Hạnh phúc muộn màngSuốt 7 năm trời ròng rã, cặp vợ chồng già ấy ngược xuôi Bắc Nam để cầu mong có được đứa con. Đã có lúc họ định buông xuôi, chấp nhận cảnh nương tựa vào nhau để sống, không dám mong ước nữa. Nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra, bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, bà vợ mang bầu và sinh đôi ở tuổi 53 còn ông chồng đã bước vào tuổi 63, họ mừng đến chảy nước mắt…
Nên duyên từ mai mốiCác phóng viên đến nhà khu tập thể Trần Quốc Toản Hà Nội vào một buổi chiều cuối tháng 9/2016, hỏi nhà ông Minh sửa xe gắn máy.
Nghe có người hỏi thăm, ông Minh bỏ dở công việc, bước ra mời mọi người vào vào trong căn nhà dùng làm chỗ sửa xe “tại gia”. Vừa bước vào cửa đã thấy hai cháu bé xinh xắn chưa đầy 3 tuổi đang ngồi trên xe đẩy, một bé chơi với con búp bê còn một bé thì bốc cốm phồng trong một chiếc bát sắt, ăn nhỏ nhẻ từng hột một. Trông thấy người lạ hai bé vẫn chơi tự nhiên, có lẽ do đã quen với việc khách ra vào sửa xe. “ Đấy, hai cục vàng của chúng tôi đấy! Nhờ trời Phật phù hộ, có được hai cháu chúng tôi mừng lắm”. “Vâng, chúng tôi cũng nghe nói ông bà là trường hợp đặc biệt, sinh đôi hai cháu khi đã lớn tuổi”.
Nhiều người cho rằng việc sinh đôi hai cháu bé thụ tinh trong ống nghiệm của vợ chồng ông Nguyễn Bình Minh (lúc đó 63 tuổi) và bà Đinh Thị Hường (lúc đó 53 tuổi) là một kỳ tích. Năm nay ông đã bước sang tuổi 66, còn bà 56. Lúc sinh, một cháu 3 kg, một cháu 2,5 kg, hay ăn chóng lớn, khỏe mạnh bình thường.
Rót mấy tách trà mời khách, ông Minh kể rằng mình vốn là một kỹ sư cơ khí. Hồi còn trẻ ông cũng mơ ước với tay nghề rất khá của một kỹ sư, mình sẽ dành dụm mua đước một căn nhà tương đối rộng rãi, có người vợ đảm đang và một hay hai đứa con dù trai hay gái đều được. Khi trưởng thành, ông yêu và kết hôn với một phụ nữ xinh đẹp. Lấy nhau được vài năm thì vợ ông đi nước ngoài tu nghiệp.
Nhưng không rõ lý do vì sao, chỉ một thời gian sau khi bà xuất ngoại, hai người đột nhiên mất liên lạc. Suốt mấy năm trời, ông mòn mỏi chờ đợi tin tức và mong ngóng vợ về. Nhưng thật trớ trêu, bà không bao giờ trở về nước nữa và ông bỗng nhiên mất vợ.
Còn bà Hường, ngày đó là bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (tỉnh Hà Tây cũ, nay là một quận của Hà Nội). Hồi đó bà Hường rất xinh đẹp, công việc ổn định, vì vậy có rất nhiều người theo đuổi. Nhưng hễ bà ưng ý ai thì gia đình nhất quyết phản đối, còn với các chàng trai bố mẹ “chấm” thì bà lại chẳng có chút cảm tình.
Cứ thế, cộng với bận bịu công việc, bà đánh mất tuổi thanh xuân của mình lúc nào không hay. Ngoảnh đi ngoảnh lại bà đã ngoài 40 tuổi.
Lúc đó, bà Hường nghĩ rằng có lẽ suốt quãng đời còn lại, bà sẽ chỉ sống trong cảnh chăn đơn gối chiếc. Nhưng đến năm 2006, có một người họ hàng giới thiệu ông Minh với bà.
Lúc này, bà đã bước sang tuổi 46. Thấy ông Minh hiền lành, ít nói, lại rất chân thành nên bà đồng ý. Sau khi lấy nhau, ông Minh mở tiệm sửa xe ngay tại nhà, còn bà Hường thì vẫn làm bác sĩ trong bệnh viện Đa khoa Hà Đông.
