THƯA QUÝ BẠN, hồi còn nhỏ, tôi thường được nghe bác tôi kể lại các chuyện lạ lùng ở những nơi xa xôi mà dân chúng làng tôi thường gọi là “đường ngược”. Sau này, lớn lên tôi mới biết “đường ngược” là các tỉnh mạn thượng du như Phú Thọ, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái… mà đối với dân chúng thời đó đều là những nơi rừng thiêng nước độc, gồm toàn những người Mán người Mường, người Mèo người Nùng, Thái đen Thái trắng… vô cùng bí hiểm.
Dưới thời Pháp thuộc, bác tôi là nhà giáo tốt nghiệp Sư phạm Hà Nội, được bổ đi dạy tại Phú Thọ, sau đó được đổi về Thanh Hóa, cuối cùng là về Hưng Yên rồi Hải Phòng. Đến thời kỳ Việt Minh đánh nhau với Pháp, bác tôi đã có gia đình nên đem gia đình tản cư về Thái Bình và dạy học luôn tại quê nhà theo kiểu “tự túc”, nghĩa là học sinh ai muốn học thì học, muốn trả cho thầy đồng nào thì trả, không trả cũng được vì nhà thầy có ruộng đất do ông bà để lại, thuê người canh tác cũng tạm sống được.
Tính bác tôi ít nói, thích nghiên cứu các sách báo kể cả khoa học lẫn y học để giúp đỡ cho dân chúng nên rất được dân làng quý trọng. Cách áp dụng khoa học hay y học của bác tôi cũng rất kỳ lạ. Ví dụ có lần, một cậu bé con bà chị họ trong làng – nhà một mẹ một con vì người bố đã chết – tinh nghịch trèo lên cao tuốt luốt trên ngọn cây nhãn định chọc tổ ong, bị ong đốt, ngã xuống đất, tức thở, hai mắt nhắm chặt hình như đã chết. Mọi người không làm sao được bèn bế đến nhà bác tôi. Bà mẹ quỳ phục xuống đất, khóc và lạy van như tế sao: “Ông giáo làm ơn cứu giùm cho con tôi…” – bà là chị họ xa nhưng không dám gọi bác tôi bằng chú mà gọi bằng ông. Bác tôi không nói gì cả, lẳng lặng đi chặt mấy cành si trồng làm cảnh trên hòn non bộ trước nhà, nhỏ nhựa của nó vào chiếc bát sành, mài vào đấy một ít mật gấu bác đã để dành từ bao giờ, pha một chút nước rồi bảo mọi người phụ với bác dùng đũa cả cậy răng cậu bé, đổ hỗn hợp nhựa cây si và mật gấu vào cổ họng cậu. Một lúc lâu sau, cậu tỉnh lại. Hiện nay nghe nói cậu làm Phó giám đốc Hành chánh thủy điện Sông Đà và đã về hưu. Trong làng có bệnh dịch trâu bò bác cũng chữa theo cách kỳ lạ như vậy: Cho trâu bò uống thứ nước gì đó mà bác bảo xương truật là vị chính; ban đêm thì “úm” chuồng trâu cũng bằng thứ thuốc đó suốt đêm, trâu bò sẽ khỏi nhưng không bao giờ bác lấy của ai một đồng nào cả mặc dầu những vị thuốc bác mua có lẽ cũng khá tốn tiền.
Bác chỉ ở trong nhà, ít khi ra đến ngoài đường và hình như cũng ít biết mặt biết tên người làng. Thời Việt Minh, cũng chẳng bao giờ bác đi họp nữa, và họ cũng quên sự hiện diện của bác, coi như không có bác trong làng. Tuy nhiên, trong những bữa giỗ của họ hàng nhà tôi, ăn uống xong bác thường kể cho con cháu nghe những chuyện lạ lùng về phong tục tập quán của người Mán người Mường ở Phú Thọ khi bác còn dạy học trên đó. Ví dụ về chuyện “ma xó”, bác kể rằng khi nhà có người chết, người ta vào rừng kiếm loại gỗ quý, hạ cây xuống, chặt lấy một đoạn, khiêng về, phần trên dùng làm cái nắp, phần dưới đục sâu xuống thành cái quan tài. Làm lễ nọ kia xong, người ta đặt thi hài người chết vào trong đó, gắn nắp lại bằng loại nhựa gì rất kiên cố rồi để ở góc nhà hàng hai ba năm trước khi đem ra nhà mồ đặt ở nhà mồ. Người chết khi còn để trong góc nhà như vậy gọi là “ma xó”. Bác tôi cũng cho biết, theo truyền thuyết, “ma xó” rất linh thiêng, ví dụ một gia đình có cửa hàng bán các thứ gì đó, nếu có quan tài “ma xó” ở góc nhà thì dù không có người trông coi cũng không ai dám lấy trộm không trả tiền, bởi vì nếu lấy thì “ma xó” sẽ theo về tới tận nhà, hành cho đến chết.
