinh, phụ huynh và xã hội phải
trọng vọng mình nên rất khó chịu khi thấy có đứa học trò nào “lếu láo”.
Cái quan trọng là giáo viên cần phải làm cho học sinh tôn trọng mình thì việc dạy và học mới đạt kết quả.
Khi học sinh nói những điều khó nghe, làm mình nản lòng thì cũng đừng cay đắng cho rằng nghề giáo là nghề bạc bẽo mà chỉ nên coi nó là 'tai nạn
nghề nghiệp'.
Dĩ nhiên, khi đi dạy ta cũng mong có tình cảm, có được sự cộng hưởng giữa thầy trò.
Ngày xưa thì “không thầy đố mày làm nên” nhưng thời buổi hiện đại thì câu này không còn đúng nữa. Học sinh bây giờ có thể học từ rất nhiều nguồn,
đương nhiên thầy cô không phải là nguồn duy nhất.
Có ai nói rất hay rằng vì hiện nay xã hội ở Việt Nam cho ngành giáo một cái hư danh là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, mọi người kỳ
vọng nhiều ở cái chữ “cao quý” nên không ít người bức xúc trước việc có một số giáo viên chèn ép học sinh đi học thêm một cách trắng trợn.
Họ ủng hộ ý kiến của ông bí thư nọ, nói những điều giáo viên cảm thấy bị xúc phạm, giậu đổ bìm leo, họ bươi móc ra trường A, trường B thu tiền quá
mức quy định này nọ, rồi thầy hiệu trưởng trường A, trường B trả lời né tránh.
Họ cho rằng trường A, trường B không chấp hành nghiêm lệnh của Sở Giáo dục nhưng họ quên mất trường A, trường B đó có những cơ sở vật chất
rất tốt cho việc học của con cái họ, và cũng vì những cái tốt đó mà họ cho con mình thi tuyển vào những trường đó.
Khi nào nên cấm dạy thêm?Nên cấm dạy thêm ở cấp 1 để trẻ nhỏ có thời gian chơi và nghỉ?
Thực ra theo tôi thì chỉ nên cấm hay hạn chế học thêm, dạy thêm ở cấp 1. Vì thực tế có những bé mới vô lớp 1, cả ngày học ở trường hai buổi, tối
về lại phải đến học thêm ở nhà thầy, cô hay nhà thầy, cô mướn gần trường.
Ở cấp 1 kiến thức có nặng không mà học ở trường hai buổi vẫn chưa đủ? Có bé vào lớp 1, ngay ngày đầu đi học, cô giáo đã viết số điện thoại, địa
chỉ nhà cô ở cuối cuốn tập để phụ huynh cho con đến học thêm.
Việc học thêm, dạy thêm ở cấp 2, 3: Ở cấp ba của tôi thành thật mà nói cũng có nhiều giáo viên chèn ép học sinh học thêm với mình như vô lớp trả
bài học sinh yếu môn mình nhiều lần, sỉ vả học sinh ngu dốt đến nỗi học sinh đó bị khủng hoảng, đến khi học sinh đó đi học thêm với mình thì không
gọi trả bài trên lớp nữa.
Rồi học sinh đi học thêm thì sẽ được “nhá trước đề” kiểm tra trong lớp, thậm chí đề kiểm tra tập trung 1 tiết. Học sinh đi học thêm sẽ được giáo viên
bộ môn cho điểm rộng, có đứa nói đi học thêm cô A, thầy B là để “mua điểm” hay “mua bảo hiểm” lên lớp.
Nhưng trời ơi, học sinh cấp 3 cũng ghê lắm, giáo viên chèn ép chúng thì với phương tiện thông tin xã hội rộng như hiện nay, bọn trẻ cũng không chịu
thua đâu.
Bọn trẻ sẽ lên Facebook, Zalo, Viber, Confession của trường mình nói này nói nọ, một đứa nói, bao nhiêu đứa nhiệt tình “like” và còn bổ sung chế
nhạo chuyên môn hay tính cách của cô A, thầy B, rồi kể ra đủ thứ “kinh nghiệm” khi học với cô, với thầy đó.
Có đứa nói suốt ngay cả khi không còn học giáo viên đó nữa, và sau khi ra trường cũng vậy.
Nên giáo viên cấp 3 cũng đừng ỷ mình là thầy là cô mà có quyền “sinh sát” học sinh, cho chúng là những đứa “trẻ trâu”, bởi chỉ cần không học giáo
viên đó nữa là bọn trẻ chia sẻ kinh nghiệm cho tất cả mọi người biết, thậm chí khi vẫn còn học với giáo viên đó bọn trẻ cũng không từ, dĩ nhiên là
không nói trước mặt giáo viên đó thôi.
Tại sao học sinh thích học thêm giáo viên đang dạy trong trường?Ngoài những lý do tiêu cực mà tôi nói trên, không ít học sinh, nhất là lớp 12 rất cần củng cố kiến thức những môn chính để chuẩn bị thi tốt nghiệp
hoặc những môn chúng đăng ký thi tuyển đại học.
Học sinh đi học thêm giáo viên trong trường vì cảm thấy những giáo viên này đáp ứng được nhu cầu của chúng: Nếu cần thêm giờ luyện tập các kỹ
năng, giáo viên ở trường dễ hiểu tâm lý chúng hơn giáo viên dạy trung tâm.
Hơn nữa trường học luôn gần nhà hơn nên sắp xếp thời khóa biểu đi học thêm. Lý do thứ ba là học phí học thêm ở trường đang học cũng dễ chịu
hơn so với ở các trung tâm.
Về phía giáo viên, hầu hết đều mong muốn được dạy thêm trong trường mình đang công tác vì cảm thấy “danh chính, ngôn thuận”, việc dạy thêm ở
nhà hay thuê mướn chỗ bên ngoài là chẳng đặng đừng.
Việc cấm giáo viên dạy thêm trong trường học và cấm giáo viên dạy thêm ở nhà chỉ làm cho mọi thứ trở nên tiêu cực thêm mà thôi.
Chiều nay, đọc trên facebook, tôi thấy có người nói đại ý là “Luật pháp là gì? Luật pháp là để người ta làm luật” mà thôi, câu nói này sao mà rất
đúng với tình cảnh của chúng tôi hiện nay!!
Thiên Thanh Giáo viên, từ Tp.Hồ Chí Minh (BBC)