Giống như bao đôi uyên ương khác, sau khi kết hôn, họ cũng mong muốn có đứa con cho vui cửa vui nhà và nương tựa lúc về già. Nhưng vì tuổi đã cao, lúc này bà Hường còn bị u xơ tử cung nên khả năng có con là rất khó.
Bà kể: “Các bác sĩ sau khi siêu âm, kiểm tra sức khỏe và khả năng sinh sản đã phát hiện trong tử cung của tôi có nhân xơ to 5,6cm. Tôi phải điều trị gấp. Sau khi khỏi bệnh, tôi lại tiếp tục hành trình cầu mong có được đứa con.
“Thấy chúng tôi ngược xuôi đi chữa, các bác sĩ và hàng xóm khuyên đừng nên cố gắng nữa. Những lúc như vậy tôi rất tủi thân. May mắn là chồng tôi luôn luôn an ủi, động viên nên tôi mới có động lực để bước đi tiếp”.
Ông bà tìm đến hầu hết các bệnh viện phụ sản lớn, uống thuốc từ Tây y đến Đông y song vẫn không thể có con. Đôi lúc vì quá mệt mỏi, chán nản, ông định buông xuôi nhưng biết bà rất buồn, ông Minh tự nhủ mình không được nản lòng.
Ông nói: “Thú thực, vợ chồng tôi xác định việc có con ở tuổi này là chuyện rất khó. Những người mới gần 40 mà bị hiếm muộn còn vô cùng chật vật huống chi chúng tôi đã ngoài 50. Nhưng vợ chồng tôi cứ khuyến khích nhau cố gắng và điều kỳ diệu đã xảy ra…”.
Được biết, sau nhiều năm chữa chạy khắp các nơi, khi bà Hường đã bước sang tuổi 53, vợ chồng bà mới quyết định dồn tiền, tìm đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội để chữa trị. May mắn là việc thụ tinh trong ống nghiệm ở đây diễn ra suôn sẻ và ngay trong lần thụ tinh đầu tiên, bà Hường đã mang thai đôi.
Khi được hỏi có nghĩ rằng sinh con khi tuổi đã lớn thì sau này các cháu sẽ không được như con người ta, bà
Hường đáp: Có, chúng tôi có nghĩ đến khi điều đó, hơn nữa khi các cháu 20 thì chúng tôi đã ngoài 70 và ngoài 80 tuổi. Nhưng vợ chồng mà không có con thì buồn lắm các ông ạ, nó cứ cheo leo như thế nào ấy. Con cái là do trời cho. Bây giờ mình chỉ biết chăm sóc nó, nuôi dạy nó nên đồng thời hết sức tiết kiệm, dành dụm được chút của cải để sau này đên khi mình mất nó cũng có chút vốn cả về học vấn cũng như chút của để sông. Bởi vậy nên ông nhà tôi lẫn tôi đều có lương hưu nhưng ông nhà tôi vẫn sửa xe, giữ xe còn tôi thì lưu dụng trong bệnh viện. Cái số của chúng tôi không được như người ta, gặp nhau muộn màng, có con muộn màng, may mắn trời cho có được hai đứa con gái, chúng tôi phải cố gắng hết sức để cả sau này lẫn khi lớn lên các cháu không bị thiệt thòi…
Bà Hường ăn nói đúng là một vị trí thức. Ông bà có suy nghĩ đàng hoàng chứ không phải chỉ mong muốn có con hoàn toàn theo tình cảm. Sau cuộc chuyện trò vui vẻ, các phóng viên ra về với sự qíu nể và mừng cho họ.
Hành trình của những “con vịt xấu xí”Cô gái xấu xí Bắc GiangTrong một căn phòng trọ ở Mễ Trì, Hà Nội, Bùi Thị Dịu cặm cụi bên chồng sách. Những ngày này Dịu đang ở nhà làm luận văn tốt nghiệp. Đáng lý cô sinh viên ngành Môi trường (Đại học Nông nghiệp Hà Nội) này đã ra trường, nhưng do một thời gian sang Hàn Quốc làm phẫu thuật nên Dịu đã xin bảo lưu năm học.