Tôi lớn lên với những câu chuyện lạ lùng, huyền bí của người Mán người Mường ở trên “đường ngược” do bác tôi kể lại. Mặc dầu rất tin bác nhưng càng lớn lên bao nhiêu tôi càng bán tín bán nghi, không hiểu những chuyện đó ra sao, có đúng như vậy không.
Thời gian qua đi, bao nhiêu năm đã qua rồi. Gần đây, ngoài Bắc có nhóm phóng viên đứng đầu là nhà báo Hoàng Anh Sướng cũng thắc mắc như tôi ngày xưa, họ lặn lội lên các tỉnh mạn thượng du ngoài Bắc tìm hiểu khá cặn kẽ và xuất bản cuốn “Bùa ngải xứ Mường”, bán rất mạnh. Còn trong Nam, có nhà báo Bùi Hữu Cương, cũng tìm hiểu vấn đề bùa ngải của người Mường từ Thanh Hóa trở vào cho tới các tỉnh vùng Tây Nguyên như Kontum, Pleiku, Ban Mê Thuột… Thì ra ở Thanh Hóa cũng có rất nhiều đồng bào người Mường. Bây giờ xin mời quý bạn xem qua cho biết một số những điều họ đã tìm hiểu được…
Bùa ngải và các huyền thoạiĐể tìm hiểu về chuyện bùa chú xứ Mường, các phóng viên đã lần tìm về huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa, một huyện miền núi có đến 90% người Mường sinh sống, được mệnh danh “thủ phủ” của bùa ngải xứ Thanh.
Qua chỉ dẫn của một người quen, họ tìm đến nhà cụ Bùi Quý Phi – 78 tuổi, thôn Thọ Liêu, xã Thành Tiến, một người Mường chính gốc . Sau một hồi trèo đèo, vượt dốc, có mặt tại nhà cụ Phi, bức màn bí mật về bùa yêu đã được vén lên đôi phần.
Cụ Phi khẳng định “bùa yêu” là có thật chứ không phải chuyện do người Mường bịa ra để dọa người khác. Rồi cụ chậm rãi nói: “Bùa yêu do thầy mo, thầy cúng làm cho các đôi yêu nhau. Bùa yêu có cả điểm tốt lẫn điểm xấu. Điểm tốt là nó làm cho các đôi định bỏ nhau quay trở lại với nhau, lo việc chăm sóc con cái. Bùa yêu sẽ khiến cho các ông chồng, bà vợ có tính “ham chơi” nhanh chóng đoàn tụ gia đình. Điểm xấu là một ông thầy biết làm bùa yêu nếu thấy cô gái nào đẹp mà mình ưng ý, bèn lập tức làm bùa cho cô ta theo về làm vợ mình. Bởi vậy nên mới có chuyện có những ông thầy bùa có tới cả chục người vợ. Những ông thầy dùng bùa yêu theo kiểu đó hậu vận không tốt, con cái sẽ chết yểu hoặc không ngóc đầu lên nổi. Những người có tiền, mua chuộc thầy bùa để có nhiều vợ hoặc để lừa tình, lường gạt con gái nhà người ta thì kết quả cũng tương tự”.
Cụ Phi kể: “Có đám ma, khi vợ vừa chết được một lúc thì người chồng cũng lăn quay ra ôm chặt lấy xác vợ và chết theo. Lúc này mọi người mới té ngửa, hóa ra trước kia ông chồng thuê làm bùa yêu để chiếm đoạt người vợ chứ không có yêu đương gì cả”. Theo đó những cặp vợ chồng đến với nhau vì bùa ngải, nếu một trong hai người không may chết đi thì phải lập tức tìm ngay thầy về giải bùa. Trong trường hợp không kịp giải bùa hoặc ông thầy còn quá non tay, giải bùa không nổi thì người đó sẽ khó sống sót”.
