Trích hình từ phim
Một bộ phim mới kể câu chuyện Hồng quân Liên Xô chiến đấu anh hùng trước đội quân Đức đông hơn, đã trở thành một phần chiến dịch phục hồi niềm tự hào Nga của Kremlin.
Truyền hình nhà nước chiếu cảnh Tổng thống Vladimir Putin xem phim này tuần rồi, cùng Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev tại thủ đô Astana của nhà lãnh đạo Trung Á.
Nhưng bộ phim 28 người của Panfilov lại dựa trên một huyền thoại cộng sản không có thật.
Bộ phim mô tả hành động anh hùng ở vùng ngoại vi Moscow tháng 11 năm 1941.
Theo huyền thoại thời Liên Xô, 28 người lính của Sư đoàn 316, chủ yếu là người Kazhakhstan và Kyrgyzstan, đã anh dung chiến đấu chống phát xít Đức.
Những người này, thành viên của tiểu đoàn của Thiếu tướng Ivan Panfilov, đều hy sinh, nhưng đã phá hủy 18 xe tăng Đức.
Họ được phong anh hùng Liên Xô, và trẻ em Liên Xô được học về gương sáng của họ.
Nhưng giới sử gia nói câu chuyện không có thật.
Cuộc điều tra chính thức của Liên Xô, tiến hành năm 1948, kết luận đây là "sáng tạo" của một phóng viên tờ báo quân đội Krasnaya Zvezda.
Nếu có thật thì bài báo cũng đã phóng đại, và nhiều người sống sót. Kết quả điều tra được giữ bí mật.
Nhưng chủ đề câu chuyện trùng khớp với lập trường của Kremlin, và nhà nước đã chi tiền một phần để làm phim này.
Kremlin cổ vũ ý tưởng kể về Thế chiến Hai như vinh quang anh hùng, đoàn kết nhà nước Liên Xô chống phát xít. Câu chuyện cũng đoàn kết nước Nga hôm nay chống lại đe dọa tương tự mà họ nói xuất phát từ Ukraine.
Liên Xô chịu thiệt hại nặng nhất trong chiến tranh - hơn 20 triệu thường dân và quân đội đã chết - mặc dù giới học giả còn tranh luận con số cụ thể.
Bộ phim cho thấy những người nói tiếng Nga, Kazakh, đứng cùng nhau bảo vệ Tổ quốc. Nó nhắc nhở một quan điểm của chính sách đối ngoại Nga: là một Thế giới Nga, tập trung ở Moscow, có cùng chung ngôn ngữ.
Tháng Sáu năm ngoái, khi giám đốc Tư liệu Nhà nước Nga Sergei Mironenko, trích dẫn tài liệu lịch sử, nói rằng câu chuyện là huyền thoại, ông bị Bộ trưởng Văn hóa Vladimir Medinsky chỉ trích.
Ông Mironenko bị sa thải khỏi chức vụ vào tháng Ba năm nay.
Tháng Hai 2013, Tổng thống Putin ra lệnh có chương trình lịch sử duy nhất cho các trường. Năm đó, cũng xuất hiện kênh truyền hình Lịch sử của nhà nước.
Ông Putin và các quan chức liên tục nhắc nhu cầu phản bác "sự sai lệch lịch sử" hay "viết lại lịch sử".
Họ phản đối diễn giải lại Thế chiến Hai, hay các chương khác trong lịch sử Liên Xô đi ngược với cách kể chính thức.
Cha của ông Putin bị thương nặng khi chiến đấu ở mặt trận Leningrad.
Ông Medinsky, bộ trưởng văn hóa, ủng hộ phim 28 người của Panfilov.
Ông nói "ngay cả nếu chuyện này được sáng tạo hoàn toàn, không có Panfilov, không có gì cả, đó cũng là huyền thoại thiêng liêng, không được đụng tới."
Việc thảo luận của công chúng về lịch sử Thế chiến Hai cũng bị hạn chế vì luật gây tranh cãi năm 2014 chống lại việc hồi phục Chủ nghĩa Phát xít.
Theo luật này, Vladimir Luzgin, một blogger ở vùng Perm, bị phạt 200.000 ruble vì đăng lại bài báo về chiến tranh trên mạng xã hội Nga VK, theo tường thuật của báo Kommersant hồi tháng Bảy.
Tòa nói Luzgin đăng bài tuy biết là thông tin sai về cuộc xâm lấn của Đức và Liên Xô vào Ba Lan ngày 1 tháng Chín 1939.
Vào tháng Chín, Tòa tối cao Nga nói việc phạt ông Luzgin là đúng.
Phát xít Đức và Liên Xô ký hiệp định không xâm lấn nhau tháng Tám 1939 - Hiệp ước
Molotov-Ribbentrop. Trong một điều khoản bí mật, hai bên thỏa thuận sẽ chia Ba Lan cho nhau.
Đức xâm lấn Ba Lan ngày 1/9, và Liên Xô xâm lấn, từ phía đông, vào ngày 17/9.
Được nhà nước cổ vũ và ông Putin đích thân xem, bộ phim 28 người của Panfilov có thể sẽ ăn khách khi ra mắt tháng 11.
Nhiều người Nga có thể không biết làm thế nào nhà nước thêu dệt câu chuyện Panfilov, nhưng nhiều người có lẽ cũng không quan tâm.
Theo BBC