Toàn dân phài biết khai báo mọi việc với đảng, là nội dung tấm bảng trên vách ván nhà dân miền núi.
Mùa mưa tới, đường sá trơn trợt, muỗi rừng, vắt, sên và những loại côn trùng đồng sinh sôi nảy nở, việc đi lại hết sức khó khăn, lương thực dự trữ từ mùa khô cạn dần và bị cô lập nơi rừng thiêng nước độc… Đời sống của đồng bào thiểu số ở các tỉnh phái Bắc từ Thanh Hóa đến Tuyên Quang, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Cao bằng, Lào Cai…trở nên khốn đốn hơn bao giờ hết. Dường như đi đâu cũng gặp cái khổ khác nhau. Không có gì đáng sợ hơn cái đói mùa mưa. Và đã nhiều mùa mưa, suốt nhiều chục mùa mưa, cái đói nơi núi rừng Tây Bắc, Đông Bắc vẫn chưa bao giờ thôi làm cồn cào người đồng bào thiểu số.
Đói, thiếu và mong được mua nợChị Khiếu Ninh, một cư dân đồng bào Nùng ở bản Nà Chúa, huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn, chia sẻ: “Thiếu, đói thì có hai lần giáp hạt đều thiếu, đói, vào tháng Tư, tháng Năm và tháng Tám, tháng Chín. Mình cũng bắt đầu thiếu gạo rồi. Mà thiếu thì tìm cách mua chịu, đi làm thuê để có đồng tiền mà mua gạo chứ biết làm sao bây giờ! Ra ngoài để mà mua, có vụ thiếu một tháng, có vụ thiếu hai tháng. Mua nợ thì người ta cũng cho nhưng mà khó khăn…!”.
Chị Khiếu Ninh cho biết thêm là hầu như năm nào cũng giống năm nào, cứ mùa mưa tới thì cái đói cũng ập tới. Mà không riêng gì bản Nà Chúa của chị, hầu như bất kì bản làng đồng bào thiểu số người H’Mong, người Tày, người Nùng, người Thái Trắng, Thái Đen hay Dao Đỏ nào trên khắp đất Tây Bắc, Đông Bắc cũng gặp cảnh này. Đói khổ, thiếu tiền, mong được mua nợ vẫn luôn là nỗi ám ảnh mùa mưa tới.
Nói về nỗi thèm thuồng, mong mỏi được mua nợ, chị Khiếu Ninh cho biết hầu hết người đồng bào thiểu số khi mùa mưa tới, nhà nào đói quá, lương thực dự trữ không còn thì phải lội bộ từ trong bản ra đường cái quan với đoạn đường có khi cả chục cây số, nếu ngắn cũng hai, ba cây số đường trơn trợt, vắng vẻ để rồi tiếp tục đi bộ đến thị trấn để năn nỉ các chủ cửa hàng cho mua chịu, ghi sổ một ít mì tôm, cá khô mang về mà duy trì đời sống.
Thế nhưng không phải người nào cũng may mắn được chủ các cửa hàng tạp hóa cho mua chịu, cho ghi sổ! Cũng không ít người đi bộ từ sáng sớm đến trưa muộn tới nơi, năn nỉ không được gì lại phải đi tiếp các cửa hàng khác để năn nỉ mà vẫn không được gì, cuối cùng quay về bản với cái bụng đói meo. Lại phải sang nhà hàng xóm mượn đỡ một bát ngô về nấu ăn để rồi sắp xếp gia đình, cho con cái ở nhà trông nhà, có gì chạy sang nhà ông bà, cô bác ăn đỡ một miếng cho qua bữa họ xuống phố.
Thường thì xuống phố kiếm việc làm thuê. Nhưng không phải người Kinh nào cũng có sẵn việc để thuê người thiểu số làm, chủ yếu là làm các công việc nặng nhọc hoặc lặt vặt. Một số trường hợp không được ai thuê lại chuyển sang đi xin kiếm sống qua bữa và tích lũy để mang về bản nuôi con. Chị Khiếu Ninh nói thêm là chị từng trải qua cảnh tượng này, và hiện tại, bà con trong thôn bản vẫn chưa thoát khỏi cảnh này được, vẫn còn nhiều người rời bản để tìm chén cơm vào mùa mưa.
Ai cũng nghèo Ngô vẫn là thức ăn chính của người đồng bào thiểu số phía Bắc. RFA photo
Anh Tùng, một người được cho là khá giả nhất bản, ở huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, chia sẻ: “Ngô với sắn thôi. Tẻ ngô ra rồi mang về giã mà nấu giống như nấu cơm. Ăn ngô, ăn sắn hoài cũng thành quen rồi. Ở đây chủ yếu là ngô và sắn thôi, hiếm có nhà nào có gạo quanh năm lắm. Ở đây không ai có nghề nghiệp gì đâu, chủ yếu là làm thuê các công việc nặng nhọc, đi rừng vác gỗ thuê thôi. Ở đây còn nghèo lắm!”.