Những câu chuyện do cụ Phi kể lại tuy khá phù hợp với những chuyện được truyền tụng trong dân gian nhưng các phóng viên vẫn nghi ngờ về tính xác thực của nó, bởi cụ chỉ là một lão nông quanh năm lẩn quẩn trong làng, do vậy họ tiếp tục đi tìm sự thật về việc này. May mắn là một phóng viên trong nhóm đã tìm gặp được người anh họ làm giáo viên có quen với một ông thầy bùa ngải. Ông thầy này trước cũng là giáo viên, dạy cùng trường với ông anh họ đó, nay cả hai người đã nghỉ hưu.
Câu chuyện của ông giáo già kiêm thầy bùaĐó là ông Bùi Ngọc Thuấn – nguyên giáo viên có gần 40 năm dạy môn Sinh học tại trường Trung học Thạch Đồng, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Ông Thuấn đã nghỉ hưu, hiện đang làm Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi, kiêm Chủ tịch Hội Đông Y xã Thạch Đồng. Ông được mọi người trong xã đặt cho biệt danh là “Thầy 3 trong 1” vì ông vừa là thầy giáo, thầy thuốc, kiêm luôn cả thầy bùa, thầy cúng.
Cụ Bùi Ngọc Thuấn, giáo viên hưu trí kiêm thầy bùa, thầy cúng, thầy thuốc
Sau một hồi chuyện trò, ông Thuấn khẳng định chắc nịch: “Lời kể của bác Phi hoàn toàn đúng, bùa yêu có thật”. Ông cho biết thêm: “Bùa yêu không phải ai cũng học được, nó là do cha truyền con nối, không truyền ra ngoài”.
Ông kể: “Bỏ bùa yêu có nhiều cách. Trước tiên là phải biết tên tuổi người mà mình định bỏ bùa. Thầy bỏ bùa, yểm câu chú, kết hợp với gọi tên người đó rồi thổi vào các dĩa dựng muối, gạo, sỏi, v.v… Sau đó trao cho người đến xin bỏ bùa, đem về ném vào đối tượng. Nhưng đạt hiệu quả nhất vẫn là lấy những vật dụng sinh hoạt hằng ngày của đối tượng như khăn mùi-soa, khăn mặt, mũ…, đem đến nhờ thầy làm phép.
Sau khi đã bị bỏ bùa yêu, người kia sẽ yêu đến chết cũng không rời. Nếu một người chẳng may chết trước thì lập tức phải nhờ thầy giải bùa ngay cho người còn lại, nếu không kịp thì người còn sống chẳng mấy chốc cũng sẽ chết.
Ông kể tiếp: “Có nhiều thầy bùa cao tay đến mức, một khi đã bỏ bùa yêu ít có người nào hóa giải được. Điều này xảy ra tình trạng là khi cần, tìm ông thầy đó về giải bùa thì ông thầy đã đi nơi khác sinh sống hoặc đã mất từ bao giờ. Gặp trường hợp đó các thầy bùa cấp độ thấp chỉ biết đứng nhìn chứ tuyệt nhiên không dám giải bùa vì sợ bùa phản lại”.
“Do mỗi bài thần chú khá dài, có khi lên đến cả trang giấy nên người học bùa yêu, nèm bùa, ếm bùa bắt buộc phải có hơi thở dài, không sứt môi hoặc hở răng hay nói lắp (cà lăm) để có thể niệm thần chú một mạch không đứt hơi, ngắt quãng, nếu không sẽ phải đọc lại từ đầu. Ngoài ra cũng không được đọc sai tên hoặc sai câu thần chú.
Có nhiều cách để hóa giải bùa yêu được các thầy bùa áp dụng. Trong đó có phương pháp dùng một ống tre, lấy phân gà bôi chung quanh, sau đó hơ qua hơ lại trên đống lửa, nam hơ 7 lần, nữ 9 lần, vừa hơ lửa vừa đọc thần chú, kết hợp với đọc tên người bị bỏ bùa, bùa yêu sẽ được hóa giải. Như vậy các “nguyên liệu” dùng để bỏ bùa hoặc giải bùa như gạo, muối, sỏi, ống tre, phân gà… rất đơn giản nhưng quan trọng là bài thần chú và cách bỏ bùa hoặc giải bùa, điều này do cha truyền con nối nên mới có thầy giỏi và thầy không giỏi.
