Kể từ khi công ty Apple tung ra chiếc điện thoại thông minh iPhone vào năm 2007, trung bình cứ mỗi năm họ lại tung ra một kiểu iPhone mới –
đẹp, nhanh, tân tiến hơn. Nhưng cho dù đẹp và tốt cỡ nào thì chỉ độ hai năm sau là chiếc điện thoại trở nên cũ kỹ, lỗi thời, và tệ hơn nữa, có
một vài chỗ bắt đầu hư hại, trầy trụa. Đúng như công ty Apple mới đây đã nhìn nhận là tuổi thọ của chiếc điện thoại iPhone của họ trung bình chỉ
kéo dài độ khoảng bốn năm. Và khi ấy, hầu hết những chiếc điện thoại này không được người ta mang đi tái chế mà thường được vất thẳng vào
thùng rác trở thành một thứ rác mới của thời đại: rác điện tử.
Tuy nhiên, điện thoại chỉ là một phần nhỏ của rác điện tử. Ngoài điện thoại người ta còn xả những thứ rác điện tử khác: máy tính bảng, máy điện
toán, bóng đèn LED, màn hình LCD, đầu máy DVD, máy nghe nhạc loại bỏ túi; đó là chưa kể tới những thứ to lớn hơn như máy giặt, bếp điện,
tủ lạnh – là những thứ sau đó cũng trở thành rác điện tử. Những máy móc này trở thành rác có thể vì đã bị hư không thể sử dụng được, hoặc
có thể vì cũ nên chạy chậm, nhưng cũng có thể vì người tiêu thụ muốn có một cái mới hơn mặc dù cái đang có trong tay vẫn còn tốt. Cho dù là
vì lý do gì thì người ta vẫn cứ xả thứ rác này một cách vô tội vạ mà không cần biết đến phần di hại của nó sẽ như thế nào. Hơn nữa, các nhà
sản xuất lại luôn khuyến khích người tiêu thụ nên thường xuyên thay đổi sản phẩm mới để cập nhật về phần kỹ thuật.
Càng ngày con người càng lệ thuộc vào các thiết bị điện tử. Hãy cứ nhìn quanh từ trong nhà ra đến ngoài xe xem, hầu như đụng đến thứ gì ta
cũng thấy có ít nhiều liên quan đến điện tử. Điều này đưa đến những tai hại nghiêm trọng cho môi trường. Thứ nhất, người ta cần phải khai thác
thêm nhiều quặng mỏ để tìm thêm nguyên liệu thô cho việc sản xuất những thiết bị trên. Thứ hai, khi những thiết bị này cũ cần phải vất bỏ sẽ
thải ra số lượng lớn những rác điện tử. Người ta có thể giảm bớt lượng phế thải này bằng cách sử dụng lại, sửa lại, hay bán lại. Nhưng cho đến
nay hầu như vẫn chưa có cách nào giải quyết cho ổn thỏa.
Không riêng gì đồ điện tử, đã là sản phẩm thì tới một lúc nào đó chúng sẽ trở thành rác. Nhưng người ta nhận thấy, trong mấy năm gần đây, số
lượng đồ điện tử phế thải càng lúc càng nhiều và gia tăng rất nhanh. Trước đây, các máy truyền hình trong nhà thường được sử dụng cả một
thập niên hoặc hơn mới vứt bỏ. Nhưng nay, do kỹ thuật thay đổi nhanh và cũng do thói quen của người tiêu thụ luôn đòi hỏi cái mới, khó có thể
thấy bất cứ thiết bị điện tử nào sau hai hay ba năm còn ở trong tay của người chủ đầu tiên để được tiếp tục sử dụng. Theo một phúc trình mới
đây cho biết các sản phẩm điện tử ngày nay cũng không được bền như trước, hơn nữa, càng ngày lại càng chóng hư hơn. Tỉ lệ các sản phẩm
điện tử xấu bán ra và người mua phải mang đổi lại ngay sau một thời gian ngắn tăng từ 3.5% năm 2004 lên 8.3% năm 2012. Những món hàng
gia dụng loại lớn như tủ lạnh hoặc máy rửa chén cần phải thay trong vòng 5 năm đầu tăng từ 7% năm 2004 lên 13% năm 2013. Theo cuộc
thăm dò năm 2014 của Gallup, 89% người trẻ (tuổi từ 18 đến 29) sở hữu điện thoại thông minh; trong khi chỉ có 41% người trẻ của thế hệ
trước đó sở hữu đầu máy băng VCR.
Càng ngày việc sử dụng thiết bị điện tử càng lan rộng ra khắp thế giới. Không kể những quốc gia giàu có đi tiên phong, nhưng ngay cả những
quốc gia mới khá lên gần đây mà lại có dân số đông như Brazil, Trung Quốc và Ấn Độ cũng đã gia nhập cuộc chơi của lớp người tiêu thụ mới
làm cho giá thành sản xuất những thiết bị di động không còn mắc mỏ nữa; trái lại, chi phí sửa chữa vẫn cứ cao chứ không rẻ đi nên khi những
thiết bị điện tử bị hư hay cũ thì việc đi mua một cái máy mới để thay thế là điều hợp lý. Tiêu thụ nhiều mà lượng đồ phế thải không tăng mới là
lạ.
Rác điện tử hiện nay đang là vấn đề môi trường toàn cầu. Nó làm những ai quan tâm phải lo lắng về tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước
và ô nhiễm đất. Không khí có thể bị ô nhiễm khi những người dọn dẹp đốt rác điện tử để lấy đồng. Nếu không xử lý đúng, chất độc từ những rác
điện tử có thể ngấm vào đất và mạch nước ngầm.
