(Credit: ABC Licensed) .Các nhà khoa học vừa tạo ra một bước đột phá được chờ đợi từ lâu trong lĩnh vực nhân bản ở người: sử dụng tế bào da người để tạo phôi ở giai đoạn đầu.
Trong sự kiện được miêu tả là “mốc quan trọng” trong y khoa, các nhà nghiên cứu từ Đại học Sức khỏe và Khoa học Oregon (Mỹ) đã sử dụng thành công một kỹ thuật dùng tế bào da và trứng từ phụ nữ để tạo một phôi có bản sao di truyền của tế bào da gốc.
Phôi được tạo ra sau đó trở thành nguồn tế bào gốc có thể dùng để tạo ra những tế bào mô chuyên biệt cho các ca phẫu thuật cấy ghép.
Tuy nhiên, các nhà khoa học không cho rằng có thể áp dụng kỹ thuật này để nhân bản người theo mục đích sinh sản.
“Chúng tôi vẫn tin rằng các tế bào gốc được tạo ra không có tiềm năng trở thành phôi và được dùng để nhân bản theo cơ chế sinh sản,” tiến sĩ Shoukhrat Mitalipov phát biểu trên chương trình thời sự của ABC. “Các tế bào gốc này về cơ bản chỉ có thể tạo thành những tế bào và mô khác, và thậm chí những bộ phận cơ thể khác.”
Các nhà khoa học đã nghiên cứu các tế bào của khỉ bằng kỹ thuật này nhiều năm nhưng chưa tạo ra một chú khỉ nhân bản nào. Hơn nữa, do tế bào người được sử dụng trong nghiên cứu mỏng manh hơn, các nhà nghiên cứu khẳng định không thể nhân bản con người.
“Mặc dù các bước đột phá trong kỹ thuật truyền hạt nhân thường dẫn tới các cuộc thảo luận của dân chúng về khía cạnh đạo đức trong vấn đề nhân bản con người nhưng đó không phải là tiêu điểm của chúng tôi và chúng tôi cũng không tin rằng phát hiện sẽ được các nhà khoa học khác áp dụng để tiếp tục nghiên cứu khả năng nhân bản con người,” các nhà khoa học viết.
Các nhà khoa học hi vọng nghiên cứu về tế bào gốc sẽ mở đường cho cuộc chiến chống lại bệnh Parkinson, đa xơ cứng, tổn thương tủy sống và mù lòa. Tiến sĩ Mitalipov cho biết do các tế bào được lập trình lại sử dụng vật liệu di truyền từ bệnh nhân nên không cần lo lắng sẽ xảy ra hiện tượng đào thải khi cấy ghép.
Nhóm nghiên cứu đã rất ngạc nhiên trước những thành công đạt được. Ông Mitalipov nói: “Đây là một dự án thực sự thú vị và chúng tôi đã thành công rất nhanh chóng. Chúng tôi đã không mong đợi dự án thành công tới mức đó. Chúng tôi bắt đầu tháng Chín năm ngoái và đến giữa tháng Mười hai, chúng tôi đã tạo ra một vài dòng tế bào gốc.”
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí ‘Cell’ và sử dụng những kỹ thuật giống như phương pháp nhân bản chú cừu Dolly ở Scotland vào năm 1996. Tuy nhiên, khác với Dolly, phôi người không bị hủy hoại khi tách tế bào gốc.
Mặc dù được hoan nghênh, bước đột phá vẫn dấy lên những quan ngại về khía cạnh đạo đức trong việc tạo ra phôi người cho mục đích y khoa. Các nhà khoa học cho biết các nguồn tế bào gốc khác có thể dễ dàng hơn và ít gây tranh cãi hơn. Môt số cuộc thử nghiệm sử dụng tế bào gốc từ phôi được hiến tặng để phục hồi thị lực cho con người.
Ông Martin Pera, giáo sư khoa học tế bào gốc tại Đại học Melbourne, cho rằng phát hiện cực kỳ thú vị. “Mặc dù các nhà khoa học đã có thể nhân bản và tạo các dòng tế bào gốc bằng phương pháp nhân bản ở các loài khác, việc này ở người cực kỳ khó,” ông Pera phát biểu. “Bằng việc tinh chỉnh công nghệ và sử dụng các kiến thức chi tiết về sinh sản ở người, nhóm nghiên cứu đã làm cho kỹ thuật này khả khi với con người. Và đó là một thành tựu rất ý nghĩa.”
Ông Pera cho rằng các nhà khoa học Úc nên tìm hiểu cách áp dụng kỹ thuật này để điều trị cho bệnh nhân. Theo ông, cộng đồng khoa học, y khoa và những bệnh nhân mắc các chứng bệnh trên đều rất vui mừng. Tất nhiên phương pháp tiếp cận mới được phép thực hiện ở Úc và các nhà khoa học Úc nên theo đuổi hướng nghiên cứu này. “Nhìn chung, chúng ta tìm kiếm tiềm năng chữa khỏi bệnh và khi tiềm năng đó biến thành hiện thực thì những ý kiến phản đối sẽ không còn nữa,” ông Pera nhận định.
Source: ABC Australia