Một khu phố mới ở Bình Dươngnhững năm gần đây, tỉnh Bình Dương phát triển mạnh về mặt xây dựng, các khu đô thị mới, khu phố mới mọc lên khắp tỉnh, trong đó, đáng kể cần phải nhắc đến là khu đô thị mới Bình Dương và khu du lịch Đại Nam. Hai khu này chiếm diện tích hơn trăm ngàn hecta đất, phần lớn nguồn quĩ đất lấy từ các đồn điền cao su và các khu vườn của dân theo diện thu hồi, đền bù, giải tỏa. Mới nhìn, Bình Dương có vẻ giàu có và phát triển chẳng kém gì Đà Nẵng, nhưng khi tiếp xúc với những gia đình có đất bị thu hồi, giải tỏa thì câu chuyện hoàn toàn khác.
Mặt trái của những khu đô thị mới và các khu du lịchPhần đông những người bán dạo, lao động phổ thông và lớp trẻ làm công nhân trong các khu công nghiệp với mức lương thấp là những người trước đây có rừng cao su, có đất vườn rộng rãi, bây giờ họ sống trong chung cư chật chội, đời sống cũng thay đổi đến ngột ngạt, khó thở.
Vốn là một người làm cao su, quanh năm chăm sóc vườn cao su để lấy mủ, bây giờ diện tích cao su đã bị chặt phá để lấy mặt bằng trong diện giải tỏa đền bù, ông Khương, một cư dân khu phố mới Bình Dương than thở là ông cảm thấy quá ngột ngạt, bước về căn nhà rộng chưa đầy 40m2 của mình, ông thấy nó xa lạ như bước vào một phòng trọ nào đó trong dãy trọ tập thể. Nhất là với kiểu qui hoạch phố liền phố, nhà liền nhà, không có khoảng không gian nào để hứng gió, cũng không có chỗ nào để trồng cây xanh cho đỡ nhớ vườn, nhớ cảnh xưa.
Nhưng, để đổi lại khoảng không gian chật hẹp này, người nông dân phải trả một cái giá rất đắt. Vì khi thu hồi đền bù, nhà nước áp giá từ vài chục ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng trên một mét vuông, nếu là đất thổ cư thì vài trăm ngàn đồng, cụ thể là từ hai đến bốn trăm ngàn đồng mỗi mét vuông thổ cư, từ ba mươi đến chín mươi ngàn đồng mỗi mét vuông đất canh tác.
Anh bán trái cây dạoVới mức đền bù này, những gia đình có nhiều đất canh tác sẽ nhận được đền bù từ vài trăm triệu đồng đền vài ba tỉ đồng. Nhưng, con số kiếm được vài ba tỉ đồng chỉ đếm được trên đầu ngón tay, phần lớn người dân nhận đền bù từ 300 triệu đồng đến 800 triệu đồng. Với số tiền đền bù này, mỗi gia đình được ưu tiên mua một lô đất trong khu đã qui hoạch với giá đắt gấp từ 15 đến 20 lần so với giá đền bù. Có nhiều gia đình khi xây dựng xong thì không còn dư được đồng nào.
Bà Thủy, người đi bán vé số dọc các con phố ở Thủ Dầu Một buồn rầu kể rằng chồng bà bị tai biến, bà nuôi chồng xong thì cũng bị tai biến nhẹ, sau khi điều trị xong, bà bị thêm bệnh rối loạn tim mạch, trở thành người vô gia cư bởi số tiền nhận đền bù ít ỏi chỉ đủ để chữa bệnh và dư một ít để thuê phòng trọ qua mưa nắng.
Không riêng gì bà, những người trong gia đình bà cũng đi bán vé số kiếm cơm qua ngày đoạn tháng vì không biết làm gì ngoài việc này. Không có nghề nghiệp ổn định, không có tiền và không có phương tiện, bán vé số là lựa chọn duy nhất cho gia đình bà. Với những người lớn tuổi thì không sao, nhưng với mấy đứa cháu chưa đầy mười lăm tuổi của bà, đây là một công việc hết sức đau khổ mà ông bà, cha mẹ của chúng đã đặt lên đôi vai bé bỏng của chúng.