Những quốc gia như Hoa Kỳ có luật kiểm soát việc tái chế những đồ phế thải điện tử, tuy nhiên, rất nhiều trong số đó vẫn lọt ra ngoài nơi hố rác
công cộng. Trong tổng số $206 tỉ người Mỹ chi tiêu cho các máy móc điện tử trong năm 2016, thì chỉ có 29% trong số ấy là được đưa tới
những nơi tái chế sau khi hết sử dụng. Phần còn lại là rác. Có ai trong chúng ta còn nhớ mình đã làm gì với chiế iPhone đầu tiên không?
Ai là người có lỗi đã tạo ra loại rác mới này? Tất nhiên là giới sản xuất phải chịu phần lớn trách nhiệm. Họ cố tình thiết kế để những sản phẩm
điện tử chỉ làm việc trong một thời gian nhất định rồi ngưng và phải thay thế bằng cái khác. Nhưng chính giới tiêu thụ chúng ta cũng đã góp phần
làm gia tăng rác điện tử. Có phải là chúng ta đã mua những sản phẩm đó, rồi sử dụng và sau đó biến chúng thành đồ phế thải. Trong tiến trình
đó, tiền lời từ việc bán các thiết bị điện tử ngày càng tăng, đồng thời những tay nắm cổ phần của công ty mãn nguyện ra mặt và người tiêu thụ
vui vẻ hớn hở vì được sở hữu trong tay một sản phẩm kỹ thuật ưng ý. Nhưng vấn đề cốt lõi thì trôi vào ngõ cụt, rác điện tử ngày càng chất
đống, người ta chỉ tay vào mặt nhau và đổ lỗi cho nhau, nhưng không ai chịu nhận lỗi về phần mình.
Có ý kiến cho rằng những thiết bị điện tử cũ nhưng vẫn còn sử dụng được thì nên đem bán lại cho người khác dùng. Những công ty như Ebay
hay Amazon là nơi trung gian để người ta có thể đem bán những thiết bị điện tử không còn dùng đến nữa. Nếu như những thiết bị điện tử cũ
không được sự hỗ trợ bởi công ty sản xuất thì thường chúng đi thẳng ra ngoài bãi rác. Những quốc gia còn trong giai đoạn đang phát triển như
Pakistan và Nigeria, chưa phải là thị trường sẵn sàng tiêu thụ sản phẩm mới, sẽ là thị trường đầy hứa hẹn cho việc tái sử dụng những thiết bị
cũ. Pakistan hiện là thị trường tiêu thụ rất mạnh các loại điện thoại di động cũ; thậm chí loại điện thoại Nokia cũ không còn thấy bóng dáng ở Mỹ
thì vẫn còn được ưa chuộng ở Pakistan.
Riêng trong lãnh vực tái chế đến nay vẫn chưa được đầu tư đúng mức. Điều kiện hoạt động tại những cơ sở tái chế đa phần vẫn theo lối thủ
công – nghĩa là vẫn bằng sức lao động tay chân. Những phế phẩm vẫn phải phân loại bằng tay và sau đó được gỡ ra từng bộ phận. Mà những
thiết bị điện tử này thường có chứa những chất độc hại như thủy ngân, chì, bạc và những chất dễ cháy. Chúng cũng chứa một lượng nhỏ những
nguyên liệu giá trị như vàng, đồng, titanium và bạch kim. Người ta tính ra cứ mỗi tấn rác điện tử có thể cho được 200 grams vàng, một con số
rất nhỏ không đáng bao nhiêu. Có thể nói, trong việc tái chế đồ phế thải điện tử, nếu không làm đúng cách thì thường lợi bất cập hại. Do đó,
những công ty sản xuất phải có trách nhiệm hơn, nên hỗ trợ trong việc xây dựng những trung tâm tái chế rác điện tử tại những quốc gia đang
phát triển, thay vì chỉ lợi dụng xem đó là nơi thải rác.
Theo một phúc trình của Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc, có tới 50 triệu tấn rác điện tử, phần lớn là máy điện toán và điện thoại thông
minh, sẽ được vất bỏ trong năm 2017. Con số này cho thấy rác điện tử gia tăng 20% so với 2015, là năm có khoảng 41 triệu tấn rác điện tử
được đưa đi vất bỏ, trong đó hầu hết là tới những quốc gia thuộc thế giới thứ ba, nơi đang được biến thành hố rác của thế giới.
Ai trong chúng ta cũng đều có trách nhiệm giảm thiểu rác điện tử. Người tiêu thụ có thể từ chối, hay ít ra là trì hoãn, không mua những thiết bị
mới nếu chưa cần thiết. Những thiết bị đang có trong tay nếu sửa được thì nên sửa hơn là vất bỏ, vì vừa tốn tiền lại vừa góp phần làm hại môi
trường. Và nếu như đã mua máy mới thì vẫn có thể bán lại hoặc tái chế máy cũ. Riêng trách nhiệm của chính quyền là cần phải có những luật lệ
để kiểm soát chặt chẽ hơn những loại rác điện tử cũng như các công ty sản xuất đồ điện tử, vì những công ty này chỉ nhắm mục tiêu là làm sao
bán cho được thật nhiều sản phẩm để kiếm lời mà ít khi nhận lãnh trách nhiệm giữ sạch môi trường. Không những thế lại còn tìm đủ cách để
không phải đóng thuế, và nếu có đóng thì đóng rất ít chẳng thấm tháp vào đâu. Ta cứ nhìn vào công ty Apple thì hẳn biết điều đó.
Huy Lâm