Hỏi đáp Y học: Nghẽn phổi mãn tínhThính giả Du Phạm, hiện cư ngụ tại bang Maryland, có câu hỏi như sau:
Chúng tôi đã chuyển thắc mắc cho bác sĩ Hồ văn Hiền, và sau đây là phần giải đáp của bác sĩ Hiền:
Tải hỏi đáp Y học: Nghẽn phổi mãn tínhBệnh nghẽn phổi mãn tínhTrả lời Ông Du Phạm về chứng "teo cuống họng". Bệnh nhân từng ho đàm, nghẹt khó thở, vào phòng cấp cứu hai lần, bác sĩ cho hít máy hít và uống prednisone.
• Tên bệnh "teo cuống họng" mà ông cho biết, tôi không thể biết chính xác thính giả bệnh gì.
• Khí quản có thể bị hẹp (trachea stenosis, windpipe narrowing), bị thẹo, làm thắt lại do được đặt ống thở (intubation), thông khí quản (tracheostomy), bị xạ trị chữa ung thư, cần giải phẫu mở rộng ra; chắc không phải là "teo cuống họng " mà thính giả nói ở đây.
• Một bệnh khác mà tôi nghĩ tới là co thắt thanh quản, do dây nói trong ống thanh quản co giật, làm khó thở(laryngospasm); tuy nhiên không ăn khớp với câu chuyện ở đây.
Cũng như mọi khi, xin đề nghị vị thính giả hỏi thẳng bác sĩ riêng của mình, để bác sĩ giải thích rõ ràng hơn về bệnh, cho biết định bệnh (diagnosis) chính xác, kể cả tên Anh ngữ của bệnh đó, đồng thời hướng dẫn bệnh nhân phải làm gì nếu hoàn cảnh tương tự xảy ra, làm gì để phòng ngừa tình trạng cấp cứu tái diễn, giảm thiểu những chuyến viếng thăm phòng cấp cứu. Phòng cấp cứu các bệnh viện thường không có thì giờ để bàn vớii bệnh nhân về những chi tiết kể trên.
"COPD" ( "Chronic Obstructive Pulmonary Disease"): "Bệnh nghẽn phổi mãn tính."
Sau đây, tôi chỉ xin có một số ý kiến nhận xét chung, có tính cách thông tin, để giúp thính giả tìm hiểu về các trường hợp người già ho, đàm nhiều, khó thở tương tự như trường hợp người hỏi ở đây, là một bệnh gọi là "COPD", viết tắt của "Chronic Obstructive Pulmonary Disease", tạm dịch là "Bệnh nghẽn phổi mãn tính". Bệnh này đặc biệt quan trọng đối với những xứ đang phát triển như Việt Nam vì tỷ số người hút thuốc lá cao và tăng, môi trường ô nhiễm nặng do khói xe, khói kỹ nghệ, khói trong nhà do bếp than cũi, các chất khí hoá học.
Người bệnh thường tuổi trung niên hoặc người già. Bệnh nhân có thể có ít hoặc nhiều triệu chứng. Với thời gian, bệnh càng nặng thêm:
• Ho dai dẳng, ho đàm (đờm)
• Khó thở, bậm môi thở phì phò (lip pursing, puffing), cảm giác ngộp thở, hụt hơi, "hơi thở ngắn" (dyspnea, shortness of breath), nhất là nếu làm việc gì nhọc nhằn, thì dễ cảm thấy hụt hơi.
• Thở khò khè, nghe như tiếng vi vu, "wheezing", do không khí đi từ phổi ra ngoài không thông suốt.
Bệnh lý:Khi chúng ta thở vào, không khí đi vào mũi hoặc miệng, qua ống khí quản (trachea) là cái ống cưng cứng, nằm chính giữa cổ, mà ta có thể sờ được một cách dễ dàng, sau đó không khí được phân phối khắp các vùng trong phổi nhờ những nhánh ống càng ngày càng nhỏ hơn, tủa ra như hình những rễ cây. Những ống này gọi là phế quản (bronchi) đem không khí đến những túi nhỏ ở tận cùng gọi là phế nang (alveoli). Khi ta thở ra, không khí được đẩy ngược trở ra từ các phế nang và thoát ra ngoài ở miệng hoặc mũi. Những phế quản và phế nang phải có tính co giãn để làm việc dẫn không khí vào phổi lúc chúng ta hít vào, chứa không khí trong phế nang căng phình ra, trong lúc các mạch máu nhỏ (mao quản) rút oxy, thải thán khí CO 2 (carbon dioxide) vào đó, và đẩy không khí đã được dùng đi ra ngoài lúc chúng ta thở ra.
Ðường kính của những phế quản nói trên được điều chỉnh ở mức tối hảo để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Nói một cách đơn giản, các phế quản phải được mở rộng vừa đủ để không khí đi ra đi vào. Yếu tố này tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố kiểm soát, một số yếu tố làm nở cuống phổi, yếu tố khác ngược lại có khuynh hướng làm co cuốn phổi lại. Ví dụ khi ta sợ sệt trước một tai họa nào đó khiến ta phải "tranh đấu hoặc trốn chạy", tuyến thượng thận tiết ra chất adrenaline nhiều trong máu để giúp ta đối phó với các "stress" đó (fight or flight), một trong những tác dụng của chất adrenaline là làm cho cuống phổi nở ra để chúng ta lấy hơi.
Ở người bị COPD:
• Các ống dẫn (phế quản) và các phế nang mất sức co giãn, đàn hồi (elasticity).