Từ chủ đồn điền cao su đến anh đạp xe ba gácMột người bán trái cây yêu cầu giấu tên, cho chúng tôi biết hoàn cảnh của anh hiện nay hết sức bi đát nhưng anh đành bó tay vì không có cách nào để cải thiện được. Gia đình anh có ba ngàn mét vuông đất cao su và gần một ngàn mét vuông thổ cư, diện tích đất này anh được thừa kế từ ông nội. Năm 2009, nhà nước thu hồi, đền bù và giải tỏa đất của anh và những người chung quanh. Lúc đó, ban đo đạt áp giá hai mươi lăm ngàn đồng trên một mét vuông đất cao su và hai trăm ngàn đồng trên một mét vuông thổ cư.
Một bà bán vé số ở Bình DươngVới một người làm vườn lâu năm, thấy số tiền đền bù hoàn toàn không nhỏ, anh và gia đình vui vẻ ký giấy nhận tiền đền bù giải tỏa. Nhưng anh không ngờ rằng đồng tiền rớt giá quá nhanh, mua lại một miếng đất nhỏ để xây nhà trong khu phố mới, xây dựng nhà xong, anh còn dư gần ba trăm triệu đồng, gởi tiết kiệm một thời gian, bây giờ, số tiền lãi chẳng thấm vào đâu so với thu nhập từ cao su trước đây, và khoản tiền này cũng chẳng đủ để chi tiêu cho một gia đình sáu người.
Không biết làm gì, không có nghề nghiệp, tuổi cũng đã cao nên không xin đi làm công nhân trong các khu công nghiệp được nữa. Nghĩ mãi, anh chỉ còn một lựa chọn là sắm xe ba-gác đi bán trái cây dạo. Với mức thu nhập được chăng hay chớ, giỏi lắm thì đủ ăn, mệt quá thì ở nhà, treo nồi. Cuộc sống của anh càng trở nên chán chường khi anh biết rằng trên diện tích cao su vườn nhà anh ngày xưa, người ta treo giá bán đất làm nhà với mức từ hai triệu đồng đến 5 triệu đồng trên mỗi mét vuông.
Nhiều lúc anh nghĩ tại sao nhà nước không để anh tự quyết định trên mảnh vườn mấy đời của gia đình anh? Tại sao nhà nước không hỗ trợ anh tự qui hoạch vườn nhà anh và rao bán nó rồi đóng thuế cho nhà nước. Nhưng nghĩ mãi chỉ thêm đau đầu, vì những người khác cũng nghĩ giống anh mà có được gì đâu!
Một người đàn ông yêu cầu giấu tên khác, là giáo viên trung học phổ thông ở Bình Dương, ông cho biết hoàn cảnh của ông cũng tương tự người bán dừa vừa trò chuyện. Thực ra, nếu như đời sống trở nên khó khăn hơn vì đất được giao cho nhà nước để làm việc hữu ích cho nhân dân, để xây dựng những công trình dân sinh thì không ai oán than gì, đằng này, nhà cầm quyền thu hồi đất của dân, giao cho các tập đoàn bất động sản, các tập đoàn này san sửa mặt bằng và bán lại với giá đắt gấp mấy chục lần, trong khi người chủ đích thực của những mảnh đất này lại trở nên túng thiếu, khó khăn, ngột ngạt. Như vậy thì nhân dân sẽ oán trách và vô hình trung, trong mắt họ, nhà nước cũng chẳng khác nào kẻ lừa đảo có thế lực, ép nhân dân đến đường cùng.
Câu chuyện về đất đai, chỗ ở và đời sống mới trong khu phố mới Bình Dương nghe ra thiên hình vạn trạng, như lời của vị thầy giáo cao tuổi nói là bên cạnh những khu phố mới, bên cạnh những biệt thự với xe hơi hạng siêu, cây gỗ lâu năm làm cảnh và những con người thơm phức nước hoa, ngồi trên những cái ghế siêu sang trong xã hội là những cuộc đời cần lao, lam lũ, buồn tẻ và tủi nhục vì những gì họ có được đã dần dần thuộc về tay kẻ có thế lực.
Uyên Nguyên, tường trình từ Bình Dương, Việt Nam.
Source: RFA