“Chào Bác sĩ,
Con gái của cháu vừa tròn 1 tuổi. Bé bị u bạch mạch vùng đùi trái bẩm sinh. Lúc mới sinh thì để ý mới thấy nhưng bây giờ thì khối u lộ rõ. Cháu
đã đưa bé đi khám và điều trị xơ hóa ở bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng, các bác sĩ ở đây chuẩn đoán là khối u dạng các nang nhỏ li ti, khuyên
không nên mổ, mà điều trị xơ hóa. Bé đã được chích mũi xơ hóa đầu tiên (2/6/2016) đến nay đã 3 tháng nhưng khối u không giảm nhưng cũng
không phát triển. Cháu đã cho bé đi tái khám nhưng bác sĩ ở bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng cho về theo dõi và không điều trị lần 2. Cháu rất
hoang mang không biết phải làm thế nào để con gái cháu có thể cải thiện được tình hình bệnh lý, mong Bác sĩ tư vấn giúp cháu liệu pháp tốt
nhất cho con gái cháu.
Cảm ơn Bác sĩ.”
Tải để nghe bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:
http://av.voanews.com/cl...902104d375b_original.mp3"U bạch mạch" (lymphangioma)"U bạch mạch" là tên gọi tiếng Việt của "lymphangioma". Lymph là “bạch huyết” hay "lâm ba" (đừng lầm lẫn với "huyết trắng" của phụ nữ, chỉ lúc
phụ nữ có chất dịch trắng hay đục ở âm đạo). Lymph là một chất dịch tinh lọc (ultrafiltration) từ máu, đi ra ngoài huyết quản (blood vessels)
thấm vào các mô, nên không có hồng cầu (red blood cells), nên màu trong/trắng (clear fluid), có khi đục do mỡ trong ruột, chứa các tế bào lâm
ba (lymphocytes), phụ trách nhận diện các yếu tố như vi trùng, các chất lạ tấn công vào cơ thể.
Lymph được lưu thông trong các mạch dành riêng, vì không có tế bào máu đỏ nên gọi là ”mạch bạch huyết” hay "bạch mạch" (mạch trắng ,
lymph channel) dẫn vào các tĩnh mạch lớn. Khi một nhóm các mạch lâm ba này dãn nở ra một cách bất bình thường thành một khối u, chúng ta
có "lymphangioma", còn gọi là capillary lymphangioma (u mao quản/hay mao mạch), hoặc nếu các nang lớn hơn thì gọi là cavernous
lymphangioma (u có hang ; cavernous = hang), hay cystic hygroma (cystic = nang; vì u có một hoặc nhiều nang và hygro = ẩm ướt). U bạch
mạch thường thấy nhất ở vùng đấu cổ (70%), thân mình (20%) và ít khi gặp hơn, ở tứ chi.
Hiện nay, chữa bằng xạ trị (irradiation) hay chất corticosteroid (dùng cho các u mạch máu) không hiệu nghiệm.
Thuốc propranolol (dùng trị bệnh cao áp huyết) và dùng có kết quả trong các trường hợp u mạch máu (hemangioma), đang được thí nghiệm
trên các u bạch mạch trong những trường hợp không trị được bằng các phương pháp khác.
Các chất thuốc gây xơ hoá (sclerosing agents) như doxycycline (một kháng sinh) hay OK-432 (“Picibanil”, một chuyển hoá chất của vi khuẩn
streptococcus) được chích vào u bạch mạch để huỷ các mô bạch mạch và thay thế bằng mô thẹo/xơ. Tuy nhiên, đối với các u hang hay nang
to, các thuốc chích làm xơ có thể không hiệu nghiệm lắm và bác sĩ có thể quyết định giải phẫu nếu cần và nếu thực hiện được.
Giải phẫu cắt bỏ (complete excision) có thể khó thực hiện vì u bạch mạch (lymphangioma) có thể lan qua các bộ phận khác, và khả năng u tái
xuất hiện sau khi giải phẫu cao (high rate of recurrence).
Có thể chúng ta cũng nên xét những điểm sau, tuỳ theo từng trường hợp:
1. Đây là một dị dạng của mạch lâm ba (lymphatic malformation), không phải là u bướu (tumor) và không thoái hoá gây ung thư.
2. Cha mẹ lo lắng nhiều vì con mình có một vấn đề sức khoẻ cần giải quyết, tuy nhiên nên hỏi kỹ với bác sĩ và nếu không có gì gấp rút (ví dụ
như dị dạng lymphangioma trong ngực bụng lớn nhanh, chèn ép một bộ phận trong ngực, bụng) thì có thể nên quan sát một thời gian, nhất là
nên theo lời hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
3. Cần luôn luôn hỏi bác sĩ thủ thuật nào đó có lợi gì, nhiều hay ít, có hại gì, biến chứng gì có thể xảy ra, trước khi quyết định chấp thuận hay
đòi hỏi một loại trị liệu nào đó cho bệnh nhân, nhất là cho em bé 1 tuổi, vì trong những trường hợp lymphangioma vùng đùi, có thể thời gian còn
dài. Ví dụ có thể trong tương lai gần, có những phương pháp mới hơn được chứng minh là an toàn (ví dụ propanolol, theo Ozeki, Fukao &
Kondo), hay nếu để em bé lớn hơn thì phẫu thuật ít gặp vấn đề hơn, hay có thể em bé tăng trưởng nhưng lymphangioma mặc dù không teo đi
hoàn toàn, thì vẫn không tăng thể tích và không gây vấn đề gì.
Xin nhắc lại là các thông tin nêu đều hoàn toàn có tính cách và mục đích thông tin. Phụ huynh cần theo đúng hướng dẫn của bác sĩ của con
mình. Nếu cần, nên hỏi ý kiến thứ hai (second opinion) từ một bác sĩ khác, ví dụ bác sĩ giải phẫu chuyên về trẻ em (pediatric surgeon).
Chúc quý vị phụ huynh và bệnh nhân may mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền.