Nhà nhân chủng học Mark Dyble thuộc Đại học London từng có thời gian nghiên cứu về một bộ lạc sinh sống bằng săn bắt tại Philippines thời
hiện đại này và ông thấy rằng cuộc sống và sinh hoạt trong gia đình của bộ lạc này cũng không khác mấy so với những giống dân sống bằng
săn bắt thời cổ đại. Họ cũng có lối sống bầy đàn, mặc dù các thành viên trong một nhà thường thay đổi hằng tuần, nhưng luôn là con số nhất
quán từ 5 đến 18 người sống nương tựa lẫn nhau, và mỗi gia đình như thế thường bao gồm cha mẹ, con cái và một số người bà con trong họ.
Họ sinh hoạt và làm việc chung với nhau, săn bắt chung, nấu nướng và ăn uống chung. Cuộc sống bầy đàn như thế thì không thể có chuyện
riêng tư: người này làm gì thì người kia cũng biết, người này nhặt được thứ gì thì cũng không thể giấu được người khác. Mà họ cũng không tìm
cách giấu diếm nhau. Cuộc sống của họ phô bày một cách tự nhiên, không che đậy. Họ hoàn toàn tự do, tách biệt với cái lối sinh hoạt ngự trị
trong cuộc sống của chúng ta ngày nay.
Có thể nói, trong gần suốt chiều dài lịch sử của nhân loại, con người ta sống theo bầy đàn và săn bắt. Họ lập thành những trại và sống chung
với nhau ở đó, nương tựa nhau, chia sẻ với nhau từ miếng ăn đến trông nuôi con cái, và tất cả mọi sinh hoạt khác. Cuộc sống đó không có
những bức tường, những cánh cửa và những hàng rào ngăn cách. So với thời nay, số người sống trong hầu hết các gia đình ở những quốc gia
phát triển thường rất nhỏ. Theo thống kê của Cơ quan Kiểm tra Dân số Hoa Kỳ năm 2010, trung bình có ít hơn ba người sống chung trong một
gia đình ở Mỹ, một con số ít ỏi chưa đếm hết một bàn tay, và thậm chí càng ngày càng có nhiều gia đình chỉ có một người. Năm 1960, số gia
đình một người chỉ chiếm khoảng 13% trong tổng số gia đình tại Mỹ. Nay, con số đó đã tăng lên đến 28%, tức hơn một phần tư.
Sống trong một gia đình ít người hiện nay là chuyện hết sức bình thường dù rằng như vậy, trong sinh hoạt hằng ngày, có thể làm cho cuộc sống
của người ta thêm nhiều phần khó khăn. Sống một mình có thể hưởng được sự riêng tư đấy, tuy nhiên, công việc bếp núc hay những công việc
khác sẽ đỡ mất thì giờ hơn nếu như có thêm người để chia sẻ. Rồi những hóa đơn cuối tháng của tiền nước, tiền điện, tiền internet cũng sẽ
giảm đi đáng kể nếu được chia đều cho nhiều người trong nhà. Mà sống một mình còn có nhiều điều bất lợi khác. Nhiều người lớn tuổi, người
không đi làm và người độc thân thường hay chỉ quanh quẩn trong nhà và do đó dễ trở nên cô đơn, buồn bực.
Nhưng trước đây cuộc sống không phải như vậy. Cuộc sống của con người trong nhiều ngàn năm nay vẫn cứ thay đổi hoài, và cái khái niệm về
một gia đình gồm vợ chồng và con cái cũng chỉ mới có gần đây thôi. Thậm chí kể cả khi đời sống nông nghiệp, nơi đòi hỏi một gia đình đông
người, không còn đóng vai trò là nền kinh tế chính của quốc gia, thì người ta vẫn thấy sự cần thiết để sống gần gũi với gia đình, bạn bè và láng
giềng. Có lẽ vì vậy mà hiện nay có nhiều người – từ những người trẻ mới bước chân vào đời tới những người già neo đơn – đang thử nghiệm
cuộc sống cộng đồng, một lối sống mà, cho dù người ta có chút hiểu biết về nó hay chưa, cũng đã từng hiện hữu trong gần suốt chiều dài lịch
sử của nhân loại. Và cuộc thử nghiệm này xảy ra đúng vào lúc một gia đình với đầy đủ cả cha lẫn mẹ ở Mỹ càng ngày càng ít đi, và cái cơ cấu
của một gia đình truyền thống như cách đây nửa thế kỷ cũng không còn nữa.