Cái gọi là giàu nhất bản của anh cũng chẳng có gì hơn một đàn dê chừng mười con, một con ngựa và một chiếc xe máy để chạy xe thồ những khi rảnh việc nhà. Và thu nhập trung bình của anh mỗi ngày chừng 150 ngàn đồng vào mùa nắng, mùa mưa thì được chăng hay chớ, không dễ gì kiếm được đồng bạc để mua gạo.
Nhà anh khá giả hơn những người khác trong bản là nhờ vào gia tài thừa kế được từ thời ông cố, đến nội anh, đến cha anh và anh, toàn bộ gia tài này được giữ gìn, nâng niu và ai cũng biết làm cho nó nở ra. Ngược lại, người trong bản đều nghèo khổ, nhiều người thu nhập cả tháng trời chỉ được chưa tới ba trăm ngàn đồng. Những gia đình thuần làm nông và đi củi rừng thì chẳng có gì để sống trong mùa mưa bởi hạt ngô, hạt gạo chẳng đủ để ăn giáp hạt, con gà, con lợn thì ngã lăn ra chết vì cóng khi cái lạnh về.
Anh Tùng cho biết thêm là hiện tại, mặc dù có nhiều gia đình trong bản đã bắt đầu ăn ngô hằng bữa vì thiếu gạo, mà cháo ngô ăn đến ngày thứ ba thì đi cũng nghe mùi ngô, đứng cũng nghe mùi ngô, nằm ngồi gì cũng toàn mùi ngô. Nhưng có ngô để ăn là may mắn lắm rồi, đâu phải ai cũng có ngô để mà ăn!
Anh Tùng cho biết anh vẫn luôn tự hào mình là người giàu nhất bản. Bởi anh đã biết chia sẻ sự giàu có của mình cho những người khác. Hằng ngày, khi kiếm được trăm ngàn chẳng hạn, anh luôn trích ra hai chục ngàn đồng làm quĩ dự trữ cho bà con trong bản. Khi nào có người đau ốm, anh sẽ cho mượn số tiền này. Nói là cho mượn chứ chưa bao giờ anh được hoàn vốn bởi ai cũng nghèo!
Một cán bộ Sở Lao động thương binh và xã hội ở Cao Bằng, không muốn nêu tên, chia sẻ: “Bây giờ cơ chế của nhà nước, của Đảng (Cộng sản) phát triển ấy, thì không ai đói ăn nữa rồi, rau cỏ thì nhà nào cũng trồng nên có cả rồi. Phiên chợ thì 5 ngày có một lần, thịt lợn thì mua về để dành, nhà nào có tủ lạnh thì bỏ tủ lạnh, nhà nào chưa có tủ lạnh thì mua lẻ. Nói chung thì bây giờ không có ai đói cả. Chỉ có người dân chưa được văn minh, ứng xử còn chưa có văn hóa thôi!. Chưa hiện đại thôi!”.
Ông cán bộ này cho rằng hiện tại không có người đồng bào thiểu số nào đói khổ cả. Bởi chính sách nhà nước từ trung ương tới tỉnh, huyện, địa phương luôn quan tâm cho đối tượng đồng bào thiểu số. Và chỉ số vượt nghèo, xóa đói ở Tây Bắc và Đông Bắc là rất cao. Dường như do đồng bào với thói qiuen du canh du cư và ít làm việc, siêng uống rượu nên thỉnh thoảng cũng có thiếu ăn.
Nhìn chung, ông cán bộ này bác bỏ hoàn toàn sự đói nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao miền Bắc. Ông cho rằng bọn phản động đã nói sai sự thật, đã bôi nhọ chế độ chứ thực ra không có đồng bào thiểu số đói khổ.
Mặc cho nhận xét hết sức tươi hồng của ông cán bộ, cái đói vẫn cứ kéo về đồng bào miền núi một cách bạo liệt. Và mặc cho ông cán bộ nói rằng đồng bào lười biếng, có thói quen du canh du cư, đồng bào thiểu số vẫn biết và tin rằng mình đói là do không còn đất canh tác, không còn nhiều rừng để chuyển hóa liên thửa. Nghĩa là trước đây, đồng bào có nhiều mảnh rừng, khi mảnh này bạc màu thì chuyển sang mảnh khác canh tác, cứ luân phiên canh tác xoay vòng. Bây giờ co cụm, hết đất sống.
Và cái đói lại về như một người bạn thân thiết mỗi khi mùa mưa tới. Điệp khúc đói nhưng đời ta có đảng vẫn cứ quanh quẩn như ma rừng!
Theo RFA