Nhạc sĩ Tuấn Khanh. (Hình: Ðức Tuấn/Người Việt)
GARDEN GROVE, California (NV) – “Giai điệu là của nhạc đời, còn ca từ là của nhạc đạo,” nhạc sĩ Tuấn Khanh chia sẻ về việc phổ nhạc thiền từ thơ của các chư tăng ni và của cả những người không tu hành nhưng am hiểu, yêu thích triết lý Phật Giáo, bày tỏ trực tiếp hoặc gián tiếp triết lý, cảm xúc hay tâm lý Thiền.
Ông nói: “Tôi quan niệm khi mình làm nhạc thiền cũng đồng nghĩa với hoằng pháp, bởi vì lúc đó tôi mang tinh thần, ý nghĩa của đạo Phật vào đời sống qua từng nốt nhạc.”
“Tôi ví nhạc thiền như một bát cơm, nhưng nếu chỉ là bát cơm trắng thôi thì rất khó ăn, nên bên cạnh chén cơm trắng mình sẽ có thêm bát canh ngon. Chén cơm là ca từ của những bài thơ về đạo, còn bát canh ngon là giai điệu nhạc đời. Khi cả hai hòa lại sẽ tạo thành cảm xúc, giúp cho người ta nghe dễ dàng hơn,” ông nói tiếp.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh kể lại chuyện vượt biên của ông để nói về lý do ông đến với nhạc thiền: “Tôi vượt biên bằng đường biển, lúc đó là khoảng Tháng Ba, 1981, chuyến tàu tôi đi có khoảng 86 người. Chuyện lạ là từ lúc bắt đầu bước chân lên tàu cho những ngày lênh đênh trên biển, trong tai tôi chỉ nghe những câu niệm ‘Nam Mô A Di Ðà Phật,’ hoặc nhạc Thánh Ca trong nhà thờ.”
Theo ông, những câu kinh tụng niệm và nhạc thánh cứ liên tục thay đổi mỗi vài giờ. Và suốt quãng đường đó, ông không còn nghe bất cứ âm thanh nào khác, cả đến tiếng sóng vỗ ầm ầm…
“Khi tàu ra được đến vùng hải phận quốc tế, người tài công cho phép chúng tôi xuống tắm biển, và chuyện không ngờ là trong lúc tôi nằm phơi trên mặt nước thì chiếc tàu bỏ tôi đi. Cũng may nhờ con gái tôi hét lên khi nhìn thấy tôi đang chơi vơi trên mặt nước, nên chiếc tàu quay trở lại rước tôi…” ông kể thêm.
“Tôi chợt hiểu ra là có đức Phật hay thần thánh bề trên phù hộ cho tôi trong chuyến đi… Và từ đó trong đời sống tâm linh, tôi bắt đầu có niềm tin mạnh mẽ,” ông tâm sự.
Nhạc sĩ nhắc chuyện sau khi ở Mỹ một thời gian, một lần có ba sư cô ở Thiền Viện Sùng Nghiêm, Garden Grove, đến nhờ ông chuyển thể thơ của họ sang thành nhạc: “Ðó cũng là lần đầu tiên tôi có duyên với nhạc thiền.”
“Thật lòng mà nói, thuở ban đầu viết nhạc thiền, tôi hoàn toàn không có bất cứ một định hướng nào, hay phải viết ra sao. Nhưng đến lúc bắt tay vào ngồi viết bài ‘Ánh Mắt Nào’ của ba sư cô mang đến nhờ giúp, tự nhiên ý tưởng đến với tôi rất nhanh…” ông nói.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh tiết lộ gia tài nhạc thiền của ông có khoảng trên 50 ca khúc. Những bài hát mà ông gọi đó là “Giai điệu nhạc đời nhưng ca từ là lời thơ về đạo” như Ánh Mắt Nào, Hoa Kinh, Hỉ Xả, Tọa Tham Thiền, Vu Lan…
Ðược biết nhạc thiền của ông được sử dụng trong những dịp lễ lớn tại các chùa, đặc biệt tại Thiền Viện Sùng Nghiêm.
Ðức Tuấn/Người Việt