Thời trung cổ chính là điểm giao thời giữa lối sống săn bắt và lối sống như chúng ta ngày nay. Các nhà sử học kể lại rằng, người thời trung cổ ở
Âu châu sống chung dưới một mái nhà cùng với bạn bè và những người bà con trong họ. Vào thời điểm đó, hầu như khắp thế giới, một gia đình
gồm chỉ có vợ chồng và con cái sống với nhau là điều rất hiếm hoi, và ở khu vực Tây Âu, mãi đến thế kỷ thứ 12, mới trở thành một trong những
khu vực đầu tiên trên thế giới, nơi mà một gia đình được tổ chức theo khuôn mẫu hai vợ chồng và con cái của họ. Tuy nhiên, những gia đình loại
này cũng không hẳn giống như một gia đình gồm vợ chồng và con cái như ngày nay. Ngoài hai cha mẹ và con cái của họ, những gia đình thời
trung cổ thường bao gồm thêm nhiều loại người khác nữa tìm tới ở chung, ví dụ, cặp vợ chồng nghèo ở nhờ, người goá vợ hay goá chồng tới ở
cho có bạn, con cái của người quen gửi tới, trẻ mồ côi không nơi nương tựa, những người già không liên hệ cũng tới ở cho bớt lẻ loi, đầy tớ
trong nhà, người ở trọ qua đêm, khách quen, bạn bè, và bà con xa gần.
Hơn nữa, người thời đó thường hay di chuyển luôn, từ nhà này qua nhà khác. Nhà chỉ là nơi giữ chân người ta trong một thời gian ngắn, chứ
không hẳn là một nơi gắn bó với tuổi thơ hay với kỷ niệm gia đình. Thế nên, sống chung với người lạ dưới một mái nhà là chuyện bình thường,
và do đó, người ta xem căn nhà như một thứ của chung. Người lạ đôi khi bước vào nhà không cần gõ cửa, thậm chí không cần chào hỏi.
Theo sử gia John Gillis, đến thế kỷ 16, khái niệm về một mái gia đình có cha mẹ và con cái mới bắt đầu thật sự xuất hiện trong các gia đình
trung lưu thành thị tại Âu châu. Đây là kết quả từ cuộc cải cách của giáo phái Phản thệ sau khi tách ra khỏi Giáo hội Công giáo La Mã.
Mặc dù vậy, phải đợi đến thế kỷ 19 người ta mới bắt đầu biết tách biệt giữa gia đình và bạn bè khi nói đến cái cơ cấu sinh hoạt dưới một mái
gia đình. Do đó, trong khoảng hậu bán thế kỷ 19, một gia đình giống như ngày nay mới thật sự rõ nét hơn. Rồi cuộc công nghiệp hoá đẩy mạnh
thêm sự thay đổi đó. Khi xã hội còn nặng về nông nghiệp thì công việc lao động sản xuất chủ yếu là gần quanh nhà, và những gia đình nhà nông
cần nhiều sức lao động để làm công việc đồng áng trong lúc mùa màng. Nhưng tới khi cuộc công nghiệp hoá vững vàng rồi thì nhiều người bắt
đầu rời nông thôn để ra thành thị, làm việc trong các nhà máy và sau đó là văn phòng. Lối sống chung hoàn toàn biến mất, và vào đầu thế kỷ
20, công việc tại nhà máy mang lại cho người công nhân một lợi tức cao hơn, đủ để cho phép một lối sống riêng tư hơn: Một căn hộ được thu
nhỏ lại thành một gia đình gồm cha, mẹ và con cái, và từ từ tách rời họ xa khỏi mối liên hệ gắn bó với họ hàng và láng giềng như trước kia.
