Kể từ khi nhân loại phát minh ra tiền và dùng nó làm bản vị cho các cuộc trao đổi, giao dịch thì nó giúp cho việc buôn bán được nhanh chóng và tiện
lợi. Có thể nói, tiền đã góp một phần không nhỏ đưa thế giới chúng ta đang sống tiến đến văn minh như ngày nay.
Hơn nữa, giữa tiền và người còn có mối liên hệ tình cảm gắn bó. Nhớ ngày xưa còn bé, mỗi khi cầm được đồng tiền và mân mê nó trên tay, ta có
cảm giác như đang được sở hữu một phần của cải nho nhỏ của mình. Rồi ta cất kỹ nó vào trong túi, đến tối đi ngủ thì cẩn thận giấu nó dưới gối.
Sáng ra thức dậy, việc đầu tiên là lật gối lên để nhìn thấy nó vẫn còn đó, vẫn nằm ngoan ngoãn đúng ngay nơi ta đặt nó đêm hôm trước. Sau đó, ta
cầm tờ bạc đến một tiệm tạp hóa đầu xóm, mua một cục kẹo, một miếng bánh hay một cây kem. Cái cách ta sử dụng đồng tiền dạy ta bài học vỡ
lòng về cái quy luật trong xã hội chúng ta sống: tất cả mọi việc xảy ra trên đời ít nhiều đều là những cuộc trao đổi, có qua và có lại; không ai được
nhận hết mà cũng chẳng ai phải cho hết.
Nhưng sống vào thời đại mà muốn mua một cuốn sách, xem một cuốn phim hay nghe một bản nhạc, người ta đều có thể làm được qua internet và
thanh toán hóa đơn bằng nhiều hình thức khác mà không phải bằng tiền mặt. Nói cách khác, trong những trường hợp trao đổi, mua bán qua internet,
người ta không thể dùng tiền mặt để thanh toán. Điều này cho thấy tiền ngày càng mất uy thế của nó và đôi khi trở nên vô dụng.
Kể từ khi tấm thể tín dụng xuất hiện cách đây hơn nửa thế kỷ, đã có nhiều người tiên đoán ngày tàn của tiền, nhưng điều đó vẫn chưa xảy ra. Nay,
ngoài thẻ tín dụng người ta còn có thêm những cách chi trả khác nữa như paypal hoặc qua điện thoại di động (Apple Pay hay Google Pay) và một
lần nữa có người lại tiên đoán và nói rằng năm 2020 sẽ là thời điểm không còn ai sử dụng tiền mặt nữa. Chúng ta không thể đoán trước được
chuyện gì sẽ xảy ra trong vòng bốn hay năm năm tới, nhưng có thể nói rằng bỏ không dùng đến tiền mặt nữa ngay vào lúc này hay trong vài năm tới
vẫn chưa thích hợp, hay nói cách khác, vẫn chưa sẵn sàng. Đi ăn tại một nhà hàng nhỏ hay mua một món hàng ở một tiệm tạp hóa nho nhỏ, nhiều cơ
sở kinh doanh loại này đến nay vẫn chỉ thanh toán bằng tiền mặt (cash only) mặc dù rõ ràng làm ăn kiểu này mang đến nhiều bất tiện và bất lợi cho
việc kinh doanh của họ, và ta thấy trong trường hợp này, vai trò của tiền mặt vẫn cần thiết, tuy không còn được như trước nữa.
Tuy nhiên, sinh hoạt xã hội thay đổi không chỉ là nguyên do duy nhất khiến tiền mặt không còn cần thiết trong sự vận hành của xã hội thực ra còn
nhiều nguyên do khác nữa.
Theo ý kiến của giáo sư Kenneth S. Rogoff thuộc Đại học Harvard, tiền mặt, đặc biệt loại tiền có giá trị cao như tờ $100 có hình ông Benjamin
Franklin, chính là nguyên nhân gây ra tội ác và bất ổn cho xã hội: gian lận, tống tiền, rửa tiền, buôn thuốc cấm, chuyển người lậu, tham nhũng, và
thậm chí khủng bố. Thực ra, ngoài tiền mặt còn có những cách thanh toán khác như dùng loại tiền riêng bí mật, hoặc dùng vàng và kim cương để
trao đổi – nhưng với phần lớn những vụ làm ăn phi pháp, tiền mặt vẫn giữ một vị thế cao nhất, vì nắm được đồng tiền trong tay là nắm giữ một giá trị
thật sự đã được bảo đảm. Hơn nữa, danh tánh được bảo mật tuyệt đối, gọn nhẹ dễ mang theo bên mình, và nhất là được mọi người chấp nhận và
tin tưởng.
