“Kính thưa Bác sĩ,
Vợ tôi bị bệnh cườm mắt. Đã mổ xong ở cả hai mắt. Trong vòng một tháng trạng thái bình thường. Sau khi mổ bác sĩ mắt có cho nhỏ 3 loại thuốc: Zymar, Acular, Pred Forte, nhỏ trong vòng 2 tuần, và uống thêm trụ sinh Keflex. Trụ sinh này vợ tôi uống sau khi mổ tổng cộng là một tháng cho 2 con mắt (112 viên). Sau khi mổ xong được 6 tuần thì bỗng nhiên da mặt vợ tôi bị đỏ lên. Sau khi vô hồ bơi, da có cảm giác bị căng lên, và nhất là đi ra ngoài nắng sau đó da bị nám màu sậm lại. Vợ tôi có đắp lá alo vera thấy đỡ, và không bị đỏ và rát, nhưng da bị đổi màu sậm lại.
Xin hỏi Bác sĩ như vậy có phải do uống trụ sinh nhiều quá hay không? Gây ra phản ứng thuốc? Vì một người bạn của vợ tôi cũng có tình trạng giống hệt như vậy. Da mặt bây giờ bị nám màu sậm. Vậy phải chữa làm sao? Tôi lo quá.
Xin cảm ơn Bác sĩ.”
Tải để nghe bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:
http://av.voanews.com/cl...ee596a7da60_original.mp3Nổi ban do thuốcCũng như mọi khi, tôi xin nói rõ là tôi thể trả lời cho một trường hợp cá biệt. Những thông tin sau đây chỉ có tính cách tổng quát để chúng ta cùng học hỏi.
1. Nói về “drug rash” (tạm gọi là "nổi ban do thuốc", thường gặp nhất là ban liên hệ với thuốc trụ sinh (kháng sinh, antibiotic) như amoxicillin (hay "thuốc "bi" [penicillin] ngày xưa ở Việt nam), hay nhóm thuốc gọi là cephalosporin, trong đó có thuốc Keflex (hay cephalexin) được vị thính giả nêu tên. Tuy nhiên, nhiều thuốc khác cũng có thể gây ra drug rash. Thường thì nếu ngưng thuốc thủ phạm, rash sẽ biến đi.
Vấn đề nhiều khi khó giải quyết vì thường bệnh nhân bị nhiễm trùng hay nhiễm virus nào đó mới cần tới thuốc kháng sinh, cho nên lúc ban nổi lên, phải xem xét nhiều yếu tố bệnh học, vi trùng học, xem xét các đặc tính của cái rash mới quyết đoán được cái rash do thuốc hay do bệnh nhiễm gây ra. Đôi khi, do cả hai. Ví dụ người bị nhiễm virus Epstein Barr (bệnh mononucleosis làm sưng họng, sưng hạch sốt kéo dài) nếu uống thuốc amoxicillin có thể làm rash nổi lên, mặc dù họ không phản ứng với thuốc trong trường hợp khác.
Ban do thuốc thường được mô tả như giống ban đỏ (morbilliform), xảy ra ở thân mình trước tiên, sau đó lan ra tứ chi và cổ; cả hai bên phải trái đều có (bilateral), hình dạng đối xứng (symmetrical). Ban có thể phẳng (macular), hoặc hơi cộm lên (papular rash; như mề đay), màu hồng, đỏ, có khi có những hình đa dạng như vòng tròn (annular), hay chấm đỏ ở trung tâm, bao quanh bằng một vòng đỏ (targetoid). Lấy ngón tay đè lên ban thì nó sẽ mất màu đỏ, và trắng bệch ra (blanching), tuy nhiên có khi nó vẫn còn giữ màu tím.
Lần đầu tiên ban xảy ra, một loại lốm đốm màu đỏ hồng, đôi khi màu tím (purpuric), xảy ra chừng 1-2 tuần sau khi dùng thuốc. Có khi ban nổi lên đến 1 tuần sau khi đã dứt thuốc. Nếu bệnh nhân đã tiếp xúc với thuốc trước đây rồi, thì sớm hơn, chỉ sau khi bắt đầu dùng thuốc 1-3 ngày là ban đã nổi lên. Trường hợp bệnh nhân uống thuốc 4 tuần, ngưng được 2 tuần mà nếu rash mới nổi lên, nhất là chỉ nổi lên ở mặt, có lẽ rash đó không phải do thuốc gây ra.
