Ảnh: Dân Trí
Những sự kiện dồn dập trong những ngày vừa qua về vụ 600 ngư dân Nghệ An đi kiện công ty Formosa tại Hà Tĩnh, đã khiến nhiều người Việt Nam cả trong lẫn ngoài nước đổ dồn sự chú ý về người ngư dân. Ai cũng ngưỡng mộ những ngư dân khốn cùng này về sự dũng cảm, tính kỷ luật trên con đường đi đấu tranh đòi lại biển sạch cho quê hương Việt Nam. Để ca ngợi người ngư dân, có người chợt hỏi: hình ảnh người ngư dân Việt Nam đã được phác họa trong những ca khúc Việt ra sao?
Tìm tòi lục lọi, chúng ta có thể nhận ra rằng những ca khúc viết về người ngư dân Việt Nam thật là ít, so với người nông dân. Điều này cũng dễ hiểu, vì người Việt Nam tự bao đời nay vẫn sống bằng nghề nông là chính. Nhưng không phải vì thế mà những ca khúc về người ngư dân Việt kém phần đặc sắc.
Bài hát tiêu biểu nhất cho người ngư dân Việt có lẽ chính là ca khúc Tiếng Dân Chài của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Là một trong những ca khúc hiếm hoi viết về người ngư dân, nhưng Tiếng Dân Chài là một trong những ca khúc xuất sắc, nổi tiếng thuộc hàng bậc nhất, cuả một nhạc sĩ lớn với nhiều ca khúc để đời: Ly Rượu Mừng, Hội Trùng Dương, Đôi Mắt Người Sơn Tây… Tiếng Dân Chài là một ca khúc hoàn chỉnh từ nhạc đến lời, từ giai điệu đến tiết tấu. Chỉ cần nghe những câu hát đầu tiên của Tiếng Dân Chài, khán giả đã có thể hình dung ra một khung cảnh tuyệt đẹp, hùng vĩ, của một đoàn người ngư dân đi kéo lưới vào một đêm trăng:
Đêm dâng với ngọn triều. Dô à dô kéo thuyền nhổ neo
Vi vu buồm lên cao. Dô à dô sóng reo dạt dào.
Trăng lên vừa nhô xa. Con thuyền trôi trong trời bao la.
Mái chèo này chèo xa tắp bến bờ. Mau cùng nhau anh em ta ...
Đặc biệt nhất, tác giả còn đưa được một cách khéo léo tiếng “hò dô ta” của người ngư dân vào trong bài hát. Người nghe có thể tưởng tượng được hình ảnh người ngư dân đang cùng kéo lưới trên thuyền, với sự nhịp nhàng của kiếp cần lao, nghèo mà vui cùng sống nước:
…Dô dô dô hò hò… Tay bàn tay siết chặt trôi mau
Sông sâu (là) sông sâu. Sông này nuôi sống dân chài nghèo.
Anh em cùng ra đây khoang thuyền
Đây tay chài tay lưới. Ấy đời nhọc nhằn mà vui…
Khó mà có thể viết một ca khúc sống động, trung thực hơn về ngư dân như vậy! Có người đã thắc mắc rằng, nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã sống bao lâu với người dân chài, mà có thể mô tả về họ một cách tài tình đến thế?
Cố nhạc sĩ Phạm Duy, trong Trường Ca Mẹ Việt Nam, trong phần Biển Mẹ, có những ca khúc viết về người ngư dân thật thanh bình, hiền hòa. Được gọi là “một nhà phù thủy âm nhạc”, với nghệ thuật đưa giai điệu dân ca Việt vào trong ca khúc, với cách viết lời ca bình dị nhưng thấm sâu vào lòng người, Biển Mẹ là tập hợp những đoản khúc tuyệt đẹp viết cho biển, cho thuyền, cho người ngư dân. Hãy nghe đoản khúc Thên Thanh Thuyền Về, với nhịp điệu của những cơn sóng vỗ vào mạn thuyền, với hình ảnh của những cánh buồm ra khơi căng gió, được đón chào bởi Biển Mẹ hiền hòa, độ lượng:
Buồm căng, buồm căng, lộng gió, lộng gió thênh thang
Thênh thang thuyền về
Trên sóng trường giang, thênh thang thuyền về
Thuyền về trên lớp sóng vui, trên sóng vui…
Thuyền về trên lớp sóng vui, vui vui vui là vui
Ðàn con về với, với, với biển khơi, khơi Mẹ già
Mẹ già đang đón chờ ta, đang đón ta…
Nhiều người đã không cầm được nước mắt, khi nghe những câu kết của đoản khúc này. Chuyển sang giai điệu Cò Lả (dân ca Miền Bắc), Phạm Duy đã để cho Biển Mẹ kêu gọi những đứa con Việt Nam biết yêu nước thương nòi, biết thương yêu lẫn nhau:
…Về đây xây đắp mối tình ôi tình Việt Nam
Yêu nhà yêu nước, nước, nước và thương thương mọi người
Tình tính tang tang tính tình, yêu Mẹ già thương mẹ ta
Đàn con nhớ, nhớ yêu nhau. Đàn con nhớ, nhớ thương nhau...
Đời sống của người ngư dân những ngày xa xưa dù có cơ cực, nhưng mà thanh bình, nhân hậu như vậy đó!
Mời nghe ca khúc Thênh Thang Thuyền Về trong Biển Mẹ, trên Youtube daophantuan là ca khúc thứ ba sau hai bài Mẹ Trùng Dương và Biển Đông GỢn Sóng
VIDEO Còn ngày hôm nay, cuộc sống của người ngư dân Việt ra sao? Câu trả lời hầu như người Việt nào cũng đã thấy! Bờ biển bị đầu độc bởi những kẻ ngoại bang được sự tiếp tay của những chính quyền CSVN. Ra khơi, ngư dân bị bắt bớ, phá tàu, giết hại bởi kẻ thù phương Bắc, cũng dưới sự bất lực của chính quyền CSVN. Vào năm 2011, nhạc sĩ Tuấn Khanh đã xúc động trước cảnh ngư dân Việt bị Trung Cộng giết hại mà viết thành ca khúc “Viết Về Những Ngư Dân Việt Nam”. Giai điệu chậm buồn, như lời thở than cho xác người ngư dân trên biển:
Đêm nay gió lên rồi
Mà đường về xa lắm em ơi
Biển xanh nay nghe tù tội
Phận người theo con sóng trôi.
Chim ơi bay phía chân trời
Gửi lời này đến quê tôi
Quê tôi xa xôi vời vợi
Nước mắt rơi thành lời
Ngửa mặt lên trời
Như xác ngư dân trôi ngoài biển khơi
Trôi theo con sóng vỗ
Trôi theo phận nước tôi
Tiếng thở than nào
trên áo tang đẫm máu
Có tiếng ai về sau
Hay linh hồn nghẹn ngào?...
Biết đến bao giờ, những cảnh tượng thanh bình của Tiếng Dân Chài, của Thênh Thang Thuyền Về mới trở lại với người ngư dân Việt Nam? Và không lẽ, người dân Việt Nam chỉ biết ngồi chờ, mà không thể làm gì khác…?
SBTN
Sửa bởi người viết 02/10/2016 lúc 10:06:41(UTC)
| Lý do: Chưa rõ