Người nước ngoài, Việt kiều đang tìm hiểu mua căn hộ tại một dự án ở Sài Gòn. (Hình: báo điện tử VietNamNet)
SÀI GÒN (NV) – Nhiều Việt kiều chuyển tiền nhờ người thân, người quen ở Việt Nam đứng tên mua nhà đất ở Việt Nam, để rồi mất cả tiền lẫn tình cảm.
Báo Tuổi Trẻ, ngày 9 tháng 10, loan tin, “Năm 2008, bà N.N.K., Việt kiều Mỹ, về nước thăm người thân, sau đó chuyển 3 tỉ đồng Việt Nam cho người cháu mua và đứng tên căn nhà ở quận Bình Thạnh để khi về Việt Nam có nơi ăn ở.”
Một thời gian sau, do mâu thuẫn nên người cháu đuổi bà K. ra khỏi nhà và cho rằng, nhà là của mình. Bà K. kiện người cháu ra tòa.
Tại tòa, bà K. chứng minh được số tiền gửi về tương đương số tiền mua căn nhà. Nhưng khi xét xử, giá trị ngôi nhà tăng, phát sinh số tiền chênh lệch tòa án yêu cầu người cháu trả lại đúng số tiền mà bà K. gửi về, còn số chênh lệch là công sức của người cháu.
Bà K. không đồng ý vì cho rằng nhà do bà bỏ tiền ra mua, giá trị tăng hay giảm là do bà tự chịu. Cuối cùng, tòa để hai bên tự thỏa thuận phần giá trị tăng thông qua hòa giải chia đôi phần này, còn phần tiền gốc tòa buộc người cháu phải trả cho bà K. Vụ kiện kéo dài gần hai năm, gây không ít phiền toái cho bà K.
Còn vợ chồng ông N.B.T., Việt kiều Ðức, mua một căn nhà tại quận Tân Bình từ năm 2000. Ông T. nhờ cha mẹ đứng tên và cho gia đình anh trai trông coi. Năm 2010 do mâu thuẫn, vợ chồng ông T. có ý định yêu cầu phân chia tài sản nhưng anh trai của anh T. không đồng ý bàn giao căn nhà.
Sau đó, ông T. nhờ luật sư tư vấn rồi giải quyết bằng cách hỗ trợ ông anh một khoản tiền để mua đất ở ngoại thành, tránh tình trạng “huynh đệ tương tàn” khi đưa nhau ra tòa.
Theo Luật Sư Vũ Mạnh Quỳnh, trước khi Luật Nhà Ở năm 2014 ra đời, pháp luật Việt Nam không cho phép người Việt định cư ở nước ngoài đứng tên sở hữu nhà. Vì vậy nhiều trường hợp chuyển tiền nhờ người thân mua rồi đứng tên hộ, dẫn đến khó khăn khi xảy ra tranh chấp.
Ngay cả trường hợp Việt kiều chứng minh có giao dịch chuyển tiền thì việc công nhận quyền sở hữu nhà cũng khó khăn vì chưa có quy trình cụ thể.
Tuy nhiên hiện nay, luật nhà ở đã cho phép người nước ngoài và Việt kiều được quyền mua căn hộ và nhà ở riêng lẻ với số lượng theo quy định. Việt kiều có toàn quyền như người Việt Nam khi sở hữu nhà ở, “không quá 50 năm hoặc lâu dài tùy trường hợp,” nhưng nhiều người không hiểu rõ được thông tin này.
Theo ông Quỳnh, một số trường hợp khó chứng minh nguồn gốc quốc tịch, không có giấy khai sinh, không có chứng từ hộ tịch… có thể sử dụng thông tin trên căn cước, hộ chiếu của nước sở tại cấp cho người Việt ở nước ngoài có ghi rõ nơi sinh là Việt Nam.
Việc trả tiền mua nhà có thể thực hiện qua ngân hàng hoặc tiền mặt tùy theo thỏa thuận. Giao dịch mua bán nhà phải được lập hợp đồng tiếng Việt và được công chứng.
“Việt kiều không nên nhờ người khác đứng tên mua nhà vì dễ xảy ra tranh chấp. Người đứng tên có thể bán nhà, muốn đòi lại phải khởi kiện, nhưng nếu người đứng tên không còn tài sản thì cũng khó lấy lại tiền,” ông Huỳnh cảnh báo.
“Hình như tất cả mọi hoạt động của người Việt trong nước bây giờ là tìm cách làm sao cho tiền trong túi Việt kiều chạy vào túi mình. Người ta không ngại dùng mọi thủ đoạn để lừa nhau, người ta không còn phân biệt cha mẹ, anh em, bà con, có cơ hội là ra tay,” bà K. chua xót nói.
Theo báo Người Việt