Một số thuốc như kháng sinh tetracycline, thuốc sulfonamide (sulfamid), thuốc trị bệnh tâm thần, thuốc lợi tiểu có thể gây nổi ban, nám da không phải vì da dị ứng với thuốc mà do tác dụng thuốc làm da nhạy cảm với ánh sáng (photosensitivity).
2. Một người nổi ban ở mặt có thể do nhiều lý do khác nhau:
Một chất thoa da nào đó có thể gây viêm da sau khi tiếp xúc. Một số mỹ phẩm có thể làm da viêm (cosmetic dermatitis) vì nó gây khó chịu trực tiếp (irritant, nếu bác sĩ thử allergy testing sẽ không thấy dị ứng với chất đó), hoặc do nó gây một phản ứng dị ứng thật sự (allergic reaction). Những sản phẩm có chứa dầu thực vật, trích tinh từ thảo mộc (nhất là các nước hoa) có thể gây phản ứng lúc bệnh nhân thoa lên mặt và ra ngoài nắng tạo một hiệu ứng gọi là phototoxic reaction (phản ứng độc do ánh sáng). Chất furocoumarin (ví dụ psoralen) trong một số thực vật chanh, parsley, celery, carrot làm cho tế bào da nhạy cảm với tia cực tím sóng dài trong ánh nắng (UVA) và tạo nên bệnh viêm da gọi là phytophotodermatitis (viêm da do thực vật và ánh sáng). Dân Á châu hay trồng cây sung (fig tree) trong nhà, và đây cũng là một nguồn psoralen thường gặp, dễ gây viêm da do ánh sáng. Nơi nóng, ẩm ướt như hồ bơi có thể làm phản ứng dễ xảy ra hơn.
Da có thể bị đỏ, nổi bong bóng, sau đó bị sậm đi, đen nâu hàng tháng trời. Việc da những vùng này sậm đi sau khi lành cũng do cơ thể chúng ta rất "khôn ngoan" (smart), vì da từng bị tia cực tím làm hư hại, cơ thể phản ứng bằng cách tích tụ melanin làm cho sậm da lại để che chở khỏi tác dụng của tia cực tím.
Vết sậm da này có thể còn mãi. Trường hợp hiếm hơn, da hư hại và sinh thẹo lúc lành. Ở trẻ con, ví dụ trẻ dính nước chanh từ bàn tay người mẹ lúc mẹ đang nấu nướng nước chanh có thể bị sưng đỏ ở mặt sau khi ra nắng, với hình dạng bàn tay làm người ta lầm lẫn nghĩ đến bạo hành (tát tai, abuse) trẻ em.
Riêng về trường hợp phụ nữ bị nám mặt do phytophotodermatitis, quý bà có thể dùng mỹ phẩm làm da bớt nám đi, nhưng phải rất cẩn thận vì có thể gây ra phản ứng khác. Nên tham khảo với bác sĩ gia đình hay bác sĩ chuyên khoa da.
3. Một số bệnh nhân, thường là đàn ông trung niên trên 50 tuổi bị da nổi mẩn đỏ, ngứa, dày ra những vùng tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hay ánh sáng nhân tạo, như mặt mũi, hai vành tai nhưng phía sau tai thì không, hai cánh tay. Họ nhạy cảm với ánh sáng (photosensitivity) và bệnh gọi là viêm da mạn tính do nhạy cảm với ánh sáng (chronic photosensitivity dermatitis). Có thể cần những thuốc corticoid hay giảm viêm. Thường, nếu đội nón vành rộng, tránh nắng lúc trưa, dùng kem chống nắng (sunscreen), mặc áo tay dài, mang găng tay lúc ra ngoài có thể làm giảm bệnh rất nhiều.
4. Có những rash nổi trên mặt do những lý do khác như mặt nám phụ nữ lúc có thai (chloasma), bệnh ngoài da có biểu hiện những vùng da khác (như lác/eczema, seborrhea, lang ben do nấm). Hoặc một số bệnh như lupus erythematosus (lan san hồng ban) ảnh hưởng đến mạch máu và những bộ phận khác, như thận, não bộ.
Chúc bệnh nhân may mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền.