Bác sĩ Huy Nguyễn đang chia sẻ một câu chuyện vui với bà Shah-Rais. (Leonard Ortiz/ O.C Register)
Trong tháng Tám vừa qua, một bài viết đăng trên nhật báo Orange County Register đã viết về một bác sĩ Mỹ gốc Việt cứu được mẹ của một bạn thân của anh. Câu chuyện có những tình tiết rất nhân bản, sâu đậm hơn một bản tin bình thường về vụ cứu người bệnh. Bài báo này đã được nhiều nhật báo khác đăng lại trên khắp nước Mỹ. Mời bạn đọc bài dịch lại dưới đây.
Cú điện thoại lúc 10 giờ 30 tối thứ Bảy đối với một bác sĩ cũng là chuyện bình thường- một phụ nữ, sáu mươi mấy tuổi, nhồi máu cơ tim. Nghẽn động mạch 90%.
Thế nhưng có một cái gì đó mà bác sĩ Nguyễn Huy nghe được qua điện thoại… một cái gì đó bất thường làm anh sửng sốt, không thể nào tin. Lúc đó anh đang xem TV, ba đứa con đang ngủ trên giường.
Đó là cái tên của bệnh nhân, Sha- một cái tên Trung Đông, khó đọc. Bác sĩ phòng cấp cứu cố giải thích.
“Anh ta phát âm sai tên của bà ấy,” BS Huy kể lại.
Đó là khi bác sĩ họ Nguyễn thoáng nghe giọng nói chen vào của bệnh nhân. Đó là đêm 27 tháng Hai, một cái đêm mà anh sẽ còn nhớ mãi sau này.
“Bảo anh ấy tôi là bà Shah-Rais,” người bệnh nói.
“Thiệt tình khi nghe tên bà ấy, tôi lạnh cảy xương sống,” anh Huy kể.
Sau đó anh chạy hết ga tới bệnh viện Hoag ở Irvine. Mất có 8 phút.
“Khi tôi nghe giọng nói của bà, mọi hồi ức sống lại trong tôi. Lòng tôi tràn đầy xúc động,” anh Huy kể.
*
Nguyễn Huy, 43 tuổi, cùng với gia đình vượt biển sang Mỹ năm 1979. Không may, cha của Huy bị bệnh ung thư máu và qua đời mấy tháng trước khi họ đi được. Cha của anh cũng là một bác sĩ,
Cả nhà họ Nguyễn được một tàu chở hàng Anh Quốc cứu từ một chiếc thuyền con.
Năm 1982, họ chuyển đến Irvine. Anh Huy còn nhớ mãi cái ngày đầu tiên vào lớp Hai của trường Tiểu Học University Park. Giáo viên cứ đọc sai cái tên của anh.
Một cậu khác trong lớp đó cũng có một cái tên khó đọc, Bardia Shah-Rais. Hai đứa trở nên thân nhau vì đều có tên bị đọc sai.
“Cậu ấy quậy phá... nhưng cũng rất thân thiện, cởi mở,” Huy kể về người bạn mới. “Cậu ấy đem tên tôi ra chọc ghẹo.”
“Có lẽ đúng vậy,” anh Bardia Shah-Rais nói. Anh hiện là phó giám đốc phụ trách sản xuất một chương trình thể thao cho đài Fox Sports. “Bọn tôi trở nên thân như anh em.”
Gia đình Shah-Rais cũng là người tị nạn. Ông Cambyse và bà Shanaz Shah-Rais, sau những biến động chính trị, đã đưa cả nhà từ Iran đến Irvine sinh sống.
Cambyse Shah-Rais đã trở thành người giữ vai trò cha thay cho người cha quá cố của Huy. “Cha tôi khi thì chở Huy đi tập chơi bóng rổ, khi thì chở cậu ấy ra tiệm bánh doughnut,” Bardia kể.
Hai anh chàng còn nhớ những ngày nghịch ngợm- giăng giấy toilet phủ các ngôi nhà, bơi chui ở các hồ bơi công cộng. Có lần họ trốn học để xem Howard Stern trình diễn. Khi học lớp 5, hai cậu được Cambyse chở tới Inglewood Forum rồi thả ở đó cho xem đội Lakers chơi bóng rổ.