Hư thực về ếm bùa, ma xó, nèm bùaSau một hồi phân tích, ông Thuấn nói thật ông không biết làm bùa, ếm bùa, nhưng ông biết nèm bùa. Một lần nữa ông khẳng định, bùa yêu, ếm bùa, nèm bùa là có thật, riêng ma xó thì theo ông nghĩ, không có thật.
Theo ông Thuấn cho biết, những thầy bùa thường thờ thần ếm, thần bùa trong nhà, phía trên bàn thờ có lọng xanh để che, đây là điều quan trọng để phân biệt với những thầy cúng thông thường. Và mỗi thầy ếm bùa, phía ngoài vườn thường có một gian thờ nhỏ, người ngoài không biết tưởng đó là ma xó nhưng thực chất trong đó có thờ những con sâu, không bao giờ hóa bướm, thức ăn của nó chủ yếu là xác động vật.
Phân của những con sâu này rất độc, được kết hợp với nhựa cây sùi lấy từ trên rừng, trộn lẫn với nhau. Hỗn hợp chất độc đó được tẩm vào khăn, áo, mũ… và người ngấm phải chất độc nói trên sẽ ốm yếu mà không bác sĩ nào có thể tìm thấy nguyên nhân gây bệnh và không có loại thuốc nào chữa khỏi, lâu dần sẽ chết. Theo nhiều người kể lại, con sâu đó được sinh ra từ râu của con cọp, nên mỗi khi đi săn được cọp, các thợ săn lập tức phải đốt ngay bộ râu cọp đi kẻo nó rơi vào tay các thầy bùa.
(Ghi chú của ĐD: Người ta nói râu cọp cắm vào cây măng tre còn non, chỗ cắm sẽ thúi và sinh ra loại sâu, phân của chúng rất độc dùng để làm hại người khác như trên đã nói. Thật ra ở Tây nguyên như Pleiku, Ban Mê Thuột và hai bên bờ sông Đồng Nai về phía thượng nguồn như Mã Đà, Tân Phú, La Ngà… có loại cây Mã tiền (Strychnos), lá và hột của nó có chất Mã tiền tinh (Strychnin) cực độc, ăn phải là tim ngừng đập chết ngay lập tức, nhưng nếu dùng với liều lượng nhỏ chỉ có các “thầy bùa” biết thì lại rất tốt, chữa được nhiều bệnh về thần kinh, xương khớp, phụ nữ lãnh cảm..vv. Vậy loại cây Mã tiền cũng được các “thầy bùa” sử dụng như chuyện “râu cọp” chăng? – ĐD).
Ếm bùa làm cho con người chết từ từ nhưng riêng nèm bùa thì sẽ làm cho con người chết ngay lập tức, nhưng ít người dùng vì nó tàn độc, hại người, nó như một con dao hai lưỡi có thể phản lại ngay chính bản thân thầy nèm. Nèm bùa có nhiều loại, bên cạnh loại nèm bùa độc ác làm chết người còn có nhiều cách nèm bùa khác lại cứu người, làm nhiều điều tốt.
Nếu như ếm bùa chỉ truyền cho người trong dòng tộc, người phải có duyên mới học được và phải kiêng kỵ , không được chui qua dây phơi quần áo và đồ dùng phụ nữ; thì nèm bùa bất kỳ ai cũng có thể học được, lại không phải kiêng khem. Có nhiều cách nèm khác nhau, có loại nèm khiến người ta say rượu. Khi muốn cho ai mau say rượu, chỉ việc nèm bùa vào ly rượu, cho dù người đó tửu lượng cao đến đâu cũng chỉ cần một ly là sẽ say li bì bất tỉnh nhân sự suốt mấy ngày liền.
Nèm săn thú, nèm bắt cá được nhiều người biết, tuy nhiên loại nèm này thường có những câu thần chú mà người học nèm phải theo như: “… Tôi nguyện sống độc thân suốt đời không vợ không con”. Mỗi khi đi nèm, cá sẽ tự chui vào lưới, thú ở đâu lù lù xuất hiện, chỉ việc giơ súng lên bóp cò. Nhìn chung ít khi đi nèm mà về tay không, song phải sống độc thân suốt đời thì cũng thiệt thòi.
Nèm cá thì không không phải chia cho ai, còn nèm thú thì khi nèm được bất cứ loại thú nào cũng phải chia cho cả bản cùng hưởng, xem như san sẻ “nghiệp chướng” của mình cho mỗi người gánh một ít.
Ngoài ra, nếu nèm được thú rừng thuộc loại trung bình như hươu, nai…, tương ứng với nó sẽ có một con vật nuôi trong nhà như chó, mèo… sẽ phải chết theo. Nếu nèm được những con vật mạnh mẽ như hổ, báo, gấu… thì vật hy sinh “mạng đổi mạng” có khi lại chính là người trong gia đình thầy nèm, vì vậy nên nèm săn thú ít được người Mường sử dụng.
Bên cạnh những loại nèm kể trên còn có những loại nèm dùng để chữa bệnh như rắn cắn, trẻ con khóc đêm, trâu bò bị bệnh… Nèm chữa rắn cắn được nhiều người biết, mỗi khi có người bị rắn độc cắn, thầy nèm sẽ dùng lá cây rừng nhai vào miệng, lẩm nhẩm đọc thần chú rồi thổi vào vết rắn cắn, chỉ một lúc nọc rắn sẽ được trục ra ngoài. Có nhiều trường hợp bệnh nhân đã bị bệnh viện trả về do nọc độc đã ngấm vào tim không thể chữa nổi, song gặp được thầy nèm cao tay thì chất độc sẽ nhanh chóng được hóa giải, mang lại sự sống.
Sau khi kể toàn bộ những hiểu biết của mình cho các phóng viên nghe về bùa ngải, ông Thuấn lúc này mới tiết lộ là ông không biết nèm thú nhưng biết nèm cá. Ông đã vác lưới ra sông là sẽ có cá mang về ăn và ông còn biết nèm chữa bệnh cho trâu, bò.
Theo đó, những con trâu không may bị thương tích do đá núi quẹt phải chẳng hạn, rồi ruồi bâu đậu vào, đẻ trứng, sinh ra dòi bọ nhiều vô kể, ông chỉ việc vẽ hình con trâu ra giấy, lấy tay chỉ vào khu vực bị dòi bọ bám, rồi ông ngửa cổ lên trời miệng lẩm nhẩm đọc thần chú, mang tờ giấy đó ra chuồng trâu đốt, một lúc sau toàn bộ dòi bọ sẽ chết và tự rụng xuống đất.
Cây ngải làm bùa yêu
Ở miền núi cao huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, các phóng viên vô tình được những người già trong thôn Bướp, xã A Tiêng kể về những câu chuyện bùa yêu của người Cơ Tu từ bao đời nay.
Nhà của người Cơ Tu, Quảng Nam
Những câu chuyện huyễn hoặcRất ít người biết được những bí mật của bùa yêu nhưng có những câu chuyện của chính những người biết bùa yêu cùng loại cây cỏ lạ lùng có tên Ameer đã khiến những người ít tin vào chuyện huyễn hoặc phải mê mẩn. Anh Atin Minh, Trưởng thôn Bướp vừa là người dẫn đường, cũng vừa là người thông dịch, bởi vì như anh nói: “Hầu hết người già ở đây đều không biết tiếng Kinh, và cũng chỉ có những người già mới biết bí mật của ngải yêu chứ người trẻ không ai biết cả!”.
Anh Minh nói: “Người Cơ Tu biết nhiều bùa ngải, nhưng chỉ có ngải yêu được nhiều người nghe, chứ ngải độc thì không thể nói cho ai biết được. Bà Bươn biết nhiều ngải lắm đó!”.
Căn nhà của bà Bươn chơi vơi giữa rừng chiều sau cơn mưa. Khi mọi người đến, bà Bươn đang ngồi ăn trầu bên bếp lửa, thấy khách vào bà vội kéo gọn mấy thanh củi cháy dở trong bếp lửa cho ngọn lửa bùng lên tỏa ấm căn nhà của mình.
