Một trang trại nuôi gia súc ở Australia. (Ảnh tư liệu)
Một doanh nhân nổi tiếng ở trong nước, em trai tỷ phú tiền đô đầu tiên của Việt Nam, “chi 18 triệu đôla Úc mua trang trại nuôi gia súc ở Australia”.
Hãng ABC mới loan tin này, và nói thêm rằng “đây được coi là khoản đầu tư lớn đầu tiên của người Việt vào ngành nuôi bò ở miền bắc Australia”.
Tin cho hay, trang trại có tên gọi Vermelha đã được bán cho công ty An Vien Pastroral Holding, và theo ABC, Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư của Úc niêm yết ông Phạm Nhật Vũ, Chủ tịch của Tập đoàn truyền thông An Viên, là cổ đông chính của công ty này.
Thống kê của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gia súc sống và thịt Australia, Việt Nam là thị trường xuất khẩu gia súc lớn thứ hai của Úc. Năm 2015, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 300 nghìn gia súc từ Australia để vỗ béo rồi mổ lấy thịt.
VOA tiếng Việt hôm 18/10 không thể liên lạc được với ông Vũ để xác nhận thông tin trên. Doanh nhân này là em trai của chủ tịch tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng, là tỷ phú tiền đô đầu tiên của Việt Nam, với giá trị tài sản lên tới hơn 2 tỷ đôla, theo Forbes.
Hãng ABC cũng dẫn lời báo chí Australia đưa tin hồi tháng Hai rằng “Vingroup đã mua lại một công trình xây dựng ở khu trung tâm thành phố Sydney với giá 22,5 triệu đô la Úc”.
VOA Việt Ngữ cũng không thể liên lạc được với ông Vượng để khẳng định thông tin này. Về xu hướng doanh nhân Việt đổ ra nước ngoài đầu tư, tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận xét rằng đây là một “hiện tượng rất đáng chú ý”:
“Nhiều doanh nghiệp trẻ có năng lực ngoại ngữ, có những ngành nghề chuyên môn hấp dẫn, thì đã đăng ký doanh nghiệp ở Singapore, Canada, Australia và ở Thái Lan. Lý do họ phải đăng ký doanh nghiệp ở nước ngoài như vậy vì thủ tục ở Việt Nam ngăn cản họ kinh doanh một cách thuận lợi. Nếu như Việt Nam không cải thiện môi trường kinh doanh, không giảm lãi suất, chi phí vận chuyển, các chi phí phi chính thức hiện nay rất cao, thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ đầu tư ra nước ngoài, lập doanh nghiệp ở nước ngoài, đóng thuế cho nước ngoài, tạo công ăn việc làm cho nước ngoài, và nước Việt Nam không được cái gì cả”.
Kinh tế gia này nói thêm rằng “đấy là điều hết sức đáng lo ngại”, nhưng lại là “sức ép để Việt Nam phải thực sự cải cách môi trường kinh doanh”.
Ông Doanh trích lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng Việt Nam “phải xây dựng một nhà nước kiến tạo, hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhà nước liêm chính, chứ không phải là nhà nước hành chính, và hành doanh nghiệp là chính”.
Tiến sĩ Doanh nói thêm rằng việc các “đại gia như Phạm Nhật Vũ, hay những ông này khác” đầu tư ra nước ngoài cũng là “điều bình thường trong thế giới hội nhập hiện nay”.
Thông tin về vụ đầu tư của gia đình họ Phạm, mà VOA chưa thể xác nhận được, loan đi trong bối cảnh ngày càng có nhiều doanh nhân Việt hướng ra nước ngoài.
Khi được hỏi, ngoài vấn đề thủ tục khó khăn, liệu các doanh nhân Việt Nam có phải đang tìm đến một môi trường tốt đẹp hơn cho bản thân và cho gia đình ở nước ngoài, kinh tế gia Lê Đăng Doanh nói:
“Rất có thể. Tôi thì chỉ nói chuyên về môi trường kinh doanh thôi, còn thì nếu mở rộng ra thì đó là môi trường về giáo dục. Hiện nay người Việt Nam mỗi một năm chi 3 tỷ đôla Mỹ gửi 120 nghìn con em của mình đi học ở nước ngoài. Đấy là một thách thức rất lớn cho nền giáo dục Việt Nam. Nếu nền giáo dục Việt Nam xây dựng được một mô hình giáo dục, một hệ thống giáo dục và để cho người dân Việt Nam chi 3 tỷ đôla hàng năm cho ngành giáo dục, thì ngành giáo dục Việt Nam có thể được hiện đại hóa và cải thiện rất nhiều. Hiện nay điều đó chưa xảy ra. Đấy cũng là một thách thức nữa. Còn về ô nhiễm, thì TP HCM và Hà Nội, nhất là Hà Nội, gần đây đã bị ô nhiễm hết sức nghiêm trọng”.
Báo chí Việt Nam dẫn số liệu của Tổ chức Di cư Quốc tế và Vụ Liên Hiệp Quốc về vấn đề kinh tế và xã hội cho thấy từ năm 1990 đến năm 2015 có hơn 2,5 triệu người Việt Nam di cư ra nước ngoài.
Tính trung bình trong 26 năm, mỗi năm có khoảng gần 100 nghìn người Việt di cư, và hầu hết đi đến các nước phát triển, trong đó tập trung đông nhất là ở Mỹ, với hơn 1,3 triệu người.
Bà Nguyễn Phương Mai, Phó Giáo sư Tiến sĩ chuyên ngành giao tiếp và quản trị đa văn hóa, hiện đang giảng dạy tại Đại học Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan, từng nhận định với VOA Việt Ngữ rằng cuộc di cư “thầm lặng” này liên quan tới khái niệm “tị nạn niềm tin”.
Theo VOA