Tiền mặt còn giúp người ta dễ trốn thuế. Theo sở thuế IRS, chính quyền liên bang mỗi năm thất thu tiền thuế khoảng $500 tỉ, mà phần lớn là những
cơ sở kinh doanh nhỏ, sử dụng loại tiền mặt có giá trị nhỏ, thì không cách nào sở thuế có thể kiểm soát nổi, và khai thuế cuối năm là một việc làm
hoàn toàn tự giác. Ngược lại, những cơ sở kinh doanh thanh toán hoá đơn phần lớn bằng chi phiếu, thẻ tín dụng hay qua hệ thống điện tử thì rất dễ
bề cho nhân viên sở thuế kiểm soát và sẽ thấy ngay cơ sở nào có gian ý.
Cũng theo ý của giáo sư Rogoff, xóa bỏ hay giảm bớt việc sử dụng tiền mặt sẽ không thể thay đổi được tính tình của con người, và một người đã có
gian ý thì dù trong hoàn cảnh nào cũng sẽ tìm cách khác để gian lận. Nhưng rõ ràng là khi tiền mặt còn lưu hành trong xã hội, nhất là trong hoạt động
kinh doanh ngầm, thì lại càng khuyến khích người ta có những hành vi phi pháp.
Hiện nay, cuộc tranh cử tổng thống ở Mỹ đang diễn ra quyết liệt với rất nhiều đề tài về xã hội và chính trị đang được bàn đến, trong đó vấn đề di dân
bất hợp pháp là một trong những đề tài gây nhiều tranh cãi nhất, và cuộc tranh cãi có lẽ sẽ còn kéo dài cho đến sau ngày bầu cử nữa. Mà nguyên
nhân cốt lõi của vấn đề, theo giáo sư Rogoff, chính là tiền mặt, vì hầu hết các chủ nông trại hiện nay trả lương nhân công bằng tiền mặt. Nếu như giả
dụ có một luật lệ nào đó ràng buộc các chủ nhân không được quyền trả lương cho những người lao động bất hợp pháp bằng tiền mặt, thì chắc chắn
là những công việc làm ở các nông trại sẽ không còn hấp dẫn nữa, và làn sóng di dân lậu vượt biên giới vào Mỹ sẽ giảm đáng kể. Nói cách khác, bỏ
dần việc sử dụng tiền mặt là cách để giải quyết vấn đề di dân lậu, hơn nữa, lại là cách giải quyết vừa nhân đạo lại vừa có lý hơn là cứ lớn tiếng đòi
xây bức tường khổng lồ dọc theo biên giới rất nhiều tốn kém.
Các nhà nghiên cứu phỏng đoán hiện số tiền mặt lưu hành bên ngoài hệ thống tài chánh chính quy nếu đổ đồng cho mỗi người dân Mỹ là khoảng hơn
$4,200 mỗi người, trong số đó, gần 80% là tờ bạc $100. Vậy, nếu chính phủ Mỹ quyết định bỏ việc sử dụng tiền mặt thì trước hết phải bỏ tờ $100,
sau đó bỏ dần tờ $50 và $20. Tờ $10, $5 và $1 thì có thể giữ lại để dùng trong những trường hợp cần đến vì loại tiền nhỏ này không ảnh hưởng
nhiều và chỉ chiếm khoảng 3% giá trị của tổng số tiền mặt đang lưu hành hiện nay.