Dịu sinh ra trong một gia đình thuần nông, có 6 chị em gái ở Tân Yên (Bắc Giang) và xấu nhất nhà vì có hàm bị lệch, răng mọc lộn xộn. Nhà chạy ăn từng bữa, các chị phải nghỉ học sớm đi làm, vì thế, tuy hiểu rõ nỗi khổ của Dịu nhưng cả nhà không làm sao được.
Ngoại hình xấu xí đã theo Dịu hơn hai chục năm khiến cô chịu bao đau khổ. Dịu kể, năm học lớp 7, cô giữ chức lớp phó học tập. Trong một lần tạm thay thế cho lớp trưởng, cô phải đứng trên đầu khi xếp hàng vào lớp. Các bạn lớp khác trông thấy, có người nói to: “Ố, lớp 7A5 mới đổi lớp trưởng à? Bộ không còn người hay sao lại thay bằng nhân vật có hàm răng… vô kỷ luật như vậy?”. “Kỳ đó em buồn muốn khóc”, Dịu nói.
Suốt thời đi học, Dịu luôn là đề tài cho các bạn trêu chọc, xa lánh. Không biết bao nhiêu lần cô đã khóc và đã từng nghĩ đến việc bỏ học, nhưng rồi cha mẹ khuyên nhủ, cô đành cố gắng chịu đựng.
Lên đại học, những mối quan hệ ngày càng rộng hơn. Nhiều bạn bè đã có người yêu còn Dịu thì chỉ thui thủi một mình. “Đi đâu em cũng đeo khẩu trang. Ngồi ở quán nước em cũng che mặt vì sợ mở ra người ta cười”.
Một hôm vào tháng 8/2015, một bạn gái thân thiết nói cho Dịu biết về chương trình phẫu thuật thẩm mỹ miễn phí do Hàn Quốc tài trợ mới loan báo trên đài truyền hình VTV3 Hà Nội và khuyến khích bạn tham gia. Cuối tháng đó Dịu gửi hồ sơ và may mắn được chấp nhận. Đến cuối năm 2015, Dịu được Hội Phụ nữ từ thiện Hàn Quốc đài thọ vé máy bay và các chi phí ăn ở, sang Hàn Quốc giải phẫu thẩm mỹ.
Tại bệnh viện, Dịu được nhổ đi 3 chiếc răng thừa, bọc răng sứ hàm trên, đẩy cằm, chỉnh hàm thành “V-line”, nhấn mí mắt, thu nhỏ đầu mũi để hài hòa với khuôn mặt. Những ngày đầu mới phẫu thuật, Dịu vô cùng lo lắng khi “mắt sưng, môi giống như hai quả chuối, chân tay phù nề”. Những ngày sau đó, dần dần tình trạng phù nề giảm, gương mặt Dịu cũng dần thay đổi.
Sau 3 tháng rưỡi ở Hàn Quốc, con vịt xấu xí ngày nào nay đã trở thành một con thiên nga rồi trở về nước. Lần đầu gặp con, bà Khánh – mẹ của Dịu – không dám tin đó là sự thật. Bà nói: “Nó đẹp và khác hẳn ra như cô Việt kiều bên Mỹ về nên tôi không dám nhận. Nhưng trông cái dáng nó thì thấy quen quen, nó gọi “Mẹ ơi” làm cả nhà đi đón vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ”.
Dịu trước và sau phẫu thuật thẩm mỹ
Sau phẫu thuật thẩm mỹ, cô sinh viên đã trở lại cuộc sống bình thường. Từ chỗ “chưa từng được ai để ý”, nay Dịu đã có không ít chàng trai quan tâm. Tuy nhiên, cô gái trẻ vẫn chưa sẵn sàng cho tình yêu, cô nói từ từ có được việc làm ổn định rồi em sẽ tính…
Cô gái xấu xí Nam ĐịnhVũ Thanh Quỳnh sinh năm 1992, xuất thân trong một gia đình nghèo ở Nam Định. Các anh trai người thì lấy vợ, người đi làm ăn xa, chỉ còn một mình cô ở nhà chăm nom ông bố đau ốm, phụ giúp bà mẹ hơn 60 tuổi bán hàng nước tại nhà nhưng cô vẫn chịu khó đi học về thiết kế thời trang ở trường Cao đẳng Kỹ thuật Nam Định.