Theo anh Atin Minh thì bà Bươn cưới được chồng nhờ một lần làm bùa yêu bằng một loại cây ngải bí mật ở trong rừng. Bà Bươn thừa nhận chuyện này và kể (do anh Atin Minh thông dịch): “Chỉ cần một lá ngải thôi, mang về lấy nước sương trên lá cây, chà nát lá ngải bằng tay rồi thấm nước sương, sau đó lén bỏ vào túi áo, túi quần hay dưới chỗ nằm, hoặc xát lên người kia, thế là sẽ yêu cho đến tận lúc chết. Nhưng không được để “nó” biết, nếu “nó” biết sẽ phản tác dụng. Mỗi năm lại phải bỏ ngải một lần và không được để người ruột thịt khác giới “dính” phải ngải đó, nếu họ “dính” phải thì có tội lắm!”. Bà Bươn cũng thành thật cho biết, từ trước đến giờ bà đã cho ngải nhiều người phụ nữ để họ lấy được chồng như ý, trong đó có một cô con gái bà.
Bà Bươn, thầy “bùa yêu” rất nổi tiếng người Cơ Tu, Quảng Nam
Nhưng khi các phóng viên muốn xem “mặt mũi” cây ngải mà bà đã dùng để làm bùa yêu thì bà Bươn nhất định không chịu. Phải mất cả buổi thuyết phục, cộng với sự đảm bảo của anh trưởng thôn Atin Minh, bà Bươn mới hé lộ bí mật về cây ngải mà bà đã dùng. Bà bảo hiện vẫn “nuôi” ở gần khu vực căn nhà bà đang ở. Với tay lấy đồ nghề đi rừng, bà Bươn bước xuống cầu thang và nói với anh Atin Minh mấy câu bằng tiếng Cơ Tu, chỉ thấy anh Minh gật đầu rồi dặn mọi người không được đi theo.
Khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ sau, bà Bươn trở lại và trên tay cầm một bụi cây không thân, lá màu xanh hình lưỡi kiếm, dài khoảng vài phân, có củ nhỏ giống như loài địa lan. Các phóng viên săm soi xem liệu đó có phải là cây ngải yêu của bà Bươn không. Anh Minh nói nhỏ: “Chỉ có mình bà Bươn là biết loài cây này sống ở đâu, ngoài ra không ai biết cả”. Chúng tôi muốn xin bà một lá để mang về nhờ người tìm hiểu nhưng nhìn cái cách bà phản ứng bằng tiếng Cơ Tu với anh phiên dịch, chúng tôi hiểu mình không được phép làm điều gì đó thất lễ nên chỉ xin được chụp ảnh.
Theo bà Bươn, trong làng có một người được bà cho ngải, đã lấy được người chồng như ý mình là chị A Rất Thị Bê. Đến nay chị Bê hơn 40 tuổi, đã có 3 đứa con. Nghe vậy chúng tôi lại quyết định tìm gặp chị Bê để nghe cho tận tường câu chuyện.
Chị Bê kể rằng lúc mới 16 tuổi, chị “bắt” chồng nhưng chưa kịp thì chồng chị ngã núi chết trong một lần đi săn. Dùng ngải của bà Bươn cho, chị cưới được người chồng thứ hai. Cách bỏ ngải của bà Bươn cũng đơn giản, chỉ xoa ngải lên tay và lưng “đối tượng” nên dễ làm.
Chị Bê còn cho biết thêm, cách đây khá lâu bà Bươn cũng cho một số phụ nữ ngải yêu để tìm chồng. Đó là những cô giáo người Kinh ở vùng xuôi được bổ lên đây dạy học. Vì ở nơi xa xôi lại khác biệt về văn hóa nên nhiều cô khi được phân về xuôi công tác đã lâm vào cảnh quá lứa lỡ thì. Vì thương các cô giáo nên bà Bươn mới cho ngải yêu đem về xuôi. Chi Bê cũng không biết các cô giáo có dùng bùa và có hiệu nghiệm hay không.