“Ông ấy yêu lũ trẻ,” bà Shamaz nói về chồng của mình.
*
Ngày 27 tháng Sáu, 1992, cuộc sống của họ đổi thay vĩnh viễn.
Shanaz về nhà thì thấy ông Cambyse trên sàn. Ông bị nhồi máu cơ tim.
“Tất cả như tối sầm lại,” bà vừa khóc vừa kể.
Một chiếc xe cứu thương đưa ông tới bệnh viện mà nay là Hoag Hospital Irvine. Khi không liên lạc được với con trai Bardia bằng điện thoại, bà đã gọi Huy và cho anh biết tình hình rất nghiêm trọng với chồng bà Huy đã lái khắp Irvine kiếm Bardia. Cuối cùng cũng tìm được.
“Cậu ấy chở tôi đến bệnh viện,” Bardia kể.
Huy đang đứng với bà Shanaz và bạn Bardia trong phòng cấp cứu thì bác sĩ bước ra.
“Ông nói, Xin lỗi, chúng tôi đã cố gắng hết sức,” bà Shanaz kể lại.
Bardia ôm mẹ. Rồi anh ôm bạn mình.
“Một ngày buồn nhất đời tôi,” Bardia nói.
*
Bardia Shah-Rais vào Đại Học Seton Hall học kỹ thuật truyền thông. Anh kiếm được việc ở đài Fox, rồi được thăng chức. Hôm thứ Sáu, anh ở New York làm phân đoạn về trận cuối cùng cầu thủ Alex Rodriguez chơi cho đội Yankee.
Nguyễn Huy vào Đại Học Y Khoa Chicago học chuyên khoa tim.
“Tôi thấy trường Y hợp với mình,” Huy nói,
Hai người bạn chưa bao giờ mất liên lạc với nhau.
Lẽ ra Huy đã có thể làm bác sĩ bất cứ nơi nào ở Hoa Kỳ, nhưng anh đã chọn Irvine.
“Tôi muốn gần với gia đình,” Nguyễn nói.
*
Ngày 27 tháng Hai, bà Shanaz ăn cơm tối một mình trong nhà ở Irvine. Bardia lúc đó đang ở Thụy Sĩ làm một đoạn phim truyền hình về bóng đá.
Shanaz bị một cảm giác giống như “ựa hơi trong lòng ngực.” Không có gì khác hơn, bà thấy môi trên của mình đổ mồ hôi.
Khi cái cảm giác kỳ lạ đó không thuyên giảm, bà tự lái xe đến phòng cấp cứu Bệnh Viện Hoag.
Bà bị nhồi máu cơ tim, bác sĩ tim mạch của bà lại không có ở trong thành phố.
Bà còn nhớ đã hỏi các y tá, “Ở đây có bác sĩ họ Nguyễn gì đó không?”
Thật ngẫu nhiên là đúng ngày đó bác sĩ Huy phải chờ nghe điện thoại từ bệnh viện dù đang nghỉ ở nhà.
Anh chạy như bay đến bệnh viện, quay cuồng với ý nghĩ bà Shanaz từng mất đi người chồng như thế nào trong cùng một bệnh viện.
Anh tạo một lỗ thủng nhỏ nơi cổ tay của bà, rồi nhét vào đó môt cọng kim loại để đẩy xuyên suốt tới tim, khai thông động mạch bị nghẽn.
“Như thể con trai của tôi đang ở đó để lo cho tôi,” Bà Shanaz nói.
Huy ở lại với bà cho đến 4 giờ sáng. Rồi anh đưa mẹ ruột đến ngồi với bà.
“Tôi không muốn để bà nằm một mình,” Huy nói.
*
Shanaz giờ đã khỏe. Bác sĩ Huy đã thuyết phục bà ngưng hút thuốc. Bà khoe miếng dán cai thuốc anh cho.
“Ai ngờ có ngày cậu ấy đã cứu mạng tôi?” bà nói.
Bardia nói anh không biết phải làm sao để đền ơn bạn mình.
“Không một ngày nào trôi qua mà tôi không nhớ ơn anh ấy đã có mặt lúc đó,” Bardia tâm sự. “Nhờ có anh mà tôi còn có mẹ trên đời.”
Theo báo Viễn Đông