• Vách ngăn giữa các phế nang bị hư hại, cho nên không khí có thể khó huy động ra vào, tích tụ trong những khoảng trống lớn (tình trạng này gọi là bệnh khí thũng= emphysema). Do đó, không khí từ ngoài hít vào trao đổi oxy và CO2 với máu trên một diện tích nhỏ hơn, và oxy vào máu ít hơn.
• Niêm mạc, là màng tế bào lót trong lòng của các phế quản bị hư hại, viêm, sưng dày lên (bronchitis).
• Các phế quản tiết ra nhiều đàm nhớt hơn, do đó, bệnh nhân ho (do phản xạ) để đẩy đàm ra ngoài, và đàm có thể dễ dàng làm nghẹt các ống dẫn không khí (airways) to nhỏ trong phổi.
• Cuống phổi nhạy cảm một cách bất bình thường và dễ co thắt lại (hyperreactive airways).Hệ thần kinh đối giao cảm làm cho phản xạ ho nhạy hơn, đàm nhớt tiết ra nhiều hơn, và các cuống phổi co thắt lại dễ dàng hơn (vagal stimulation).
Nguyên nhân:
Những chất gây khó chịu cho đường hô hấp làm hư hại cuống phổi và phế nang đều có thể gây COPD.
• Điển hình nhất là khói thuốc lá, kể cả thuốc điếu, thuốc píp, xì gà, thuốc do người khác nhả ra và mình cùng hít vào (ví dụ làm việc nơi có nhiều người hút thuốc, sống trong gia đình có nhiềi khói thuốc lá).
• Ô nhiễm không khí, ô nhiễm do các khí thải kỷ nghệ (industrial fumes) đều có thể gây bệnh.
• Hậu quả các bệnh trước đây: suyễn nặng, các bệnh viêm phổi do bệnh nhiễm.
• Một số người mắc chứng di truyền thiếu chất alpha 1 anti-trypsin (ATT) (do gan sản xuất) cũng có thể bị COPD (Alpha 1 anti-trypsin deficiency).
Thuốc chữa COPDTuỳ theo cơ chế tác dụng, có 2 loại thuốc (tuy có thể được bào chế kết hợp trong cùng một dược phẩm:
1) Như chúng ta đã nói, adrenalin làm giãn nở cuống phổi (bronchodilation), nhưng lại có khả năng kích thích nhiều bộ phận khác như làm tim đập mạnh, làm mạch máu co thắt, làm áp huyết tăng cao. Mấy mươi năm nay, chúng ta có những chất làm giãn nở cuống phổi tương tự như adrenaline nhưng ít gây phản ứng phụ, chọn lọc (selective) hơn, gọi là những thuốc giãn cuống phổi beta 2 agonist (beta 2 agonist bronchodilators). Vd: albuterol [Ventolin, Proventil], salmeterol.
2) Ngoài ra có những thuốc làm nở cuống phổi bằng cách ức chế tác dụng của hệ đối giao cảm (anticholinergic), giảm co thắt cuống phổi, giảm sản xuất đàm nhớt, giảm phản xạ ho (như ipratropium [Atrovent] và tiotropium). Những người bị bệnh tim có thể thích hợp với loại bronchodilator này hơn.
Tuỳ theo tác dụng dài ngắn, có hai loại thuốc nở cuống phổi (bronchodilators):
• Loại tác dụng ngắn (4-6 giờ) (short acting bronchodilators, như albuterol, ipratropium), dùng cho lúc cấp cứu, khó thở do cuống phổi co thắt cấp tính (rescue medicine)
• Loại tác dụng kéo dài, chừng 12 giờ (long acting bronchodilators), dùng mỗi ngày, để giữ cuống phổi trong tình trạng giãn nở (controller medicine).Vd: salmeterol và formoterol; tiotropium.
Trong đa số trường hợp thuốc nở cuống phổi, bệnh nhân được cho dùng thuốc hít (metered dose inhaler [MDI] or nebulizer)
3) Corticoid (vd prednisone) là thuốc giảm viêm.
Trong đa số trường hợp bệnh nhân được cho dùng thuốc corticoid hít (hơi/dùng inhaler, hoặc bột hít). Chất giãn nở cuống phổi có tác dụng kéo dài salmeterol được bào chế chung với corticoid (fluticasone) trong thuốc bột hít ADVAIR Diskus, thịnh hành ở Mỹ.
Các biện pháp phòng ngừa:• Quan trọng nhất là đừng hút thuốc, nhất là người có bệnh di truyền thiếu alpha anti-trypsine (AAT deficiency). Nếu đã hút thuốc cần ngưng hút thuốc ngay.
• Tránh ô nhiễm không khí, ô nhiễm do các khí thải kỷ nghệ (industrial fumes)
• Giảm khói do nấu than củi trong nhà, dùng những loại bếp sạch sẽ hơn.
• Chích ngừa bệnh cúm hàng năm
• Chích ngừa bệnh (nhất là viêm phổi/ pneumonia) do phế cầu trùng : thuốc chủng (Pneumococcal vaccine) tên Pneumovax (gần đây cộng thêm Prevnar 13 là thuốc chủng ngừa cho trẻ em, nay được FDA chấp thuận cho người lớn trên 50 tuổi trong diện đề kháng bị giảm sút).
Đương nhiên, cần hướng dẫn của bác sĩ và các tin tức bàn ở đây chỉ có mục đích thong tin và giúp cho sự đối thoại với bs đầy đủ và dễ dàng hơn.
Chúc bệnh nhân và gia đình may mắn.
BS Hồ Văn Hiền