Bỏ hẳn tờ $100 còn có một lý do quan trọng khác nữa là sẽ làm cho những tay làm ăn phi pháp khó có thể mang theo bên người hay khi cần cất giấu
một số lượng tiền lớn. Một triệu Mỹ kim bằng tờ $100 cân nặng khoảng 22 pounds (10 ký) và có thể giấu gọn trong một túi xách. Nhưng với tờ $10
thì không dễ như vậy. Thử tưởng tượng một núi tiền nặng 220 pounds thì phải cần đến những thùng hay những rương lớn mới có thể chứa được và
đương nhiên là kềnh càng vô cùng, và do đó, những kẻ gian tà sẽ phải mất nhiều thì giờ, công sức để làm công việc đếm, kiểm tra, di chuyển và cất
giấu. Chính quyền còn có thể làm nản lòng những người có gian ý hơn nữa bằng cách đặt ra một giới hạn tối đa số tiền mặt người ta có thể trả trong
những cuộc mua bán tại các cửa hàng bán lẻ, kiểu như khi bước vào một tiệm tạp hóa ở Mỹ về đêm, nhân viên thâu ngân chỉ nhận tờ bạc trị giá
không quá $20.
Tuy nhiên, việc lưu hành tiền, nhất là những tờ $10 hoặc nhỏ hơn thì chắc có lẽ vẫn cần duy trì lúc này, vì tiền mặt vẫn được sử dụng cho hơn một
nửa các cuộc mua bán dưới $10 ở các cửa hàng bán lẻ. Mặc dù vậy, các dữ liệu cho thấy càng ngày người ta càng tiêu xài nhiều và khi những món
tiêu xài vượt quá $100 thì thường người ta trả bằng thẻ ngân hàng, còn không thì thẻ tín dụng, chi phiếu hay qua hệ thống chuyển ngân điện tử chứ ít
khi bằng tiền mặt.
Hiện vẫn còn nhiều người nghèo, nhất là những người đang ăn tiền trợ cấp của chính phủ, vẫn lệ thuộc nhiều vào tiền mặt, vì một điều là những người
nghèo này không có thẻ tín dụng, hay thậm chí, không có trương mục ngân hàng. Nhưng nếu như chính phủ hay cơ quan tài chánh muốn chu cấp thẻ
ngân hàng cho họ thì việc làm này cũng không mấy tốn kém mà lại tiện lợi cho cả đôi bên. Và khi chính phủ chuyển tiền trợ cấp vào trong trương mục
của họ thì sẽ được an toàn hơn, đơn giản hơn và bớt tốn kém cho công quỹ.
Những lần tiên đoán trước đây về số phận của tiền mặt đã không xảy ra, nhưng lần này, với kỹ thuật ngày càng tân tiến và hầu như ai cũng sở hữu
một chiếc điện thoại thông minh hay một máy điện toán thì kế hoạch bỏ hoàn toàn việc sử dụng tiền mặt, hoặc bỏ một phần, là có thể thực hiện
được. Vả lại, hiện Bộ Tài chánh đang rất cần thu thêm thuế cho ngân sách quốc gia mà không muốn tăng thuế của người dân; Bộ Nội an thì quan tâm
đến vấn đề tiền mặt lưu hành sẽ tạo điều kiện dễ tài trợ cho các hoạt động khủng bố; trong khi Bộ Tư pháp thì lại lo ngại hơn bao giờ hết về vai trò
của tiền mặt trong các hoạt động phi pháp; và đối với các giới chức lo vấn đề kiểm soát di dân bất hợp pháp thì việc thôi không sử dụng tiền mặt nữa
chắc chắn là ăn đứt kế hoạch xây bức tường biên giới.
Cái ngày mà những tờ tiền giấy hay tiền đúc biến mất khỏi sinh hoạt xã hội, hay ít ra là không còn thấy tràn lan như hiện nay, có lẽ đã gần kề.
Ngẫm nghĩ lại, số phận của đồng tiền quả thật cũng ba chìm bảy nổi như số phận cô Kiều, nhưng có phần bi đát hơn. Ít ra thì cô Kiều, sau 15 năm
lưu lạc, vẫn có một kết cuộc có hậu là được tái hợp cùng Kim Trọng. Trong khi số phận của đồng tiền lại không được may mắn như thế, mặc dù nó
đã đóng góp rất nhiều cho bước tiến của văn minh nhân loại, nhưng khi đã hoàn tất nhiệm vụ của nó rồi thì người ta không cần đến nó nữa thì bắt
buộc nó phải từ từ biến mất, Đó là quy luật tự nhiên chẳng ai có thể thay đổi được. Thương thay!
Huy Lâm