Mặc dù làm chủ một căn nhà vẫn được xem như một thành tố chính để đạt được “giấc mơ Mỹ”, nhưng hiện nay có nhiều người Mỹ đang thử
nghiệm một lối sống mới giống như lối sống chung từ nhiều thế kỷ trước đây ở nhiều nơi trên thế giới. Các thành viên trong gia đình, họ hàng,
láng giềng và thậm chí luôn cả người lạ cùng nhau sống chung thành nhóm – tựa như tại Âu châu thời trung cổ.
Thay vì giới hạn số thành viên trong gia đình gồm con cái, cha mẹ và ông bà, có nhiều người tiến xa hơn thế, biến căn nhà thành nơi sống chung
giữa họ với bạn bè và thậm chí luôn cả người lạ. Lối sống chung, nơi mà cả một cộng đồng cùng chung sống và chia nhau làm những công việc
nhà, hiện đang ngày càng phát triển ở Mỹ. Ở những nơi sống chung đó, các cá nhân hoặc gia đình thường có căn nhà riêng, phòng ngủ riêng,
hay một khu chung cư nhưng cùng chung nhau những thứ khác như căn bếp, phòng khách, phòng thư viện, v.v… Họ thường chia sẻ với nhau
những trách nhiệm như nấu ăn và những việc vặt khác. Ví dụ như khu nhà ở Milagro Housing trong khu vực Sonoran Desert, Arizona, là một
cộng đồng sống chung. Ở đó, các gia đình, các cặp vợ chồng và người độc thân sống trong 28 căn nhà trong một cộng đồng gần gũi cùng
chung nhau căn bếp, phòng giặt, thư viện, phòng họp, phòng giải trí và nhà kho.
Mà Milagro Housing không phải là trường hợp cá biệt. Theo tổ chức Fellowship for Intentional Community, khắp nước Mỹ hiện có 1,539 cộng
đồng sống chung như thế, một số cộng đồng đã hoạt động và một số khác đang trong tiến trình hoàn tất. Nhưng đó mới chỉ là con số phỏng
đoán thấp vì không ai nắm rõ được đầy đủ hồ sơ dữ liệu. Trong khi một số gia đình mướn người để xây những khu mới toanh thì đa số là biến
những căn nhà và những chung cư có sẵn thành những cộng đồng sống chung.
Phong trào sống chung cộng đồng thời hiện đại này nguyên thủy được bắt đầu ở Đan Mạch vào thập niên 1970, đến nay đã lan ra nhiều nơi trên
thế giới, và riêng tại Đan Mạch đã có hơn 700 cộng đồng như thế. Ở mỗi cộng đồng này có khoảng từ vài chục cho tới thậm chí vài trăm gia
đình sống trong một khu nhà được xây san sát bao quanh khu trung tâm là những “nhà chung” để mọi người ăn uống và sinh hoạt.
Thời người Do Thái lưu vong quay về để tái lập quốc gia khoảng 100 năm trước, họ lập ra những khu nhà tập thể gọi là kibbutz mà mọi người
cùng sống, làm việc và sinh hoạt chung – gây được ý thức về tinh thần cộng đồng, nương tựa và trông nom lẫn nhau. Những kibbutz này được
khen là thành công và được xem là biểu tượng của tinh thần đoàn kết người Do Thái. Hiện nay vẫn còn khoảng 120,000 người Do Thái sống
trong những làng cộng đồng được gọi là kibbutz này.
Con người ta là những sinh vật thường không bao giờ chịu sống dậm chân một chỗ lâu được. Cứ một thời gian thì lại thấy có những thay đổi
trong xã hội: lối sống thay đổi, sinh hoạt thay đổi, thói quen thay đổi. Hiện nay có nhiều người nhận thấy ở những khu xóm tại những đô thị cũng
như vùng ngoại ô ở Mỹ thiếu những khu nhà với lối sống chung cộng đồng lý tưởng như thế, một lối sống đã từng có ở nhiều nơi trên thế giới từ
hàng nhiều trăm năm trước và nay vẫn có thể áp dụng một cách phù hợp cho cuộc sống thời hiện đại này.
Huy Lâm