Bí mật về các loại cây kỳ lạ làm nên bùa yêuGià Làng Alăng Sân, 85 tuổi, ở làng Arhôông, xã A Tiêng (huyện Tây Giang, cùng tỉnh Quảng Nam) cho biết: “Cây ngải hiện có đến mấy chục loại cùng họ. Trong đó có mấy loại cây có khả năng thông linh giữa con người và tạo hóa, là nguyên liệu chính để người Cơ Tu xưa sử dụng làm bùa yêu, vẫn là điều bí ẩn muôn đời mà chỉ một số ít người được biết. Chính vì câu chuyện nói trên mà việc dùng ngải yêu của người Cơ Tu hết sức nghiêm ngặt và không nhiều người làm được. Tại ngôi làng này, có một người đàn bà rất giỏi làm bùa yêu, đó là bà Alăng Thị Ahút nay đã 90 tuổi, có 3 đời chồng, 10 con, 14 cháu. Bà từng làm ngải yêu cho hàng chục phụ nữ Cơ Tu ở nhiều làng, mỗi lần làm ngải yêu được đổi lấy một tấm tút”. (Chú thích: Tấm “tút” : tấm thổ cẩm).
Ông Bhriu Liếc, nguyên Trưởng ban Dân tộc – Miền núi huyện Tây Giang khẳng định: “Chuyện ngải yêu là có thật. Đồng bào Cơ Tu, Bhnoong, Xê Đăng ở đây còn có nhiều loại ngải công dụng khác nữa”. Một già làng người Cơ Tu cho biết: “Trước đây, cây ngải yêu có một số người trồng bí mật ở trong rừng, người có nhu cầu cần một lá ngải yêu, phải trả giá từ vài con heo hoặc đổi vài tấm tút. Theo tập quán, ngải yêu chỉ truyền cho người nữ, không truyền cho người nam. Kể từ sau năm 75, đồng bào được vận động sống văn minh nên cây ngải yêu đã mất dần và bị đẩy lùi ra khỏi cộng đồng của người Cơ Tu trên dãy Trường Sơn”.
Tiến sĩ Trần Tấn Vịnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Nam cho biết: Theo các nhà khoa học thì các loại thảo dược được đồng bào nuôi trồng, chăm sóc, bào chế và sử dụng theo phương pháp bí truyền, trở thành các loại hiếm, có thể trở thành thuốc độc hoặc thuốc để cứu người. Cây ngải, loại dược liệu chính để làm bùa yêu hay bùa độc mà những người dân tộc thiểu số sử dụng có rất nhiều loại và được pha trộn thêm với một số dược liệu khác.
Ví dụ cây ngải rọm có công dụng tránh thai, phá thai, chữa bệnh máu trắng ở phụ nữ. Nhân sâm Ngọc Linh nổi tiếng vốn được phát hiện từ loại ngải được đồng bào gọi là cây “thuốc giấu”. Riêng cây ngải yêu lại là một loại ngải đặc biệt. Thực ra loại cây ngải này được bà con dân tộc làm “bùa yêu” vì nó có chứa chất kích thích tình dục. Loại hương liệu này nếu biết cách bào chế, sử dụng với các thủ thuật đặc biệt sẽ để lại “mùi” lạ lùng tạo ra sự “thèm muốn” khó quên, khó cưỡng lại cho người bị bỏ bùa. Vì thế bùa ngải chỉ là chất xúc tác ban đầu nối kết hai người, còn về sau, thì như quy luật hôn nhân gia đình, sự gần gũi sẽ kết dính thành tình nghĩa, thành hạnh phúc, lúc đó đâu cần đến loại ngải kia.
Tuy nhiên, chuyện bùa ngải đã bị huyền bí hóa và nó trở thành một phần trong đời sống tâm linh của những bộ tộc thiểu số. Chính vì bí truyền nên các loại ngải cũng được bao phủ lớp sương huyễn hoặc. Các thầy cúng, thầy pháp lợi dụng ngải, đánh vào lòng cả tin của đồng bào, tạo nên những hủ tục cúng ma, “thổi” bệnh đánh vào lòng mê tín của đồng bào…
TS Trần Tấn Vịnh nhận xét: “Chỉ đáng tiếc, việc nghiên cứu khoa học để khai thác nguồn thảo dược quý hiếm, bí truyền của đồng bào dân tộc thiểu số tại các khu vực nói trên vẫn chưa được thực hiện nhiều và có có hệ thống. Nếu làm được điều này, những loại dược liệu mà bà con đã dùng để làm bùa ngải sẽ là những nguồn dược liệu vô giá”.
Đoàn Dự