“Con vịt xấu xí” Vũ Thanh Quỳnh
Sau khi tốt nghiệp, buổi sáng Quỳnh làm người hầu bàn, bưng bê tại một quán phở. Buổi chiều cô vừa bán sim điện thoại vừa lo làm thêm tại cửa tiệm của người anh trai. Buổi tối cô cặm cụi ngồi may, thiết kế những những mẫu quần áo mới của các cô gái và trẻ em để kiếm thêm tiền thu nhập.
Thế rồi cũng như Bùi Thị Dịu ở Bắc Giang, Quỳnh nộp đơn xin giải phẫu thẩm mỹ miễn phí tại một chương trình từ thiện “ưu ái dành cho phụ nữ” của Hàn Quốc và được sang bên ấy làm phẫu thuật trong thời gian hơn 3 tháng.
Tại đây, Quỳnh đã trải qua các cuộc giải phẫu kéo dài 8 tiếng đồng hồ để cắt lại xương hàm, chỉnh răng, mí mắt, mũi, và gọt cằm. Sau các cuộc phẫu thuật và hồi phục, chính Quỳnh không nhận ra mình trong gương.
Trở về nước, cuộc sống của Quỳnh thay đổi hoàn toàn. Vì “giống các diễn viên Hàn Quốc”, cô được mời làm người mẫu chụp ảnh, MC dẫn chương trình, đóng phim quảng cáo..vv.. Cô đang đi học các khóa đào tạo người mẫu để trở thành người mẫu chính thức.
Cuối năm 2015, Quỳnh được một công ty Hàn Quốc tại Việt Nam mời làm việc tại Hà Nội với vai trò tư vấn cho những người có nhu cầu giải phẫu thẩm mỹ Hàn Quốc ở Việt Nam. Quỳnh cũng tranh thủ thời gian đi học thêm tiếng Hàn để thuận lợi hơn trong công việc. Với gương mặt xinh xắn và cách ăn mặc bắt mắt vì đã từng học về thiết kế thời trang, Quỳnh nhận được nhiều lời mời của các công ty quảng cáo với tiền cát-sê cao. Hiện nay, chẳng những chỉ sống một cách thoải mái tại Hà Nội, Quỳnh còn có tiền gửi về Nam Định giúp đỡ bố mẹ.
Quỳnh sau khi giải phẫu thẩm mỹ
Cô giáo trẻ giúp người yêu đổi đời
Nguyễn Huy Thục và Ngô Thị Thu Thảo đều là học sinh trường chuyên Lê Hồng Phong thành phố Nam Định về khoa Hóa. Thục học trên Thảo một lớp. Hai người quen biết nhau khi học chung khóa Dự bị đội tuyển quốc gia.
Ngày ấy, mặc dầu Thục xấu xí, hàm răng lệch hẳn sang một bên nói không rõ tiếng, nhưng Thảo rất nể phục Thục vì anh là lớp đàn anh, lại học rất giỏi, luôn luôn nhiệt tình chỉ bảo các em lớp dưới.
Thảo kể: “Thỉnh thoảng anh Thục hỏi tôi cuối tuần có về thăm nhà hay không, tôi nói không, nhà nghèo, đi tốn tiền xe, mất thì giờ học hành nên ít khi về, anh bảo anh cũng vậy. Năm ấy mất mùa, ở quê tôi lại có bệnh dịch, lợn gà chết nhiều, tôi đứng trước nguy cơ không thể tiếp tục được việc học. Anh khuyên nhủ tôi, đôn đáo kiếm chỗ giới thiệu cho tôi làm gia sư (dạy kèm tại nhà học sinh) để có tiền chi tiêu hàng tháng, đỡ gánh nặng cho gia đình.
