Trong tuần rồi có một ngày độc đáo: ngày 21 tháng 9 được gọi là Ngày Quốc Tế Hòa Bình -- International Day of Peace. Đó là ngày theo quy định của Liên Hiệp Quốc, để gọi là: Nâng cao nhận thức về Hòa bình quốc tế…
Hòa bình là một trong những ước mơ đẹp nhất của nhân loại. Đó là, rãnh rang, thảnh thơi, không lo nghĩ, thoát mọi căng thẳng của bạo lực, không phải chạy đạn, khỏi phải sợ pháo kích…
Ca dao ông bà mình có kể về ước mơ này:
Bao giờ đồng ruộng thảnh thơi
Nằm trâu thổi sáo vui đời Thuấn Nghiêu.
Hay là trong ca khúc Ly Rượu Mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã viết những dòng thiết tha về hòa bình:
“…Bạn hỡi, vang lên
Lời ước thiêng liêng
Chúc non sông hoà bình, hoà bình
Ngày máu xương thôi tuôn rơi
Ngày ấy quê hương yên vui
Đợi anh về trong chén tình đầy vơi
Nhấc cao ly này
Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do
Nước non thanh bình
Muôn người hạnh phúc chan hoà
Ước mơ hạnh phúc nơi nơi
Hương thanh bình đang phơi phớị...”
Tự điển Bách khoa Mở kể rằng, Ngày quốc tế Hòa bình, cũng gọi là Ngày Hòa bình thế giới, viết tắt IDP (International Day of Peace), diễn ra hàng năm vào ngày 21 tháng 9. Ngày này được cống hiến cho Hòa bình, và đặc biệt là sự không có chiến tranh, chẳng hạn như có thể là do việc ngừng bắn tạm thời trong một khu vực có chiến tranh. Ngày quốc tế Hòa bình được nhiều quốc gia, dân tộc, các nhóm chính trị và quân sự tuân thủ. Ngày quốc tế Hòa bình đầu tiên được tổ chức lần đầu trong năm 1981.
Để khai mạc ngày này, "Chuông Hòa bình" ở Trụ sở Liên Hiệp Quốc (tại thành phố New York, Hoa Kỳ) bắt đầu ngân vang báo hiệu. Chuông này được đúc từ các đồng tiền kim loại quyên góp của các trẻ em từ khắp các châu lục ngoại trừ châu Phi. Đó là món quà tặng của "Hiệp hội Liên Hiệp Quốc" của Nhật Bản, và được coi như "một lời nhắc nhở về phí tổn nhân mạng cho chiến tranh". Các chữ khắc ghi trên mặt chuông như sau: "Vạn tuế hòa bình tuyệt đối trên thế giới". Các cá nhân cũng có thể mang phù hiệu Chim bồ câu hòa bình màu trắng để kỷ niệm ngày quốc tế Hòa bình, do một tổ chức phi lợi nhuận của Canada sản xuất.
Có thể hòa bình được chăng? Biển Đông sẽ ngưng dậy sóng? Biết tới bao giờ sẽ hết nỗi lo?
Phải chăng, nhân quả của bạo lực là từ lòng tham sân si khởi lên, khi sắc tộc này hay chính phủ kia, bỗng nhiên muốn chiếm đất, chiếm biển, chiếm rừng… Hòa bình là hình ảnh đẹp nhất, nhưng không phải lúc nào cũng có được…
Cô Tư Sài Gòn