“Năm đó tôi mới học lớp 11 nên chưa được chọn vào đội tuyển quốc gia, còn anh sau khi dự thi, đoạt giải Nhì môn Hóa nên được tuyển thẳng vào Đại học Sư phạm Hà Nội. Ngày tổng kết năm học, anh đánh bạo ngỏ lời mời tôi đi chơi vì từ trước tới nay anh vẫn bị mặc cảm là mình xấu trai, thường ít khi dám nhìn thẳng vào mặt tôi. Anh nói: “Thật ra anh muốn một lần trong đời được chở Thảo bằng xe đạp trong cái thành phố Nam Định quê hương này, sau đó tụi mình chia tay vì năm tới anh phải lên học ĐHSP Hà Nội”. “Sao anh lại nói như thế? Chẳng lẽ một người ở Nam Định, một người ở Hà Nội là không còn liên lạc với nhau hay sao?”. Anh cúi mặt, ngập ngừng: “Nói thật với Thảo, tại vì anh…anh xấu trai quá, sợ không xứng đáng với Thảo”. “Chuyện xấu hay đẹp đâu có ăn nhằm gì, mình là bạn với nhau mà”. Tôi đồng ý ngồi lên phía sau chiếc đạp lọc cọc của Thục. Đấy là lần đầu tiên tôi thấy anh tuy xấu xí, nói không rõ tiếng nhưng cũng như một người bình thường…”.
“Sau khi tốt nghiệp lớp 12, tôi thi đậu vào ĐHSP cũng ban Hóa. Đang háo hức chuẩn bị đến ngày nhập trường thì bố Thục qua đời. Tôi đến dự đám tang ông. Lúc tiễn tôi ra đầu ngõ, Thục cầm tay tôi: “Em có đợi anh được không?” “Đợi làm gì?”. “Anh định tốt nghiệp Sư phạm xong, xin được chỗ dạy, anh sẽ để dành tiền rồi hai đứa chúng mình làm đám cưới”. Tôi nói: “Em ra trường sau anh một năm, cũng để dành tiền lo phụ với anh. Vậy thì em sẽ đợi”.
Nhưng sau khi Thục tốt nghiệp ĐHSP, vác đơn đi xin khắp nơi cũng không trường nào đồng ý cho anh dạy, vì họ thấy anh… xấu trai quá, hai hàm lệch nhau nói không rõ tiếng. Anh rất mơ ước trở thành một giáo viên nhưng mộng không thành nên đành phải kiếm chỗ làm thợ sửa máy vi tính rồi tiếp tục học lên thạc sĩ (M.A , còn gọi là cao học) một cách bất đắc dĩ.
Trong khi đó Thảo ra trường với tấm bằng xuất sắc nên được nhận ngay về một trường trung học ở Nam Định. Biết Thục khao khát làm nghề dạy học, Thảo bí mật viết thư vào trong Nam cầu cứu với vị bác sĩ hội trưởng một Hội Từ thiện ở Sài Gòn chuyên về chỉnh hình kết hợp với giải phẫu thẩm mỹ cho người không đủ phương tiện. May mắn là vị bác sĩ trả lời rằng hội sẵn sàng giải phẫu cho Thục nhưng chỉ hỗ trợ được một nửa, ngoài ra tiền ăn ở tại bệnh viện hội cũng giảm 50%, tính ra toàn bộ số tiền vao khoảng 80 triệu đồng, không hiểu Thục có thể lo được không.
Thảo rất mừng nhưng số tiền 80 triệu cộng với các chi phí khác vào đấy tổng cộng cũng cỡ 100 triệu đồng (gần 5,000 đô), vậy mà vét túi hai người cũng chỉ có được 30 triệu đồng. Thảo chạy đôn chạy đáo khắp nơi kể cả nhờ mẹ thế chấp miếng đất, vay giùm ngân hàng được 50 triệu nữa là được 100 triệu, đưa Thục vào Sài Gòn giải phẩu thẩm mỹ.
Thục đã được giải phẫu thẩm mỹ
Cuộc giải phẫu hoàn toàn tốt đẹp, hai người trở về làm đám cưới rồi… cố gắng trả nợ. Điều đặc biệt là trong khi trả nợ, Thục vẫn đi làm thợ sửa computer và sau khi đậu xong Thạc sĩ Hóa học (M.A of Chemistry) hạng ưu tú, trường ĐHSP Nam Định thiếu người khoa này nên nhận cho anh về làm giảng viên. Như vậy Thục không được làm giáo viên trung học nhưng lại được làm giảng viên đại học. Anh nói: “Tất cả đều là nhờ vợ tôi, suốt đời tôi biết ơn … vợ”.
Đoàn Dự